Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá:

"Nhiều người đang không tin vào kết luận vụ chạy công chức"

25/01/2013 10:59
Theo Phúc Hưng/Dantri
Trả lời phỏng vấn của PV, bà Nguyễn Thị Khá - Đại biểu Quốc hội khóa 13, thuộc đoàn đại biểu Trà Vinh, nói: “Kết quả kiểm tra của Sở Nội vụ Hà Nội trước nghi án “chạy công chức không dưới 100 triệu đồng” đang thử thách lòng tin của nhân dân”.
PV: Bà có bất ngờ với kết luận “rất sạch” của Sở Nội vụ TP Hà Nội trước thông tin ông Trần Trọng Dực công bố?
 
Bài Nguyễn Thị Khá:
Nhiều người đang không tin vào kết luận đó. Tôi tin, một người giữ trọng trách như ông Dực đã phát ngôn như vậy là phải có cơ sở. Đặc biệt, trong một phiên họp Hội đồng nhân dân được truyền hình trực tiếp thì càng không thể chỉ nghe dư luận mà phán bừa. Vậy mà bây giờ điều tra lại không ra, là sao?
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá
 

Bấy lâu nay, chúng ta đã thường nói với nhau rằng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, thậm chí, kể cả những người giữ cương vị lãnh đạo đang suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Vậy cụ thể đó là ai, đang nằm ở đâu? Lời nói tâm huyết của ông Trần Trọng Dực là thêm một cơ hội để làm rõ một phần của “bộ phận không nhỏ đó”.
 
Còn nay, nếu Hà Nội vẫn giữ nguyên kết luận là không có việc đó thì phải truy ngược trách nhiệm của ông Trần Trọng Dực. Chúng ta phải thẳng thắn, “sòng phẳng” như vậy, còn không, chỉ làm người dân thêm nghi ngờ.
 
PV: Có một thực tế, dường như dư luận đang không tin vào kết luận trên của Sở Nội vụ TP Hà Nội?
 

Bài Nguyễn Thị Khá:
Đúng, người dân có suy nghĩ ấy vì phát ngôn được đưa ra bởi một người giữ cương vị lãnh đạo chứ đâu phải họ nghe tin đồn này nọ. Vậy mà nay cơ quan chức năng thủ đô lại nói không có chuyện gì. Đó là một điều lạ và người dân đương nhiên phải đặt dấu hỏi.
 
Xin thưa, người dân đang chờ, nếu cho rằng ông ấy nói sai thì phải xử lý, còn nếu người ấy không bị xử lý thì kết luận kia chắc chắn có vấn đề.
 
PV: Trong cuộc trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - lý giải, sở dĩ có kết luận rất “hậu” kia là do cơ chế người đứng đầu chịu trách nhiệm… Nếu người đứng đầu mà càng khui ra nhiều tiêu cực thì càng phải chịu trách nhiệm nên việc thanh tra, kiểm tra để phát hiện tiêu cực chẳng thể đạt hiệu quả cao.
 

Bài Nguyễn Thị Khá:
Điều ấy là đúng.
 
PV: Vậy theo bà, tại sao lại tồn tại nạn chạy công chức, trong khi lương cán bộ công chức thì còn rất thấp?
 


Bài Nguyễn Thị Khá: 
Những ai đã tính đến phương án “chạy” thì chắc chắn phải tính đến phương án thu hồi. Không ai dại dột đến mức sẵn sàng bán cả gia sản chỉ để có thu nhập một vài triệu một tháng.
 
Như vậy sẽ chỉ sản sinh ra thế hệ những “công bộc” thiếu tài, thiếu đức nhưng thừa quyết tâm để “thu hồi vốn”… Nếu không nói là tham thì cũng phải là vơ vét.
 
PV: Trong quá trình công tác, đã bao giờ bà nhận được thông tin về chuyện chạy công chức?
 

Bài Nguyễn Thị Khá:
Tôi nghe rất nhiều.
 
PV: Cụ thể là trong trường hợp nào thưa bà? Người dân kể với bà hay do chính cán bộ trong cơ quan công quyền tiết lộ?
 

Bài Nguyễn Thị Khá:
Tôi nghe nhiều từ phía các cán bộ hưu trí. Một người kể với tôi câu chuyện, người bà con của họ đang muốn bán nhà bán đất để lấy 200 triệu “chạy” vào công chức. Vị cán bộ hưu trí kia chất vấn người bà con: “Nếu “chạy” thì bao giờ mới thu hồi được, rồi tiền đó lấy ở đâu, hay lại cam chịu bán rẻ lương tâm làm quan tham, hại dân hại nước…”. Không có câu trả lời.
 
Lại có câu chuyện khác, bà con của một vị cán bộ hưu trí vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm đang lo chạy vạy, vay nợ khắp nơi để có 100 – 200 triệu đồng lo lót, chạy việc. Nghe được chuyện đó, tôi thấy nhói lòng: lương giáo viên chỉ vài triệu một tháng thôi mà, vậy bao giờ mới thu lại được số tiền đó. Điều gì thôi thúc họ bỏ số tiền lớn như vậy?
 
PV: Trong kỳ họp quốc hội tới, bà có sẵn sàng đưa vấn đề này ra nghị trường?
 

Bài Nguyễn Thị Khá:
Điều cần thiết nhất lúc này là chờ xem kết quả cuối cùng là thế nào. Kết luận kể trên của Sở Nội vụ TP Hà Nội chưa thể là dấu chấm cuối cùng, khép lại vụ việc.
 
Bệnh thì đã rõ nhưng dường như chúng ta vẫn chưa có được một loại thuốc đặc trị tệ nạn này, bà nghĩ sao?
 
Thuốc trị độc tốt nhất là trị từ gốc. Gốc phải là từ bộ máy, làm trong sạch bộ máy từ trên xuống dưới. Không phải tự dưng mà nảy sinh cái tệ đó, nếu người dưới không học người trên. Nếu tại cấp trung ương, cấp tỉnh không có chuyện chạy công chức thì cấp huyện, xã có thể có chuyện đó được không? Tôi khẳng định: Làm sao họ dám làm!
 
PV: Trong bài trả lời phỏng vấn TTXVN, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói một lời rất tâm huyết: “Lòng tin của nhân dân đang bị thử thách”. Bà có cho rằng, kết luận kể trên của Sở Nội vụ TP Hà Nội cũng là một phen thử thách lòng tin của nhân dân?
 

Bài Nguyễn Thị Khá:
Đó là một thứ thử thách. Và người dân đang nhẫn nại chờ xem cách giải quyết hợp tình, hợp lý của cơ quan hữu quan Hà Nội.
 
PV: Theo bà, cơ quan cấp cao hơn có nên tham gia điều tra để làm rõ những lời tâm huyết của ông Trần Trọng Dực?
 

Bài Nguyễn Thị Khá:
Nếu muốn lấy được lòng tin trọn vẹn của nhân dân thì cần thiết có cơ quan cấp cao hơn vào cuộc bởi Hà Nội đã điều tra và kết luận như vậy rồi. Muốn lấy được lòng tin của nhân dân thì hãy chứng minh bằng hành động thực tế.
 
Xin cảm ơn bà!



Theo Phúc Hưng/Dantri