Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xét “công, tội” người quay clip tiêu cực thi

21/06/2012 06:42
Hồng Chính Quang
(GDVN) - "Giả sử tôi còn làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tôi sẽ xét nếu công lớn hơn tội và công đó có ý nghĩa xã hội lớn thì tôi sẽ chú ý nghiêng về phía công, đồng thời bảo vệ người chống tiêu cực".
Kết quả thi tốt nghiệp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã có. Tuy nhiên, sau khi xảy ra vấn đề tiêu cực tại Hội đồng thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) cùng với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao của nhiều tỉnh, nhiều người không khỏi băn khoăn về chất lượng thực chất của giáo dục nước nhà.

Đi kèm với đó là những sự nghi ngờ về khả năng thành công của phong trào “Hai không” trong giáo dục khi so sánh tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2012 và năm 2007 (năm đầu tiên thi tốt nghiệp sau khi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát động phong trào này).

GS,VS. Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam (Ảnh: Xuân Trung)
GS,VS. Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam (Ảnh: Xuân Trung)

Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với GS,VS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam để hiểu rõ hơn vấn đề này. GS Phạm Minh Hạc cho biết: “Không thể đem so sánh tỷ lệ đỗ tốt nghiệp khi mới phát động phong trào “Hai không” với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hiện nay để nói rằng phòng trào “Hai không” đã thất bại vì nhiều nguyên nhân như độ khó của đề thi của từng năm là khác nhau, mức độ coi thi chặt chẽ hay không…”.

GS Hạc nói tiếp: “Tôi nhớ năm 2007, trường THPT Dân lập Đồi Ngô đỗ tốt nghiệp với tỷ lệ khoảng 6%. Nhiều chuyên gia là các thầy cô giáo đã cho rằng một năm mà tăng được vài phần trăm thì tốt lắm rồi. Giả sử  một năm tăng 5% thì 5 năm mới tăng được 25%. Tuy nhiên sau 5 năm, trường này đã tăng được hơn 78%.

Trường THPT dân lập Đồi Ngô có chất lượng học sinh thuộc loại kém nhất tỉnh. Vì mỗi tỉnh chỉ có một trường chuyên với chất lượng học sinh cao nên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở trường loại này có thể lên đến 100% là chuyện bình thường nhưng ở những trường với chất lượng thấp hơn thậm chí là thấp hơn nhiều thuộc kiểu như trường THPT Dân lập Đồi Ngô mà đỗ với tỷ lệ cao thì thực sự chưa sát thực tế.

Đề thi tốt nghiệp là một đề có mức độ khó trung bình để cho 1 học sinh có trình độ trung bình có thể đạt điểm trung bình. Tôi làm quản lý ở các cấp độ khác nhau, với những kinh nghiệm của tôi và những kết quả nghiên cứu xã hội học giáo dục, các trường nhóm 1 là các trường chuyên có thể có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lên đến 100%.

Các trường trong nhóm có chất lượng áp sát với các trường chuyên thì tỷ lệ đỗ khoảng 90 – 95%. Các trường trong nhóm thứ 3 có thể đỗ khoảng 70 – 80% và các trường có chất lượng thấp hơn thì tỷ lệ đỗ sẽ thấp hơn. Tất cả những con số trên có được trong điều kiện giáo dục bình thường. Với những nước có điều kiện giáo dục rất tốt thì tỷ lệ trung bình cũng mới đạt đến 80%. Tuy nhiên, tại Việt Nam, kết quả tốt nghiệp của nhiều trường trong 1 tỉnh vừa qua lên đến 100% và tỷ lệ đỗ trung bình của nhiều tỉnh lên đến hơn 99%”.

Theo GS Hạc, so sánh kết quả học tập năm lớp 12 với kết quả thi tốt nghiệp là sẽ đánh giá được chất lượng kỳ thi (Ảnh cắt từ clip)
Theo GS Hạc, so sánh kết quả học tập năm lớp 12 với kết quả thi tốt nghiệp là sẽ đánh giá được chất lượng kỳ thi (Ảnh cắt từ clip)

Theo GS Phạm Minh Hạc, để có thể kiểm tra chất lượng thực tế của học sinh, chúng ta có thể tổ chức thanh tra, so sánh thực lực học của học sinh bằng cách lấy điểm kiểm tra trung bình của học kỳ 1 và học kỳ 2  của lớp 12 ở từng trường xem bao nhiêu em được trung bình trở lên rồi so với kết quả thi này có giống nhau không. Nếu trùng khớp nhau thì phản ánh đúng sự thật, còn nếu quá chênh lệch thì kết quả thi cử ấy không đúng sự thật. 

Xung quanh việc để lộ danh tính của học sinh đã quay clip tố cáo tiêu cực để rồi phải hứng chịu những phản hồi không tốt mang tính đe dạo và lăng mạ khiến em này sợ hãi, GS Phạm Minh Hạc nói: “Dù không biết ai đã để lộ danh tính của học sinh quay clip nhưng tôi không ủng hộ việc để lộ đó. Đáng lẽ ra ở cơ sở đó, địa phương đó phải bảo vệ  người chống tiêu cực. Hành động của học sinh quay clip đó có 2 mặt: công và tội. Giả sử tôi còn làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tôi sẽ xét nếu công lớn hơn tội và công đó có ý nghĩa xã hội lớn thì tôi sẽ chú ý nghiêng về phía công, đồng thời bảo vệ người chống tiêu cực.

Tôi cũng không thể tưởng tượng được giáo viên làm giám thị lại có thể lơ là tạo điều kiện để học sinh chép bài như vậy. Tôi lại càng không thể tưởng tượng được có những người quản lý giáo dục giải bài rồi ném vào cho học sinh. Những người như vậy có còn xứng đáng giáo dục học sinh và đứng ở vị trí quản lý giáo dục nữa hay không?”.

GS Hạc cho rằng, xử lý tiêu cực thi cử ở Bắc Giang “phải tập trung vào giám thị. Nếu giám thị làm đúng chức năng thì không thể xảy ra tiêu cực như vậy, nhất là có đến 2 giám thị thì không thể xảy ra tình trạng gian lận như thế. Nguồn gốc sâu xa của việc này chính là từ việc dạy dỗ học sinh chưa tốt để học sinh lại có tính không trung thực như vậy”.

Điểm nóng

Nam thanh niên tìm đến khách sạn người yêu tự tử để… tự vẫn

Nhọc nhằn lội mương mưu sinh ở thủ đô

3 em nhỏ 10 tuổi chết đuối trên sông Dinh

Bàng hoàng trà chanh làm từ phụ gia

Hồng Chính Quang