Nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa HQ-9 của Trung Quốc sẽ bị NATO cô lập

09/10/2013 15:06
Đông Bình
(GDVN) - Thổ Nhĩ Kỳ đã để cho Tổng thống đưa ra tuyên bố chưa có quyết định cuối cùng về việc mua hệ thống tên lửa phòng không, tạo không gian xoay sở.
Hệ thống tên lửa phòng không FD-2000, phiên bản xuất khẩu của hệ thống HQ-9 Trung Quốc
Hệ thống tên lửa phòng không FD-2000, phiên bản xuất khẩu của hệ thống HQ-9 Trung Quốc

Tờ "Die Welt' Đức ngày 29 tháng 9 đưa tin, gần đây Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc chứ không phải hệ thống tương tự của đối tác NATO, “xem ra họ không chỉ xa lánh EU, mà còn xa lánh phương Tây”.

Theo bài báo, Mỹ chắc chắn rất ngạc nhiên về vấn đề này, nghe nói Tổng thống Mỹ Barack Obama từng 2 lần trực tiếp cảnh báo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan không được mua tên lửa của người Trung Quốc.

Bài báo cho rằng, đây là một quyết định làm bạn bè nổi giận. Tờ báo tiếng Anh "Thời đại" của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin công nghiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết: "Mỹ rất không vui về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Obama 2 lần nói tới vấn đề này khi gặp gỡ Erdogan, đồng thời nhắc ông ấy rằng, nếu quyết định mua hệ thống của Trung Quốc sẽ xuất hiện vấn đề tương thích".

Chỉ nhìn ở góc độ thực tế, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có "đạo lý" nhất định. Người Trung Quốc chào giá là 3 tỷ USD, rõ ràng thấp hơn chào giá trên 4 tỷ USD của các nhà cung cấp vũ khí khác. Nhưng, quyết định này sẽ trả giá đắt về chính trị.

Bài báo chỉ ra, Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa giá rẻ của Trung Quốc chắc chắn sẽ bị cô lập về công nghệ, bởi vì tên lửa của Trung Quốc không tương thích với hệ thống của NATO. Điều này có thể sẽ đánh dấu Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ bị cô lập chính trị trong NATO.

Hệ thống tên lửa phòng không FD-2000 Trung Quốc
Hệ thống tên lửa phòng không FD-2000 Trung Quốc

Trong khi đó, về vấn đề này, tờ "Phượng Hoàng" Hồng Kông đăng bài bình luận của chuyên gia Hà Lượng Lượng cho rằng, ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra quyết định mua tên lửa của Trung Quốc vào ngày 26 tháng 9 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lập tức bày tỏ "mối quan ngại nghiêm trọng". Hiện nay rất khó dự đoán về khả năng tên lửa Trung Quốc được xuất khẩu cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Hà Lượng Lượng cho rằng, Mỹ là "anh cả" của NATO, Mỹ đã phản đối. Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tuyên bố, Tổng thống Mỹ B. Obama đã trực tiếp gọi điện cho Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, cho biết đã "quan ngại nghiêm trọng". Đây là một sức ép rất lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề đặt ra là, tại sao một thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn lựa chọn mua hệ thống tên lửa HQ-9 của Trung Quốc, nước không có quan hệ gì, và tương đối không thân với NATO, mặc dù chưa nói là kẻ thù.

"Có chuyên gia Trung Quốc" tự khen rằng, "tên lửa HQ-9 của họ có tính năng tương đối ưu việt, vượt hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ và hệ thống tên lửa Antei của Nga!". Theo Hà Lượng Lượng, Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua một hệ thống phòng thủ tên lửa cần thiết cho mình, họ có quyền lựa chọn điều đó từ Mỹ, Nga, liên doanh Pháp-Italia hoặc Trung Quốc. Cuối cùng họ quyết định chọn hệ thống tên lửa của Trung Quốc phải chăng vì giá rẻ?

Giá cả là một yếu tố, vì hệ thống tên lửa HQ-9 rẻ hơn 30% hệ thống tên lửa Patriot. Tuy nhiên, Hà Lượng Lượng cho rằng, giá cả không phải là vấn đề duy nhất, điều quan trọng hơn là Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy hệ thống tên lửa HQ-9 đáp ứng được nhu cầu và khả năng tài chính.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 Trung Quốc
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 Trung Quốc

Hà Lượng Lượng cho rằng, các nước Trung Đông rất thú vị. Hợp tác mua bán vũ khí giữa các nước Trung Đông với Trung Quốc đã được tiến hành vào các năm 1988, 1989, khi đó Saudi Arabia (Ả rập Xê út) đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa tương đối sơ cấp của Trung Quốc.

