Nên hiểu bình luận về Biển Đông của Thủ tướng Singapore như thế nào?

30/09/2013 10:07
Hồng Thủy
(GDVN) - Những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở vận dụng khác nhau các nguyên tắc luật pháp quốc tế mà nhân loại đã dày công xây dựng “không thể giải quyết, chỉ có thể quản lý” thì hoàn toàn không phải. Nhận định của ông Lý Hiển Long về mặt pháp lý, về chân lý, xét về lợi ích quốc gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chúng ta không thể chấp nhận được.

Ngày 23/9, tờ Inquirer của Philippines đăng bài viết của John Nery, một trong 15 nhà báo ASEAN phỏng vấn Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, trong đó ông Lý Hiển Long có đưa ra một số bình luận đáng chú ý khi cho rằng tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông “chỉ có thể quản lý, không thể giải quyết”, đồng thời ông kêu gọi các bên tranh chấp cùng khai thác nguồn tài nguyên trên Biển Đông.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.


Bình luận của Thủ tướng Lý Hiển Long về vấn đề Biển Đông đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận, có người đồng tình và cũng không ít người còn băn khoăn. Xung quanh vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.


- PV: Thưa Tiến sĩ Trần Công Trục, vừa qua các phương tiện truyền thông quốc tế có đưa một số bình luận của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long xung quanh vấn đề Biển Đông khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trong đó ông Lý Hiển Long nhận định rằng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông “chỉ có thể quản lý, không thể giải quyết được”. Xin Tiến sĩ vui lòng chia sẻ một số nhận định của ông xung quanh bình luận này của Thủ tướng Singapore?

- Ts Trần Công Trục: Theo dõi các diễn biến xung quanh tình hình Biển Đông thời gian vừa qua tôi thấy hoạt động ngoại giao của các chính khách khu vực và quốc tế xung quanh vấn đề Biển Đông đã thu hút sự chú ý của dư luận, đồng thời dẫn tới nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong đó có bình luận của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Phát biểu của ông Long được đưa ra trong bối cảnh có những quan điểm lạc quan, phấn khởi trước động thái ASEAN - Trung Quốc (TQ) khởi động quá trình tham vấn COC cũng như việc các chính khách khu vực và quốc tế tỏ ra rất quan tâm đến tình hình Bển Đông, ủng hộ các giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, mong các bên kiềm chế, ngồi lại với nhau dàn xếp, loại bỏ mầm mống xung đột ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và lợi ích khu vực cũng như thế giới. Các nước lớn như Mỹ , Nhật, Singapore, Ấn Độ, Nga, EU và các nước trong khu vực Đông Nam Á đều rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông.

Đồng thời nhiều người cũng băn khoăn suy nghĩ về các hoạt động trên thực tế của phía TQ, đã có những ý kiến qua lại, phản đối, những tiếng nói căng thẳng giữa các quốc gia liên quan như việc TQ tiếp tục thả 75 khối bê tông ngoài Scarborough để xây công sự bất hợp pháp, đóng quân trái phép lâu dài, tiếp tục bao vây và gây sức ép với Philippines để nhảy vào Bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc, Đài Loan, Philippines cũng tuyên bố “chủ quyền” đối với khu vực này)... Tất cả những hiện tượng đó khiến người ta quan tâm.

Thủ tướng Singapore Lý hiển Long, một nhà lãnh đạo có tiếng, rất có uy tín trong khu vực và trên quốc tế vừa có những chuyến thăm hết sức có ý nghĩa đến các nước trong khu vực, đặc biệt là ông đã đưa ra những ý kiến của mình về Biển Đông.

“Tranh chấp Biển Đông không thể giải quyết mà chỉ có thể quản lý”, ông Lý Hiển Long kêu gọi các bên cùng khai thác, hợp tác trên vùng biển tranh chấp. Rõ ràng quan điểm của ông Lý Hiển Long có ảnh hưởng rất lớn không chỉ trong khu vực và quốc tế khi ông đưa ra những phát biểu như trên, có những ý kiến tán đồng cho rằng quan điểm này có ý nghĩa và có tính chất thực tiễn nhưng cũng không ít người cảm thấy băn khoăn, suy nghĩ.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.


