Những câu chuyện kì diệu ghi lại tại "hòn đảo hoàn lương"

08/01/2012 07:00
Đang Yêu
Hòn đảo Cò (huyện đảo Vân Đồn - Quảng Ninh), khoảng vài năm trở lại đây, người dân quanh vùng vẫn gọi với một cái tên nghe đầy chất chứa "đảo hoàn lương"...
Họ đã từng nghĩ rằng, cuộc đời mình sẽ mãi chìm đắm trong con đường u tối, bởi biết rằng mình đã sai, hiểu được những lỗi lầm đã phạm phải nhưng để làm lại cuộc đời – đó là điều không hề đơn giản. Và, họ chọn đảo hoang để làm lại cuộc đời. Nơi chỉ có sóng, gió và những tảng đá cô độc, nơi nhiều người nghĩ rằng sự sống đã vĩnh viễn bị chôn vùi.

Nhưng biết bao nhiêu con người đã tìm lại được cuộc sống lương thiện tại đây, đoạn tuyệt với quá khứ từ nơi này. Tất cả họ đã làm nên những câu chuyện kỳ diệu giữa trùng khơi, những câu chuyện về sự hoàn lương đầy bi ai với đầy tiếng khóc và nước mắt. Cái tên "đảo hoàn lương" được bắt nguồn từ việc đã có rất nhiều con người lạc lối làm lại cuộc đời nơi đây.



Vượt “bão trắng” ở nơi đầu sóng ngọn gió


Mất chưa đầy 15 phút đi tàu thủy, hòn Cò cách không xa đất liền nhưng ở đây không có điện, chẳng có tivi… nó hoang sơ, đơn giản khiến nhiều người có cảm giác xa xôi và hẻo lánh. Cũng chính vì yếu tố này mà cách đây chừng gần chục năm, một số người bị dồn vào con đường bức bách ở đất liền đã tìm đến đây để tự tạo lối thoát cho mình. Nhưng hòn Cò chỉ thực sự được nhiều người biết đến khi có không ít những dân anh chị, những con người của cuộc sống giang hồ, những kẻ chìm trong “cái chết trắng” tìm đến đây để làm lại cuộc đời. Và khi những câu chuyện kỳ diệu về những kẻ hoàn lương được người ta lan truyền nhau thì tất cả mới ngỡ ngàng về hòn Cò như một xứ sở tìm lại cuộc đời của những con người lầm lỗi.

 Trong ký ức của người phụ nữ trạc tuổi gần 60 tên Tiến (tên nhân vật đã được thay đổi), sống trên đảo Cò, vẫn còn hằn lên những vết thương của quá khứ đau đớn. Trước kia, bà Tiến vốn là một giáo viên cấp 3 trường huyện. Cuộc sống của gia đình bà thuộc diện cơ bản và no ấm của khu thị trấn. Chồng bà thuộc diện biết làm ăn nên kinh tế gia đình cứ ngày một đi lên.

Chẳng phải lo lắng về mặt tiền bạc, cũng chẳng phải nghĩ ngợi về chuyện tình cảm, nhiều người sống xung quanh luôn mang niềm mơ sẽ có được một gia đình hạnh phúc như vợ chồng bà Tiến. Nhưng mọi sự đã xoay vần khi những đứa con của vợ chồng bà Tiến lớn lên không như những gì cha mẹ mong đợi. Chúng lười học, ham vui chơi với bạn bè dù cha mẹ đã gắng hết sức dạy bảo nhưng đứa con trai của vợ chồng bà Tiến đã vướng vào ma túy. Dù cả hai vợ chồng bà Tiến biết được sự nhức nhối ở nơi mình sống, đã cố gắng hết sức nhưng ông bà vẫn không thể cứu được con mình thoát khỏi cám dỗ của cái chết trắng.

Dùng mọi lời nói khuyên bảo, dùng mọi biện pháp từ cứng rắn đến mềm mỏng, ngọt ngào con trai bà Tiến vẫn không thể từ bỏ được ma túy. Bà đưa con đi cai nghiện hết trung tâm này rồi đến cơ sở kia, nhưng kết quả thu được vẫn chỉ là một nỗi thất vọng ê chề.

