Nhật ký của bé gái có bố ở trại giam

08/05/2012 14:30
Đứa con gái viết trong nhật ký: "Bố ơi, con biết bố ở đâu rồi. Bố ở trại giam…".

Tức tối vì đòi không được 1 tỷ đồng tiền bảo lãnh hợp đồng kinh tế, Phan Thanh Chi và đồng bọn đã nghĩ ra độc kế bắt giữ con trai của con nợ để gây sức ép.

Phan Thanh Chi và đồng bọn đã nghĩ ra độc kế bắt giữ con trai của con nợ để gây sức ép.
Phan Thanh Chi và đồng bọn đã nghĩ ra độc kế bắt giữ con trai của con nợ để gây sức ép.

Sau 11 ngày bị giam giữ trái pháp luật, con tin đã được công an giải cứu an toàn. Vụ án từng gây xôn xao dư luận Thủ đô đã đến hồi kết khi những kẻ đòi nợ theo kiểu xã hội đen bị đưa ra xét xử về tội cưỡng đoạt tài sản và bắt giữ người trái pháp luật.

Bí quá làm liều

Hơn 8h sáng ngày 26/4, 11 bị cáo trong vụ án Phan Thanh Chi và đồng bọn phạm tội cưỡng đoạt tài sản và bắt giữ người trái pháp luật được các chiến sỹ cảnh sát hỗ trợ tư pháp áp giải đến phòng 202C, TAND TP Hà Nội. Nhiều bị cáo nhớn nhác để tìm người thân, trong số đó có bị cáo Chi. Cách đó một hàng ghế, vợ Chi rơm rớm nước mắt nhìn chồng.

Theo cáo trạng, Phan Thanh Chi (SN 1976, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) - được coi là bị cáo đầu vụ. Cách đây gần 3 năm, tình cờ Chi quen Đỗ Danh Khánh (SN 1952, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) là giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thịnh An có trụ sở tại Hà Nội.

Khi hai người trở nên thân thiết, Khánh kể cho Chị biết ngày 8/9/2009, công ty Thịnh An ký hợp đồng với bà Thiều Thị Bản (SN 1956)- phó giám đốc công ty cổ phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật Gia Lộc (trụ sở ở Thanh Hóa).

Theo đó, công ty của Khánh nhận san lấp 2 triệu m3 mặt bằng khu liên hiệp hóa học dầu Nghi Sơn, thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa với giá 80 tỷ đồng /1 triệu m3. Khi ký kết hợp đồng kinh tế nói trên, công ty Gia Lộc yêu cầu Khánh phải nộp tiền bảo lãnh 1 tỷ đồng /1 triệu m3.

Chỗ anh em quen biết, Khánh rủ Chị cùng tham gia phi vụ làm ăn béo bở này, Chị đồng ý và ký hợp đồng hợp tác với Khánh. Theo thỏa thuận, Khánh cầm 1 tỷ đồng tiền bảo lãnh của Chị đưa cho công ty Gia Lộc (bà Bản đứng ra nhận tiền).

Sau đó bà Bản không giao mặt bằng như đã cam kết và khất lần việc trả lại 1 tỷ đồng tiền bảo lãnh cho Khánh. Đang trong lúc thiếu vốn làm ăn, Chi quay sang đòi Khánh 1 tỷ đồng nhưng không thành.

Tối ngày 12/8/2010, Chi cùng Phạm Minh Thông, Triệu Việt Cường chặn đường, uy hiếp ba người con gái của Khánh và chiếm đoạt chiếc xe ô tô Santafe của gia đình Khánh trị giá 390 triệu đồng trên đường Thanh Niên (Hà Nội).

Gần trưa ngày 2/10/2010, cũng vì mục đích đòi 1 tỷ đồng tiền bảo lãnh, Chi và Khánh đã cấu kết với đồng bọn bắt giữ anh Lưu Văn Vương (SN 1984, con của bà Bản) để ép bà Bản trả 1 tỷ đồng. Sau 11 ngày bị giam giữ trái phép, anh Vương được công an giải cứu. Cũng từ đây, hành vi phi pháp của Chi và đồng bọn bị đưa ra ánh sáng.

Tại phiên tòa, bị cáo Chi cho rằng, mình chỉ giữ xe ô tô Santafe của Khánh để ép phải trả tiền chứ không có ý thức chiếm đoạt chiếc xe.

Cuối cùng, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Thanh Chi 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản, 6 tháng tù về tội bắt giữ người trái pháp luật; Đỗ Danh Khánh 5 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản, 6 tháng tù về tội bắt giữ người trái pháp luật. Các bị cáo khác bị tuyên phạt các mức án từ 22 tháng án treo đến 7 năm tù.

Nhật ký buồn của con gái

Bên lề phiên tòa, PV đã tiếp xúc với vợ, mẹ vợ bị cáo Chi và được nghe nhiều câu chuyện cảm động về gia đình bị cáo này.

Chị H - vợ bị cáo Chi tâm sự: "Sau khi tốt nghiệp Đại học Công đoàn, chuyên ngành kế toán, năm 2002, em và anh Chi cưới nhau. Chồng em quê ở một tỉnh miền Trung, nhà rất nghèo.

Anh ấy làm nghề sửa chữa xe ô tô rất giỏi, chẳng hiểu sao lại theo ông Khánh đi làm xây dựng. Toàn bộ 1 tỷ đồng chồng em đưa cho Khánh để làm ăn là tiền gia đình đi vay. Năm ngoái em phải bán nhà để trả nợ cho người ta. Giờ hai mẹ con phải đi thuê nhà để ở...".

Nói đến đây, chị H lấy tay quệt nước mắt. Ngồi bên cạnh, mẹ vợ bị cáo Chi tiếp lời: "Con rể tôi tốt tính lắm, cháu rất thương người. Chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, nghe bạn bè xấu xúi bẩy đã đi đòi nợ theo kiểu chẳng giống ai. Tội nó quá! Nếu tôi ở cùng con gái, không bao giờ tôi để con rể đi đòi nợ theo cách đó".

Khi chúng tôi đề cập đến chuyện con cái, chị H giọng buồn buồn: "Vợ chồng em có một cháu gái 9 tuổi, đang học lớp 3. Hồi chồng em mới bị bắt, ngày nào cháu cũng hỏi em: “Bố đi đâu, sao không về nhà hả mẹ?” Nghe con nói, em chỉ biết khóc.

Em nói dối con là bố đi công tác xa, chưa thể về nhà với hai mẹ con ngay được. Con gái em trải lòng qua những trang nhật ký rằng rất nhớ bố và từng ngày mong bố về nhà. Để con gái bớt nhớ bố, em nghĩ ra cách mua một cái điện thoại di động cho con gái và dùng điện thoại của chồng nhắn tin vào máy của con gái.

"Nhận được tin bố, con gái em sướng lắm, cháu khoe ngay với em chuyện hai bố con nhắn tin cho nhau. Nhưng cháu vốn là đứa trẻ thông minh, tinh ý, nên một thời gian sau, con gái em đã biết mẹ mạo danh bố nhắn tin cho mình".

Chị H cho biết, trong một lần đi gửi quà tiếp tế vào trại giam cho chồng buổi tối, chị H đưa con gái đi cùng, nhưng cho ở ngoài xe ô tô. Mấy hôm sau, đọc nhật ký của con gái, chị H bật khóc khi thấy con gái viết trong nhật ký: "Bố ơi, con biết bố ở đâu rồi. Bố ở trại giam...", kể đến đây, chị H giàn giụa nước mắt.

Theo Thiên Long (Người Đưa Tin)