Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Nhiều ĐB Quốc hội băn khoăn với biểu tượng Hà Nội là Khuê Văn Các

28/10/2012 09:58
Minh Anh
(GDVN) - Nhiều ĐB Quốc hội khác bày tỏ quan điểm cần xem xét thấu đáo hơn khi chọn Khuê Văn Các (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) là biểu tượng của Thủ đô.
Chiều 27-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự án Luật Thủ đô. Tại các tổ thảo luận, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh, Lê Đông Phong, Ngô Ngọc Bình của TPHCM cùng nhiều ĐB khác bày tỏ quan điểm cần xem xét cho thấu đáo hơn việc chọn Khuê Văn Các (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) là biểu tượng của Thủ đô. Một phần lý do được đưa ra là vì từ lâu nay, trong mắt bạn bè thế giới và người dân cả nước, luôn thấy Hà Nội gắn liền với hình ảnh Hồ Gươm và Chùa Một Cột.

Bí thư TU Hà Nội Phạm Quang Nghị tại phiên thảo luận
Bí thư TU Hà Nội Phạm Quang Nghị tại phiên thảo luận


ĐB Ngô Ngọc Bình và Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị cần trưng cầu dân ý và tổ chức nhiều hội thảo về chọn biểu tượng của Hà Nội. Tuy nhiên, ĐB Bà Cù Thị Hậu (Hưng Yên) và Trần Du Lịch lại tán thành việc chọn Khuê Văn Các là phù hợp.
Cụ thể, ĐB Ngô Ngọc Bình đặt vấn đề: Thủ đô là trái tim của cả nước với vị trí và tầm quan trọng đặc biệt. "Tôi nhất trí với tờ trình dự luật và báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, việc chọn biểu tượng Khuê Văn Các cũng cần xem xét lại và nên trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước. Quy định danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô” cũng không nên quy định vì công dân Thủ đô có thể đi khắp cả nước và thế giới". 
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng: "Hình ảnh Khuê Văn Các chưa thể hiện được đặc trưng của Hà Nội dù Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Nên có nhiều hội thảo khoa học về vấn đề này để chọn ra biểu trưng phù hợp".
ĐB Hoàng Hữu Phước lại có quan điểm khác về vấn đề này. "Tôi ủng hộ biểu tượng Khuê Văn Các. Chùa Một Cột là một phiên bản, còn Tháp Rùa nhìn quen mắt, nhưng không có người ở, không ý nghĩa bằng Khuê Văn Các. Đây là công trình do một đấng minh quân xây dựng, vừa khuyến học, vừa ghi danh nhân tài, nên làm".
Minh Anh