Theo tôi, đầu tiên cần phải hiểu rõ bình luận trên của ông Lý Hiển Long về Biển Đông xuất phát từ đâu và có ý nghĩa như thế nào. Với tư cách là người nghiên cứu về pháp lý và các tranh chấp trên Biển Đông trong một thời gian khá dài, qua nghiên cứu các phát biểu của các giới khác nhau, tôi cho rằng ở góc độ của Singapore, các bên có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, yêu sách trên Biển Đông chưa cần biết ai đúng ai sai, nhưng nếu đụng độ, mâu thuẫn căng thẳng dẫn tới xung đột thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của Singapore nếu tuyến hàng hải huyết mạch này bị ngăn chặn. 

Singapore phát triển nhờ dịch vụ hàng hải qua eo biển Malacca, tuyến hàng hải trên Biển Đông có thể xem như là nguồn sống, nguồn thu nhập của quốc đảo Sư tử này, nếu bị ách tắc bởi tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Singapore. Do đó những phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long hay bất cứ quan chức Singapore nào đưa ra đều trên cơ sở bảo vệ lợi ích của họ. 

Không riêng gì ông Lý Hiển Long, bất kỳ nhà chính khách nào cũng vậy, khi họ phát biểu, bày tỏ quan điểm về các vấn đề khu vực hay quốc tế thì đầu tiên và trên hết đều xuất phát từ lợi ích của quốc gia họ, mặc dù Thủ tướng Singapore rất có thiện chí với các nước trong khu vực và chia sẻ những tổn thất mà các nước đang phải chịu trước những yêu sách, đòi hỏi, hoạt động vô lý, trắng trợn trên Biển Đông. Về khía cạnh chính trị, phát biểu của ông Lý Hiển Long cũng có những ý nghĩa thực tiễn của nó mà tôi nghĩ dư luận có thể hiểu được và chia sẻ với ông ở một mức độ nhất định.

Tuy nhiên, đứng trên cương vị của các quốc gia bị tổn hại lợi ích trên Biển Đông chúng ta cần xem xét cụ thể quan điểm của ông Lý Hiển Long về Biển Đông như thế nào. 

Về phương diện pháp lý, nói rằng không thể giải quyết được tranh chấp Biển Đông vì không bên nào chịu từ bỏ yêu sách của mình, nếu như vậy thì thế giới từ trước đến nay, các thế lực xâm lược, đô hộ, dùng sức mạnh áp đặt và thống trị nước khác luôn ở thế chiến thắng, còn các nước nhỏ, nước yếu nhưng có chân lý và lẽ phải luôn luôn bị thiệt thòi. Theo tôi, điều này đã từng xảy ra trước đây, nhưng không còn là câu chuyện của thế giới hôm nay. 

Những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở vận dụng khác nhau các nguyên tắc luật pháp quốc tế mà nhân loại đã dày công xây dựng “không thể giải quyết, chỉ có thể quản lý” thì hoàn toàn không phải. Nhận định của ông Lý Hiển Long về mặt pháp lý, về chân lý, xét về lợi ích quốc gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chúng ta không thể chấp nhận được.

Chúng ta phải có cách để đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, toàn vẹn, yêu sách hợp pháp, chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng ta phải làm, phải tìm cách giải quyết chứ không thể buông xuôi theo quan điểm của ông Lý Hiển Long, nếu buông xuôi tức là đã nhường thế thượng phong cho các thế lực chính trị cường quyền, điều này rất nguy hiểm trong chính trị quốc tế, trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các quốc gia, dân tộc nhỏ nhưng có chân lý và lẽ phải.

