Nhà thơ Trần Đăng Khoa bàn về số phận Đoàn Văn Vươn (kỳ cuối)

06/03/2012 06:50
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Cuối cùng, Đoàn Văn Vươn tiếp tục được sử dụng khu đầm mồ hôi nước mắt ấy, nhưng còn làm được gì, khi phải đối mặt với án tù tội".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa bảo rằng, ông không chỉ là một nhà thơ, mà còn là một người lính, một anh bộ đội cụ Hồ. Nhiều năm tháng gắn bó với màu áo lính, ông có dịp đến các vùng đất xa xôi của tổ quốc. Và ở đâu ông cũng thấy thấp thoáng những số phận đáng thương. Với Đoàn Văn Vươn cũng vậy, ông  rất cảm thông, nhưng cũng không đồng tình với cách mà người nông dân này đã làm khi chống lại lực lượng chức năng. Và chính tiếng mìn tồi tệ ấy đã khiến Đoàn Văn Vươn phải trả một cái giá đắt, làm tiêu tan cả một sự nghiệp.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cuộc đời còn rất nhiều người tốt và lẽ ra Đoàn Văn Vươn phải lựa chọn một phương án khôn ngoan hơn
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cuộc đời còn rất nhiều người tốt và lẽ ra Đoàn Văn Vươn phải lựa chọn một phương án khôn ngoan hơn

Tôi cũng có quan điểm như ông, rằng đây là một cái kết buồn cho nhiều người. Nỗi buồn ập đến với cả những người không trực tiếp liên quan tới vụ việc ấy, trong đó có cả ông và tôi. Có người bảo giá như Đoàn Văn Vươn kiên trì ứng xử theo luật thì đâu đến cảnh tù tội. Nhưng cũng có người bảo, nếu ông ta ứng xử theo luật, nghĩa là kiên trì vác đơn đi khiếu kiện nhiều năm thì không biết đến bao giờ mới chạm tay được tới công lý, vì còn đầy rẫy các vụ kiện tụng, khiếu nại về đất đai mà bị chìm xuồng đấy thôi…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cái việc ấy thì không thể “giá như” được nữa. Nó đã xảy ra rồi. Ông Vươn đã chủ động chọn cái kết đó. Vậy thôi. Ông Vươn là người có học. Vậy mà lại đi chọn một phương án thiếu khôn ngoan. Nhưng rồi qua đó, chúng ta lại thấy được vấn đề Đoàn Văn Vươn, chứ không phải vụ việc Đoàn Văn Vươn. Đó là chuyện bất ổn ở lĩnh vực đất đai.

Bây giờ, khiếu kiện về đất đai nhiều quá. Nhiều khủng khiếp. Ta thấy gì qua những vụ khiếu kiện ấy? Đó là một sự bất ổn, mà chính Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường đã nói rằng: “Có hai vấn đề thường xuyên xuất hiện qua các vụ khiếu kiện, thứ nhất là sự thiếu hiểu biết về pháp luật của chính những cán bộ làm việc tại các cơ quan công quyền ở địa phương; thứ hai là do tham nhũng, cố tình áp dụng sai pháp luật với cơ chế Nhà nước thu hồi đất nhằm mục tiêu tước đoạt quyền lợi hợp pháp của người dân để giao đất cho người khác. Rất nhiều vụ việc khiếu kiện về đất đai đã xảy ra, thậm chí xảy ra nhiều năm nhưng đều xoay quanh hai biểu hiện này thôi”.

Tôi cũng không ủng hộ cách làm tiêu cực của ông Vươn, vì còn có rất nhiều cách khác nữa để làm sáng tỏ vấn đề. Dẫu có phải mất nhiều thời gian nữa thì cũng vẫn an toàn hơn nhiều, an toàn cho chính bản thân, cho vợ con mình. Cuộc đời này còn rất nhiều người tốt, nhiều người sẵn sàng lên tiếng bảo vệ lẽ phải. Ta thấy rõ nhất là các nhà báo qua vụ việc này...

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Không khuất tất nào có thể bưng bít được. Thực ra ông Vươn cũng đã khiếu kiện. Rất nhiều người dân Tiên Lãng cũng đã khiếu kiện. Nhưng Tòa án cơ sở lại không đứng về phía người nông dân, cho nên họ phải chịu sự ấm ức, thiệt thòi.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong bản kết luận làm nức lòng dân, cũng đã đề nghị các cơ qua chức năng khi xét xử cần tính đến tình tiết giảm nhẹ cho ông Vươn. Như thế cũng là thấu đáo lắm. Mặc dù thế, như tôi đã nói, tôi không ủng hộ ông Vươn đấu tranh với sai trái bằng bạo lực.

Điều đó sẽ khiến ông ấy phải trả cái giá quá đắt, làm khổ nhiều người khác nữa trong gia đình ông. Cuối cùng, Đoàn Văn Vươn tiếp tục được sử dụng khu đầm mồ hôi nước mắt ấy, nhưng còn làm được gì, khi phải đối mặt với án tù tội. Và em trai là Đoàn Văn Quý cũng bị liên lụy. Thế là người vợ phải làm thay việc của chồng, lại còn phải chăm sóc con cái còn đang tuổi học hành. Đó là một gánh nặng quá mức đối với một người phụ nữ có dáng vẻ mảnh khảnh và yếu đuối.

