Nhật-Mỹ bàn mở rộng tác chiến liên hợp kiềm chế Trung Quốc

26/08/2012 18:05
Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - Trong bối cảnh Nhật Bản “chịu đủ nỗi nhục” về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nước này đã cùng Mỹ bàn tăng cường tác chiến liên hợp để ứng phó.
Hạm đội Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Hạm đội Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Ngày 25/8, tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản có bài viết nhan đề “Nhật-Mỹ đạt nhất trí về mở rộng tác chiến liên hợp”.

Theo bài viết, ngày 23/8, tại Bộ Quốc phòng Mỹ, Tham mưu trưởng liên quân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Shigeru Iwasaki và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Dempsey đã tổ chức hội đàm, hai bên đã đạt được nhất trí về mở rộng và tăng cường tác chiến liên hợp Nhật-Mỹ, tăng cường các hoạt động cảnh giới, theo dõi và trinh sát.

Trả lời báo chí sau hội đàm, Dempsey cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành bàn thảo về tiếp tục triển khai hợp tác quân sự như thế nào giữa hai nước trên các lĩnh vực như lãnh hải, không gian mạng, lãnh thổ và không phận/vùng trời”. Shigeru Iwasaki cho biết: “Không chỉ ở biển Hoa Đông, chúng tôi cần thiết phải tiến hành hợp tác trên các lĩnh vực”.

Trong bối cảnh Hải quân Trung Quốc dồn dập hoạt động ở biển Hoa Đông và biển Đông để đòi hỏi chủ quyền (một cách bất hợp pháp, vô lý), lãnh đạo quân đội hai nước Nhật-Mỹ tiến hành hội đàm, nhằm nhấn mạnh với cộng đồng quốc tế về quan hệ đồng minh vững chắc Nhật-Mỹ, đồng thời thể hiện rõ thế tăng cường hợp tác cụ thể giữa quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ.

Sau hội đàm, Dempsey nhiều lần nhấn mạnh với truyền thông rằng: “Tiến hành bàn bạc về tác chiến liên hợp Nhật-Mỹ chính là một trong những mục đích của cuộc hội đàm”.

Hạm đội trên biển Mỹ-Nhật tập trận chung.
Hạm đội trên biển Mỹ-Nhật tập trận chung.

Gần đây, Shigeru Iwasaki đã truyền đạt phương châm ứng phó với hành động khiêu khích của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku (đảo Senkaku và các hòn đảo lân cận) của tỉnh Okinawa. Cùng với việc nói rõ về đối sách của Nhật Bản, ông còn cùng với Dempsey tiến hành bàn thảo về trạng thái cần thiết trong hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân Mỹ.

Ngày 25/8, hãng Kyodo dẫn nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết, Nhật Bản đã bắt đầu bắt tay sửa đổi “chỉ nam” hợp tác phòng vệ với Mỹ, muốn mở rộng cung ứng cho quân Mỹ trong lãnh thổ và vùng biển xung quanh của Nhật Bản.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tổ chức hội đàm tại Washington và đạt được ý kiến thống nhất, họ đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bắt đầu nghiên cứu lại chỉ nam hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ năm 1997.

Có nguồn tin cho biết, Tokyo hy vọng đến cuối năm 2012, thông qua hội nghị “2+2” của Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước để đạt được nhất trí về những nguyên tắc cơ bản của chỉ nam.

Xét tới hoạt động trên biển của Trung Quốc gia tăng, dự kiến việc sửa đổi chỉ nam lần này sẽ được tiến hành xoay quanh vấn đề tăng cường hợp tác như thế nào, đồng thời nhấn mạnh khả năng phản ứng nhanh và tính cơ động của Okinawa và các hòn đảo tây nam.

Mỹ-Nhật diễn tập quân sự liên hợp trên biển.
Mỹ-Nhật diễn tập quân sự liên hợp trên biển.

Ngày 25/8, tờ “Yomiuri Shimbun” có bài viết nhan đề “Mỹ duy trì trung lập, Trung Quốc muốn xây dựng mặt trận thống nhất Trung-Hàn”.

