Nhật Bản sẽ làm suy yếu khả năng răn đe chiến lược của TQ

04/01/2012 16:30
Đông Bình (Tổng hợp)
(GDVN) - Lần đầu tiên, Nhật Bản gần như từ bỏ hoàn toàn những hạn chế xuất khẩu vũ khí, cho phép nước này xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài.

Gần đây báo chí Trung Quốc đã có nhiều bài viết bình luận về việc Nhật Bản quyết định nới lỏng “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” được công bố tại Hội nghị an ninh ngày 27/12/2011.

Đưa ra tiêu chuẩn mới về xuất khẩu vũ khí

Tờ “Quang Minh” dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết, trong bối cảnh hợp tác hòa bình quốc tế và viện trợ nhân đạo, cấp bách cần có biện pháp ứng phó hiệu quả hơn, chính phủ quyết định đưa ra tiêu chuẩn xuất khẩu vũ khí mới.

Biên đội tàu ngầm và tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Biên đội tàu ngầm và tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Fujimura cho biết, cộng đồng quốc tế đứng trước sự thay đổi to lớn, Nhật Bản cần tiếp tục tăng cường hợp tác với Mỹ, cũng cần tăng cường hợp tác với các nước khác trong vấn đề an ninh.

Cùng thúc đẩy nghiên cứu phát triển, sản xuất trang bị với các nước này giúp tăng cường sản xuất và công nghệ cho công nghiệp quốc phòng Nhật Bản, giảm giá thành.

Về những vấn đề có thể nảy sinh từ việc nới lỏng xuất khẩu vũ khí, Fujimura giải thích rằng, Chính phủ Nhật Bản sẽ giao hẹn với chính phủ các nước đối tác nhập khẩu, để kiểm soát chặt chẽ.

Chẳng hạn, bên nhập khẩu muốn chuyển vũ khí nhập khẩu của Nhật Bản cho nước thứ ba, trước tiên cần phải được Nhật Bản đồng ý; đối phương mà không có chế độ kiện toàn ngăn chặn việc tiếp tục xuất khẩu thì Nhật Bản sẽ không xuất khẩu.

Nới lỏng xuất khẩu vũ khí là một vấn đề nhạy cảm

Hãng Kyoto cho biết, căn cứ vào Hiến pháp Hòa bình Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai, việc nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí rất nhạy cảm.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, năm 1967, “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” của Nhật Bản có hiệu lực, cấm Nhật Bản xuất khẩu vũ khí cho các nước cộng sản, các nước bị nghị quyết Liên Hợp Quốc liệt vào danh sách cấm vận vũ khí và các nước đương sự xung đột quốc tế hoặc có rủi ro xung đột.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Năm 1976, Nội các Takeo Miki khi đó từng bổ sung thêm cho nguyên tắc trên, trên thực tế gần như cấm toàn diện xuất khẩu vũ khí.

Ngày 27/12/2011, Osamu Fujimura cho biết, “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” là tiêu chuẩn được Nhật Bản đưa ra dựa trên quan điểm cơ bản về một quốc gia hòa bình, chính phủ sẽ tiếp tục thận trọng ứng xử với xuất khẩu vũ khí.

Hãng Kyoto giải thích, sau khi nới lỏng xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản sẽ có thể cung cấp các trang bị như máy móc công trình hạng nặng và quần áo phòng hộ cho các nước và khu vực mà Nhật Bản thực hiện hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Trước kia, những hàng hóa này được coi là hàng vũ khí, cấm vận chuyển ra nước ngoài.

Các nhà sản xuất vũ khí Nhật tận dụng cơ hội vươn ra ngoài nước

Tờ “Japan News Network” cho rằng, mục đích lớn nhất nới lỏng xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản là để các doanh nghiệp công nghiệp quân sự của Nhật Bản tiếp tục tham gia giao dịch quốc tế, để công nghệ công nghiệp quân sự thông qua hợp tác với bên ngoài mở rộng thị trường quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh cho công nghiệp quân sự Nhật Bản.

