Người dân cần đối chất trực tiếp, công khai và sòng phẳng về thu phí

01/04/2012 13:00
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Người dân cần đối chất trực tiếp, công khai. “Đại gia” sinh viên tính bán xế “trốn” phí... là những tin bài nóng xung quanh vấn đề thu phí giao thông.
Người dân cần đối chất trực tiếp, công khai và sòng phẳng

Thông tin trên Diễn đàn kinh tế Việt Nam (VEF), có rất nhiều vấn đề nóng liên quan đến "thuế và phí" được đặt ra từ phía người dân, thuộc nhiều tầng lớp, nhiều đối tượng khác nhau. Ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng qua giao lưu trực tuyến trên báo điện tử Chính phủ hay trên các phương tiện truyền thông, cũng như đôi ba lần trả lời hiếm hoi của của bộ máy giúp việc cho Bộ trưởng đều chưa khiến người dân thỏa mãn.

Người dân cần đối chất trực tiếp, công khai và sòng phẳng. Không thể, một khi đề xuất chính sách đã đặt lên khuôn, mục tiêu nào đó đã xác định thì bộ máy cứ thế mà giải thích, cứ thế mà làm tới mà ít khi có sự lắng nghe và tiếp thu của một các thấu đáo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xét về khía cạnh pháp lý có điều gì đó không ổn trong chính sách thu phí do Bộ GTVT đưa ra. Do vậy, người dân rất cần các cơ quan và chuyên gia tư vấn pháp luật lên tiếng về tính hợp pháp, hợp lý của đề xuất thu phí.

Cần phân tích làm rõ hàng loạt vấn đề nảy sinh như: tính hợp pháp của đề xuất chính sách; thế nào là phí và phí chồng phí; hạn chế lưu thông phương tiện hay hạn chế sở hữu phương tiện giao thông cá nhân; một khi chính sách đưa ra gây thiệt hại cho người dân thì xử lý hậu quả ra sao; phí có tính chất đối giá, bù trừ về lợi ích vật chất nên một khi người dân đóng phí nhưng không được hưởng dịch vụ tốt hơn là trái với quy định tại Pháp lệnh Phí và Lệ phí.
Thêm 429 ý kiến phản đối về đề xuất thu phí giao thông

Báo Tuổi trẻ đưa tin, đề án thu phí giao thông vẫn tiếp tục là đề tài nóng của tuần này. Đã có thêm 429 ý kiến phản đối việc thu phí giao thông quá nhiều, phí chồng phí khiến người dân sở hữu phương tiện giao thông cá nhân cảm thấy bức xúc khi đường sá ngày một xuống cấp, phương tiện giao thông công cộng thay thế thì nhếch nhác...

Nhiều phản hồi gửi về tòa soạn đã đề nghị nên trưng cầu ý dân về vấn đề này trước khi các cơ quan chức năng có quyết định cuối cùng.

“Đại gia” sinh viên tính bán xế hộp “trốn” phí

Nguồn tin trên Vietnamnet cho hay, đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải nếu được thông qua, việc thu phí ô tô sẽ tiến hành vào ngày 1/6 tới. Một số sinh viên đang sử dụng xế hộp làm phương tiện đi lại cũng méo mặt và loay hoay tìm giải pháp nuôi xe.

Riêng phí gửi xe mỗi tháng của Nguyễn Linh (SV Trường ĐH Đông Đô) hết khoảng 2 triệu đồng/ tháng.
Riêng phí gửi xe mỗi tháng của Nguyễn Linh (SV Trường ĐH Đông Đô) hết khoảng 2 triệu đồng/ tháng.

Hà Minh (SV Trường ĐH Đại Nam) nhẩm tính, sẽ phải chi xấp xỉ 10 triệu/ tháng để “nuôi” chiếc Camry C200 nếu tiếp tục đi ô tô, còn không biết có nuôi nổi bản thân mình không vì Minh sống tự lập nhưng lại quá nhiều “gánh nặng” đang đè lên vai.

Nguyễn Linh (SV năm 4, Trường ĐH DL Đông Đô) đưa ra phương án tiết kiệm chi tiêu, hạn chế đi ô tô để “nuôi” chiếc Kia Morning mỗi tháng. “Nếu không chịu được “nhiệt” thì có lẽ mình sẽ phải bán xe mất. Gia đình mình mỗi năm phải nộp phí cho 9 chiếc xe, tương đương với 200 triệu/năm” – Linh cho biết.

Thu phí để hạn chế ôtô, xe máy: Thích thì phải trả tiền
Tin nhanh Năng lượng mới (Petrotimes) thông tin, mấy ngày nay, dư luận lại “sục sôi” với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc thu phí đối với ôtô, xe máy. Mục đích của loại phí này, nói không úp mở gì là nhằm hạn chế ôtô, xe máy.

Quả thực, nếu mức phí này được Chính phủ thông qua, thì đây là một đòn chí mạng giáng vào những người đang sử dụng ôtô, xe máy, mà bấy lâu nay vẫn hát vang khúc quân hành “đường ta ta cứ đi”.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiện, một khi đã dám bỏ tiền ra mua ôtô để phục vụ cho những nhu cầu, sở thích cá nhân của mình thì có nghĩa là cũng phải dám bỏ tiền ra đóng các loại phí. Đó là lẽ đương nhiên và cũng là công bằng.

Thu phí để hạn chế xe ôtô là đúng và cần thiết, thậm chí cấp bách. Tuy nhiên, thu mức thế nào? Lộ trình thu ra sao? Thiết nghĩ Bộ Giao thông Vận tải cũng nên cân nhắc có lộ trình tăng “từ từ” để mọi người cảm thấy… “chầm chậm tới mình”. Chứ đằng này, từ tháng 6, đóng nghiến một cục vài chục tới cả trăm triệu, xem ra cũng hơi choáng thật.
Hải Phong (Tổng hợp)