Khi mọi biện pháp đều đã bất lực, vợ chồng bà Tiến quyết định sẽ phải làm một điều gì đó để thay đổi một cách rõ rệt cuộc sống của gia đình để giúp con vượt qua sự nghiện nhập. Biện pháp hữu hiệu nhất lúc này là phải tách được đứa con ra khỏi môi trường sống quen thuộc, đưa nó đến một nơi xa lạ, không có tệ nạn, không có cám dỗ… có như vậy mới đoạn tuyệt được với ma túy.

Biết được đảo Cò qua lời đồn đại của dư luận, vợ chồng bà Tiến quyết định bỏ đất liền để tìm đến “hòn đảo hoàn lương” này. Bỏ hết công việc ở trường lớp, chẳng đoái hoài gì đến cơ ngơi đã tạo dựng được sau bao nhiêu năm vất vả, hai vợ chồng bà Tiến đùm rúm nhau đưa con ra đảo để cai nghiện ma túy.

Những ngày đầu khi mới ra đảo cuộc sống của gia đình bà Tiến thật cơ cực và đắng cay. Dựng tạm căn lều bằng tre nứa trên đảo, ngày nắng còn khô ráo, vào những ngày mưa, trong nhà chẳng khác gì ngoài trời… chấp nhận sự khổ ải đó, vợ chồng bà vẫn quyết tâm phải giúp con từ bỏ hẳn ma túy.

Đối diện với cái thiếu, cái đói lại quặn lòng mỗi khi nhìn thấy con vật vã để cai nghiện, với vợ chồng bà Tiến, những ngày đầu tiên đó là một sự thử thách đầy đắng cay cho ý chí quyết tâm của cả gia đình. Nhưng rồi tất cả những khó khăn đó cũng vượt qua, đứa con dần cũng ngớt cơn vật vã thèm thuốc. Công việc trên đảo cũng dần đi vào quỹ đạo bình thường.

Sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, cuộc sống giản dị, đơn sơ của gia đình bà Tiến cũng dần trôi theo năm tháng. Tuy nhiên, hạnh phúc đó chỉ ngắn ngủi chưa tày gang, khi mọi hy vọng bắt đầu nhen nhóm lại thì cả gia đình biết rằng, con trai bà đã bị nhiềm HIV.

Khi biết được điều này, cả gia đình bà Tiến dường như đã chết lặng trong sự tuyệt vọng. Mọi sự tính toán, dự định đều đã tan tành theo mây khói. Mong muốn làm lại cuộc đời của người con trai giờ đây đã đi vào ngõ cụt. Căn bệnh sẽ mãi mãi chẳng bao giờ chữa được và tương lai phía trước cũng vì đó mà lụi tàn…

Nhìn thấy con đau đớn, tuyệt vọng khi biết mình bị nhiềm HIV, trái tim bà Tiến dường như có cả trăm nghìn vết đâm. Nhưng tất cả những suy nghĩ chán chường, vô vọng đó cũng dần phải tan biến. Bà Tiến nghĩ rằng, nếu bây giờ cả gia đình cùng chán nản theo đứa con thì tất cả sự cố gắng bấy lâu nay sẽ bị cuốn theo sóng biển. Muốn cứu lấy đứa con, điều trước tiên, bản thân mình phải tự vượt qua tất cả…

Nghĩ vậy, vợ chồng bà Tiến càng gắng sức hơn, dành nhiều sự quan tâm hơn cho con. Ngày ngày vật lộn với sóng gió để kiếm tìm sự sống, những con cua, con ốc biển nuôi sống gia đình bà Tiến và dần dần, nơi đây cũng giúp mọi người tìm lại được giá trị cuộc sống đích thực.

Nhớ lại những ngày tháng đó, bà Tiến từng đã khóc cạn nước mắt. Mọi hy vọng đều đã chấm dứt, đã có lúc, cả gia đình định đưa nhau trở lại đất liền và muốn buông xuôi tất cả. Nhưng rồi, mọi thứ vẫn vẫn diễn ra theo như đúng quy luật, những người xung quanh đã giúp gia đình bà Tiến vượt qua tất cả những sóng gió đó.

