Nói thẳng là cũng có một số sinh viên chủ động gạ gẫm thầy

31/12/2021 06:36
Hà Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cũng có một bộ phận giới trẻ, sinh viên đã “chủ động” gạ gẫm lại các thầy của mình. Nhiều ông thầy cũng là nạn nhân của cái bẫy mà chính học trò của mình đặt ra.

Ngày 29/12, trên mạng xã hội lan truyền thông tin được cho là một lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội gạ tình và cưỡng ép quan hệ nữ sinh viên.

Tài khoản mạng xã hội này đã nêu cụ thể người có tên N.H.T. (một lãnh đạo Trường Đại Học Y Hà Nội) bị nhiều nữ sinh viên, giảng viên nói là tán tỉnh, gạ tình họ, kể cả khi đã có vợ hai kém 22 tuổi; thậm chí từng bị sinh viên tổ hiếp dâm và nhiều vi phạm khác vẫn được bổ nhiệm.

Sự việc đã và đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Đây không phải lần đầu tiên sự việc giáo viên, giảng viên bị tố gạ tình và tung lên mạng xã hội. Những sự việc như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của cá nhân, nhà trường mà còn cả của ngành giáo dục.

Trước đó, ngày 27/10/2021, dư luận xôn xao những hình ảnh và nội dung được đăng lên diễn đàn mạng xã hội của một tài khoản được cho là của nữ sinh viên năm cuối của Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp tố giảng viên trường này đổi tình lấy điểm.

Nhà trường đã tạm đình chỉ công tác giảng dạy của giảng viên, đồng thời mời cơ quan công an vào cuộc để xác minh vụ việc. Đến giờ này vẫn chưa thấy công bố kết quả.

Ngày 13/12/2021, trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện thông tin tố một giảng viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội lừa tình, lừa tiền khi hứa "chạy việc".

Theo thông tin tài khoản mạng xã hội này chia sẻ: "... Vô cùng bế tắc và tuyệt vọng cả một thời gian dài nhưng vì bị đe doạ quá mức nên hôm nay có thế nào đi nữa cũng quyết nói hết về bộ mặt thật của một thầy giáo...".

Tài khoản này có nêu tên một tiến sĩ được cho là ở Khoa Đào tạo Quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương.

Người này còn tố mình bị giảng viên này "đụng chạm" nhạy cảm, "bùng" nữ sinh vài trăm triệu để "chạy" suất giảng viên.

Bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu (chuyên gia Tâm lý hoc tội phạm- Bộ Công an) cho cho rằng:

“Đây là một hành vi rất xấu, đi ngược với đạo lý "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam và là những hành vi đáng lên án.

Hiện tượng này cho thấy sự sa sút về phẩm chất đạo đức của một số người là có thật.

Trong xã hội hiện nay, đạo đức xuống cấp, có hiện tượng một số người thầy không kiểm soát được phẩm chất nghề nghiệp, chạy theo lợi ích để thõa mãn nhu cầu của bản thân mà quên đi mình là người đứng bên bục giảng. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại.

Khi hiện tượng này diễn ra sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nhà giáo. Chính vì thế, cần sớm làm rõ và có kết luận cụ thể. Bởi nếu không, học sinh, sinh viên sẽ mất đi niềm tin vào người thầy, vào nhà trường.

Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu.Ảnh nhân vật cung cấp

Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu.Ảnh nhân vật cung cấp

Tiến sĩ Đào Trung Hiếu cũng cho biết thêm: “Lâu nay, mối quan hệ đều dựa trên lợi ích vật chất như gạ tiền, gạ tình đều đáng bị lên án ở bất kỳ môi trường nào. Ở môi trường giáo dục lại càng đáng bị lên án. Sự việc xảy ra ở cơ sở giáo dục nào đều sẽ có ảnh hưởng rất xấu đến cơ sở giáo dục đó.

Những người thầy để xảy ra hiện tượng này đều không xứng đáng đứng trong môi trường giáo dục, không xứng đáng đứng trên bục giảng.

Nếu các cơ sở giáo dục để xảy ra hiện tượng này cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc như buộc thôi việc loại những thành phần như vậy khỏi môi trường giáo dục”.

Lý giải vì sao sinh viên thường là nạn nhân của những ông thầy thoái hóa, biến chất, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu cho rằng: “Các em sinh viên dễ vướng vào những “cạm bẫy” này bởi các em chưa thực sự trưởng thành.

Dù là sinh viên những các em vẫn đang trong quá trình hình thành nhân cách, mới va chạm các vấn đề xã hội. Các em chỉ mới rời xa sự kèm cặp của bố mẹ. Kinh nghiệm sống của các em còn hạn chế.

Chính vì vậy, sự dọa dẫm, thậm chí đe dọa của những những người này sẽ làm các em mất tinh thần, trở nên lo âu, hoảng sợ. Từ đó các em không có tâm trí để tiếp tục học tập, việc học cũng vì thế mà ngày càng sa sút.

