Nỗi lo “liêm chính” từ nhận định của Công an Hà Nội!

05/10/2016 13:30
Ngọc Quang
(GDVN) - “Gạt tay trúng má” bây giờ đã trở thành “từ khóa truyền miệng”, chứ không còn đơn thuần là từ khóa mang tính kỹ thuật trên internet.

Liên quan đến biên bản đối thoại giữa Công an Hà Nội và đại diện báo Tuổi trẻ có thừa nhận Thượng sỹ Ngô Quang Hưng - cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh có hành vi gây thương tích cho phóng viên Quang Thế, trưa 1/10, Đại tá Nguyễn Văn Viện - Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an TP Hà Nội cho biết, vụ việc này sẽ được công bố thông tin chính thức trong buổi giao ban chí tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vào chiều 4/10 [1].

Thế nhưng, hàng trăm phóng viên có mặt tại buổi họp báo và hàng vạn độc giả quan tâm tới vụ việc này đã vô cùng thất vọng vì sự thật diễn ra không như vậy.

Không có bất kỳ ai đến từ Công an Hà Nội để thông tin và trả lời chính thức về những phát ngôn của cán bộ Công an Hà Nội cũng như việc xử lý đối với Thượng sỹ Ngô Quang Hưng hành hung phóng viên, nhưng lại được cho rằng “gạt tay trúng má”.

Công an Hà Nội không giữ lời hứa, nhưng cũng không có bất kỳ thông tin nào về việc trì hoãn này.

Phóng viên Quang Thế bị đuổi đánh trên cầu Nhật Tân. ảnh: HN.
Phóng viên Quang Thế bị đuổi đánh trên cầu Nhật Tân. ảnh: HN.

Xuất hiện trong buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều 4/10 chỉ có Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội, để thông tin về hai vụ tai nạn.

Tình huống có phần hài hước nhất là khi phóng viên các báo đặt câu hỏi hướng vào việc xử phạt phóng viên Quang Thế với hành vi để xe trên cầu Nhật Tân (không có biên bản vẫn xử phạt), Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng vẫn vin vào quy chế phát ngôn để không phải trả lời.

Tất nhiên, Thiếu tá Hùng không đến để trả lời vụ “gạt tay trúng má”!

Nhưng với một câu hỏi hoàn toàn mang tính chuyên môn đúng với chức năng của Phòng Cảnh sát Giao thông, thì tại sao Thiếu tá Hùng vẫn phải... né?

Ngay cả ông Phạm Văn Châm - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cũng tìm cách né tránh câu hỏi, không dám đưa ra chính kiến.

Khi phóng viên hỏi: "Ông đã xem clip phóng viên Quang Thế bị đánh chưa? Theo ông đó là cú gạt tay hay là cú đánh?".

Ông Trâm trả lời: "Sau khi được theo dõi thông tin trên báo, chúng tôi đã chỉ đạo Công an huyện Đông Anh xác minh, báo cáo Công an Thành phố và Công an Thành phố đã có kết luận, tôi không có bình luận gì khác".

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội trong buổi giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội chiều 4/10. ảnh: NQ.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội trong buổi giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội chiều 4/10. ảnh: NQ.

Hàng loạt phát ngôn từ của lãnh đạo công an thành phố Hà Nội cho tới cấp dưới trong vụ việc này đang trở thành một đề tài bàn tán khắp các ngõ ngách ở Thủ đô nhiều ngày qua.

Người dân có lý do để lo lắng, bởi trong một đất nước luôn kêu gọi dân chủ, vì quyền lợi của nhân dân mà những hành vi được cho là không nên của một số người trong lực lượng công an lại được bao che như vậy.

Nhìn vào hình ảnh, clip, đến một đứa trẻ con cũng nhận thấy đó là một pha tấn công có chủ đích, ấy thế mà ông Nguyễn Duy Ngọc – Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội lại nói rằng, đó là hành vi “gạt tay trúng má”.

Nỗi lo “liêm chính” từ nhận định của Công an Hà Nội! ảnh 3

Cần phải nghiêm minh và công bằng vụ "Công an gạt tay trúng má phóng viên"

Thế nên, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã nói thẳng tuột rằng, đánh giá đó là hành vi “gạt tay trúng má phóng viên” là có sự biến báo về ngôn từ.

Là cách để giảm nhẹ trách nhiệm của một chiến sĩ công an.

