Niềm vui tỉ phú công khai và nỗi buồn đại gia giấu mặt

07/03/2013 10:55
Theo Lao động
Một bộ phận trong những đại gia giấu mặt có thể giàu nứt đố đổ vách nhưng chỉ để hưởng thụ. Họ sá gì cái danh sách trên cái sàn ảo, họ là những người giàu nhất dưới sàn, tuy giấu mặt nhưng mà thực. Thực quyền và thực tiền. Nhưng đó là nỗi buồn cho đất nước, quá ít tỉ phú công khai và còn nhiều đại gia giấu mặt.
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng - ông chủ của Tập đoàn Vingroup - đã trở thành đại diện đầu tiên của VN có mặt trong danh sách tỉ phú thế giới 2013 vừa được tạp chí Forbes công bố. Lần đầu tiên, VN có một tỉ phú đôla được công bố công khai, sự nghiệp kinh doanh của ông cũng được ghi chép tương đối rõ, nó như là một minh chứng cho quá trình trở thành tỉ phú của ông. Đồng tiền của ông là đồng tiền chính chủ. Không chỉ ông Phạm Nhật Vượng và người thân, bạn bè của ông tự hào, mà nhiều người VN có sự chia sẻ niềm vui đó. VN có tỉ phú đôla, và ông chủ Vượng, với những dự án kinh doanh khắp cả nước đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn người. Chưa kể, những dự án đó còn góp phần làm đẹp và hiện đại đô thị Việt Nam.      Ông đã làm được nhiều việc và còn ước nguyện sẽ tiếp tục biến đường phố Sài Gòn và Hà Nội giống như Singapore hay Hồng Kông (TQ). Về mục đích này, ông có phát biểu khá ấn tượng: “Nếu có thể thực hiện, thì kể cả có mất vài tỉ USD, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc. Tôi muốn để lại thứ gì đó cho Việt Nam. Còn tiền thì dù sao cũng chẳng thể mang theo khi đã chết”. VN còn có nhiều người giàu có, là những đại gia triệu phú đôla, nhưng không là doanh nhân cho nên không nằm trong danh sách công khai của bất cứ tổ chức đánh giá nào. Bởi vì đôla mà họ làm ra không phải bằng con đường kinh doanh của một doanh nhân mà bằng nhiều cách khác. Ông Vượng có thể chứng minh được vì sao ông có ngần ấy tiền, còn những đại gia giấu mặt không thể chứng minh được tài sản mà họ có. Cho nên, đồng tiền của họ dù có chính chủ (đã nằm trong túi họ), nhưng chưa chắc đã chính nghĩa, do vậy không thể chính danh, cho dù họ muốn hay không muốn điều đó. Ở các nước văn minh, một người có tài sản dù chỉ là một căn biệt thự, phải chứng minh nguồn gốc đồng tiền từ đâu mà mua được tài sản đó. Còn ở Việt Nam, một “cậu ấm, cô chiêu” tậu căn biệt thự để ở, mua chiếc xe hơi loại xa xỉ để đi, và có cổ phần to lớn trong các tập đoàn. Đố ai dám hỏi tiền từ đâu ra. Một bộ phận trong những đại gia giấu mặt có thể không tạo công ăn việc làm cho ai, không đóng xu tiền thuế nào từ việc kinh doanh. Họ giàu nứt đố đổ vách nhưng chỉ để hưởng thụ. Họ sá gì cái danh sách trên cái sàn ảo, họ là những người giàu nhất dưới sàn, tuy giấu mặt nhưng mà thực. Thực quyền và thực tiền. Nhưng đó là nỗi buồn cho đất nước, quá ít tỉ phú công khai và còn nhiều đại gia giấu mặt. Sự minh bạch và lành mạnh của nền kinh tế, chất lượng hành chính công cao và khả năng hạn chế được nạn tham nhũng mới tạo ra được nhiều tỉ phú công khai hơn là đại gia giấu mặt.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Theo Lao động