Nga không kích ở Iraq:"Chúng tôi là người lịch sự, không đến nếu không được mời"

02/10/2015 09:10
Nguyễn Hường
(GDVN) - Các nhà lãnh đạo Iraq đang tiếp cận Nga tìm kiếm sự hỗ trợ trong cuộc chiến chống khủng bố IS.

Tờ Tầm nhìn của Nga ngày 1/10 đưa tin, các nhà lãnh đạo Iraq dường như đang tiếp cận Nga nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ trong cuộc chiến chống khủng bố IS thay thế Mỹ.

Cuộc chiến chống IS có thể thực sự thành công chỉ khi tiến hành đồng thời trên hai mặt trận là Syria và Iraq. Đó là lý do Nga đề xuất thành lập một liên minh thống nhất chống IS dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc với sự tham gia của Syria, Iraq, Nga, Iran, Mỹ, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Nga (trái) và đối tác Iraq. Ảnh RG
Ngoại trưởng Nga (trái) và đối tác Iraq. Ảnh RG

Mỹ, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ đã khước từ đề nghị này do không chấp thuận việc hợp tác với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad mà nước này không công nhận.

Tuy nhiên, khi các hoạt động quân sự đơn phương gần đây của Không quân Nga ở Syria đang làm thay đổi tình hình khu vực, nêu bật tất cả các vấn đề yếu kém của liên minh do Mỹ dẫn đầu và đề cao tầm quan trọng về vai trò của Nga trong cuộc chiến này, vai trò của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở IS cũng được đề cao theo. 

Có thể hiểu được phần nào quan điểm của Moscow về sự tham gia chống IS ở Iraq qua câu trả lời của Ngoại trưởng Sergei Lavrov khi được hỏi về việc liệu Nga có kế hoạch mở rộng chiến dịch không kích IS vào lãnh thổ Iraq sau Syria hay không. Ông Lavrov cho biết: "Chúng tôi là những người lịch sự, chúng tôi không đến, nếu họ không mời".

Trên thực tế, Bộ Ngoại giao Nga và Điện Kremlin đã tính toán tới khả năng này. Mối quan hệ giữa Nga và Iraq có nhiều khác biệt lớn so với Syria. Chính phủ Baghdad hiện nay, theo Moscow, là không hợp pháp. Tuy vậy, theo lời người phụ trách bộ phận về những thách thức và đe dọa mới của Nga, Ilya Rogachev, nói rằng nếu Iraq đưa ra một đề nghị chính thức như vậy, Moscow có thể xem xét chấp thuận.

Mặc dù Baghdad vẫn chưa đưa ra đề nghị chính thức, nhưng CNN mới đây đưa tin nói rằng Thủ tướng Iraq trên thực tế, có thể đã mời Nga tham gia vào cuộc chiến chống IS ở Iraq theo cách như Moscow đang tiến hành ở Syria.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi gần đây đã bày tỏ sự thất vọng về các hoạt động chống IS của Mỹ tại quốc gia này và đang kỳ vọng vào sự giúp đỡ của Không quân Nga. 

Trong vài tháng qua, ông Abadi đã có hai cuộc gặp gỡ với Tổng thống Putin. Lần gần nhất diễn ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc hồi đầu tuần này, trước khi ông Putin có cuộc hội đàm riêng với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Báo Nga cho biết, Thủ tướng Abadi không phải bây giờ mà từ lâu đã hiểu rằng không thể hy vọng vào người Mỹ. Washington đến nay vẫn chưa cung cấp cho Iraq những chiếc F-16 họ hứa từ năm ngoái. Mỹ nói rằng có thể đánh bại IS trong tối đa 5 năm, nhưng ông Abadi hiểu rằng đến lúc đó, Iraq có thể đã bị phá hủy hoàn toàn. 

Đó là lý do thúc đẩy ông Abadi đã đến thăm Moscow vào tháng 5 vừa qua. Và đương nhiên cả hai đã thảo luận về chủ đề chiến tranh với IS và sự tham gia của Nga trong các câu chuyện của họ. 

Không ai biết rõ câu trả lời của ông Putin sau đề nghị này là gì. Nhưng các động thái của Nga gần đây cho thấy dường như một liên minh ngầm giữa Moscow và Baghdad đang được hình thành.

Như một kết quả của chuyến thăm, một thỏa thuận về việc mở cửa trung tâm thông tin Nga-Iraq-Syria-Iran tại Baghdad đã ra đời. Hôm nay, ông Abadi thừa nhận rằng đã "chia sẻ thông tin tình báo với Nga, Syria và Iran cách đây vài tháng mà không công khai". Điều đó có nghĩa là, trong thực tế, Nga và Iraq đã chia sẻ thông tin ít nhất kể từ cuối tháng 5.

Hôm 1/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã lên tiếng thừa nhận việc nước này hỗ trợ vũ khí cho lực lượng dân quân người Kurd ở Iraq để chiến đấu chống lại khủng bố IS.

Rào cản lớn nhất trong quan hệ hợp tác giữa Iraq và Nga hiện nay chính là sự ảnh hưởng của Washington đối với Baghdad. Mặc dù không bị người Mỹ chiếm đóng, nhưng trên thực tế quyền hạn rất hạn chế. Ở Iraq có rất nhiều căn cứ của Mỹ và một trại huấn luyện với 3.500 binh sĩ thủy quân lục chiến của nước này. Mọi cơ quan trong quân đội Iraq đều có sự ảnh hưởng của Mỹ. 

Người Mỹ không thể không biết rằng ảnh hưởng của họ ở Iraq đang yếu dần. Khi Nga bắt đầu các hoạt động ở Syria, Washington cũng đã tìm cách vỗ về và tăng áp lực đối với Thủ tướng Abadi.

Ngày 29/9, ông Obama ca ngợi quan hệ Mỹ-Iraq tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh. Một ngày sau, Phó Tổng thống Joe Biden đã gặp với Thủ tướng Abadi hứa sẽ tăng cường hoạt động chống lại IS, nhưng cũng nhắn nhủ rằng Baghdad không đơn lẻ tham gia vào liên minh với Nga, tờ Tầm nhìn cho biết.

Ông Abadi có thể nói đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Ông không thể "nổi loạn" chống lại Washington, nhưng cũng không thể khước từ sự giúp đỡ của Nga, Iran nếu muốn tiêu diệt IS.

Do đó, có thể thấy là lựa chọn tốt nhất cho tất cả các bên hiện nay là tham gia vào liên minh quốc tế như Moscow đã đề xuất, hoạt động dưới sự ủy nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. 

Nhưng trên tất cả, số phận của Iraq, cũng như Syria, nằm trong tay của người dân và các nhà lãnh đạo của họ. Ông Abadi cần sáng suốt đưa ra lựa chọn của mình như Tổng thống Assad./.

Nguyễn Hường