Theo bài viết, trong vấn đề đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo) và quần đảo Senkaku, Mỹ hy vọng Nhật-Hàn, Nhật-Trung thông qua “đối thoại giải quyết hòa bình” vấn đề. Mỹ nhất quán duy trì trung lập trong vấn đề đảo Takeshima. Nhưng, Chính phủ Trung Quốc lại để ý rất cao đối với sự đối đầu giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trong vấn đề đảo Takeshima, truyền thông Trung Quốc đã ra sức đưa tin bình luận về thái độ cứng rắn của Nhật Bản.

Nguồn tin ngoại giao từ Bắc Kinh cho rằng, về vấn đề “bị Nhật Bản xâm lược” (theo tuyên truyền của TQ), Trung Quốc và Hàn Quốc có quan niệm giá trị chung, cho rằng, trong vấn đề lãnh thổ, Trung Quốc có khả năng xây dựng quan hệ “phối hợp” với Hàn Quốc. Một nguồn tin quan hệ Nhật-Trung cho rằng, khi Nhật Bản và Hàn Quốc tranh chấp không dứt, Trung Quốc có thể áp dụng hành động mạnh dạn trong vấn đề quần đảo Senkaku, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với nhưng tình huống có thể xảy ra.

Ngày 24/8, tờ “Libération” Pháp có bài viết nhan đề “Nhật Bản: căng thẳng của đảo”.

Bài viết cho rằng, một số hòn đảo nhỏ làm cho mối quan hệ vốn phức tạp giữa Nhật Bản với các nước láng giềng Trung Quốc, Hàn Quốc càng thêm căng thẳng. Các cuộc đối đầu mang màu sắc Chiến tranh thế giới thứ hai liên tiếp xuất hiện với các tuyên bố của đôi bên và các hình thức xung đột nhỏ, khả năng xung đột mất kiểm soát ở khu vực này thực sự tồn tại.

Mỹ-Nhật diễn tập hoạt động cất/hạ cánh máy bay trên tàu sân bay Mỹ.
Mỹ-Nhật diễn tập hoạt động cất/hạ cánh máy bay trên tàu sân bay Mỹ.

Các cuộc xung đột gần đây xảy ra vào tuần trước, khi đó những người theo chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản đã đổ bộ lên quần đảo Senkaku. Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát thực tế, nhưng Trung Quốc và Đài Loan lại tuyên bố có chủ quyền đối với chúng và gọi chúng là đảo Điếu Ngư.

Tokyo cũng đã để xảy ra “sứt mẻ tình cảm” với Seoul. Tiêu điểm tranh chấp cũng là đảo, phía Nhật gọi là Takeshima, còn Hàn Quốc gọi là Dokdo. Ngày 10/8, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã thị sát đảo Dokdo, Nhật Bản cho rằng hành động này “hoàn toàn không thể chấp nhận và vô cùng tồi tệ”.

Trong tháng 7, Nhật Bản cũng đã “chịu nhục” từ Nga, khi đó Thủ tướng Nga đã đến thăm quần đảo Nam Kuril (Nhật gọi là “Bốn hòn đảo phương Bắc”). Từ năm 1945 đến nay, Nhật Bản tuyên bố có chủ quyền đối với quần đảo này.

Điều khác với châu Âu là, châu Á chưa thực sự thoát khỏi cái bóng của Chiến tranh Lạnh. Nhật Bản từng xâm chiếm Trung Quốc và Hàn Quốc trong thế kỷ 20, mặc dù họ đã bày tỏ hối lỗi về hành vi quân phiệt của mình, nhưng chưa bao giờ thực sự xét lại mình.

Về tranh chấp lãnh thổ, vài tháng gần đây, Tokyo chịu đủ nỗi nhục. Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu, Học viện Chính trị Paris, Jean-Marie Bouissou cho rằng, Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc đang thăm dò “Chính phủ Đảng Dân chủ Nhật Bản lên cầm quyền năm 2009”.

Ông nói: “Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc đưa ra kết luận là, Chính phủ Đảng Dân chủ Nhật Bản thiếu kinh nghiệm, nội bộ lại không đoàn kết. Nhật Bản hiện nay đang ở thế yếu, cục diện này rất khó thay đổi”. Trong 6 năm qua, Nhật Bản đã thay 6 Thủ tướng, vấn đề nội bộ rõ ràng có thể thấy được.

Radar quân Mỹ ở căn cứ Misawa, Nhật Bản.
Radar quân Mỹ ở căn cứ Misawa, Nhật Bản.
Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)