Những trăn trở cuối đời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

03/01/2016 07:05
Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - Những năm cuối đời, ông vẫn trăn trở day dứt làm sao giải quyết một cách hiệu quả tệ nạn thoái hóa biến chất, chạy theo chức quyền, tiền và danh lợi.

LTS: Theo đánh giá của ông Vũ Mão – nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Phạm Văn Đồng là một nhân vật tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh. Ông là một trong những bậc công thần xây dựng nước Việt Nam mới, chế độ Dân chủ Cộng hòa. Cả cuộc đời ông khát khao mang lại nền độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.

Vị Đại biểu Quốc hội hết lòng phụng sự nhân dân

Đồng chí Phạm Văn Đồng là người trực tiếp chỉ đạo cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta ở khu vực miền Trung, sau đó liên tục làm đại biểu Quốc hội trong 41 năm, dù ở cương vị nào đồng chí cũng thực sự là “người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 6/1/1946 là một dấu son trong lịch sử của Quốc hội nước ta. Công lao ấy thuộc về toàn Đảng, toàn dân dưới sự chỉ đạo sáng suốt và tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những học trò của Người là Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Chính họ là những người xây nền móng cho Quốc hội nước ta ngay từ thủơ ban đầu.

Ngay từ những ngày đầu tiên của Quốc hội khóa I, Phạm Văn Đồng được bầu là Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội, nay gọi là Phó Chủ tịch Quốc hội. Vào tháng 6/1946, với cương vị ấy, ông là Trưởng phái đoàn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Cộng hòa Pháp đàm phán về tương lai của đất nước ta tại Hội nghị Fontainebleau.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng có 41 năm làm Đại biểu Quốc hội. ảnh tư liệu.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng có 41 năm làm Đại biểu Quốc hội. ảnh tư liệu.

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa V vào giữa năm 1975, điều bất ngờ là Thủ tướng phân ra từng loại ý kiến đóng góp của Đại biểu Quốc hội và sự tiếp thu nghiêm túc của Chính phủ. Có thể nêu các ví dụ:

– Nhiều đại biểu yêu cầu các bộ, ngành của Chính phủ cần giúp đỡ các địa phương, nhất là hỗ trợ các cơ sở nhiều hơn nữa về các phương tiện, thiết bị và vật tư.

– Có ý kiến nhận xét kế hoạch xây dựng cơ bản còn dàn trải, thiếu tập trung, có quá nhiều công trình dưới hạn ngạch; việc tính toán hiệu quả kinh tế chưa chặt chẽ. Từ đó đề nghị ghi hiệu quả kinh tế của công trình thành một chỉ tiêu pháp lệnh.

– Nhiều đại biểu gợi ý một cách cụ thể hoặc tổng quát về những chính sách cần ban hành bổ sung. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn nữa các chính sách lương thực ở vùng cao, vùng cây công nghiệp, vùng trồng rừng,...

– Nhiều đại biểu các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi yêu cầu ngành Giao thông vận tải phục vụ tốt hơn về mạng lưới giao thông và về phương tiện vận tải.

– Vấn đề phát triển văn hóa, phát triển giáo dục và y tế ở miền núi cũng được nhiều đại biểu chú ý. Đây là một vấn đề lớn, Chính phủ cần đề ra các chính sách và triển khai cụ thể.

– Các Bộ Giáo dục, Y tế, Văn hóa... phải có nhiều cố gắng hơn nữa, đi sát địa phương, đi xuống cơ sở để tận mắt thấy những điều cần giải quyết ở từng vùng, từng nơi cho phù hợp để có biện pháp đáp ứng một cách thiết thực hơn đối với  đồng bào và cán bộ.

– Một số đại biểu lưu ý Chính phủ về vấn đề giá cả. Đây là một vấn đề phức tạp. Ủy ban Vật giá của Chính phủ phải cùng các ngành có liên quan nghiên cứu để có cách giải quyết kịp thời.

– Về cách quản lý của các bộ, ngành và của Chính phủ, các đại biểu phê phán nghiêm khắc thái độ cửa quyền, thiếu tinh thần trách nhiệm, tệ nạn tham ô, lãng phí còn khá phổ biến, có nơi nghiêm trọng như ở ngành nội thương và những ngành khác.

– Về tổ chức và chỉ đạo thực hiện của Hội đồng Chính phủ, các đại biểu cũng góp nhiều ý kiến nhằm tăng cường quản lý kinh tế, khắc phục tệ quan liêu, không sát địa phương, không sát cơ sở, nhằm đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật của mỗi tổ chức, mỗi người.

