Mỹ-Philippines: Cần ngăn chặn hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

23/01/2015 10:36
Đông Bình
(GDVN) - "Nước lớn (Trung Quốc) không nên ăn hiếp nước nhỏ, các nước ASEAN cần quan tâm tới các hành vi đe dọa ổn định khu vực, Philippines là đồng minh vĩ đại..."

Quan ngại hành động bất hợp pháp và kêu gọi ngăn chặn

Ngày 21 và 22 tháng 1, một loạt các tờ báo điện tử Trung Quốc, Hồng Kông như Tân Hoa xã, “Thời báo Hoàn Cầu”, “Tin tức Trung Quốc”, báo “Phượng Hoàng”… đã đăng các bài viết liên quan đến Biển Đông xoay quanh Đối thoại chiến lược song phương Mỹ-Philippines lần thứ 5.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear (trước đây là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam) cùng với Ngoại trưởng Philippines Rosario
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear (trước đây là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam) cùng với Ngoại trưởng Philippines Rosario

Theo báo Trung Quốc, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Daniel Russell đã dẫn đầu đoàn đại biểu đến thăm Philippines 2 ngày - từ ngày 20 đến ngày 21 tháng 1 năm 2015, cùng với phía Philippines tiến hành Đối thoại chiến lược song phương lần thứ 5.

Trong cuộc đối thoại chiến lược này, về phía Mỹ có Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russell và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear; về phía Philippines có Thứ trưởng Ngoại giao Evan Garcia và Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino. Hai bên đã thảo luận cách thức tăng cường hợp tác giữa Mỹ-Philippines trên phương diện kinh tế và quốc phòng-an ninh; đồng thời tập trung bàn về vấn đề nhạy cảm – tranh chấp Biển Đông.

Trong hội đàm song phương, quan chức ngoại giao và quốc phòng hai nước Mỹ-Philippines đã khẳng định, hành động lấn biển xây đảo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) là không phù hợp với luật pháp quốc tế (bất hợp pháp), kêu gọi các nước liên quan cùng nhìn thẳng vào “vấn đề hành vi” của Trung Quốc.

Ông Daniel Russell nhấn mạnh, Trung Quốc thực sự triển khai lấn biển ở “khu vực nhạy cảm có tranh chấp chủ quyền” Biển Đông. Tình hình Biển Đông là vấn đề mà tất cả các nước Thái Bình Dương đều phải quan ngại, đặc biệt là Mỹ và các nước có nhu cầu tự do hàng hải và lệ thuộc vào lưu thông thương mại không trở ngại khác.

Ông chỉ ra, Mỹ trông đợi Trung Quốc và các nước láng giềng ký kết Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) có khả năng ràng buộc, trước đó hy vọng các bên tự kiềm chế.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell phát biểu với báo giới
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell phát biểu với báo giới

Ông Russell cho biết, Chính phủ Mỹ nhất quán kêu gọi Trung Quốc hết sức tuân thủ cam kết, hành động theo luật pháp quốc tế, “hành vi của Trung Quốc, dựa vào luật pháp quốc tế để làm rõ yêu sách lãnh thổ biển đều là nội dung quan trọng của đối thoại ngoại giao Mỹ-Trung”. Ông Russell nói thêm, Mỹ hy vọng cùng Trung Quốc duy trì quan hệ song phương ổn định và mang tính xây dựng.

Theo Russell, tất cả các thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đều cần nhìn thẳng vào tầm quan trọng của giải quyết hòa bình tranh chấp theo luật pháp quốc tế, đồng thời ứng phó với “các hành vi đe dọa ổn định khu vực”.

Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino dẫn tin tình báo quân đội cho biết, Trung Quốc tiếp tục hoạt động lấn biển quy mô lớn (bất hợp pháp) ở khu vực liên quan Biển Đông, điều này làm cho Philippines “đặc biệt quan ngại”.

