Nga - TQ sẽ hợp tác chặt với nhau trong chế tạo tàu chiến?

29/09/2014 09:40
Việt Dũng
(GDVN) - Hiện nay, Hải quân Trung Quốc trang bị 16 tàu hộ vệ Type 054A, 4 chiếc hạ thủy, 2 chiếc đang chế tạo, sẽ sở hữu 24 tàu loại này vào năm 2016.
Tàu sân bay trực thăng lớp Mistral Pháp chế tạo cho Nga
Tàu sân bay trực thăng lớp Mistral Pháp chế tạo cho Nga

Tạp chí "Quốc phòng" Nga gần đây đưa tin, hiện nay, cuộc tranh cãi về khả năng bàn giao tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral mà Pháp chế tạo cho Nga vẫn chưa kết thúc, đưa ra vấn đề nhập khẩu vũ khí trang bị cho Hải quân Nga dường như không hợp thời, nhưng chủ đề này lại tỏ ra cấp bách chưa từng có.

Nếu tất cả thuận lợi, tàu sân bay trực thăng lớp Mistral Nga nhập khẩu của Pháp sẽ bổ sung cho Hạm đội Thái Bình Dương. Chiếc đầu tiên Vladivostok có kế hoạch triển khai ở quân cảng vào cuối năm 2015. Chiếc tiếp theo Sevastopol sẽ đưa vào hoạt động trong 1 năm sau đó. Khi đó ai bảo vệ hộ tống cho tàu Mistral của Quân đội Nga?

Ở khu vực tác chiến trên biển rộng lớn Viễn Đông, lực lượng mặt nước Nga rất thiếu thốn. Tàu chiến mặt nước cỡ lớn chỉ có 1 tàu tuần dương tên lửa Varyag và 4 tàu săn ngầm cỡ lớn Type 1155, hơn nữa toàn bộ được chế tạo từ thời kỳ Liên Xô, hiện nay còn đang sử dụng cường độ cao.

Chúng không chỉ thường xuyên xuất hiện ở biển Nhật Bản, biển Okhotsk và vùng biển lân cận khác, hơn nữa còn thường xuyên được cử đến Sừng châu Phi, thực hiện nhiệm vụ hộ tống chống cướp biển và nhiệm vụ tuần tra chiến lược Địa Trung Hải.

Còn 3 tàu khu trục tên lửa Type 956 của Hạm đội Thái Bình Dương tuy cũng là tàu chiến chủ lực, nhưng đã không có hiệu quả bao nhiêu. Không chỉ là do chúng trước tiên dùng cho thực hiện nhiệm vụ tấn công, chứ không phải nhiệm vụ hộ tống và săn ngầm, mà còn do 2 tàu trong đó luôn liên tục phải sửa chữa lâu dài, 1 chiếc khác tuy đã tham gia diễn tập liên hợp "Liên hợp trên biển-2014" giữa Nga-Trung vào tháng 5 năm 2014, nhưng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương rõ ràng không dám mạo hiểm điều nó đến làm nhiệm vụ ở vùng biển xa hơn biển Hoa Đông.

Thiết bị động lực tua bin nồi hơi của loại tàu chiến này đã không còn đáng tin cậy lắm, đến bản thân tàu khu trục Type 956 cũng cần thường xuyên có tàu kéo hộ tống để phòng bất trắc, việc hộ tống cho các tàu khác căn bản không thể nói đến.

Tàu hô vệ tên lửa Type 054 Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu hô vệ tên lửa Type 054 Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Phải biết rằng, mỗi chiếc tàu sân bay trực thăng lớp Mistral ít nhất cần 2 - 3 và tốt nhất là 4 tàu chiến hộ tống. Nhưng, trước khi trang bị tàu chiến lớp Mistral Pháp, trước hết triển khai ở bán đảo Kamchatka sẽ là 2 tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược lớp Borey Type 955 gồm Alexander Nevsky và Vladimir Monomakh, chúng dự kiến sẽ xuất hiện vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015.

