Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:

“Nhà nước cần tính toán kỹ để cân đối mức thu phí đường bộ”

02/04/2013 07:14
Hoàng Lâm (thực hiện)
(GDVN) - Trước thông tin sắp tới sẽ có sự xuất hiện “dày đặc” của các trạm thu phí trên QL1, nhiều doanh nghiệp vận tải trên cả nước đang hết sức lo lắng về khả năng “phí chồng phí”.
Như báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin: để thu hút nhà đầu tư BOT, dự án mở rộng quốc lộ 1 được cắt thành nhiều đoạn nhỏ, hệ quả là tuyến đường huyết mạch này sắp tới sẽ dày đặc các trạm thu phí.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam.

PV: Thưa ông, trước thông tin sẽ xuất hiện thêm nhiều trạm thu phí trên QL 1, ông có đánh giá thế nào về thông tin này?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:  Điều lo lắng nhất của chúng tôi trong thời gian tới là các loại phí sau khi QL 1 mở rộng và nâng cấp từ 2 làn xe lên 4 làn xe và nâng cấp mặt đường. Doanh nghiệp vận tải còn chưa kịp vui mừng vì các trạm ngân sách bị xóa bỏ sau khi phí bảo trì đường bộ chính thức thu, thì lại lo vì các trạm BOT mọc thêm nhiều hơn.
Theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP, sau khi thu phí đường bộ theo đầu phương tiện thì chi phí bảo trì công trình đường bộ sẽ được trích từ Quỹ bảo trì đường bộ. Để thu hút nhà đầu tư BOT, dự án mở rộng quốc lộ 1 được cắt thành nhiều đoạn nhỏ, hệ quả là tuyến đường huyết mạch này sắp tới sẽ dày đặc các trạm thu phí và người trực tiếp chịu tác động sẽ là người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam
Trước đó, sau khi Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện được ban hành, không chỉ chúng tôi mà dư luận cũng có nhiều băn khoăn xung quanh cơ sở xác định mức phí, cách sử dụng, việc triển khai thu…
Thực tế, vốn nhà nước hiện nay ít và không có nên đang sử dụng chủ yếu kênh huy động vốn từ các nhà đầu tư (NĐT) qua hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao). Mà đã là BOT thì chắc chắn nhà đầu tư phải thu phí hoàn vốn cộng cả lãi ngân hàng và lợi nhuận và bảo trì đoạn đường có BOT cũng hoàn toàn dễ hiểu.
Tôi được biết phí thu BOT trên QL1 sau khi hoàn thành sẽ cao hơn nhiều so với hiện nay từ 1,5 – 3,5 lần. 
"Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là nhà nước cần tính toán lại tổng thể nếu có sự xuất hiện ở BOT trong những năm tới thì nên giảm các phí khác, giảm thuế đi để người tiêu dùng có thể ổn định được. Ví dụ, có thể giảm thuế nhập khẩu, phí đăng ký, cấp biển số… ".
- Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:
PV: Với mức phí cao như vậy, ngành vận tải có đề xuất gì không thưa ông? 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Thực tế, hiện giờ việc này cũng chưa xảy ra cho đến khi hoàn thiện mới thu phí trên đoạn nâng cấp.

Trong tương lai tôi thiết nghĩ nhà nước đầu tiên phải tính toán lại các mức phí vì ngành vận tải hay cụ thể hơn là người sử dụng đường sẽ phải đóng thêm một lần phí nữa với các trạm BOT và phải nộp rất cao. Thực tế thì là dân nộp, người dân chịu là chính.
Trong điều kiện như hiện nay vẫn biết BOT là bất khả kháng nhưng nhà nước phải tính toán cụ thể với các trạm BOT là bao nhiêu để có thể ổn định được.
PV: Theo ông, giải pháp hữu hiệu nhất để ổn định được sau khi các trạm thu phí xuất hiện dày đặc trên QL 1 là gì?

Các dự án BOT từ Hà Nội - Cần Thơ (Theo báo cáo của Bộ GTVT)
Các dự án BOT từ Hà Nội - Cần Thơ (Theo báo cáo của Bộ GTVT)


Trước đó trên QL1 có hai làn đường rồi, giờ BOT chỉ nâng cấp và mở rộng hai làn nữa nên tôi nghĩ có thể kéo dài thời gian thu hồi vốn để mức thu thấp đi. Đặc biệt, nếu thu phí đường bộ rồi thì trạm BOT cũng nên loại trừ phí bảo trì đường bộ đi vì chúng tôi đã đóng phí quốc lộ, tỉnh lộ trước đó nếu không chúng tôi sẽ phải đóng phí tới tận hai lần. Đó sẽ không phải chỉ là gánh nặng cho ngành vận tải nữa mà là gánh nặng cho cả người dân.
Bên cạnh đó cũng phải nói đến vấn đề hiện giờ thuế nhập khẩu ô tô, thuế trước bạ v.v… nặng quá. Với mức thuế như hiện nay, nếu mua được một ô tô ở Việt Nam thì có thể mua được từ 2 – 3 xe ở nước ngoài. Còn với các loại xe tải thì thuế nhập khẩu cũng rất cao. Đó là chưa kể đến việc xuất hiện BOT sau vài năm nữa thì sẽ chẳng khác gì “nấm gặp mưa” thì chúng tôi sẽ rất mệt mỏi để cân đối.
Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là nhà nước cần tính toán lại tổng thể nếu có sự xuất hiện ở BOT trong những năm tới thì nên giảm các phí khác, giảm thuế đi để người tiêu dùng có thể ổn định được. Ví dụ, có thể giảm thuế nhập khẩu, phí đăng ký, cấp biển số… 
PV: Xin cám ơn ông !
Hoàng Lâm (thực hiện)