Ngày biết con bị nhiễm HIV, bà Tiến đau buồn bao nhiêu thì khi biết được tin đứa cháu nội không bị nhiễm bà vui mừng bấy nhiêu. Ngọn lửa hi vọng lại bùng cháy trở lại. Bà Tiến nghĩ rằng đó là một điều kỳ diệu, gia đình bà đã được ông trời ban cho một lối thoát để tìm kiếm một tương lai xán lạn hơn. Mọi thành viên trong gia đình lúc đó cũng đều gắng hết sức lao động, nuôi trồng để xây dựng cuộc sống kinh tế khấm khá hơn. Cả hai vợ chồng bà Tiến đã không còn suy nghĩ sẽ trở về đất liền nữa, lúc này cả gia đình bà đều đang có những dự định dài hạn trong những năm tiếp theo với nghề nuôi tu hài, sò biển…

Lối thoát cho những con người lầm lỗi

Trong suy nghĩ của rất nhiều người đàn ông sinh sống trên hòn Cò, với họ, những người phụ nữ sống bên mình, luôn là những người đàn bà vĩ đại và tuyệt vời. Đối với những con người đã lạc lối vào thế giới của ma quỷ thì việc giúp họ làm lại được cuộc đời cũng chẳng khác gì sinh ra họ lần thứ hai. Người ta vẫn nghĩ rằng, hòn Cò là một ngươi tập trung của những con người “trai thì nghiện hút, gái thì cave”.

Một xã hội ô hợp, đầy phức tạp bởi nó tập trung những lắng cặn của xã hội. Đúng là hòn Cò tập trung nhiều người nghiện, đúng là nơi đây đã có rất nhiều người phụ nữ từng lạc đường lầm lối…nhưng ở đây chỉ có sự hối cải, hoàn lương. Những kẻ nghiện hút đến hòn Cò để cắt cơn, để đoạn tuyệt với ma túy, những người đàn bà từng “buôn phấn, bán hoa” thì đến đây để làm lại cuộc đời. Hòn Cò dường như là một điểm dừng chân cho những con người từng phiêu bạt với cuộc đời.

Sau những tháng ngày quăng quật với những tệ nạn xã hội, hòn Cò là một bến đỗ hợp lý, giúp họ có được một hướng đi mới tốt đẹp hơn, bình yên hơn.

Trong ký ức của mình, chị Niên vẫn chẳng thể nào quên những ngày tháng cơ cực của hai vợ chồng trước kia. Vốn là một người lao động bình thường, cả hai vợ chồng chị Niên đến với nhau bằng tình yêu và sự đồng điệu của tuổi trẻ. Xây dựng gia đình rồi có với nhau đứa con đầu lòng, kinh tế không mấy khá giả, nhưng họ hài lòng với gì những mình đang có.

Tuy nhiên, cuộc sống đã không mỉm cười mãi với gia đình chị Niên. Cả gia đình đã bàng hoàng khi phát hiện ra chồng chị - anh Bắc đã mắc nghiện ma túy. Một cú sốc quá lớn khiến cho cuộc sống của cả gia đình xoay chuyển. Một mặt nuôi con nhỏ, mặt khác, chị phải tìm mọi cách kéo chồng ra khỏi ma túy. Mọi công việc đó đều dồn lên vai của chị Niên.

Dù chị Niên đã gắng hết sức nhưng do anh Bắc đã nghiện quá nặng nên kinh tế gia đình đi xuống một cách nhanh chóng. Những của nả, đồ vật trong nhà trước kia mua sắm được cứ thế đội nón ra đi. Chẳng thể nào can ngăn, chị Niên dường như chỉ biết chết lặng trong căn nhà trống tuềnh, trống toàng. Rồi anh Bắc vướng vào con đường lao lý như một kết thúc hợp lý của những tháng ngày lang bạt kỳ hồ. Chồng đi tù, chị Niên ở nhà nuôi nấng con cái với hy vọng sau này chồng sẽ cải tà quy chính.

Ngày đón chồng ra trại, chị Niên vui mừng khôn xiết, chị hy vọng gia đình mình sẽ trở lại cuộc sống bình yên, thoát được ma túy. Nhưng rồi, mọi hy vọng đó đã bị dập tắt khi chỉ vài ngày sau khi về nhà, anh Bắc tiếp tục cùng với đám bạn bè lân la tìm đến ma túy.

Nỗi đau chồng chất lên nỗi đau, mọi hy vọng bị lụi tàn và chị Niên dường như đã chết hẳn mọi ước mơ cho cuộc sống tương lai. Nhưng khi nghĩ lại, nếu như cứ để tình trạng đó kéo dài sẽ chẳng mang lại lợi ích nào, chồng chị sẽ chết mòn trong ma túy còn các con sẽ mãi phải đối diện với sự khó khăn, nghèo đói. Vậy là, chị gắng sức thuyết phục chồng tìm ra hòn Cò như một lối thoát khả dụng cho việc đi tìm lại cuộc đời.

