Những nhà bia tưởng niệm dọc biên giới Việt-Trung, dấu tích chiến tranh vệ quốc

08/02/2019 07:28
Lại Cường
(GDVN) - Lời Thiếu tá Bế Hồng Cương, chính trị viên đồn biên phòng Trà Lĩnh như trùng xuống khi nói về thế hệ cha anh đã hi sinh bảo vệ biên cương

Nhà bia tưởng niệm miền biên viễn

Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 chống quân Trung Quốc, Trà Lĩnh (Cao Bằng) là một trong những mặt trận ác liệt nhất.

Ngay những phút đầu của cuộc chiến, quân và dân Trà Lĩnh đã chiến đấu tới những viên đạn cuối cùng, nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại biên cương.

Biên giới Cao Bằng trong những ngày này giá lạnh, giữa 12h trưa mà nhiệt độ ngoài trời chỉ còn 7 độ.

Chiếc xe tăng của quân Trung Quốc bị quân dân ta tiêu diệt trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.(Ảnh tư liệu).
Chiếc xe tăng của quân Trung Quốc bị quân dân ta tiêu diệt trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.(Ảnh tư liệu).

Vượt qua đèo Mã Phục, chúng tôi đến Đồn biên phòng Trà Lĩnh một ngày đầu năm 2019, chỉ ít ngày nữa thôi là đến ngày kỷ niệm tròn 40 năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới.

Trên đường vào đồn, ngay phía bên trái là nhà bia tưởng niệm những người nằm lại biên cương. Nhà bia ấy được các thế hệ chiến sĩ đồn biên phòng Trà Lĩnh chăm sóc, hương khói cẩn thận.

Trên tấm bia đá ấy khắc họ tên, quê quán, ngày sinh và ngày hi sinh của 18 cán bộ chiến sĩ của đồn. Trong đó có 15 người hi sinh vào ngày 17/2/1979.

Còn lại một người hi sinh vào tháng 3/1979 và có hai chiến sĩ hi sinh sau đó 10 năm, vào tháng 11/1989. Nghĩa là sau 10 sau ngày đầu của cuộc chiến, máu của các chiến sĩ vẫn đổ nơi biên thùy vì giữ đất tổ tiên, ông cha.

Dọc tuyến biên giới Việt – Trung, không biết có bao nhiêu đồn biên phòng chúng tôi từng đi qua, từ đồn biên phòng A Pa Chải ở ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung, tới đồn biên phòng Trà Cổ ở Móng Cái, Quảng Ninh, gần như tất cả các đồn biên phòng đều có những nhà bia tưởng niệm như thế.

Chính trị viên phó Nông Hồng Đoan bên nhà bia liệt sĩ tại đồn biên phòng Trà Lĩnh. (Ảnh: Lại Cường)
Chính trị viên phó Nông Hồng Đoan bên nhà bia liệt sĩ tại đồn biên phòng Trà Lĩnh. (Ảnh: Lại Cường)

Rất nhiều xương máu của những người đi giữ biên thùy đã đổ xuống như thế, những tấm bia không chỉ là nơi ghi danh những người đã ngã xuống vì mảnh đất quê hương mà nó còn là nơi nhắc nhở, bài học cho thế hệ mai sau đang sống trong hòa bình.

Lần giở cuốn Biên niên sử của đồn biên phòng Hùng Quốc (Nay là đồn biên phòng Trà Lĩnh) từ tay thiếu tá Bế Hồng Cương, chính trị viên của Đồn chúng tôi thấy được những năm tháng giữ đất biên cương của thế hệ cha anh đã khổ cực và vất vả như thế nào.

Nhắc lại những ngày đầu chiến tranh bảo vệ biên giới tháng 2/1979, ngay lời nói đầu của cuốn Biên niên sử đã nêu rõ: “Trong chiến tranh bảo vệ biên giới tháng 2/1979, Đồn Biên phòng Hùng Quốc là một mục tiêu bị tiến công hết sức ác liệt.

Những nhà bia tưởng niệm dọc biên giới Việt-Trung, dấu tích chiến tranh vệ quốc ảnh 3“Gác lại quá khứ chứ không phải khép lại quá khứ”!

Cán bộ chiến sĩ của đồn đã cùng các lực lượng vũ trang kiên cường đánh trả quân Trung Quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ biên giới.

Nhiều cán bộ chiến sĩ của đồn đã nêu cao khí phách anh hung cách mạng, chiến đấu ngoan cường, hi sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, máu đào của các các anh mãi mãi tô thắm lá cờ truyền thống Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước đã tuyên dương…”

Gần 400 trang Biên niên sử ấy là cả một quá trình mưu trí, kiên quyết làm thất bại nhiều âm mưu của địch trong quá trình giữ đất biên cương.

Trận chiến đấu ngày 17/2/1979 là đỉnh cao của những chiến công sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cuộc chiến đấu ấy còn kéo dài dai dẳng suốt 10 năm sau trận đánh.

