Mỹ-Nhật-Hàn đồng thanh lo ngại việc Trung Quốc leo thang ở Biển Đông

17/04/2015 06:42
Hồng Thủy
(GDVN) - Các nhà ngoại giao Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm qua Thứ Năm đã lên tiếng bày tỏ mối quan ngại về những động thái của Trung Quốc.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken. Ảnh: Fnews/Washington Post.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken. Ảnh: Fnews/Washington Post.

The Straits Times ngày 17/4 đưa tin, các nhà ngoại giao Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm qua Thứ Năm đã lên tiếng bày tỏ mối quan ngại về những động thái của Trung Quốc nhằm "giành thị phần" (thực tế là độc chiếm phi pháp) Biển Đông, đồng thời 3 nước thúc giục Bắc Kinh tôn trọng tự do hàng hải trên tuyến giao thông quan trọng này.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken nhắc lại lập trường của Hoa Kỳ rằng các tranh chấp chủ quyền - hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông cần được xử lý theo quy định của pháp luật. Các bên liên quan không nên có hành động đơn phương, ông nhấn mạnh sau những hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông khi dự hội đàm 3 bên với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc.

"Chúng tôi có sự đồng thuận rằng, sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc đáng được hoan nghênh. Nhưng đồng thời Trung Quốc là một cường quốc không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới, do đó họ có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế", Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki tuyên bố. "Trung Quốc có trách nhiệm giải quyết đúng đắn các mối quan tâm đang được chia sẻ bởi các thành viên khu vực châu Á".

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (vô lý và phi pháp) với hầu như toàn bộ Biển Đông bằng cách sử dụng đường 9 đoạn lần đầu tiên được Trung Quốc vẽ ra trên bản đồ trong những năm 1940. Sau cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012, Bắc Kinh đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này từ tay Manila.

Hình ảnh vệ tinh hiện nay cho thấy Trung Quốc đã xây dựng và mở rộng 7 bãi đá, rặng san hô trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc cất quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988, 1995 đến nay).

Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yong kêu gọi các bên thực hiện khuôn khổ hiện tại để bảo vệ tự do hàng hải, sự ổn định ở Biển Đông. Ông cũng kêu gọi nhanh chóng kết thúc đàm phán bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và  ASEAN. Điều đó sẽ cho phép các quốc gia như Hàn Quốc duy trì các hoạt động vận tải hàng hóa an toàn qua Biển Đông.

Hồng Thủy