Nhà Trắng kích cầu bán vũ khí, chiến tranh Trung - Mỹ khó xảy ra ở Biển Đông

20/04/2018 15:24
Hồng Thủy
(GDVN) - Mỹ nới lỏng các điều kiện nhân quyền, sở hữu trí tuệ để kích cầu vũ khí cạnh tranh với Nga-Trung, và sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông.

Financial Times ngày 20/4 đưa tin, Cố vấn Kinh tế thương mại của Tổng thống Mỹ, ông Peter Navarro bình luận, Washington nên cho phép đồng minh và đối tác mua vũ khí Mỹ dễ hơn để tránh họ phải dựa vào vũ khí Nga hoặc "hàng nhái Trung Quốc".

Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã nới lỏng các hạn chế xuất khẩu máy bay không người lái và các vũ khí sát thương khác, để "chấn hưng" nền công nghiệp vũ khí và cạnh tranh với Trung Quốc, Nga.

Các nhà sản xuất vũ khí Mỹ trước đó than phiền, ngành công nghiệp vũ khí Mỹ đang bị hạn chế xuất khẩu một số loại vũ khí sát thương công nghệ cao do những điều kiện ràng buộc về bản quyền và nhân quyền.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh: Finacial Times.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh: Finacial Times.

Peter Navarro cho rằng, chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí công nghệ cao của Hoa Kỳ thời Barack Obama là "nghĩ ngắn".

Bán vũ khí cho các đồng minh và đối tác của Mỹ, theo Peter Navarro là "nhất cử lưỡng tiện", nó vừa giúp các nước khỏi lệ thuộc vào vũ khí Nga và hàng nhái Trung Quốc, vừa là một phần của chính sách "bán hàng Mỹ".

Theo quy định mới, một số loại vũ khí công nghệ cao của Mỹ sẽ được các nhà thầu trực tiếp thương lượng với khách mà không phải qua công đoạn thẩm tra khá dài của chính phủ Mỹ như trước.

Trong đó bao gồm cả máy bay không người lái trang bị hệ thống kính ngắm hồng ngoại, có khả năng hiệp đồng với các máy bay không người lái khác thực hiện nhiệm vụ tấn công.

Tổng thống Donald Trump thì hy vọng "xây dựng lại" quân đội Mỹ, đồng thời thúc đẩy bán vũ khí.

Trong năm đầu cầm quyền, doanh số bán vũ khí của chính phủ Donald Trump là 42 tỉ USD, tăng 36% so với năm cuối nhiệm kỳ của Barakc Obama.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ đã xúc tiến việc bán vũ khí. Trong 10 năm qua, doanh số vũ khí Mỹ bán cho Ấn Độ từ con số 0 đã lên tới xấp xỉ 15 tỉ USD.

Nhà Trắng kích cầu bán vũ khí, chiến tranh Trung - Mỹ khó xảy ra ở Biển Đông ảnh 2

Nga đang tính nhảy vào Biển Đông?

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu máy bay không người lái học viện Brad, Arthur Holland Michael cho biết, chính sách trước đây của Mỹ đã làm mất miếng bánh thị trường không nhỏ. [1]

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt, thì Biển Đông và Đài Loan đang có xu hướng nóng lên.

Mỹ đã quyết định giúp Đài Loan chế tạo tàu ngầm và bán các linh kiện, công nghệ liên quan, đồng thời xem xét bán chiến đấu cơ hiện đại cho đảo này.

Trên Biển Đông, các nhà sản xuất vũ khí Mỹ cũng đã chào hàng với các nước liên quan khiến các nhà sản xuất vũ khí Nga cũng bày tỏ lo ngại miếng bánh thị trường bị ảnh hưởng.

Newsweek ngày 5/4 đăng bài bình luận của tác giả David Brennan cho rằng, Nga đang tham gia vào cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ trên Biển Đông, đằng sau những thỏa thuận hợp tác với Việt Nam. [2]

Nhà nghiên cứu Timothy Heath từ RAND Corporation, Hoa Kỳ ngày 19/4 nhận định trên Đa Chiều:

Cạnh tranh đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang có xu hướng chuyển từ lĩnh vực thương mại sang Biển Đông, các nước ven Biển Đông sẽ tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh Trung - Mỹ.

Trên Biển Đông, căng thẳng Trung - Mỹ có thể gia tăng, nhưng hai nước sẽ khó đi đến chiến tranh.

Nhà Trắng kích cầu bán vũ khí, chiến tranh Trung - Mỹ khó xảy ra ở Biển Đông ảnh 3

Liệu ông John Bolton có xoay chuyển được cục diện Biển Đông?

Ngược lại, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục hiện diện ở Biển Đông, bảo vệ tự do hàng hải và tăng cường hiện diện nhiều hơn ở châu Á về ngoại giao lẫn quân sự.

Trung Quốc thì sẽ tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo, các nước ven Biển Đông luôn cảm thấy bất an.

Do đó Vành đai và Con đường sẽ được thúc đẩy, Trung Quốc hy vọng thông qua hoạt động đầu tư hợp tác để xoa dịu mối quan ngại trên Biển Đông.

Các nước này sẽ vẫn mong muốn Mỹ tiếp tục hiện diện tại châu Á và đóng vai trò cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. [3]

Nguồn:

[1]http://www.ftchinese.com/story/001077243

[2]http://www.newsweek.com/russia-join-us-china-south-china-sea-face-after-vietnam-pact-873643

[3]http://news.dwnews.com/china/news/2018-04-19/60052954.html

Hồng Thủy