Giá như không có chiến tranh mọi thứ sẽ khác

Chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau người ở lại luôn khó nguôi ngoai.

Sau 40 năm những ngày ký ức đau thương, câu chuyện biên giới hôm nay không chỉ là quá khứ bi tráng và đau thương.

Cuộc sống vẫn cứ đi tới và những người lính biên phòng vẫn là bạn đồng hành tận tụy của người dân biên ải.

Giờ đây, thế hệ cán bộ chiến sĩ của Đồn biên phòng Trà Lĩnh vừa ngày đêm giữ đất, tham mưu các cấp ủy Đảng chính quyền cơ sở xây dựng đời sống cho nhân dân.

Và hơn cả, các thế hệ Đồn biên phòng Trà Lĩnh hôm nay là hoạt động tri ân chăm sóc người thân của những người đã ngã xuống.

Nói về công tác tri ân thân nhân liệt sĩ các thế hệ của đồn biên phòng Trà Lĩnh, Thiếu tá Bế Hồng Cương, Chính chị viên của đồn cho biết:

“Nếu không có chiến tranh, nếu như các anh còn đang sống, các anh còn đang đeo sao đội mũ như chúng tôi thì người ta được rất nhiều, gia đình các anh đỡ vất vả rất nhiều.

Mẹ già không phải neo đơn như thế, nhà cửa sẽ khang trang hơn, đời sống vợ chồng sẽ hạnh phúc hơn, thế nhưng chiến tranh đã cướp đi tất cả.

Từ lúc họ hi sinh đến giờ, 40 năm rồi, gia đình mất mát, xã hội mất mát, thế hệ đi sau phải có trách nhiệm với những mất mát như thế và đây cũng là truyền thống uống nước nguồn của dân tộc.

Biên cương, chủ quyền hôm nay được giữ vững đã nhuộm máu đào của biết bao thế hệ cha anh. (Ảnh: LC)
Biên cương, chủ quyền hôm nay được giữ vững đã nhuộm máu đào của biết bao thế hệ cha anh. (Ảnh: LC)

Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày trưởng thành của lực lượng, đồn biên phòng Trà Lĩnh cũng đã cử cán bộ đến từng mộ liệt sĩ, đối khớp hồ sơ, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương sau đó nhà người thân liệt sĩ của đồn, thăm hỏi động viên, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng từng gia đình như thế nào.

Sau đó đơn vị đã và đang xây dựng kế hoạch để đón thân nhân từng liệt sĩ đến thăm lại nơi mà con mình, cha anh mình đã chiến đấu và hi sinh như thế nào. Sau đó đơn vị sẽ đưa những thân nhân liệt sĩ đến thăm danh lam thắng cảnh của Cao Bằng như Thác Bản Giốc, rừng Trần Hưng Đạo.

Những hoạt động như vậy để thấy được phần nào nỗ lực của thế hệ đi sau dền ơn đáp nghĩa dành cho thế hệ đi trước.  Tất nhiên những đau thương mất mát của những gia đình liệt sĩ ấy khó có thể bù đắp nổi.

Kinh phí của hoạt động này sẽ được huy động nhiều nguồn khá nhau trong đó có một phần kinh phí đóng góp của các cán bộ chiến sĩ trong đồn.

Hoạt động này cũng là hoạt động giáo dục cho chính cán bộ chiến sĩ đang công tác tại đồn.

Ngoài những hoạt động tri ân thân nhân liệt sĩ, Đồn biên phòng Trà Lĩnh còn tích phối hợp với các cấp chính quyền địa phương góp phần xây dựng nông thôn mới, ngày càng nâng cao đời sống của nhân dân.".

Tuổi thanh xuân nằm lại biên cương

Từ thành phố Cao Bằng, chạy theo tuyến đường vào thác Bản Giốc, đến đèo Mã Phục thì rẽ trái lên hướng cửa khẩu Trà Lĩnh.

Trung tâm của huyện Trà Lĩnh là thị trấn Hùng Quốc. Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh nằm trên một mái đồi phía đông bắc thị trấn.

Những ngày Xuân sau 40 năm của cuộc chiến, Hoa đào, hoa mận khoe sắc hai bên đường.

Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh nằm bên đường trầm mặc như chứng nhân của lịch sử. Những người trẻ của thế hệ cha anh đã gửi lại tuổi thanh xuân trên biên cương.

Nhìn vào danh sách liệt sĩ gần như những liệt sĩ nằm lại ở đây đều hi sinh năm 1979. Có một số liệt sĩ hi sinh sau đó, kéo dài đến năm 1989.

Những người nằm lại biên cương ấy chỉ mới vào đội tuổi đôi mươi và cùng là những chiến binh của trung đoàn 667 Bắc Thái (Bắc Thái ngày đó là tỉnh hợp nhất giữa Thái Nguyên và Bắc Kạn).

  (Còn nữa)

Lại Cường