Reuters cho rằng, một kết quả khả năng của nới lỏng xuất khẩu vũ khí là, Công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi Nhật Bản sẽ có thể tham gia chương trình nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu F-35 của Công ty Lockheed Martin Mỹ.

Máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Ngày 20/12/2011, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sử dụng máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ chế tạo làm máy bay chiến đấu chủ lực thế hệ tiếp theo của Lực lượng Phòng vệ Trên không, có kế hoạch mua tổng cộng 42 chiếc, trị giá dự kiến trên 7 tỷ USD.

Trước kia, do số lượng đặt hàng trong nước có hạn, quy mô công nghiệp quân sự hạn chế, giá mua hàng hóa quân sự cũng tương đối cao. Nới lỏng xuất khẩu, không những có thể giúp cắt giảm giá thành sản phẩm, mà còn có thể mang lại lợi nhuận không tồi.

Như vậy, Nhật nới lỏng xuất khẩu vũ khí giúp cho ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản bước vào một thời kỳ cơ hội lớn. Thực lực công nghiệp quốc phòng Nhật Bản được đánh giá là đứng đầu châu Á.

Theo tờ “Asia Economy” Hàn Quốc, trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật đã có khả năng sản xuất các loại vũ khí mũi nhọn như máy bay chiến đấu, tàu ngầm.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sản xuất công nghiệp quân sự của Nhật Bản bị phá hoại, nhưng cùng với việc tiếp tục khôi phục khi bùng phát cuộc chiến tranh Triều Tiên, hiện nay Nhật Bản đều có khả năng sản xuất máy bay chiến đấu tiên tiến, tàu khu trục Aegis, tàu ngầm, vệ tinh quân sự.

12 doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản với đại diện là Công nghiệp nặng Mitsubishi (sản xuất tàu ngầm, chiến xa, tên lửa), Công nghiệp nặng Fuji (sản xuất máy bay chiến đấu) và Công nghiệp nặng Kawasaki (sản xuất tàu chiến), chiếm trên 95 thị phần thị trường vũ khí Nhật Bản.

Những doanh nghiệp này ký hợp đồng với Mỹ, có thể sản xuất các loại trang bị quân sự như máy bay chiến đấu F-15, máy bay chống tàu ngầm P-3C, tên lửa đất đối không tầm trung, tàu khu trục cỡ lớn.

Nhật sẽ chế tạo tàu sân bay mang theo máy bay trực thăng 22DDH
Nhật sẽ chế tạo tàu sân bay mang theo máy bay trực thăng 22DDH

Tờ “Tokyo Shimbun” cho biết, Nhật Bản có hơn 1.000 doanh nghiệp chế tạo các sản phẩm như chiến xa, tàu hộ tống, máy bay chiến đấu, nhưng chính phủ mua giảm mạnh, vì vậy họ sẽ chuyển sang xuất khẩu.

Làm suy yếu khả năng răn đe chiến lược của Trung Quốc

Có tờ báo cho rằng, nới lỏng xuất khẩu vũ khí có thể là một vấn đề nhạy cảm đối với nhiều nước châu Á từng bị Nhật Bản xâm lược.

Các chuyên gia quốc phòng Trung Quốc cho rằng, động thái này của Nhật Bản sẽ gây sức ép cho Trung Quốc, làm suy yếu khả năng răn đe chiến lược của Trung Quốc.

Hãng AP bình luận: “Đối với một quốc gia sau Chiến tranh thế giới thứ hai dùng hình thức Hiến pháp tuyên bố từ bỏ chiến tranh, nới lỏng hạn chế này là một vấn đề nhạy cảm. Ở châu Á, nhiều nước láng giềng từng bị Nhật Bản xâm lược”.