Chắc chắn điều này sẽ để lại ấn tượng xấu trong người dân.

Và, từ những phát ngôn cho tới cách hành xử của một số cán bộ Công an Hà Nội trong vụ việc này nhiều người nhớ lại kết quả công bố chỉ số liêm chính vào năm 2015 của Tổ chức hướng tới sự minh bạch, với một kết quả rất đáng buồn:

Từ 80% đến 95% người trả lời đề cao giá trị của liêm chính, nhưng gần một nửa trong số đó sẵn sàng nới lỏng liêm chính.

Họ nới lỏng các giá trị liêm chính, có thể thỏa hiệp với những điều sai trái từ cán bộ công quyền vì không muốn bị gây khó dễ. Và, chính yếu tố này là rào cản, khiến cho đất nước chậm phát triển.

Nhận thấy đây là yếu tố then chốt, nhiệm kỳ mới này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, một Chính phủ kiến tạo và phát triển, nói không với nhũng nhiễu, tham nhũng, lãng phí.

Mong muốn ấy của Thủ tướng đã được các thành viên của Chính phủ tiếp nhận với tinh thần cao nhất, và trên thực tế tập thể Chính phủ (mới) ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò kiến tạo cho sự phát triển, quyết liệt xử lý những bất cập với đời sống của nhân dân.

Mới đây trong một lần tiếp xúc cử tri Hải Phòng, Thủ tướng nhấn mạnh: “Liêm chính tức là không tham nhũng, tận tụy phục vụ người dân, là không nhũng nhiễu. Liêm chính thì phải công khai mọi vấn đề với người dân, phục vụ người dân, chứ không phải hạch sách nhân dân.

Chúng tôi muốn truyền đạt ý này để các cấp chính quyền phải liêm chính hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, nhất là hệ thống chính quyền cơ sở của chúng ta”.

Thế nhưng những nỗ lực của Thủ tướng, của Chính phủ cũng chỉ khỏa lấp được phần nào những khó khăn nếu cả một hệ thống phía dưới không vận hành đúng với chỉ đạo và mong muốn của Thủ tướng, cũng là của nhân dân, trong đó phải đặt yêu cầu “minh bạch” lên đầu tiên.

Minh bạch thể hiện qua các phát ngôn, lối hành xử, nhưng suy cho cùng nó phải xuất phát từ trong ý nghĩ đúng đắn của mỗi người. Đối với lực lượng Công an nhân dân, yếu tố minh bạch lại càng quan trọng.

Nói xa hơn nó còn là sự “gương mẫu” và “liêm sỉ” trong đời sống chính trị quốc gia.

Như lời của ông Dương Trung Quốc thì thiếu đi yếu tố minh bạch không phải là đáng buồn nữa mà là đáng xấu hổ. Mỗi người đứng ở một vị trí xã hội khác nhau đều phải tự ý thức được rằng, chính anh cũng là một phần của liêm sỉ quốc gia. 

Vấn đề hạt nhân quan trọng của xã hội ta bây giờ phải đấu tranh là "sống cho trung thực, làm trung thực, nói cho thực".

Đó là những gì rất bình thường trong đời sống hàng ngày, nhưng sẽ là môi trường cực kỳ quan trọng để chúng ta đi đến sự đòi hỏi gương mẫu, minh bạch. 

Ngày 3/10, báo Tuổi trẻ cho biết đã gửi công văn đến Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị chỉ đạo Công an Hà Nội và Công an quận Tây Hồ xem xét lại quyết định xử phạt hành chính phóng viên Quang Thế.

Ban biên tập báo cho rằng "câu trả lời công an gạt tay trúng má phóng viên" và quyết định xử phạt hành chính với phóng viên Quang Thế là "không khách quan, không phản ánh đúng bản chất vụ việc, không tuân thủ các quy định của pháp luật".

Chia sẻ với báo chí bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/10, ông Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ Công an thông báo sẽ thanh tra sự việc liên quan sai phạm của Công an huyện Đông Anh và quyết định phạt hành chính 14,5 triệu đồng với phóng viên Quang Thế, báo Tuổi trẻ.

[1] tài liệu tham khảo: http://www.vtc.vn/phong-vien-bi-gat-tay-vao-ma-tren-cau-nhat-tan-se-hop-bao-cong-bo-thong-tin-chinh-thuc-d279169.html

Ngọc Quang