Những bất cập cần cải thiện về Vệ sinh an toàn lao động

19/12/2012 13:00
T.L
(GDVN) - Hiện nay, nội dung về Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được quy định trong quá nhiều văn bản luật của các Bộ, ngành khác nhau tạo ra một hệ thống phức tạp, chồng chéo, gây khó khăn cho việc thực thi. Do đó, cần thiết phải xây dựng một luật riêng quy định tất cả các vấn đề liên quan đến người lao động, để người lao động thực sự được đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ.
Phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện, đảm bảo đời sống cho người lao động… là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. 

Vì vậy, việc nhanh chóng xây dựng một quy chuẩn Luật An toàn vệ sinh lao động tránh sự bất cập, chồng chéo, phân tán là một trong những yếu tố then chốt đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đó là một trong những nội dung chính của Hội thảo “Luật An toàn vệ sinh lao động – Những vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu” vừa diễn ra tại Hà Nội, do Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam (VOSHA) chủ trì.

Theo nhận định của Cục An toàn lao động, hiện nội dung về Luật An toàn vệ sinh lao động được quy định trong quá nhiều văn bản luật của các Bộ, ngành khác nhau như trong Bộ luật Lao động, Luật Hóa chất, Luật Khoáng sản, Luật Công đoàn, Luật Hợp tác xã… và nhiều văn bản do Chính phủ ban hành. Các văn bản này tuy khá đầy đủ, nhưng phân tán, tạo ra một hệ thống phức tạp, chồng chéo, gây khó khăn cho việc thực thi.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm. Nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định pháp luật về vệ sinh lao động chỉ mang tính chất chống đối, dẫn đến số vụ tai nạn lao động ngày càng tăng cao. Vì vậy, việc xây dựng một đạo luật riêng về an toàn vệ sinh lao động thống nhất về một mối là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet.

“Hiện Bộ luật Lao động chỉ quy định đối tượng thụ hưởng là những hoạt động lao động có quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động, và các mối quan hệ xã hội khác có liên quan trực tiếp với quan hệ lao động. 

Trong khi đó, công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động lại liên quan đến cả những đối tượng không thuộc phạm vi trên như: người lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ là gia đình hoặc làng nghề, nông dân, diêm dân, lao động tự do… không có giao kết hợp đồng lao động. Khi xảy ra tai nạn những đối tượng này hoàn toàn không được hưởng chế độ, gây thiệt thòi cho người lao động. Trong khi họ đều là công dân, đều là lao động, họ phải được hưởng quyền lợi như nhau…” – Ông Nguyễn An Lương, Chủ tịch VOSHA lo ngại nói.

Ngoài ra, các quy định trong Bộ luật Lao động chủ yếu mới tập trung vào những yêu cầu đối với người sử dụng lao động, người lao động, các cơ quan quản lý và các chế độ chính sách cho người bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp… Trong khi, nhiều nội dung quan trọng về an toàn vệ sinh lao động lại chưa được quy định hoặc không quy định rõ. 

Do đó, cần thiết phải xây dựng một luật riêng quy định tất cả các vấn đề liên quan đến người lao động, để người lao động thực sự được đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ.

Việc nghiên cứu xây dựng Luật An toàn lao động, vệ sinh lao động theo hướng tách ra từ Bộ luật Lao động để xây dựng thành một luật riêng như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề, Luật Người cao tuổi… sẽ làm đơn giản hóa thủ tục hành chính, chỉ rõ trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động và các đối tượng liên quan nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành… góp phần làm cho khung pháp lý về an toàn vệ sinh lao động của Việt Nam ngày càng trở lên mạnh mẽ hơn. 

Mặt khác, việc tách thành Luật An toàn lao động, vệ sinh lao động cũng không ảnh hưởng đến kết cấu và tính chất của Bộ luật Lao động hiện hành.
Theo ông Lương để Luật An toàn vệ sinh lao động đi vào thực tiễn, thiết thực, chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm xây dựng và triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động của Hàn Quốc và một số nước trên thế giới.