Ông Batino đã khẳng định có chứng cứ về các hành động mở rộng lấn biển (bất hợp pháp) của Trung Quốc, các bức ảnh chụp được đủ để chứng minh Trung Quốc đã có hành động leo thang ở Biển Đông, nhưng Philippines không công bố những chứng cứ này tại cuộc họp báo cùng ngày.

Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Evan Garcia cũng đã phê phán Trung Quốc cho rằng, những hoạt động (bất hợp pháp) này rõ ràng đã vi phạm "Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông" (DOC), không có lợi cho giải quyết tranh chấp.

Hình ảnh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn worpress.com)
Hình ảnh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn worpress.com)

Sau hội đàm với phía Mỹ, ông Evan Garcia còn cho hay, Philippines sẽ không thay đổi quyết định thông qua con đường pháp lý hiện nay, tức là thông qua vụ kiện trọng tài để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Trung Quốc đã tỏ ra đặc biệt lo ngại về khả năng thụ lý của tòa trọng tài quốc tế và khả năng thắng kiện của Philippines. Nếu bất lợi về pháp lý, Trung Quốc sẽ hết sức mất mặt trên trường quốc tế, sẽ cực kỳ “khó ăn khó nói” khi xử lý các quan hệ quốc tế, nhất là khi Trung Quốc đang tìm cách làm “lãnh đạo khu vực và toàn cầu”, tìm cách xác lập trật tự khu vực và thế giới mới có lợi cho các mục tiêu của họ.

Trong cuộc họp báo, ông Russell cho biết, Mỹ và Philippines từng lần lượt thúc giục Trung Quốc chấm dứt mọi hành động có thể gây ra tình hình căng thẳng hơn. Vào tháng 2 năm 2014, tại Quốc hội Mỹ, ông Russell đã tuyên bố, "đường chín đoạn" do Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông không phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Trung Quốc cần tiến hành điều chỉnh đối với "đường chín đoạn".

Đáng chú ý, vấn đề Biển Đông cũng được thể hiện khá dài trong Tuyên bố chung giữa hai nước sau cuộc đối thoại chiến lược lần này.

Tuyên bố cho biết, Mỹ và Philippines đã trao đổi ý kiến sâu sắc về tình hình khu vực và toàn cầu cùng các biện pháp bảo đảm cho đồng minh Philippines-Mỹ “tiếp tục phát huy vai trò đối với hòa bình, ổn định khu vực”.

Hai bên bày tỏ quan ngại về sự phát triển của tình hình Biển Đông, tái khẳng định tranh chấp Biển Đông cần căn cứ vào luật pháp quốc tế, thông qua các biện pháp ngoại giao và các biện pháp hòa bình khác, bao gồm sử dụng trọng tài quốc tế để giải quyết, hai bên phản đối “các hành động đơn phương làm trầm trọng hơn tình hình”.

Hình ảnh một phần đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn worpress.com)
Hình ảnh một phần đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn worpress.com)

Tuyên bố chung cũng cho hay, Philippines-Mỹ tái khẳng định cam kết kiên định đối với “Hiệp ước phòng thủ chung” mà hai nước ký kết vào năm 1951. Hai bên quyết định, tiếp tục áp dụng các biện pháp hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường năng lực phòng thủ của mỗi bên và phòng thủ tập thể trong các vấn đề như chống khủng bố, an toàn hàng hải và giám sát biển, đồng thời tăng cường ứng phó rủi ro - quản lý rủi ro thảm họa, đề phòng thảm họa và phản ứng nhanh sau thảm họa.

Nhưng, Trung Quốc tuyên bố quyền lợi biển của họ ở Biển Đông được "hình thành trong lịch sử" và "được luật pháp quốc tế bảo vệ". Điều này thì các nhà lãnh đạo thế hệ hiện nay của Trung Quốc nên nhìn lại lịch sử chính thống của họ và cũng nên tham khảo các tư liệu lịch sử của Việt Nam để “rộng tầm mắt hơn”, để biết rõ mình thế hệ trước của họ đã đi xâm lược biển đảo của nước khác, để không lầm tưởng cho rằng biển đảo ở Biển Đông la "đất đai do lão tổ tông để lại", rồi cố đấm ăn xôi với giấc mơ viển vông ở Biển Đông.