- PV: Theo ông, trong bối cảnh khó khăn và phức tạp như hiện nay, làm thế nào để tiến tới giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông một cách hòa bình, đúng luật và các bên liên quan, trong đó có Việt Nam bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình? Làm sao để tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng ASEAN về vấn đề Biển Đông khi mỗi thành viên tiếp cận vấn đề ở một mức độ khác nhau dựa trên những mối liên hệ và lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp khác nhau của mỗi bên?

- Ts Trần Công Trục: Tình hình hiện nay với rất nhiều động thái diễn ra, không ai muốn vì lý do bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích riêng của một dân tộc mà ảnh hưởng đến lợi ích chung, hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Chúng ta đang cố gắng làm sao giải quyết tranh chấp môt cách hòa bình, sẵn sàng ngồi đàm phán với các quốc gia liên quan, chúng ta cũng rất tích cực thúc đẩy quá trình thực hiện DOC và đàm phán, ký kết COC. Đó là những gì chúng ta đã, đang và sẽ làm với mong muốn giải quyết tranh chấp hòa bình, không để xảy ra xung đột. Hơn ai hết, chúng ta không bao giờ muốn chiến tranh hay đổ máu, chúng ta đang cố gắng làm điều đó.

Nhưng về nguyên tắc chúng ta không bao giờ chấp nhận để chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị xâm phạm, lợi ích quốc gia bị tước đoạt, về nguyên tắc chúng ta phải đấu tranh đến cùng, không thể vì lý do nào đó, lợi ích nào đó mà quên đi điều này.

Các quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc tham vấn COC tại Tô Châu vừa qua.
Các quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc tham vấn COC tại Tô Châu vừa qua.

Trên cơ sở phân tích như vậy, chúng ta có thể hiểu và chia sẻ phần nào những tuyên bố của lãnh đạo các nước liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp về Biển Đông. Muốn củng cố khối đại đoàn kết trong ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông đồng thời bác bỏ đường lưỡi bò phi pháp của TQ, theo tôi đầu tiên chúng ta phải đặt cương vị mình vào từng thành viên ASEAN để hiểu, chia sẻ phần nào những quan điểm của họ về Biển Đông trên cơ sở xuất phát từ lợi ích của họ. 

Chúng ta không thể đòi hỏi hay áp đặt các thành viên ASEAN khác phải hiểu và hành động như chúng ta, chúng ta chỉ có thể chia sẻ với họ, đồng thời nói rõ với các thành viên còn lại quan điểm của mình, phân tích rõ cái lợi và cái hại, đồng thời nỗ lực tìm ra một tiếng nói chung để đảm bảo lợi ích của các bên, khu vực và quốc tế.

Theo tôi chắc chắn các bên cũng hiểu rõ chủ trương vô lý của TQ ở Biển Đông nhưng vì lý do nào đó về lợi ích kinh tế, chính trị, ngoại giao họ không muốn nói thẳng, họ không phê phán đích danh, cụ thể mà chỉ nói nguyên tắc chung chung. Đó cũng là khó khăn khi chúng ta ngồi lại đàm phán với nhau xung quanh vấn đề này.

Chúng ta một mặt chia sẻ, đồng cảm, nhưng đồng thời cũng phải làm rõ nguyên tắc gác tranh chấp cùng khai thác có thể triển khai trong điều kiện nào, hoàn cảnh nào để thống nhất nhận thức.

Chúng ta phải vạch ra nguyên nhân chính tạo ra tranh chấp và tìm cách giải quyết đúng bản chất vấn đề, nếu chúng ta chỉ nêu ra khẩu hiệu và không làm rõ, vô hình chung chúng ta rơi vào thế ủng hộ quan điểm TQ đang áp đặt, vận động và mê hoặc, đây là điều chúng ta phải suy nghĩ. 

Về lâu dài, không những các bên liên quan trực tiếp sẽ bị ảnh hưởng mà các nước khác tưởng chừng không liên quan trực tiếp như Singapore, kết cục cuối cùng họ sẽ cũng phải chịu hậu quả nặng nề bởi quan điểm không rõ ràng về gác tranh chấp cùng hợp tác TQ đưa ra mà không có biện pháp xử lý cụ thể.

