Những cái chết uẩn khúc của lao động bất hợp pháp tại Nga

02/03/2012 06:01
Xuân Hòa
(GDVN) - Vì muốn đổi đời, những người nông dân này đã liều lĩnh đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp tại Nga. Chưa kịp đổi đời, họ đã bỏ mạng nơi xứ người.

Tiếng kêu cứu từ trời Âu


Trong những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, chúng tôi liên tục nhận được những cuộc gọi cầu cứu của các lao động đi xuất khẩu “chui” tại Nga. Cuộc gọi vào ngày 22/1 (30 Tết), một trong số những người gọi điện cầu cứu cho biết, anh tên Đ, quê tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Qua điện thoại, anh Đ nói: “Anh ơi, chúng nó không trả lương cho bọn em hơn một năm trời, chỉ cho ăn thôi. Nhiều đứa trốn ra ngoài làm thì bị chúng báo cảnh sát bắt phạt tiền... Đến giờ đã có ba người chết nhưng không được chôn mà chỉ quấn vải lấp đất lại...”.
Ông Lê Công Hoàng (bố của nạn nhân Lê Công K) trước bàn thờ người con trai xấu số.
Ông Lê Công Hoàng (bố của nạn nhân Lê Công K) trước bàn thờ người con trai xấu số.
Theo như lao động này, họ đều là con nhà thuần nông, do cuộc sống gia đình khó khăn nên phải làm liều đi xuất khẩu lao động “chui” sang nước Nga để mong được đổi đời. Tuy nhiên, khi hi vọng đổi đời của họ chưa thành hiện thực thì đã có 3 người trong số này tử vong vì bị ngạt khí gas.

Đau lòng hơn là do họ đi xuất khẩu lao động tại nước Nga theo đường dây bất hợp pháp nên khi chết, họ không được chôn cất cẩn thận mà chỉ được quấn vải rồi lấp đất lên. Thậm chí, có hai trong số 3 nạn nhân vừa tử vong phải chôn cùng một hố. 
Trong lúc đang đắn đo để kiểm chứng thông tin trên, ngày 23/1, chúng tôi tiếp tục nhận được điện cầu cứu của các lao động tại Nga. Cuộc gọi điện này cho biết, cụ thể ngày 3 nạn nhân xấu số chết như thông tin anh D cung cấp ở trên là ngày 14/12/2011.

Lao động này cũng cho biết tên của hai nạn nhân tử nạn. Lao động còn lại, họ không nhớ tên mà chỉ biết là người huyện Diễn Châu, Nghệ An.  

Từ những manh mối manh mún, chúng tôi quyết đi tìm sự thật. Những lời cầu cứu đó là của ai? Những nạn nhân xấu số có gia cảnh như thế nào và có phải họ đã bị ngược đãi khi xuất khẩu lao động bất hợp pháp hay không?

Hành trình đi tìm sự thật

Từ những thông tin ít ỏi, chúng tôi bắt đầu hành trình tìm về những gia đình của các nạn nhân xấu số. Tuy nhiên, việc xác định được gia đình nạn nhân cũng hết sức khó khăn vì người kêu cứu chỉ biết huyện nơi các nạn nhân sinh sống chứ không nắm rõ xã, xóm. 
Sau gần một tuần tìm kiếm, chúng tôi cũng tìm được gia đình nạn nhân tử nạn đầu tiên. Đó là gia đình nạn nhân Lê Công K (SN 1992, trú tại xóm 3B, xã Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). 

Bên di ảnh và bàn thờ của người con trai xấu số, ông Lê Công Hoàng (bố của nạn nhân K) đau xót cho biết: "Gia đình tôi là gia đình thuần nông, do cuộc sống khó khăn nên năm 2011, khi có người bày mối đi xuất khẩu lao động tại Nga nên K đã quyết định đi để mong được đổi đời. 

K cùng lao động khác ở cùng xóm là  anh Hồ Sĩ H và anh Hồ Đức Th đã nộp cho L, vợ của Đinh Quang P (huyện Diễn Châu, Nghệ An) số tiền là 2.700 USD để được đi lao động xuất khẩu.
Di ảnh và chiếc bàn thờ vừa được gia đình nạn nhân Nguyễn Văn T lập nên.
Di ảnh và chiếc bàn thờ vừa được gia đình nạn nhân Nguyễn Văn T lập nên.
Đến tháng 2/2011, K cùng các lao động khác lên đường sang Nga.  Sau hơn một năm làm việc, K đã gửi được về cho gia đình hơn 20 triệu đồng để trả nợ. Khi niềm vui vừa mới vừa nhen nhóm thì đến ngày 10/12/2011, gia đình nhận được hung tin: K bị chết vì ngạt khí gas cùng với hai nạn nhân khác cũng ở huyện Diễn Châu". 
Vừa khóc, ông Hoàng vừa ân hận nói: “Biết đi chui là bất hợp pháp. Tuy nhiên cũng vì hoàn cảnh gia đình mới vậy cả. Số nợ ngân hàng vay cho cháu nó đi vẫn chưa trả hết. Giờ cháu nó mất rồi không biết xoay xở ra sao khi mỗi ngày lãi mẹ đẻ lãi con. Xác cháu, chúng tôi không nghĩ đến chuyện đưa về được vì họ bảo muốn đưa về thì mất đến 3 tỷ đồng. Chúng tôi lấy đâu ra”.
Những cái chết uẩn khúc
Rời gia đình nạn nhân K, chúng tôi tiếp tục lần theo manh mối đến địa chỉ hai nạn nhân xấu số còn lại. Mặc dù đã tìm được gia đình anh Đ, người ở xã Diễn Đoài gọi điện về kêu cứu nhưng cũng phải vất vả lắm chúng tôi mới thuyết phục được anh trai lao động này cung cấp thông tin địa chỉ hai nạn nhân xấu còn lại và người đã đưa họ đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp sang Nga.