Thủ tướng nêu rõ: “Những ý kiến của các đồng chí đại biểu là rất quý báu, Hội đồng Chính phủ tiếp thu và bàn các giải pháp để khắc phục”.

Thủ tướng nhấn mạnh:

Điều 71 của Hiến pháp có ghi:

Những trăn trở cuối đời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ảnh 2

Người cộng sản kiên trung và dãy số bí ẩn 5289

“Hội đồng Chính phủ là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội”.

Điều khoản rất quan trọng này có liên quan mật thiết đến những điều đã trình bày trên đây, là sự xác nhận trách nhiệm tập thể của Hội đồng Chính phủ và trách nhiệm cá nhân của từng thành viên trước Quốc hội.

Chúng tôi sẽ hết lòng làm đúng lời dạy của Hồ Chủ tịch trong Di chúc thiêng liêng của Người: “Thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”, “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đã là người đầy tớ thật trung thành thì sẽ trở nên người đầy tớ rất đắc lực của nhân dân và như vậy mới xứng đáng với sự tín nhiệm của Quốc hội, nghĩa là của nhân dân.

Tâm niệm trên thường trực trong ông. Những năm cuối đời, ông vẫn trăn trở day dứt làm sao giải quyết một cách hiệu quả thiết thực tệ nạn thoái hóa biến chất, chạy theo chức quyền, tiền và danh lợi của nhiều người có chức, có quyền trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng.

Điều này thể hiện rất rõ trong bài báo cuối cùng của ông đăng trên trang nhất Báo Nhân Dân ngày 19/5/1999.

Nhà ngoại giao tài năng

Tầm vóc của Phạm Văn Đồng đối với ngành ngoại giao, với quốc tế vẫn còn vang vọng. Những hình ảnh của ông về Hội nghị Fontainebleau năm 1946 ở Pháp, về Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 ở Thụy Sĩ với những bài diễn văn đanh thép hùng hồn, những cuộc trả lời phỏng vấn quan trọng có tính chiến lược còn rất ấn tượng đậm nét trong nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Những ngày ở Paris năm 1946 mãi mãi là những kỷ niệm đáng nhớ. Nó là mốc son đánh dấu cho sự nghiệp lịch sử ngoại giao nước nhà mà nhà ngoại giao trẻ tuổi Phạm Văn Đồng có công đặt những viên gạch đầu tiên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi công việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. ảnh tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi công việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. ảnh tư liệu.

Sau này khi trở thành Thủ tướng Chính phủ, mỗi khi có dịp qua Pháp, ông được Nhà nước Pháp đón tiếp long trọng, những câu chuyện về ngoại giao của ông trên đất Pháp còn lưu lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân tiến bộ Pháp.

Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại dẫn đến Hội nghị Giơ-ne-vơ thảo luận về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Phái đoàn ta bước vào hội nghị với tư thế của một dân tộc chiến thắng, những đóng góp của đoàn ta, đứng đầu là đồng chí Phạm Văn Đồng là vô cùng quan trọng, tạo ra những đột phá đưa hội nghị tới thành công.

Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp họp rất căng thẳng và phức tạp, với tinh thần chủ động và cố gắng của phái đoàn Việt Nam, ngày 20/7/1954, bản Hiệp định Đình chiến ở Việt Nam, Campuchia và Lào đã được ký kết thừa nhận tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Sau chiến thắng 30/4/1975, thực hiện Di chúc của Bác Hồ, đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt nhân dân ta đi cảm ơn nhân dân các nước anh em và bạn bè trên toàn thế giới.

Phong cách ngoại giao của ông đã gây được ấn tượng đối với bạn bè khắp nơi. Đã có những nhà ngoại giao quốc tế đánh giá cao tài ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng – một nhà ngoại giao xuất sắc của thời đại Hồ Chí Minh.

Giờ đây, hình ảnh nhà ngoại giao Phạm Văn Đồng vẫn còn in mãi trong lòng bạn bè trên khắp thế giới. Tôi kính trọng ông và đã viết tặng ông một bài thơ: “Sáng mãi tên Người”, trong đó hai câu cuối đã nói lên tất cả: “Trái tim khát vọng khôn nguôi/ Dân giàu nước mạnh xây đời sáng tươi”.

Ngọc Quang (ghi)