Tại cuộc họp báo sau hội nghị, ông Daniel Russell nhấn mạnh, Đối thoại chiến lược song phương Mỹ-Philippines hoàn toàn không nhằm vào bất cứ nước nào. “Đồng minh Mỹ-Philippines hoàn toàn không phải là nhằm vào nước thứ ba, mà là bảo vệ hòa bình và ổn định”.

Ông Daniel Russell còn gọi Philippines là “bạn cũ”, “đối tác quan trọng” và “đồng minh vĩ đại” của Mỹ, nhấn mạnh Đối thoại chiến lược song phương “rất quan trọng” đối với thúc đẩy trao đổi, phối hợp giữa hai nước.

Hinh ảnh Trung Quốc xây dựng các công trình bất hợp pháp ở đá Gạc Ma trên mạng sina Trung Quốc ngày 9 tháng 12 năm 2014.
Hinh ảnh Trung Quốc xây dựng các công trình bất hợp pháp ở đá Gạc Ma trên mạng sina Trung Quốc ngày 9 tháng 12 năm 2014.

Mặt khác, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear cho rằng, Mỹ tiếp tục “ra sức ủng hộ” kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Philippines, ngoài cung cấp viện trợ quân sự từ năm 2001 đến nay, năm 2015 còn có kế hoạch cung cấp 40 triệu USD viện trợ quân sự. Đáng chú ý, vào ngày 28 tháng 4 năm 2014, Philippines-Mỹ đã ký kết “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường”.

Được biết, Trung Quốc tiến hành hoạt động lấn biển xây đảo bất hợp pháp từ tháng 5 năm 2014, nhiều tàu chiến Trung Quốc đã tham gia để hỗ trợ cho hoạt động bất hợp pháp này.

Đài Loan cho rằng, Quân đội Trung Quốc đã lấp được một khu vực rộng tới 120.000 m2, tương đương khoảng 17 sân bóng đá. Thông qua thi công bất hợp pháp, đá Gạc Ma hiện đã được trồng nhiều cây cối và trên đảo còn xuất hiện công trình lớn. Tòa nhà ở đây hiện đã xây ít nhất 5 tầng.

Đá Gạc Ma có tọa độ 9o43'9'' vĩ độ Bắc, 114o16'57'' kinh độ đông, nằm ở góc tây nam của cụm đảo Sinh Tồn, phía bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Báo Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền xuyên tạc đá Gạc Ma của Việt Nam là "lãnh thổ của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa", thuộc "thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam".

Sự xuyên tạc liên tục và thường xuyên này đã làm cho nhiều người dân Trung Quốc, nhất là dân mạng hiểu lầm về lãnh thổ của họ.

Trên thực tế, ngoài quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm lược năm 1956, 1974, Việt Nam cũng bị Trung Quốc tấn công xâm lược vào năm 1988 và cướp đi một số đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, đặc biệt đau thương là cuộc chiến đá Gạc Ma năm 1988 đã khiến cho 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh; các hành động bành trướng sau này của Trung Quốc tiếp tục xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Ngay cả trong năm 2014, Trung Quốc cũng đã hùng hổ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là trong vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981.

Tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành số hiệu 571 Type 054A cùng nhiều tàu chiến-máy bay khác (tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071, tàu tuần tiễu tên lửa...) của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc từng hỗ trợ cho giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển của Việt Nam trong năm 2014
Tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành số hiệu 571 Type 054A cùng nhiều tàu chiến-máy bay khác (tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071, tàu tuần tiễu tên lửa...) của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc từng hỗ trợ cho giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển của Việt Nam trong năm 2014

Trung Quốc vẫn luôn miệng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa – Việt Nam cùng vùng biển lân cận của nó hòng hợp pháp hóa "thành quả xâm lược" của họ trước đây. Nhưng họ sẽ không bao giờ đạt được mục đích biến lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam thành lãnh thổ, lãnh hải của họ một cách hợp pháp.

