Ngư đội Trường Sa: Ngày đêm bám biển, xua đuổi tàu lạ

16/07/2011 23:44
(GDVN) - Liên kết, hỗ trợ để bám biển dài ngày, vừa tăng khả năng khai thác nguồn lợi thủy sản, vừa góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo...
(GDVN) - Liên kết, hỗ trợ để bám biển dài ngày, vừa tăng khả năng khai thác nguồn lợi thủy sản, vừa góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo của đất nước. Đó là mô hình Ngư đội Trường sa của Khánh Hòa đã và đang hoạt động rất  hiệu quả trong thời gian qua. 
Tuy nhiên, để duy trì mô hình này hoạt động bền vững thì cần được nhân rộng và cần thêm nhiều hỗ trợ để ngư dân yên tâm hơn trong các chuyến ra khơi  bám biển khai thác thủy sản và gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.  
 Liên kết chặt chẽ như Ngư đội Trường Sa (Khánh Hòa) để bám biển khai thác thủy sản và bảo vệ lãnh hải của đất nước.
Liên kết chặt chẽ như Ngư đội Trường Sa (Khánh Hòa) để bám biển
khai thác thủy sản và bảo vệ lãnh hải của đất nước.
Vừa bám biển, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo
Nhằm tăng khả năng bám biển và khai thác nguồn lợi thủy sản đối với các tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ, cuối năm 2010, Hội Nghề cá Việt Nam, Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, Hiệp hội cá ngừ đại dương, Công ty TNHH Hải Vương, Công ty TNHH MTV 128 (Bộ tư lệnh Hải quân) đã thành lập mô hình “Ngư đội Trường Sa” trên tinh thần tự nguyện của các thành viên. 
Ngư đội Trường Sa được thành lập dưới hình thức tàu mẹ - tàu con. Các tàu cùng ra khơi khai thác thủy sản và được tàu mẹ đảm bảo việc thu mua thủy hải sản, cung ứng thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ y tế miễn phí cùng các trang thiết bị cần thiết để ngư dân có thể bám biển dài ngày.    
Hiện nay, trên địa bàn Khánh Hòa đã thành lập được hai Ngư đội Trường Sa là Trường Sa lớn và Song Tử Tây. Mỗi ngư đội có một tàu mẹ và 4 tàu con. Bình quân mỗi tàu có công suất từ 300-400CV với 10-12 thuyền viên. Từ khi thành lập đến nay, mô hình này đã đem lại kết quả khả quan, đảm bảo ngư đội bám biển dài ngày và thường xuyên từ 9-10 tháng/năm. 
Ông Mai Thành Phúc, ngư đội trưởng Ngư đội Trường Sa lớn cho biết: Trước đây ngư dân có thói quen đi biển độc lập, vì họ sợ đi đông sẽ “lộ” ngư trường khai thác. Nhưng bây giờ thì ngược lại, muốn tồn tại thì phải liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Nhất là trong mùa mưa, bão và chống lại các tàu lạ của nước ngoài. 
Sự ra đời của các ngư đội, nhất là việc có tàu mẹ (công suất lớn), ngoài hỗ trợ về mặt thu mua thủy hải sản khai thác, còn tạo nên chuỗi sức mạnh liên kết khiến ngư dân chúng tôi yên tâm vượt sóng, bám biển”.
Ngoài việc hỗ trợ nhau trong khai thác, thu mua thủy hải sản, hai ngư đội Trường Sa đã tích cực tham gia xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ Quốc. 
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam bày tỏ: “Tuy mới thành lập, nhưng hiệu quả kinh tế và ý nghĩa về quốc phòng mà các Ngư đội Trường Sa mang lại là rất lớn. Việt Nam giàu tài nguyên biển, để khai thác hiệu quả kinh tế biển, mô hình này cần được nhân rộng, nhất là tại các tỉnh miền Trung”.  
Cần được  quan tâm hỗ trợ!
Hiện nay, hai Ngư đội Trường Sa được hình thành, phát huy hiệu quả trong thời gian qua, trên thực tế là mô hình liên kết “tự phát”, tự nguyện của ngư dân, về mặt pháp lý vẫn chưa có một quyết định thành lập nào của chính quyền địa phương. Vì vậy, các ngư đội hoạt động còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là việc hỗ trợ các ngư đội sau các chuyến biển. 
Trước khi thành lập, các tàu tham gia ngư đội được thông báo là sẽ được hỗ trợ kinh phí theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Tuy nhiên, từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, các tàu của ngư đội vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía chính quyền. 
Theo ông Võ Thiên Lăng, UBND tỉnh Khánh Hòa nên sớm có quyết định thành lập các ngư đội Trường Sa. Đồng thời, triển khai việc hỗ trợ dầu, kinh phí đi biển cho các tàu đánh bắt xa bờ, nhất là các tàu tham gia Ngư đội Trường Sa để các ngư dân yên tâm bám biển khai thác thủy hải sản vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo... 
Anh Trần Văn Đạt, ngư đội trưởng Ngư đội Song Tử Tây tâm sự: Mỗi lần ra khơi, các ngư dân thường xuyên đối mặt với các tàu cá, tàu thăm dò của tàu nước ngoài; mỗi khi thấy tàu họ thăm dò trên biển, các ngư dân cùng nhau thả câu, lưới... dài hàng chục hải lý trên lãnh hải chúng ta để ngăn cản quá trình thăm dò. 
Từ khi có Ngư đội Trường Sa, có mối liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau nên các ngư dân trong ngư đội cũng như các ngư dân khác rất yên tâm bám biển dài ngày. Chúng tôi nhận thấy nên nhân rộng mô hình này và nên hỗ trợ đóng mới những tàu có công suất lớn để khi có sự cố có thể ứng cứu kịp thời. 
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ tài chính cho ngư dân trong những thời điểm đánh bắt hải sản trái mùa. Vì những thời điểm đó, việc đánh bắt xem như không có lãi, thậm chí lỗ nên ngư dân khó bám biển. 
Được biết, khi tham gia Ngư đội Trường Sa, các tàu của ngư dân được hỗ trợ lắp đặt miễn phí các máy định vị trên tàu. Việc này giúp các lực lượng chức năng ở đất liền dễ dàng theo dõi tiến trình hoạt động của các tàu cá, giúp ích cho công tác cứu hộ cứu nạn khi có sự cố. 
Đồng thời, khi có tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam, các tàu của ngư đội sẽ trực tiếp xua đuổi và thông báo với lực lượng chức năng trong bờ để có sự can thiệp kịp thời.
Hiện nay, trước thách thức về vấn đề an ninh biển, ảnh hưởng bất lợi của thời tiết và chi phí xăng dầu tăng cao sau mỗi chuyến ra khơi. Mặc dù vậy, phần đông ngư dân vẫn cùng nhau liên kết thành khối sức mạnh, điển hình là mô hình Ngư đội Trường Sa mà các ngư dân và doanh nghiệp của Khánh Hòa đang triển khai, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền lãnh hải - chủ quyền biển, đảo của đất nước... 
Để nhân rộng và phát triển bền vững, các ngư dân đang rất cần được quan tâm hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
{iarelatednews articleid='7660,7329,7308,7068,6827,6705,6130,6021,5253,5243,4552,4263,4069,3588'}
Nam Thiên