Khi cả hai vợ chồng chị ra đảo, trên tay hai người chỉ có vỏn vẹn vài đồng bạc lẻ. Với suy nghĩ sẽ ra đó kiếm tìm sự sống từ con ốc, con sò dưới biển, chị Niên cùng với chồng quyết tâm tìm đến đảo hoang để giúp chồng đoạn tuyệt với ma túy.

Những ngày đầu tiên ra hòn Cò, cuộc sống của vợ chồng chị Niên gặp muôn vàn khổ cực, từ việc lo ăn từng bữa cho đến giúp chồng cắt cơn, tất cả đều một tay chị lo liệu. Ngày tháng trôi qua, cuộc sống nơi hoang đảo cũng dần trở nên quen thuộc, chồng chị Niên cũng dần cắt được cơn nghiện, không còn vật vã như trước.

Khi mọi thứ đã dần đi theo một quỹ đạo, anh Bắc cũng không còn điên cuồng đòi thuốc, hai vợ chồng chị Niên bắt đầu tính chuyện làm ăn lâu dài tại hòn Cò. Với những gì mà người dân ở đây đã làm và thành công, gia đình chị Niên trở lại đất liền với mục đích sẽ vay tiền để đầu tư cơ sở nuôi hải sản.

Những ngày đầu khi đi vay vốn, chẳng ai muốn mang tiền của mình đưa cho một kẻ nghiện ngập, nhưng không thất vọng, vợ chồng chị Niên đã đến gõ cửa từng nhà người quen nhờ giúp đỡ. Rồi hai anh chị cũng vay được số vốn vài chục triệu đồng, mang ra đảo xây dựng nhà ở, bè cá để nuôi trồng.

Việc làm ăn giai đoạn ban đầu chẳng hề đơn giản như những gì tính toán, tu hài, sò huyết, cua ghẹ bỗng nhiên lăn đùng ra chết hàng loạt, số vốn của vợ chồng chị Niên cứ thế mà cụt dần đi sau những vụ nuôi thất bại. Không vì thế mà nản chí, bằng những số tiền còn lại hai anh chị lại tiếp tục đầu tư vào mua con giống để nuôi. Và rồi, mọi cố gắng cũng được đền đáp khi hai anh chị đã thu được những đồng tiền lãi đầu tiên.

Tiếp theo đà làm ăn đó, vợ chồng chị Niên lao vào làm ăn một cách đam mê. Cuốn vào công việc nên anh Bắc cũng quên ma túy từ lúc nào cũng chẳng hay. Giờ đây, hai anh chị chỉ biết đến làm ăn, kiếm tiền nuôi dạy các con.

Nghĩ về những đoạn trường đã trải qua, nhiều lúc, chị Niên không dám tin rằng mình lại có được cuộc đời như ngày hôm nay. Khi bước ra đảo hoang, trong suy nghĩ của chị đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng “chết cùng chồng” ở nơi đây. Nhưng sự kỳ diệu đã đến với anh chị, hai người đã tìm được một cuộc sống mới, tươi đẹp hơn, yên ả hơn và đặc biệt ma túy không còn vương vấn từng ngày, từng giờ như trước. Ở hòn Cò, có rất nhiều con người đã tìm lại cuộc đời như trường hợp của anh Bắc. Tất cả họ đều đã từng lầm lạc, từng điên cuồng với ma túy và tội lỗi, nhưng cuộc sống nơi đảo hoang đã giúp họ hoàn lương, giúp họ có được một cuộc sống trong sạch và yên ổn.

Không chỉ có những người đàn ông tìm ra hòn Cò để rửa sạch quá khứ, tìm lại tương lai mà có rất nhiều người phụ nữ khác cũng ra đây để đi tìm lối thoát cho cuộc đời của mình. Hà, một người phụ nữ năm nay đã bước qua tuổi 30, trong bộ quần áo lấm lem vết bẩn của bè cá, khuôn mặt của chị vẫn còn vương vấn lại một số đường nét của thời kỳ phiêu bạt, kể về cuộc đời mình. Chị vốn là con gái cả trong một gia đình đông con đất Thủy Nguyên (Hải Phòng). Học hết cấp 2, Hà tìm ra đất Hòn Gai xin việc để tự nuôi sống bản thân. Nhưng vòng xoáy nghiệt ngã của những tệ nạn xã hội đã cuốn Hà theo một cách đầy khắc nghiệt. Bập vào ma túy theo sự rủ rê của đám bạn bất lương, để có tiền thỏa khát những cơn thèm thuốc, Hà đã phải đi bán thân để kiếm tiền. Ban đầu là những nhà hàng, quán bar, khi nhụy đã tàn, hương đã nhạt Hà phải dạt ra những khu xó chợ, lề đường để bắt khách. Cuộc sống buông thả, vạ vật chỉ kết thúc khi Hà bị bắt rồi đưa vào trại phục hồi nhân phẩm.