Nhật sẽ sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ mới
Nhật sẽ sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ mới

Ngày 27/12/2011, một học giả của Đại học Osaka Nhật Bản đã nói với phóng viên tờ “Thời báo Hoàn Cầu” rằng: “Sức mạnh quân sự của Nhật Bản đương nhiên theo đó được tăng cường, điều này sẽ giúp Nhật Bản tự tin hơn khi đối mặt với sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc và Nga, nhưng không thể tránh khỏi việc đã làm tăng thêm rủi ro xảy ra chiến tranh giữa Nhật Bản với các nước khác”.

Ngày 27/12/2011, học giả Đại học Quốc phòng Trung Quốc Hàn Húc Đông nói với tờ “Thời báo Hoàn Cầu” rằng, hành động này của Nhật Bản sẽ đem lại sức ép cho Trung Quốc.

Sau khi nới lỏng, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản sẽ xả năng lượng sản xuất vũ khí mang tính tấn công vốn có, khả năng nghiên cứu phát triển vũ khí mang tính tấn công sẽ tăng lên đáng kể. Một khi tương lai có nhu cầu, Nhật Bản có thể nhanh chóng trang bị vũ khí mang tính tấn công.

Ngoài ra, gần đây Nhật Bản đang tích cực lôi kéo các nước châu Á-Thái Bình Dương đề phòng Trung Quốc, sau khi sửa đổi “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, Nhật Bản và các nước láng giềng khác của Trung Quốc có thể bước vào một thời kỳ trăng mật hợp tác nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị.

Nếu trình độ công nghệ quân sự của các nước xung quanh Trung Quốc tăng lên, biên chế vũ khí tiên tiến, khả năng răn đe chiến lược của Trung Quốc sẽ tương đối giảm mạnh.

Máy bay cảnh giới P1 mới của Nhật Bản
Máy bay cảnh giới P1 mới của Nhật Bản

Những lời chỉ trích

Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã quyết định nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí, nhưng nội bộ Nhật Bản còn nhiều ý kiến trái chiều.

Tờ “Quang Minh” cho hay, tờ “Asahi Shimbun” Nhật Bản đã có bài xã luận “Không thể nới lỏng “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí””, đã phê phán chính sách nới lỏng xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản. Đảng Cộng sản Nhật Bản thậm chí coi hành động này là “giẫm đạp lên Hiến pháp”.

Báo chí Nhật Bản cho rằng, “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” là trụ cột trung tâm của chính sách phòng vệ mang tính hạn chế của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mục đích nhằm tập trung cho phòng vệ, không tạo ra mối đe dọa cho nước khác, “là thương hiệu của một quốc gia hòa bình”.

Trước đây không lâu, từng có nhân sĩ nội bộ Nhật Bản cho rằng, những người nhiệt tình với nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí là biến “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” trở thành giấy lộn.

Khả năng chống tàu ngầm của Nhật Bản đứng đầu thế giới
Khả năng chống tàu ngầm của Nhật Bản đứng đầu thế giới

Sau khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố nới lỏng lớn chính sách cấm dựa trên “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, Trưởng ban Bí thư Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) Tadayoshi Ichida sau đó cho biết: “Điều này rõ ràng đã giẫm đạp lên nguyên tắc hòa bình của Hiến pháp và tinh thần của nó, sẽ tiến hành truy cứu nghiêm khắc đối với chính sách này của Chính phủ Nhật Bản”.

Chủ tịch Đảng New Komeito là Natsuo Yamaguchi cũng cho biết, “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” đã được tuân thủ nghiêm ngặt trong nhiều năm, Chính phủ Nhật Bản hoàn toàn không tiến hành thảo luận, giải thích đầy đủ đối với vấn đề này, điều này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.

Trên thực tế, ngay từ tháng 11/2010, nội bộ Đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền đã xác lập phương châm nới lỏng “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”. Nhưng, khi đó bị Đảng Xã hội Dân chủ (SDP) phản đối mạnh mẽ, Đảng Dân chủ lại cần sự ủng hộ và trợ giúp của SDP trong các vấn đề của Quốc hội, vì vậy vấn đề này luôn bị gác lại.