Căn cứ thường trú của những tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo này cần được tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và lực lượng hàng không bảo vệ xa gần, thường xuyên và đáng tin cậy. Để bảo đảm triển khai an toàn tàu ngầm hạt nhân chiến lược, cũng cần tàu chiến mặt nước.

Từ đâu để có được những tàu chiến mặt nước cần cho săn ngầm và hộ tống này? Ngành đóng tàu Nga sẵn sàng cho phát triển, nhưng gặp muôn vàn khó khăn. Hiện nay, nhà máy đóng tàu Amur đang chế tạo 2 tàu hộ vệ Type 20380 cho Hạm đội Thái Bình Dương, lúc nào có thể đưa vào biên chế, hoạt động tạm thời còn chưa biết. Theo cam kết, chiếc đầu tiên có khả năng trang bị vào năm 2015.

Nhưng, sự thực không được như vậy, thời gian hạ thủy và bàn giao liên tục bị trì hoãn. Hơn nữa, 2 tàu hộ vệ Type 20380 e rằng là quá ít để bảo vệ tin cậy cho 1 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral.

Nhà máy đóng tàu Phương Bắc St. Petersburg đang lắp ráp tàu hộ vệ Type 22350 thế hệ mới cho Hạm đội Biển Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương, chiếc đầu tiên "Nguyên soái Gorshkov" được khởi công chế tạo vào ngày 1 tháng 2 năm 2006, hạ thủy ngày 29 tháng 10 năm 2010, từ đó đến nay luôn nằm ở khu lắp đặt thiết bị của nhà máy đóng tàu, không thể ra khơi.

Tàu hô vệ tên lửa Châu Sơn Type 054, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu hô vệ tên lửa Châu Sơn Type 054, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Nguyên nhân có nhiều, vừa do không đủ tiền, vừa do các nhân tố như vũ khí riêng và thiết bị điện tử không hoàn bị, cũng có nhân tố kế hoạch cung ứng thiết bị không thực hiện được.

Căn cứ vào đánh giá lạc quan nhất, thời gian tàu này ra khơi chạy thử sẽ không sớm hơn mùa thu năm nay hoặc mùa xuân năm 2015. Quân đội Nga còn phải chế tạo hoặc đặt mua 5 tàu hộ vệ khác loại này, nhưng lúc nào có thể hình thành sức chiến đấu, hiện không có ai có thể cam kết.

Điều làm cho vấn đề của những tàu chiến này họa vô đơn chí là Ukraine cấm cung cấp tua bin khí cho doanh nghiệp công nghiệp đóng tàu Nga. Đến nay, Ukraine mới chỉ chế tạo và bàn giao 2 bộ thiết bị động lực M56 công suất 60.000 mã lực cho nhà máy đóng tàu Phương Bắc, lần lượt cung cầu cho tàu "Nguyên soái Gorshkov" và "Nguyên soái Kasatonov" sử dụng. Vấn đề trang bị loại động cơ này của 4 tàu chiến cùng loại khác đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Tình hình nhà máy đóng tàu Yantar Biển Baltic cũng tương tự, nhà máy này đang chế tạo 5 tàu hộ vệ Type 11356R/M cho Hạm đội Biển Đen, nhưng Ukraine mới chỉ cung ứng 3 bộ tua bin khí Type M7N1 (cần cho 3 tàu hộ vệ) cho nhà máy đóng tàu Nga ở thành phố Kaliningrad, công suất đơn vị là 54.000 mã lực.

Tiền hợp đồng chế tạo 3 tua bin khí khác đã giao, nhưng khả năng Ukraine thực hiện đơn đặt hàng này không lớn, Nga có thể đang vì thế mới bị ép đẩy lùi thời gian khởi công chế tạo tàu hộ vệ thứ 6 dòng này.

Đây chính là lý do tại sao cần mua tua bin khí của Trung Quốc, huống hồ chúng rất giống thiết bị động lực cần cho tàu chiến của Quân đội Nga, bởi vì chúng là phiên bản phát triển tiếp theo của tua bin khí do công ty Rays - Machinery Manufacturing, Ukraine chế tạo.