Nói rõ hơn, khi TQ đã biến yêu sách vô lý đường lưỡi bò của họ thành chính thức, họ độc chiếm và khống chế được Biển Đông làm bàn đạp vươn ra đại dương thành siêu cường quốc tế thì chắc chắn họ sẽ khống chế và làm chủ tuyến hàng hải trọng yếu này. Họ đã từng thăm dò thông qua các động thái ra văn bản luật kiểm soát tàu thuyền cũng như hoạt động bất hợp pháp thay đổi hiện trạng trên thực địa.

Quản lý tranh chấp như thế nào và khu vực nào, không thể có chuyện trong khu vực chủ quyền, thềm lục địa của nước này mà nước khác lại nhảy vào nói là của mình, biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp để đòi “quản lý vùng biển tranh chấp”

Chúng ta không bác bỏ thiện chí và động cơ của ông Lý Hiển Long mong muốn tạo ra ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển trong khu vực, nhưng nó phải có những nguyên tắc cần thiết của nó, không thể vô điều kiện. Nếu chúng ta nhân nhượng với những điều vượt qua nguyên tắc, chắc chắn chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả tai hại trong cuộc đấu tranh bảo vị lợi ích chính đáng của ta và lợi ích chung của khu vực.

Ngoài ra, một mặt chúng ta kiên trì đến cùng nỗ lực thúc đẩy đàm phán ngoại giao, mặt khác chúng ta phải chuẩn bị giải pháp dự phòng như Philippines khởi kiện TQ...Chúng ta không thể chỉ dựa vào 1 giải pháp, pháp lý là thế mạnh của chúng ta, muốn ngăn chặn âm mưu ý đồ bất hợp pháp của TQ, chúng ta phải nói rõ cho thế giới biết quan điểm, yêu sách hợp lý và bất hợp lý của các bên thông qua các cơ quan tài phán, trọng tài quốc tế. Chúng ta phải nghiên cứu và chuẩn bị điều này, không thể chỉ phản ứng bằng nguyên tắc và phản ứng chung chung.

- PV: Xin ông vui lòng phân tích kỹ hơn về đề xuất “cùng khai thác tài nguyên trên vùng biển tranh chấp” cũng như việc “quản lý vùng biển tranh chấp” trong bình luận về Biển Đông của Thủ tướng Singapore? Trong trường hợp nào có thể “cùng khai thác” hoặc “quản lý tranh chấp” và trong trường hợp nào không thể? Cái lợi cái hại ở đây là gì?

- Ts Trần Công Trục: Mặc dù “gác tranh chấp, cùng khai thác” là chủ trương đang được TQ tìm cách vận động, lôi kéo, thậm chí áp đặt nhưng với tiền đề phi lý không thể chấp nhận được, đó là “chủ quyền thuộc TQ”, tôi không cho rằng ông Lý Hiển Long phụ họa hay ủng hộ hoàn toàn chủ trương nói trên của TQ. Nhưng nếu như chỉ dừng lại ở khẩu hiệu chung chung đó mà không phân tích một cách rõ ràng cụ thể, sẽ xảy ra nhầm lẫn. 

Chúng ta phải hiểu rõ, trong thực tiễn và luật pháp quốc tế, gác tranh chấp cùng khai thác được áp dụng trong những trường hợp nào?

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) nói rất cụ thể, rất rõ về các giải pháp tạm thời khi các bên có những yêu sách chồng lấn trên các thềm lục địa hoặc vùng biển quốc tế được xác định trên cơ sở UNCLOS. 

Điểm 3 điều 74 và Điểm 3 điều 83 UNCLOS quy định rõ, trong khi chờ ký kết thỏa thuận, các quốc gia hữu quan trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn qua độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng.