Quãng thời gian sống ở trại phục hồi nhân phẩm đã giúp Hà hiểu được những sai lầm của mình. Nhưng ngày cô trở về cuộc đời, Hà chẳng biết tìm một chốn nào để nương thân. Không dám về nhà với gia đinh vì đã bị bố mẹ đoạn tuyệt, chẳng dám tìm đến đám bạn trước kia vì sợ chúng sẽ lại gieo rắc ma túy, Hà quyết định tìm ra đòn Cò như là một lối thoát duy nhất. Trên người độc bộ quần áo cũ, Hà tìm đến đảo Cò với hy vọng sẽ xin được một việc làm gì đó để nuôi sống bản thân. Được những người trên đảo cưu mang và cho vào cơ sở nuôi hải sản, Hà đã tìm được một cuộc sống mới giản đơn và bình yên nơi đảo hoang.

Cứ như vậy, ngày tháng trôi qua, ký ức đau buồn, lầm bụi trước kia dần được xóa nhòa. Giờ đây, Hà đang cố gắng hết sức làm lại cuộc đời, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Và điều đáng mừng hơn đó là trong dịp Tết này, đám cưới của Hà sẽ tổ chức ở đây. Chồng chị là một người đàn ông tuổi trạc 40. Anh từng có thời kỳ chìm đắm trong ma túy, những ngày tháng tù tội và cũng tìm hòn Cò để làm lại cuộc đời. Họ đến với nhau bằng tình yêu, sự đồng cảm và cảm phục lẫn nhau. Tương lai tươi sáng đang mở ra trước mắt của hai con người này.

Chốn bình yên cho những quá khứ sai lầm

Hòn Cò giờ đây đã đổi khác rất nhiều, cuộc sống nơi đây đang ngày một rạng rỡ hơn, tốt đẹp hơn. Những con tàu du lịch thường ghé qua đây để du khách có thể mua những loại hải sản tươi sống nhất. Trong số những con người ghé thăm hòn Cò, ít ai biết rằng, đây là nơi hoàn lương của những con người từng có thời kỳ sai lầm, lạc lối.

Những bè cá san sát dưới vệ đảo, những lồng tu hài, hàu biển hàng ngày mang đến cho hòn Cò một sự rạng rỡ, tươi trẻ hơn. Trên đảo giờ đây đã hình thành ra một Câu lạc bộ đồng đẳng, nơi để những người nhiễm “H” chia sẻ tâm tư, suy nghĩ cũng như giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Họ cùng dựa vào nhau để vượt qua những cơn sóng dữ dằn của biển và bước qua những búa rìu dư luận từ đất liền.

Hòn Cò, bây giờ được mọi người gọi là “đảo hoàn lương”. Nơi đây, có biết bao những con người, những bi kịch nhưng một điểm chung là tất cả họ đều đã rửa sạch được quá khứ. Biết bao câu chuyện đau đớn, quá khứ bi ai đã được cuốn theo những con sóng biển ra ngoài khơi xa xôi. Làm lại được cuộc đời nơi đảo hoang, sóng gió, những con người như anh Bắc, chị Hà dường như đã thấy rằng, mình đã quyết định đúng khi tìm ra hòn Cò.

Những vụ tu hài, sò huyết, hàu sẽ ngày càng nối tiếp nhau được chuyển vào đất liền, và nó như là một minh chứng cho sự thay đổi tích cực. Biết bao nhiêu con người đã tìm lại được cuộc đời nơi đảo xa. Hòn Cò như một nơi của sự huyền diệu, nơi thêu dệt nên những câu chuyện của cổ tích giữa cuộc sống hiện tại. Không biết những năm tháng tới hòn Cò sẽ thay đổi ra sao, nhưng biết bây giờ, biết bao nụ cười đã nở ở nơi tưởng chừng chỉ có sóng biển hoang vu này.

Đang Yêu