"Nga-Trung sẽ tập trận ở Biển Đông, Moscow muốn có đi có lại"

04/06/2015 06:26
Hồng Thủy
(GDVN) - Theo Đa Chiều, điều đáng nói là hiện tại Nga cũng đang duy trì quan hệ mật thiết với một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đa Chiều ngày 3/6 bình luận, việc Nga và Trung Quốc có kế hoạch tập trận hải quân chung trên Biển Đông năm 2016 cho thấy Vladimir Putin muốn "có đi có lại" với Trung Nam Hải. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov khi tham dự Đối thoại Shangri-la tại Singapore đã công bố năm tới Nga sẽ tập trận chung hải quân ở Biển Đông với các đối tác, tuy nhiên ngoài Trung Quốc ra không thấy ông Anatoly Antonov đề cập đến đối tác cụ thể nào khác.

Đáng chú ý theo Đa Chiều là phát biểu của Anatoly Antonov về "nhận thức chung" Nga - Trung: "Chúng tôi lo ngại bởi chính sách của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là kể từ khi nó ngày càng trở nên tập trung vào ngăn chặn Nga và Trung Quốc", ông Antonov nói. Thứ trưởng Quốc phòng Nga cho rằng, chính sách của Mỹ trong khu vực đang ngày một chống lại Trung Quốc và Nga. Ông cáo buộc: Các tàu khu trục mang tên lửa của Mỹ đã đặt ra một mối đe dọa cho sự ổn định trong khu vực.

"Bất chấp những lo ngại của chúng tôi về các cấu trúc phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ, họ vẫn tiếp tục chính sách làm gián đoạn sự ổn định chiến lược, thêm một phân khúc lá chắn tên lửa trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Thứ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố. Đa Chiều bình luận, những phát biểu này của tướng Anatoly Antonov cho thấy quan hệ giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng đã thực sự lao dốc nghiêm trọng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Nga và Trung Quốc từng bước tăng cường hợp tác an ninh biển và hải quân 2 nước liên hệ với nhau thường xuyên. Đây là kết quả, tác dụng chung của nhiều xu thế, bao gồm phương hướng phát triển của hải quân Trung Quốc cũng như xu thế phát triển tổng thể quan hệ Trung - Nga. 2 năm qua, quan hệ chiến lược Trung - Nga đã trở nên sâu sắc hơn. Ngoài ra quân đội Trung Quốc cũng đang điều chỉnh cơ cấu theo hướng coi trọng hải - không quân hơn lục quân.

Do đó hải quân Trung Quốc đang tìm kiếm các hành động phát triển ở quy mô toàn cầu. Hải quân Trung - Nga vừa mới kết thúc diễn tập chung ở Địa Trung Hải chỉ 2 tuần trước. Tuy nhiên những chi tiết cụ thể về tập trận chung Trung - Nga vẫn chưa được biết đến nhiều.

Truyền thông nhà nước Nga cho biết, cuộc tập trận chung trên Biển Đông sẽ diễn ra tháng 5 năm tới. Cục diện Biển Đông đang biến đổi nhanh chóng, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Tập trận chung Trung - Nga ở Biển Đông có khả năng sẽ chứng minh rằng các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị quân sự Trung Quốc cài đặt (bất hợp pháp) trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa là "hữu dụng", bao gồm sân bay và các trạm radar.

Theo Đa Chiều, điều đáng nói là hiện tại Nga cũng đang duy trì quan hệ mật thiết với một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Nga là nhà cung cấp vũ khí quan trọng của Việt Nam, trong khi đó Trung Quốc lại đang tranh chấp lãnh thổ, hàng hải với Việt nam, Philippine, Malaysia và Brunei.

Nội dung đáng chú ý nữa trong bình luận của Anatoly Antonov là cả Trung Quốc và Nga đều xem Mỹ là nhân tố "gây mất ổn định" ở Biển Đông. Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã khẳng định rất rõ, Washington sẽ không lùi bước ở Biển Đông.

Hồng Thủy