Những tuyên bố kiểu như "hành động của Trung Quốc ở bất cứ đảo, đá ngầm nào đều là việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, không liên quan đến nước khác" chỉ là lý sự cùn, đó vẫn là những hành động nằm trong chuỗi hành động bất hợp pháp mà Trung Quốc không ngừng tiến hành, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp DOC và điều này đang cản trở con đường tiến tới đạt được COC.

Trung Quốc phản ứng

Theo Tân Hoa xã ngày 22 tháng 1, trong cuộc họp báo cùng ngày, khi có phóng viên nêu lên việc Mỹ và Philippines bày tỏ “quan ngại về vấn đề Biển Đông” và yêu cầu “nước lớn không thể ăn hiếp nước nhỏ”, Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao của họ có tên là Hoa Xuân Oánh cho rằng:

“Trong quan hệ quốc tế, Trung Quốc luôn đề xướng các nước lớn nhỏ đều bình đẳng, phản đối nước lớn ăn hiếp nước nhỏ, đồng thời cũng cho rằng nước nhỏ không thể cố tình gây sự. Các nước lớn nhỏ đều bình đẳng, đây không chỉ là chỉ bình đẳng về quyền lợi, mà còn chỉ bình đẳng trong áp dụng thích hợp các quy tắc quốc tế”.

“Cụ thể trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ lập trường nguyên tắc. Trung Quốc nhất quán kiên trì thông qua đối thoại, đàm phán dùng phương thức hòa bình để xử lý tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển với các nước có liên quan. Các bên đương sự liên quan cần bằng hành động thực tế, thực hiện toàn diện và có hiệu quả DOC, cùng bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực Biển Đông”.

“Nước không đương sự cần giữ lập trường khách quan, công bằng trong vấn đề Biển Đông, nói nhiều lời có lợi cho tin cậy lẫn nhau, hợp tác, làm nhiều việc thực sự có lợi cho bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực, ít nói những lời gây chia rẽ, thị phi, xúi bẩy gây chuyện/thêm dầu vào lửa”.

Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh
Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh

Qua phát biểu của phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc có thể thấy, hành động của Trung Quốc trong vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 thời gian từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014 không phải là “nước lớn ăn hiếp nước nhỏ”?

Trung Quốc nói “bình đẳng về quyền lợi”, sao không tôn trọng quyền lợi của Việt Nam về vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển?

Trung Quốc nói họ tuân thủ các quy tắc quốc tế, sao họ lại không dám tham gia vụ kiện trọng tài của Philippines? Sao lại “lấn biển xây đảo” ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam – vi phạm nghiêm trọng DOC? Sao lại không quan tâm đến chứng cứ pháp lý của “lão tổ tông” họ và chứng cứ pháp lý của Việt Nam về chủ quyền biển đảo ở Biển Đông? Trung Quốc yêu cầu nước khác như vậy, sao không tự mình làm gương?

Trung Quốc yêu cầu nước khác nói nhiều lời “có lợi”, làm nhiều việc “có lợi” (cho bản thân họ), vậy thì họ nên làm trước. Chúng ta đã chứng kiến những lời nói vô cùng đáng quan ngại từ phát ngôn của quan chức cùng truyền thông Trung Quốc trong nhiều thời điểm, nhất là thời gian từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014 – khi mà Trung Quốc hùng hổ dọa nạt Việt Nam trên Biển Đông. Trong thời gian đó, Trung Quốc cũng có vô vàn các hành động khiêu khích, uy hiếp, đe dọa.

Những gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác – lão tổ tông của người Trung Quốc đã nói như vậy. Không nên biến biển đảo của nước khác làm của mình, hành động xâm lược không bao giờ được coi là hợp pháp, nhất là trong thời đại văn minh hiện nay.

Đông Bình