Theo như thông tin cung cấp, người tổ chức cho các nạn nhân đi “chui” chính là Đinh Quang P.  Số lượng người được đưa đi bất hợp pháp trong đoàn lần đó sang Nga có đến hàng chục người chứ không riêng gì các nạn nhân đã tử vong.

Anh này còn cho biết thêm, do những thỏa thuận giữa người lao động và người đưa đi nên khi sự việc xảy ra, không thể bắt người đưa đi phải chịu trách nhiệm.

Danh tính cũng như địa chỉ nạn nhân xấu số thứ 2 đã được hé lộ đó là Anh Nguyễn Văn T (43 tuổi, trú tại xóm 2, xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu).

Đến nhà anh T, đập vào mắt chúng tôi là chiếc bàn thờ đang nghi ngút hương mới được lập nên. Vừa rót nước mời khách, Nguyễn Văn Đức (con trai nạn nhân) vừa kể lại: “Bố cháu năm nay vừa tròn 43 tuổi. Sau khi cưới cháu xong, bố quyết định đi xuất khẩu lao động tại Nga để may mắn được đổi đời. Nhưng khi sang đó chưa đầy năm, số tiền vay để đi chưa trả hết thì gia đình cháu nhận được tin bố mất”.

Được biết, nạn nhân T có hai người con là Nguyễn Văn Đức (21 tuổi) đã lập gia đình. Cháu thứ 2 là Nguyễn Thị Trang (18 tuổi) hiện đang là học sinh lớp 12. Vợ của nạn nhân là chị Đặng Thị Nhung (40 tuổi) hiện đang bán hàng tại chợ Phú Diễn.

Cháu Nguyễn Thị Trang khẳng định, nạn nhân đã tử nạn cùng bố mình là một người ở cùng huyện, trú tại xã Diễn Phúc nằm cạnh Quốc lộ 7.
Chỉ vì mong muốn đổi đời mà người từng đứng trong quân ngũ như nạn nhân Nguyễn Văn D đã đi lao động bất hợp tại Nga và bỏ mạng nơi đất khách quê người.
Chỉ vì mong muốn đổi đời mà người từng đứng trong quân ngũ như nạn nhân Nguyễn Văn D đã đi lao động bất hợp tại Nga và bỏ mạng nơi đất khách  quê người.
Thắp vội nén nhang cho người xấu số, chúng tôi tiếp tục hành trình đi tìm sự thật. Sau gần mấy tiếng dò hỏi, cuối cùng chúng tôi tìm ra gia đình nạn nhân cuối cùng đó là gia đình anh Nguyễn Văn D (trú tại xóm Phúc Nguyên, xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu).

Trong căn nhà nhỏ, di ảnh D chụp từ lúc còn ở trong quân ngũ được gia đình đặt trên chiếc bàn thờ mới lập. Lau những giọt nước mắt đau xót, ông Nguyễn Văn Vinh (bố của nạn nhân) kể lại: “Gia đình tôi có 7 người con, thằng D là đứa thứ 3.  Nó vừa đi bộ đội về tháng 12/2009 thì đến 10/2/2011, nó nộp 50 triệu đồng cho L, vợ Đinh Quang P để đi xuất khẩu lao động “chui” sang Nga. Vậy mà ai đâu có ngờ đi chưa đầy năm, mới gửi về được 20 triệu đồng thì nó ra đi. Bản thân tôi cũng là cựu chiến binh, hơn 10 năm trong quân đội nhưng cũng chưa có  tiền cất lại ngôi nhà cho đàng hoàng. Những tưởng trông chờ vào nó vậy mà...”.

Ông Vinh cũng cho biết thêm: “Do có người quen ở bên đó (Nga - PV) nên sau khi xảy ra sự việc, D được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng không qua khỏi. Sau đó, gia đình cũng đã làm mai táng “trộm” cho cháu vì sợ chính quyền bên đó biết. Còn hai anh K và T do không quen biết nên sau khi mất chỉ được quấn vải rồi vùi chung cùng một nấm mồ”.

Không ngừng khóc thương người con trai xấu số, bà Trần Thị Nguyệt (mẹ của nạn nhân D) cầu nguyện: “Nợ cho cháu đi đã trả hết đâu, trước sau gì cùng khó khăn rồi nhưng khó khăn là một chuyện, tôi mong sao người đưa cháu đi tìm mọi biện pháp đưa thi thể cháu về nước. Có vậy, vợ chồng tôi chết cũng được yên lòng”.

Chia tay gia đình các nạn nhân trong buổi chiều tà, chúng tôi không khỏi thương cho số phận những con người hẩm hiu. Chỉ vì miếng cơm manh áo, chỉ vì mong muốn được đổi đời mà họ đã phải bỏ mạng nơi đất khách xứ người. Thân xác bị chôn vùi sơ sài và hi vọng có ngày được trở về nằm nơi đất mẹ cũng quá đỗi mong manh.

Xuân Hòa