Tàu hô vệ tên lửa Ngọc Lâm Type 054, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu hô vệ tên lửa Ngọc Lâm Type 054, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Đến nay, chỉ có công ty Rolls-Royce Anh, công ty General Electric Mỹ, công ty Rays - Machinery Manufacturing Ukraine và doanh nghiệp Trung Quốc (vừa gia nhập câu lạc bộ này) mới có thể sản xuất tua bin khí dùng cho tàu chiến.

Vài chục năm qua, Hải quân Trung Quốc luôn xây dựng và phát triển với sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của công nghiệp quốc phòng Liên Xô và Nga. Nhưng thời gian qua nhanh, hiện nay, sinh viên Trung Quốc rõ ràng đã qua mặt thầy giáo Nga, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo tàu chiến mặt nước.

Huống hồ củng cố hạm đội Viễn Đông của Nga cũng có lợi đối với Bắc Kinh, bởi vì nó có thể trợ giúp Hải quân Trung Quốc cân bằng sức mạnh với hải quân Mỹ-Nhật, thậm chí có thể giành lấy ưu thế nhất định.

Hiện nay, Trung Quốc đang chế tạo rất nhiều tàu chiến mặt nước các loại, trong đó thích hợp nhất với Hải quân Nga là tàu hộ vệ Type 054A (NATO gọi là lớp Giang Khải-II). Những tàu chiến này từ năm 2005 bắt đầu chế tạo ở nhà máy đóng tàu Hỗ Đông, Thượng Hải và nhà máy đóng tàu Hoàng Phố, Quảng Châu, tính năng của nó cơ bản tương đương với tàu hộ vệ Type 22350 Nga.

Hiện nay, Hải quân Trung Quốc đã trang bị 16 tàu chiến loại này, 4 chiếc khác hạ thủy, 2 chiếc đang chế tạo. Cộng thêm 2 tàu chiến Type 054 được sản xuất lượng nhỏ, vũ khí tương đối yếu, đến năm 2016 Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu 24 tàu hộ vệ loại này.

Tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành số hiệu 571 Type 054A của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành số hiệu 571 Type 054A của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Tàu hộ vệ Type 054A có lượng giãn nước đầy 4.050 tấn, dài 131 m, rộng 16 m, trang bị thiết bị động lực dầu diesel "kinh tế", tốc độ lớn nhất là 27 hải lý/giờ, hành trình trên 8.000 dặm Anh, thủy thủ 165 người.

Vũ khí trang bị bao gồm 2 bộ thiết bị bắn 4 nòng tên lửa C-803 dùng để tấn công các mục tiêu trên biển và bờ biển, cùng với 32 thiết bị bắn thẳng đứng tên lửa phòng không Hồng Kỳ-16, 1 khẩu pháo thông dụng PJ26 76 mm, 2 khẩu pháo phòng thủ gần tự động 7 nòng 30 mm, 2 ống phóng ngư lôi săn ngầm 3 nòng 324 mm, 2 máy phóng bom phá tàu ngầm 6 nòng 240 mm. Trên tàu còn có 2 nhà chứa máy bay, có thể chứa 1 máy bay trực thăng Ka-28 hoặc Z-9C.

Vì sao lựa chọn tàu hộ vệ Type 054A? Có vài nguyên nhân: Thứ nhất, chúng được chế tạo có sự tham gia của Cục thiết kế Phương Bắc St. Petersburg, cục này là cơ quan thiết kế dẫn đầu của tàu chiến mặt nước chủ lực Nga, bao gồm tàu hộ vệ Type 11356 và Type 22350.

Thứ hai, chúng đều trang bị vũ khí và thiết bị điện tử Trung Quốc chủ yếu lấy hàng mẫu Nga làm nền tảng, về thông số kích cỡ, trọng lượng rất dễ đổi sang sản phẩm do Nga sản xuất. Chẳng hạn, hệ thống tên lửa phòng không Hồng Kỳ-16 chính là phiên bản Trung Quốc của Shtil-1 Nga, pháo PJ26 cỡ nòng 76 mm là phiên bản đơn giản hóa của AK-176 Nga, ngoài ra còn có radar mineral -ME, MR-90 walnut và frigate bird -MAE- 5. Nghe nói, còn có thiết bị định vị thủy âm Nga Type MGK-335.

