Nga - Ấn Độ hợp tác nâng cấp Su-35 thành chiến đấu cơ Su-35S?

11/03/2015 13:56
Lê Cường
(GDVN) - Chuyên gia này cho rằng Su-35 Super Flanker sẽ không thể cạnh tranh được với các máy bay tiêm kích thế hệ 5 "đích thực" khác được.

Defense News trụ sở tại Virginia hôm 8/3/2015 đăng một báo cáo cho biết Nga và Ấn Độ đã cùng nhau ký kết một thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 được cho là phiên bản nâng cấp của tiêm kích tấn công đa năng Su-35 Super Flanker.

Báo cáo của Defense News cho rằng máy bay do Nga - Ấn hợp tác phát triển sẽ có khả năng tương tự như máy bay chiến đấu F-22 và F-35 Lightning II do hãng Lockheed Martin của Mỹ chế tạo nhằm tạo sự khác biệt với bản Su-35 thế hệ 4 mà Trung Quốc đang đàm phán mua của Nga.

Trong khi đó, báo lá cải thời sự Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia nói rằng Trung Quốc không cần thiết phải chạy đu tham gia trò chơi giành tay trên trong quan hệ mua bán với Nga và Ấn Độ.

Chuyên gia này cho rằng  Su-35 Super Flanker sẽ không thể cạnh tranh được với các máy bay tiêm kích thế hệ 5 "đích thực" khác được.

Defense News trích dẫn một chuyên gia quân sự Nga cho biết Moscow và New Delhi đã ký với nhau một thỏa thuận cùng hợp tác thiết kế một loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 có các đặc điểm của chiến đấu cơ Su-35 ở Ấn Độ.

Sergey Chemezov, CEO của tập đoàn xuất khẩu công nghệ Nga Rostec cho rằng, chiến đấu cơ do hai nước hợp tác có thể là phiên bản Su-35S.

"Chúng tôi đang tiến hành đàm phán và đã ký kết một thỏa thuận định hướng để chế tạo Su-35. Hiện tại công việc đang ở giai đoạn ý tưởng thiết kế cũng như thiết lập nền tảng sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ 5".

Việc nâng cấp từ phiên bant Su-35 đang được Không quân Nga sử dụng sang phiên bản Su-35S thế hệ 5 đòi hỏi phải có một nỗ lực lớn.

Defense News cũng đặt ra vấn đề liệu Su-35S có thể so sánh với chiến đấu cơ F-35 của quân đội Mỹ hay không.

Một quan chức của lực lượng Không quân Ấn Độ nói rằng phía Nga đã đề cập đến việc chế tạo Su-35S chung với Ấn Độ nhiều lần trong vòng 6 tháng qua trong đó nhận mạnh rằng Su-35S có thể thay thế cho các chiến đấu cơ MiG-21 và MiG-27 sẽ hết khả năng vận hành trong từ 7 đến 8 năm nữa.

Trước đó, Nga và đối tác Ấn Độ cũng đã cùng hợp tác với nhau để phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ năm mang tên PAK FA T-50.

Su-35
Su-35

Theo Defense News, lý do Nga đột ngột đề nghị cùng Ấn Độ phát triển một loại máy bay tàng hình mới là vì Moscow muốn cắt ngang thỏa thuận của Pháp và Ấn Độ do Paris đã từ chối bàn giao hai tàu đổ bộ Mistral cho Hải quân Nga.

Năm 2012, New Delhi công bố quyết định mua 126 máy bay tiêm kích đa năng Dassault Rafal từ một nhà chế tạo của Pháp nhưng thỏa thuận này không đi đến kết luận cuối cùng bởi vấp phải mốt số vấn đề về chuyển giao công nghệ cũng như phát sinh về giá.

Một nguồn tin công nghiệp của Nga được trích dẫn trong báo cáo của Defense News cho thấy mỗi chiếc Su-35S có giá thành khoảng 85 triệu USD, rất cạnh tranh so với giá bán 1 chiếc Dassault Rafal từ Pháp.

Điều này cũng đồng nghĩa với thực tế là nó đã tạo ra một mối đe dọa đối với thỏa thuận giữa Pháp và Ấn Độ.

Tờ Economic Times có trụ sở ở thủ đô Ấn Độ trước đó cũng đã cho rằng giới chức không quân nước này đang cân nhắc giữa máy bay của Nga và máy bay của Pháp.

Trung Quốc và chiến đấu cơ Su-35 do Nga chế tạo

Truyền thông Đài Loan đưa tin cho biết, hiện nay có rất nhiều luồng thông tin đồn thổi trên các phương tiện truyền thông cả trong và ngoài lãnh thổ Trung Quốc nói rằng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới nhập khẩu được máy bay Su-35 từ Nga.

Một số nguồn tin từ Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đã cơ bản thống nhất được với Nga một hợp đồng mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 từ nước này vào hôm 19/5/2015.

Trong khi đó, một quan chức Nga được truyền thông quốc tế phản ánh cho biết ông nói rằng thỏa thuận thống nhất được với Trung Quốc có liên quan đến máy bay chiến đấu thế hệ 4 Su-35 và hoàn toàn không phải phiên bản Su-35 mà Nga đang hợp tác với Ấn Độ.

Quan chức Nga này cho biết, Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên mua được máy bay Su-35 từ nhà chế tạo của Nga.

Mặc dù thông tin bình luận trên tờ Defense News ở Mỹ không đề cập đến chi tiết cũng như phân biệt đặc tính kỹ chiến thuật giữa hai phiên bản Su-35 và Su-35S nhưng tờ Thời báo Hoàn Cầu ở Trung Quốc cho rằng máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Nga có lẽ dựa trên những đặc điểm cơ bản của chiến đấu cơ Su-30MKI.

Theo báo này, loại máy bay tiêm kích thế hệ mới do Ấn Độ và Nga đang hợp tác phát triển nhiều khả năng sẽ được trang bị hệ thống điện tử hàng không của chiến cơ thế hệ năm do Ấn Độ đặt mua, trong đó đặc biệt đáng chú ý là hệ thống ra đa quét điện tử chủ động, bộ cảm biến nhận diện mục tiêu tầm xa hồng ngoại, thiết bị can thiệp chống tác chiến điện tử...

Hoàn Cầu thời báo cho rằng máy bay do Nga - Ấn hợp tác có giới hạn về khả năng tàng hình vì chúng phụ thuộc vào nắp cabin cũng như vật liệu chế tạo bao phủ ống hút gió.

Nguồn tin chỉ ra, khả năng tàng hình của một chiếc máy bay phụ thuộc chủ yếu vào thiết kế bề ngoài của nó. Đối với chiến cơ F-22 của Không quân Mỹ độ phản xạ với sóng ra đa chỉ khoảng 1 mét vuông còn chiến cơ Su-30 các dòng khoảng 20 mét vuông.

Một chuyên gia quân sự của Trung Quốc cho rằng Su-35S không thể thay đổi toàn diện cho với thiết kế của các máy bay cùng loại Su-35 và vì thế nó không thể sánh vơi F-22.

Chuyên gia này cho rằng Nga gắn Su-35S bằng thương hiệu chiến cơ thế hệ 5 xem ra không có bằng chứng thuyết phục, nó có ý nghĩa tuyên truyền nhiều hơn.

Lê Cường