Nga: Chứng cứ mới cho thấy phe đối lập sử dụng vũ khí hóa học

20/09/2013 08:26
Việt Dũng
(GDVN) - Nga cho biết, những bằng chứng được Syria cung cấp khẳng định phe đối lập đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường và Nga sẽ báo cáo Liên hợp quốc.
Nga đã tạo "thế cân bằng" toàn cầu. Trong hình là ngày 14 tháng 9 năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Lavrov đạt được thỏa thuận về tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria.
Nga đã tạo "thế cân bằng" toàn cầu. Trong hình là ngày 14 tháng 9 năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Lavrov đạt được thỏa thuận về tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria.

Ngày 18 tháng 9, các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp tục tiến hành tham vấn về vấn đề vũ khí hóa học của Syria, Nga phản đối đưa nội dung đe dọa áp dụng hành động quân sự đối với Syria vào nghị quyết có liên quan, đồng thời cho biết chứng cứ mới được Chính phủ Syria cung cấp cho thấy phe đối lập từng sử dụng vũ khí hóa học. Tổng thống Syria Assad bày tỏ tán thành với lập trường của Nga.

Theo truyền thông các nước, 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc đã xảy ra bất đồng khi tiến hành tham vấn về dự thảo nghị quyết do ba bước Mỹ, Anh và Pháp khởi thảo. Mỹ, Anh và Pháp kiên trì cho rằng, báo cáo điều tra vũ khí hóa học của Liên hợp quốc có thể làm bằng chứng cho thấy chính quyền Syria từng phát động tấn công vũ khí hóa học, đồng thời cho rằng nếu chính quyền Syria không thực hiện nghĩa vụ của bên tiêu hủy vũ khí hóa học, sẽ đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng". Nhưng, Nga phản đối sử dụng những từ ngữ này.

Ngày 18 tháng 9, Thứ trưởng Ngoại giao Syria khi đang ở thăm Nga cho biết, những bằng chứng mới mà Chính phủ Syria cung cấp cho Nga cho thấy, phe đối lập Syria từng sử dụng vũ khí hóa học ở khu ngoại ô Damascus. Chuyên gia Nga sẽ nghiên cứu chi tiết những chứng cứ này. Ông đã nhấn mạnh lập trường kiên định về vấn đề Syria của Nga, cho rằng phải tìm được phương pháp giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng.

Ngoại trưởng Nga Lavrov cùng ngày cho biết, căn cứ vào tình hình mà Nga nắm được, "phe đối lập Syria thường xuyên khiêu khích để đạt được mục đích cho phép các thế lực bên ngoài tiến hành tấn công quân sự đối với Syria". Nga sẽ đưa những bằng chứng có liên quan mà chính quyền Syria cung cấp lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nghiên cứu.

Ngoại trưởng Nga Lavrov: Phe đối lập Syria đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường
Ngoại trưởng Nga Lavrov: Phe đối lập Syria đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường

Tổng thống Syria Assad bày tỏ tán thành với lập trường của Nga. Ông nói, khi chống lại chủ nghĩa khủng bố và các cuộc tấn công ở Syria do một số nước phương Tây, các nước trong khu vực và các nước Ả rập chi viện, Nga bày tỏ lập trường ủng hộ đối với Syria, đã xây dựng nên một "bản đồ" mới cho thế cân bằng toàn cầu, đem lại niềm hy vọng.

Về vấn đề Syria, Trung Quốc cũng qua phát ngôn viên Ngoại giao Hồng Lỗi lên tiếng cho rằng, họ ủng hộ Hội đồng Bảo an phát huy vai trò quan trọng cần thiết trong vấn đề hòa bình và an ninh có liên quan, chủ trương giải quyết chính trị vấn đề vũ khí hóa học Syria, ủng hộ khởi động công tác tiêu hủy vũ khí hóa học trong khuôn khổ Liên hợp quốc, đồng thời thúc đẩy song song giải quyết chính trị vấn đề Syria.

Ngày 18 tháng 9, tại London, Thủ tướng Anh Cameron đã tổ chức gặp gỡ với Tổng Thư ký NATO Rasmussen. Trong vấn đề vũ khí hóa học Syria, hai bên tái khẳng định, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần thông qua nghị quyết, xây dựng cơ chế tin cậy mang tính ràng buộc để tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria, từ đó đưa ra "đáp trả mạnh mẽ" đối với các cuộc tấn công vũ khí hóa học.

Sau khi Chính phủ Anh thừa nhận từng cho phép công ty của họ xuất khẩu sodium fluoride (NaF) - một loại chất có thể dùng để chế tạo vũ khí hóa học - cho Syria. Theo truyền thông Đức, các tài liệu do chính phủ cung cấp cho thấy, từ năm 2002-2006, Đức xuất khẩu 93 tấn NaF có thể dùng để chế tạo vũ khí hóa học cho Syria.

Anh thừa nhận đã cung cấp nguyên liệu có thể dùng để chế tạo vũ khí hóa học cho Syria
Anh thừa nhận đã cung cấp nguyên liệu có thể dùng để chế tạo vũ khí hóa học cho Syria

Đối với vấn đề này, Thủ tướng Đức Merkel ngày 18 tháng 9 cho biết, không có bằng chứng cho thấy “hàng hóa học” mà Đức xuất khẩu cho Syria được sử dụng để chế tạo vũ khí hóa học. Bà nhấn mạnh, bắt đầu từ tháng 3 năm 2011 EU quyết định trừng phạt Syria, Đức không còn tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu này.

Báo cáo thăm dò dư luận xuyên Đại Tây Dương thường niên được Quỹ Marshall Đức công bố ngày 18 cho biết, ở Mỹ và các nước châu Âu, lần lượt có 62% và 72% người được hỏi cho rằng, nước họ cần tránh can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria. Trong khi đó, ở Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia tiếp giáp Syria, có 72% người được hỏi cho rằng, nước họ không nên "nhúng tay" vào tình hình Syria.

Báo cáo điều tra vũ khí hóa học do Liên hợp quốc công bố ngày 16 tháng 9 xác nhận hành vi sử dụng vũ khí hóa học quy mô tương đối lớn ở ngoại ô Damascus, Syria ngày 21 tháng 8, nhưng báo cáo không nói rõ bên nào đã sử dụng vũ khí hóa học.

Người phụ trách Tiểu ban điều tra vũ khí hóa học Syria của Liên hợp quốc, nhà khoa học Thụy Điển O. Särström ngày 18 tiết lộ với phóng viên hãng AFP rằng, nhân viên thanh sát Liên hợp quốc chuẩn bị không lâu sau nữa sẽ quay trở lại Syria, tiếp tục tiến hành điều tra đối với những tố cáo tấn công vũ khí hóa học có liên quan.

Trưởng đoàn thanh sát viên vũ khí hóa học Syria của Liên hợp quốc, ông O. Särström cùng với Tổng thư ký Liên hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 15 tháng 9 năm 2013
Trưởng đoàn thanh sát viên vũ khí hóa học Syria của Liên hợp quốc, ông O. Särström cùng với Tổng thư ký Liên hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 15 tháng 9 năm 2013
Việt Dũng