Thực tiễn, Việt Nam chúng ta từng hoan nghênh và chủ động đưa ra giải pháp tạm thời đó như thỏa thuận hợp tác khai thác chung khu vực 2800 km2 giữa Việt Nam và Malaysia, giữa Việt Nam - Thái Lan và Malaysia, hay như trong đàm phán giữa ta với Indonesia đang tiến hành và Việt Nam đã chủ động đề xuất hợp tác khai thác chung trên các vùng chồng lấn. Chúng ta hoàn toàn thiện chí và vận dụng tốt các quy định đó vì lợi ích của cả hai bên liên quan đến các khu vực chúng ta đang đàm phán. 

Và nếu như trong những tranh chấp, các vùng biển chồng lấn bởi các yêu sách hình thành trên cơ sở UNCLSO, chúng ta sẵn sàng hợp tác và hợp tác khai thác chung. Vịnh Bắc Bộ đã phân giới rõ ràng, chúng ta vẫn sẵn sàng thỏa thuận hiệp định đánh cá chung với TQ tạo điều kiện cho đôi bên giải quyết công ăn việc làm, đời sống cho dân cư đôi bên từ trước đến nay vẫn tồn tại.

Chúng ta cũng ký thỏa thuận khai thác chung với TQ mỏ dầu vắt ngang qua đường biên giới trên vịnh Bắc Bộ, đó là những thực tiễn có ý nghĩa.

Vấn đề chúng ta không từ chối các giải pháp tạm thời trên cơ sở UNCLOS, nhưng TQ đưa ra quan điểm gác tranh chấp cùng hợp tác có những điều hết sức vô lý và nguy hiểm đó là đường lưỡi bò mà họ đòi yêu sách tới 85% diện tích Biển Đông chẳng dựa trên cơ sở pháp lý nào và hoàn toàn trái ngược với tinh thần của UNCLOS. Singapore có thể hoan nghênh quan điểm này vì họ có lợi ích, nhưng phải nói rõ ràng và sòng phẳng rằng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa TQ với các nước láng giềng không phải là các vùng biển chồng lấn bởi yêu sách các bên đưa ra trên cơ sở UNCLOS.

TQ đã dùng vũ lực đánh chiếm phi pháp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một số điểm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tuyên bố cái gọi là “chủ quyền” của họ với 2 quần đảo này cũng như 85% diện tích Biển Đông. Do đó phần lớn các khu vực tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với TQ không phải là tranh chấp vùng biển chồng lấn trên tinh thần của UNCLOS, vì vậy không thể áp dụng biện pháp “gác tranh chấp cùng khai thác” hay “quản lý các vùng biển tranh chấp” một cách chung chung được.

Riêng loại tranh chấp lãnh thổ này, tôi nghiên cứu nhiều án lệ chưa thấy một trường hợp nào cho thấy các bên gác hợp tác cùng khai thác trên các vùng lãnh thổ tranh chấp, đó là còn chưa kể đến việc TQ biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp để nhảy vào đòi hợp tác cùng khai thác, thậm chí họ còn đòi đặt điều kiện “chủ quyền thuộc về TQ”?!

Chấp nhận quan điểm của TQ gác hợp tác cùng tranh chấp ở Biển Đông là chấp nhận yêu sách đường lưỡi bò vô lý, điều này không chỉ xâm phạm chủ quyền 2 quần đảo  Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà còn xâm phạm trắng trợn và vô lý thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông.

Với tư cách là một đất nước có chủ quyền hợp pháp, chúng ta không thể nào để mất đi chủ quyền thiêng liêng của mình, cho dù chỉ là việc “gác tranh chấp cùng khai thác”. Không thể để TQ không có bất cứ lý lẽ nào đòi nhảy vào cùng khai thác trên vùng biển của chúng ta. Chúng ta cần phải nói rõ điều này với các nước bạn bè của chúng ta trong khu vực hay cộng đồng quốc tế, dù liên quan trực tiếp hay gián tiếp.

- PV: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ!

Hồng Thủy