Nên bổ sung, quy định cụ thể trách nhiệm của một số Bộ, ngành có nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN); bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); đồng thời nên điều chỉnh lại giờ giấc làm việc cho người lao động…
Đó là một số nội dung nổi bật của Hội thảo “Góp ý dự thảo đề cương Luật ATVSLĐ do Hội Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ Việt Nam đề xuất” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tại hội thảo, đa số các chuyên gia ATVSLĐ cho rằng, công tác ATVSLĐ trong những năm qua đã có nhiều bước tiến bộ rõ rệt. Điển hình như năm 2005, hồ sơ quốc gia về ATVSLĐ lần đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng và cập nhật đến năm 2009; Chương trình quốc gia về ATVSLĐ đến năm 2010 (lần đầu tiên) và Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2011-2015 (lần thứ 2) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với những chính sách tổng thể và toàn diện… Thế nhưng, để người lao động được hưởng đầy đủ các quyền lợi cũng như chính sách lao động thì vẫn đang là một thách thức lớn.

Nhất trí với dự thảo là đưa vào một chương riêng quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, ông Vũ Như Văn, Phó chủ tịch Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho rằng: Cần xây dựng sao cho hiệu lực pháp lý về ATVSLĐ được nâng cao, loại bỏ việc chồng chéo trong quản lý Nhà nước về ATVSLĐ. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của một số Bộ, ngành có nhiều nguy cơ gây TNLĐ, BNN.

Đồng thời, Luật ATVSLĐ cũng cần khẳng định rõ vai trò của thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ. Bởi hiện nay, trong Bộ luật Lao động có một chương quy định về thanh tra lao động chung, trong đó có nội dung về thanh tra ATVSLĐ. Việc quy định này chưa phát huy tốt vai trò của thanh tra ATVSLĐ dẫn đến hoạt động thanh tra chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra.

Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Văn cho biết, hiện hàng năm hoạt động thanh kiểm tra, giám sát ATVSLĐ chỉ kiểm soát được 3% - 5% tổng số doanh nghiệp. Việc thanh kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân, các làng nghề vẫn còn nhiều hạn chế…

Việc xử phạt hành chính các vi phạm pháp luật về ATVSLĐ mới được quy định trong Nghị định của Chính phủ chưa đủ sức răn đe, cần đưa những chế tài mạnh hơn vào Luật ATVSLĐ.

Đồng tình với việc cần bổ sung, thay thế một số điều liên quan đến công tác ATVSLĐ trong Bộ luật Lao động (BLLĐ), ông Phùng Quang Huy, Giám đốc văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Bộ luật lao động còn nhiều bất cập trong việc quy định giờ làm việc đối với người lao động (NLĐ). 

Trong khi BLLĐ 2012 đã quy định rất cụ thể về thời gian làm việc bình thường cho NLĐ. Đó là, làm việc không quá 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần (làm việc theo ngày); không quá 10 giờ/ngày, 48 giờ/tuần (làm việc theo tuần); và không quá 6 giờ/ngày đối với công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Quy định về thời gian làm việc không bình thường (là thời gian làm việc ngắn hoặc dài hơn thời gian làm việc bình thường) lại không được nhắc đến. 

Theo đó, thời gian làm việc không bình thường, chính là căn cứ để giải quyết quyền lợi cho NLĐ, khi NLĐ làm việc không trọn thời gian theo quy định tại điều 34 BLLĐ.

Cùng quan điểm về thời gian làm việc, nhiều chuyên gia cho rằng, đối với những công việc có tính chất đặc biệt, linh hoạt và không cố định, NLĐ làm việc theo giờ làm việc không bình thường thì không áp dụng làm thêm giờ.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng cục An toàn lao động, Bộ lao động thương binh và Xã hội cho biết, hiện người lao động phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại, có nguy cơ mất an toàn cao. Trong đó, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng, công tác an toàn vệ sinh lao động ngày càng trở lên cấp thiết. 

Do đó, việc xây dựng Luật an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ người lao động ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc xây dựng luật cần phải chỉ rõ những tồn tại, yếu kém và hạn chế của Luật Lao động. Qua đó, đúc rút kinh nghiệm thực tế, tiến tới xây dựng một Luật An toàn vệ sinh lao động hợp chuẩn, đầy đủ.
T.L