Còn cách hành xử của chính quyền địa phương thì tôi chỉ thấy sự bối rối. Khi vụ việc đã xảy ra, các cơ quan có trách nhiệm từ địa phương cho tới thành phố đã xử lý “rối như canh hẹ”. Rồi sau kết luận của Thủ tướng thì sao? Tôi không hiểu sao người ta lại đưa những anh từng tham gia chỉ đạo, rồi chỉ huy người cưỡng chế phá nhà ông Vươn, rồi bao biện đổ vấy cho dân, lại tham gia trong ban chỉ đạo giải quyết vụ việc. Sau đó dư luận lên tiếng phản đối thì người ta mới phải xoay lại. Việc làm ấy liệu có khiến người dân đặt ra một dấu hỏi lớn, nghi ngờ về tính công bằng không?

Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Đại tướng Lê Đức Anh, rằng: “Lựa chọn cán bộ thì trung thực phải là yếu tố đầu tiên. Nếu cán bộ mà không trung thực, làm đúng thì không sao, nhưng làm sai thì sẽ tìm cách đổi tội loanh quanh, không chịu nhận sai. Làm việc thì có đúng, có sai, nhưng điều quan trọng là khi làm sai thì phải nhận là sai để sửa chữa, còn chối loanh quanh thì cán bộ đó hỏng”.

Cụ Nguyễn Trãi cũng từng dạy ta “Khôn ngay, khéo đầy”. Người khôn ngoan là ăn ở cho ngay ngắn. Người khéo léo là phải biết sống cho đầy đặn, chứ không phải là lươn lẹo. Ở thời đại công nghệ thông tin này, mọi việc làm khuất tất, cẩu thả đều bị trả giá. Không chạy thoát được vì dân sẽ đưa ra bằng chứng ngay. Không phải chỉ là lời buộc tội mà là bằng chứng cụ thể bằng cả tiếng và hình.

Mấy hôm vừa rồi, ông trời lại dở chứng, mưa rả rích và lạnh đến tê cứng cả đôi bàn tay. Tôi chợt nhớ đến hình ảnh vợ con ông Vươn trong cái lều bạt vào những ngày áp Tết mà thấy tê tái cõi lòng. Họ phải đón Tết trong nỗi buồn vô hạn… Có khi nào ông nghĩ, rồi những tháng ngày tới đây mấy đứa trẻ ấy sẽ đối mặt với mọi chuyện thế nào?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cái sai của Đoàn Văn Vươn thì rõ rồi, và cái sai của chính quyền cũng không còn phải bàn cãi. Mọi chuyện đều được luật pháp phân xử công minh. Chỉ có điều cái cách chính quyền địa phương ứng xử với vợ con ông Vươn, ông Quý vào dịp Tết vừa qua như vậy là không nên. Ví như phát biểu của ông Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang chẳng hạn. Thừa nhận gia đình ông Vươn, ông Quý có sinh sống, làm ăn ở địa phương, nhưng lại hồn nhiên nói rằng vì những người này không có hộ khẩu ở đây nên chuyện thăm hỏi ngày Tết chính quyền địa phương không có trách nhiệm. Nhà của người ta thì bị đập phá, lại phá cả căn nhà không nằm trong khu giải tỏa thì thật chẳng còn gì để bàn nữa.

Trong khi các nhà Lãnh đạo của chúng ta luôn canh cánh vì dân, luôn dặn các cán bộ dưới quyền: Bằng giá nào cũng phải lo cho dân. Không được để người dân nào mất Tết. Vậy mà ở Tiên Lãng, người ta lại phá nhà dân vào đúng dịp Tết đến xuân về. Đó là điều tối kỵ về đạo lý.

Tôi có hai con gái còn nhỏ, thế nên tôi rất chú ý đến tâm hồn con trẻ. Tuổi thơ của chúng cần được gìn giữ sự trong sáng. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng như ta mong muốn. Nói gì thì nói, đúng là những đứa con của ông Vươn, ông Quý cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhiều khi những việc làm không đẹp của người lớn sẽ thành nỗi ám ảnh không dễ xóa nhòa trong tâm trí trẻ thơ. Cầu mong các thầy cô, bạn bè, và cả những đồng chí lãnh đạo mới, có trách nhiệm của chính quyền địa phương sẽ quan tâm, giúp đỡ, để chúng không phải chịu thiệt thòi. Đừng để tâm hồn con trẻ bị vẩn đục…

Chúc Nhà thơ luôn tràn đầy nhiệt huyết với vấn đề nông dân – nông thôn!

Điểm nóng
Sinh nhật chiêu đãi ma tuý, thiếu nữ Hà thành bị sốc chết
Luật sư của ông Vươn: Kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra quân đội
Uẩn khúc vụ mẹ ôm con 5 tháng tuổi tự tử giữa đường ray
Thứ trưởng Cao Minh Quang đề nghị làm rõ việc lộ tin mật

Ngọc Quang (Thực hiện)