Lần này, Chính phủ Nhật Bản mạnh mẽ tuyên bố nới lỏng “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” thực sự có hơi bất ngờ, Yoshihiko Noda lên cầm quyền chưa lâu hầu như cũng không tiến hành bàn bạc đầy đủ với các bên.

Harima Heavy Industries đóng tàu tại cảng Kure - Nhật Bản
Harima Heavy Industries đóng tàu tại cảng Kure - Nhật Bản

Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố việc này vào dịp lộn xộn cuối năm, có thể là để tránh búa rìu của dư luận.

Khi Hatoyama cầm quyền, quan hệ Nhật-Mỹ từng có dấu hiệu rạn nứt.

Trước khi thăm Mỹ, Thủ tướng Yoshihiko Noda đương nhiên muốn chuẩn bị một “món quà” lớn. Sau khi nới lỏng “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, tên lửa đánh chặn tiên tiến (phòng thủ tên lửa) do Mỹ-Nhật hợp tác nghiên cứu phát triển có thể xuất khẩu ra nước ngoài, giúp cho Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa trên phạm vi toàn cầu, điều này chắc chắn là một tin tốt lành cho Mỹ.

Như vậy, lần này nội các Noda tuyên bố nới lỏng “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” cũng đã trải qua những tính toán chặt chẽ.

Tuy nhiên, lấy “nhu cầu của Mỹ” là điểm xuất phát, đã vấp phải sự chỉ trích của các đảng phái trong nước, tạo ra tình trạng đối lập trong nội bộ, có thể sẽ tạo ra trở ngại cho nội các Noda.

Bán vũ khí vì “mộng” nước lớn

Những năm gần đây, Nhật Bản ngày càng muốn trở thành một nước lớn có ảnh hưởng quốc tế, chứ không chỉ là một cường quốc kinh tế.

Theo đó, Nhật Bản nắm lấy cơ hội cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, lôi kéo Brazil, Đức và Ấn Độ tạo thành “Liên minh 4 nước”, chủ trương Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tăng đồng thời ghế thường trực và không thường trực, kết nạp 4 nước này thành thành viên thường trực, thực hiện yêu cầu gia nhập nước thường trực của Liên Hợp Quốc.

Máy bay do thám chủ lực P3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Máy bay do thám chủ lực P3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Tuy nhiên, do bị Mỹ ngăn chặn, mong muốn dựa vào Liên Hợp Quốc để trở thành nước lớn của Nhật Bản thất bại một cách triệt để.

Sau đó, Nhật Bản bắt đầu từng bước điều chỉnh quan hệ Nhật-Mỹ, về chiến lược chủ động phối hợp với các bước quay trở lại châu Á của Mỹ, đồng thời về quân sự liên tiếp có các “động thái phối hợp”.

Nhật Bản muốn thông qua ưu thế quân sự khu vực, phối hợp với sự bố trí chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, tiến tới thực hiện ý đồ chiến lược của họ, cuối cùng thực hiện “mộng” nước lớn.

Lần này nội các Noda nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí là phối hợp với mắt xích quan trọng trong chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ, cách làm này có thể được Mỹ báo đáp trong ngắn hạn, thậm chí cũng có thể giúp cho Nhật Bản đi xa hơn trong lĩnh vực giao lưu, hợp tác quân sự với bên ngoài.

Tuy nhiên, sau khi “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” (không có hiệu lực pháp lý) mất đi tác dụng, Nhật Bản có thể từng bước nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí, tiến tới làm cho các nước láng giềng càng không tin tưởng vào chiến lược của Nhật Bản, thậm chí có thể dẫn đến bán vũ khí, chạy đua vũ trang trong khu vực theo một hình thức nào đó.

Ngày 20/12/2011, Nhật công bố mua 42 máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ chế tạo, trị giá khoảng 7-8 tỷ USD
Ngày 20/12/2011, Nhật công bố mua 42 máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ chế tạo, trị giá khoảng 7-8 tỷ USD
Đông Bình (Tổng hợp)