Thứ ba, tàu hộ vệ Type 054A phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa của tàu chiến lớp này về vũ khí, tính tàng hình, khả năng hoạt động, khả năng chạy liên tục; tính năng đi biển của chúng ưu việt, thường qua lại ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và biển Đen.

Tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài số hiệu 538 Type 054A, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài số hiệu 538 Type 054A, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Thứ tư, trong cuộc diễn tập liên hợp hải quân Nga-Trung cách đây không lâu, tàu hộ vệ Type 054A của Hải quân Trung Quốc và tàu tuần dương tên lửa Varyag, tàu săn ngầm cỡ lớn Admiral Panteleyev Type 1155, tàu khu trục Type 956 và các tàu chiến khác của Hạm đội Thái Bình Dương Nga đã hiệp đồng rất tốt, có nghĩa là, có thể hòa nhập đầy đủ vào "dàn nhạc" của tàu chiến Quân đội Nga, rất thích hợp sử dụng trong điều kiện của Hải quân Nga, điều này cũng tương đối quan trọng.

Đương nhiên, tàu hộ vệ phiên bản Nga nhập khẩu từ Trung Quốc có thể giả định là Type 054R, tức là phiên bản "Nga 054", so với nguyên bản, sẽ có một số khác biệt. Tàu chiến Hải quân Nga thích hợp với lắp ráp hệ thống vũ khí nội địa đã được chứng minh và kiểm nghiệm tốt.

Chẳng hạn, có thể dùng hệ thống tên lửa phòng không Hurricane - Tornado và tên lửa Type 9M317M thay thế cho hệ thống Hồng Kỳ-16 Trung Quốc. Ở vị trí thiết bị bắn tên lửa chống hạm C-803 giữa thân tàu và hai bên nhà chứa máy bay trực thăng có thể lắp thiết bị bắn thẳng đứng tên lửa hợp nhất caliber-NK hoặc Onyx.

Nếu phương án này quá xa xỉ, thì những tên lửa do Nga chế tạo và tên lửa Trung Quốc đều có thể tìm được vị trí của mình trong thiết bị bắn thùng kiểu nghiêng. Ngoài ra, có thể thay thế pháo PJ26 của Trung Quốc bằng pháo A190 cỡ nòng 100 mm, có uy lực mạnh hơn do Nga chế tạo, thay thế pháo phòng thủ gần Type 730 Trung Quốc bằng pháo Duet với 12 nòng cỡ 30 mm nội địa.

Đương nhiên, vũ khí săn ngầm cũng có thể dùng vũ khí nội địa Nga thay thế, có thể sử dụng ống phóng ngư lôi Package-NK thay thế cho ống phóng ngư lôi 324 mm Trung Quốc, dùng RBU-6000 thay thế cho bom phá tàu ngầm 240 mm Trung Quốc.

Hệ thống bắn thẳng đứng tên lửa của tàu hộ vệ tên lửa Type 054A Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Hệ thống bắn thẳng đứng tên lửa của tàu hộ vệ tên lửa Type 054A Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Vũ khí mới, thiết bị mới của Nga có thể trực tiếp lắp ráp ở nhà máy đóng tàu Trung Quốc hoặc lắp ráp ở nhà máy đóng tàu Viễn Đông hoặc nhà máy đóng tàu Stars Nga. Do tốc độ đóng tàu tương đối nhanh của Trung Quốc, Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Nga đến năm 2018-2020 có thể nhận được 8 - 12 tàu hộ vệ Type 054R, đủ để củng cố vị thế của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời có thể trợ giúp công nghiệp đóng tàu Nga chế tạo tàu chiến tiên tiến thế hệ mới.

Việt Dũng