Nhật Bản tạm thời chỉ bán, viện trợ tàu tuần tra cho Đông Nam Á?

16/02/2013 09:18
Đông Bình
(GDVN) - Dựa vào công nghệ trình độ cao, Nhật Bản có thể hỗ trợ đối tác trong quá trình hợp tác nghiên cứu phát triển, từng bước hướng tới xuất khẩu vũ khí.
Máy bay chiến đấu F-2A của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu F-2A của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Sau 50 năm hạn chế bán vũ khí ra nước ngoài, Nhật Bản đang từng bước trở lại với thị trường thương mại quân sự quốc tế, tìm cách ký thỏa thuận với Anh, có thể hợp tác nghiên cứu phát triển vũ khí.

Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Nippon Keidanren), một tổ chức có ảnh hưởng nhất tại Nhật Bản cho biết, Anh đã dành cho Nhật Bản 6 chương trình vũ khí hợp tác nghiên cứu phát triển.

Nhật Bản sẽ đưa ra đối sách và khuôn khổ tương ứng, nhưng để xác định chính thức thì phải mất ít nhất 2 tháng nữa, song hai nước nhất định sẽ công bố vấn đề hợp tác này.

Đoàn đại biểu cấp cao các nhà thầu của 17 quốc gia đã tiến hành chuyến thăm 1 tuần tới Anh. Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra một khuôn khổ hợp tác sau khi trao đổi với tổ chức thương mại và đầu tư, quốc phòng và an ninh cùng các tổ chức khác của Anh.

Cũng giống Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh từ chối tiết lộ thông tin chi tiết, nhưng cho biết, hai bên đã tiến hành thảo luận về cơ hội hợp tác tiềm năng liên quan đến công nghiệp quốc phòng.

Động thái lần này là một động thái mang tính thực chất đầu tiên sau khi Anh và Nhật Bản ký kết thỏa thuận liên chính phủ vào tháng 4/2012.

Xe tăng chiến đấu Type-10 là xe tăng nội địa thế hệ thứ tư, tiên tiến nhất của Nhật Bản
Xe tăng chiến đấu Type-10 là xe tăng nội địa thế hệ thứ tư, tiên tiến nhất của Nhật Bản

Đồng thời, báo chí Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản đang cân nhắc xem xét cho phép xuất khẩu linh kiện máy bay chiến đấu F-35 do Nhật Bản sản xuất. Sau khi ký kết với Mỹ thỏa thuận mua 42 máy bay F-35 vào tháng 12/2011, Nhật Bản sẽ sản xuất một phần linh kiện máy bay ở trong nước.

Cũng vào tháng 12/2011, Nhật Bản đã sửa đổi quy định cấm hợp tác với các nước ngoài Mỹ phát triển hoặc sản xuất trang bị quốc phòng (đưa ra từ thập niên 1960), hay còn gọi là Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí. Nhật Bản hy vọng trên cơ sở đó thúc đẩy nền tảng công nghiệp quốc phòng hiện còn hạn chế về khả năng cạnh tranh.

Nhưng, Nhật Bản vẫn kiên trì lệnh cấm “không tiến hành hoạt động xuất khẩu có thể làm trầm trọng hơn xung đột quốc tế”, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc chuyển linh kiện cho nước thứ ba.

Nếu Nhật Bản xác định xuất khẩu linh kiện máy bay chiến đấu F-35 sẽ không vi phạm lệnh cấm, thì điều này báo hiệu chính quyền Nhật Bản đã có hy vọng mới đối với xuất khẩu vũ khí. Trong nước Nhật Bản có rất nhiều người phản đối quan điểm xuất khẩu cho các nước tham gia chương trình F-35 (như Israel) vì vi phạm nguyên tắc.

Tàu khu trục kiểu thông dụng thế hệ mới lớp Akizuki do Nhật Bản chế tạo
Tàu khu trục kiểu thông dụng thế hệ mới lớp Akizuki do Nhật Bản chế tạo

Tân Thủ tướng Nhật Bản, chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ, ông Shinzo Abe khuyến khích triển khai bán vũ khí và hợp tác nghiên cứu phát triển quốc tế nhằm bảo vệ nền tảng công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản.

Phần lớn các nhà phân tích cho rằng, nền tảng công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản quá nhỏ, tính cạnh tranh thấp, khó mà giành được thành công trên thị trường quốc tế. Nhưng, dựa vào công nghệ và chế tạo có trình độ cao, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự của Nhật Bản có thể hỗ trợ đối tác hợp tác trong quá trình liên kết nghiên cứu phát triển, điều này cuối cùng sẽ phát triển thành xuất khẩu.

Người phụ trách chương trình nghiên cứu quốc tế và an ninh của Viện nghiên cứu chính sách quốc lập Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản có 3 sự lựa chọn: hợp tác nghiên cứu phát triển, tham gia cạnh tranh trên thị trường quốc tế, trợ giúp tiêu thụ trang bị cho đối tác hợp tác – và có khả năng nhất là sự lựa chọn thứ nhất.

Một thị trường tiềm năng là Đông Nam Á. Tháng 7/2012, Nhật Bản đã bán 12 tàu tuần tra mới cho Lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines.

Nhật Bản có khả năng chế tạo tàu ngầm thông thường tiên tiến như tàu ngầm diesel lớp Soryu.
Nhật Bản có khả năng chế tạo tàu ngầm thông thường tiên tiến như tàu ngầm diesel lớp Soryu.

Từ khi quay trở lại cầm quyền đến nay, Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản lập tức tăng cường thương mại và hợp tác với Đông Nam Á. Trong vài tuần gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến thăm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, còn Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản đã đến thăm Myanmar, Ngoại trưởng đến thăm Australia, Brunei, Singapore, Philippines… Tất cả các nhân vật cấp cao này đều có nhiệm vụ quan trọng.

Nhật Bản đang sản xuất các linh kiện có chất lượng cao, có khả năng rất mạnh về một số hệ thống vũ khí nhẹ, trong tương lai họ sẽ hành động và mở cửa thị trường quốc tế bắt đầu từ các sản phẩm như tàu tuần tra, áo cứu sinh, thiết bị bảo hộ và hệ thống vũ khí phòng thủ…

Một quan chức công nghiệp quân sự cho biết, mặc dù Đông Nam Á là thị trường tiềm năng lớn, nhưng Nhật Bản sẽ thận trọng ứng xử. Trong khoảng thời gian dài tới, các sản phẩm xuất khẩu cho các nước Đông Nam Á của Nhật Bản sẽ không vượt qua cấp độ tàu tuần tra.

Giáo sư viện thương mại, Đại học Doshisha, chuyên gia công nghiệp sản xuất quốc phòng Nhật Bản cho rằng, cải cách công nghiệp quốc phòng cần phải mất nhiều năm nữa, cần có sự phối kết hợp giữa chiến lược và thực hiện, cần phải xây dựng được chiến lược nghiên cứu phát triển quốc tế và xuất khẩu.

Tàu tuần tra lớp 1.000 tấn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản
Tàu tuần tra lớp 1.000 tấn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản
Đông Bình