Mỹ không sẵn sàng bán hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy cho họ, vì Mỹ bị Israel phản đối, lo ngại Saudi Arabia tạo ra mối đe dọa cho Israel. Cuối cùng Mỹ không bán, cho nên hệ thống tên lửa của Trung Quốc đã được bán cho Saudi Arabia. Điều này gây ngạc nhiên đặc biệt cho dư luận, nhất là vào thời điểm đó khoảng cách về tên lửa giữa Trung Quốc với hai "đại gia" Mỹ, Nga rất lớn.

Mặc dù vậy, sau này, Israel luôn có thái độ tương đối cởi mở trong các giao dịch vũ khí với Trung Quốc, có thể họ muốn "trả ơn", vì trong cuộc đại chiến lần thứ hai, "Trung Quốc là nước duy nhất có thể thu nhận rất nhiều người tị nạn Do Thái".

Nhưng, có tin cho biết, Israel vốn muốn bán máy bay cảnh báo sớm cho Trung Quốc, nhưng cuối cùng phải chấm dứt vì bị Mỹ gây sức ép. Sau đó, Trung Quốc đã tự phát triển máy bay cảnh báo sớm của họ. Nhưng có phương tiện truyền thông phương Tây cho là Israel đã cung cấp những công nghệ nào đó về máy bay cảnh báo sớm cho Trung Quốc. Điều này không rõ ràng. Nói chung, ở thị trường vũ khí Trung Đông, Trung Quốc không dễ mua và cũng không dễ bán vũ khí.

Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9
Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9

Theo Hà Lượng Lượng, do giá rẻ, lại được sẵn sàng chuyển giao công nghệ, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thu hút, hấp dẫn bởi hệ thống tên lửa HQ-9 do Trung Quốc chào bán và quyết định mua.

Hà Lượng Lượng cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia đặc biệt ở khu vực Trung Đông, được biết đến là một đế quốc Othman trong lịch sử. Trung Quốc có "giấc mơ Trung Hoa", Thổ Nhĩ Kỳ cũng có giấc mơ của họ. Tuy rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không thể khôi phục đại đế quốc trước đây, nhưng ít nhất họ muốn khôi phục sự huy hoàng của đế quốc này ở mức độ nhất định. Iran cũng vậy, đế quốc Ba Tư là một đế quốc lớn đứng đầu thế giới trước đây.

Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nước để Mỹ "bảo sao nghe vậy", tuy họ cần Mỹ về chính trị và công nghệ quân sự, nhưng họ có tính độc lập của họ, chẳng hạn họ quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc. Tuy họ là nước thành viên NATO, nhưng trong NATO, họ hoàn toàn không phải là một nước thành viên hoàn toàn bình đẳng, điều này thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra quyết định như vậy.

Thực ra, quan hệ với Mỹ của Thổ Nhĩ Kỳ mật thiết hơn nhiều quan hệ với Trung Quốc. Trong tình hình đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lại cho biết, họ còn đang bàn bạc, còn chưa có quyết định cuối cùng. Như vậy, điều này khác với tuyên bố trước đó của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Sở dĩ Thủ tướng nắm đại quyền Erdogan để cho Tổng thống tuyên bố như vậy cũng là nhằm mục đích để cho Trung Quốc "nghe", muốn Trung Quốc thấy được là ông muốn mua hàng Trung Quốc, nhưng sức ép quá lớn, buộc phải để Tổng thống - nguyên thủ có tính biểu tượng đưa ra tuyên bố như vậy.

Trung Quốc phóng thử tên lửa phòng không tầm xa HQ-9
Trung Quốc phóng thử tên lửa phòng không tầm xa HQ-9

Theo Hà Lượng Lượng, sự việc này còn chưa được giải quyết, khả năng lớn nhất là Thổ Nhĩ Kỳ bị sức ép mạnh từ Mỹ, cuối cùng chỉ ký bản ghi nhớ với Trung Quốc, chứ không ký hợp đồng chính thức.

Hà Lượng Lượng nhấn mạnh, cho dù không bán được hệ thống tên lửa HQ-9 cho Thổ Nhĩ Kỳ, thì dư luận cũng thấy được là hệ thống tên lửa này có "tính năng tốt", "bị Mỹ ép nên không bán được", nên nước khác có thể "sẽ tiếp tục mua".

Hà Lượng Lượng cũng nhắc đến một điểm đáng chú ý trong quan hệ giữa Trung Quốc với Thổ Nhĩ Kỳ là, trước đây, không quân hai nước từng tổ chức diễn tập quân sự liên hợp hiếm có - đây là lần đầu tiên Trung Quốc và một nước  thành viên NATO tổ chức diễn tập không quân liên hợp. Khi đó, cuộc diễn tập này đã gây lo ngại cho Mỹ, đồng thời gây lo ngại cho Israel.

Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9
Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9
Đông Bình