Sau những khủng hoảng đó, các em dễ có xu hướng nghe theo sự sai khiến, hứa hẹn của những người thầy xấu từ đó trở thành nạn nhân.

Khi đó các em trở nên căm ghét nhà trường, thù ghét xã hội, giày vò bản thân trong suốt cuộc đời mình. Nó sẽ để lại nỗi ám ảnh đi theo suốt cuộc đời các em”.

Để giúp các sinh viên thoát khỏi tình huống này, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu chia sẻ: “Khi các em nhận được tin nhắn gạ tình, quấy rối tình dục hãy mạnh dạn nói không với những hành vi sai trái của những người này.

Hãy kể với bố mẹ, báo cáo ban giám hiệu nhà trường, cung cấp thông tin cho báo chí, lên án trên mạng xã hội để những vụ việc này được đưa ra ánh sáng. Để những con người này phải chịu hình phạt đích đáng và không dám, không có ý định tái phạm.

Những hành động dũng cảm tố cáo của các em không chỉ giúp mình mà còn giúp bạn bè, thế hệ sinh viên sau này tránh khỏi những “yêu râu xanh” trong ngành giáo dục”.

Những dòng tin nhắn có nội dung nhạy cảm được cho là của giảng viên một trường đại học tại Hà Nội.Những dòng tin nhắn có nội dung nhạy cảm được cho là của giảng viên một trường đại học tại Hà Nội.

Cũng bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý cho biết:

“Thực tế cho thấy, hiện nay, khi xã hội phát triển chúng ta chỉ quan tâm đến phát triển IQ (trí tuệ) là nhiều mà chưa quan tâm đến các vấn đề xung quanh.

Để hiện tượng này xảy ra xuất phát phát từ việc chúng ta chỉ đào tạo về mặt nhận thức, kỹ năng, kiến thức, chưa chú trọng lắm đến việc đào tạo về phẩm chất của người làm nghề.

Bên cạnh đó cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng cũng có một bộ phận giới trẻ, sinh viên đã “chủ động” gạ gẫm lại các thầy của mình. Nhiều ông thầy cũng là nạn nhân của cái bẫy mà chính học trò của mình đặt ra”.

Phân tích về nguyên nhân xảy ra những sự việc trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng:

“Mặt trái của kinh tế thị trường là một phần nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, mọi thứ đều quy ra để trao đổi với nhau, không đổi được bằng tiền sẽ đổi bằng tình cảm và nhiều thứ khác.

Với xã hội ngày càng phát triển nếu nhân cách của nhà giáo không vững chắc thì rất dễ bị sa ngã vào những cám dỗ vật chất, xác thịt.

Ngoài ra, không gian mạng cũng là một yếu tố không thể thiếu, trong khi xuất hiện các trào lưu khác nhau như nhóm hẹn hò online, nhóm Sugar daddy … Đây là những nhóm để các đối tượng có thể tự do gạ tình, làm quen nhau và trao đổi với nhau.

Những nhóm này dường như đang trở thành một thứ mốt ở xã hội hiện nay.

Các bạn trẻ có lối sống buông thả và các trào lưu xấu trên mạng xã hội góp phần không nhỏ dẫn đến hành vi này.

Bên cạnh đó, một bộ phận giới trẻ có lối sống buông thả, hưởng thụ và sống ảo, thậm chí một số bạn trẻ chấp nhận làm mọi thứ để thõa mãn gây sự chú ý, đạt mục đích cá nhân.

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên để thõa mãn nhu cầu tiêu xài luôn sẵn sàng đổi tình lấy tiền, đổi thân xác lấy tiền để phục vụ nhu cầu của mình.

Vì những nguyên nhân trên, mà những hành vi, hiện tượng xấu như một số phản ánh gần đây này đã xảy ra”.

Tiến sĩ Trần Thành Nam nêu các giải pháp: “Các trường phải tăng cường phát triển về mặt con người, phát triển các giá trị đạo đức để bảo vệ danh xưng giáo viên.

Bên cạnh đó các trường phổ thông cũng phải giáo dục giới trẻ bắt đầu từ trung học phổ thông khi các em vẫn ngồi trên ghế trường. Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục con cái mình bảo vệ bản thân trên không gian mạng.

Đặc biệt, bố mẹ phải dạy con về tư duy tài chính. Có những bạn không có năng lực quản lý tài chính tốt nên luôn trong tình trạng thiếu tiền, vì thế mà dẫn đến sự việc đáng tiếc xảy ra”.

Tiến sĩ Trần Thành Nam kết luận: “Nghề giáo là nghề thiêng liêng người ta ví thầy giáo là người lái đò cho các thế hệ măng non để xây dựng đất nước.

Vì thế, đòi hỏi người thầy phải có đạo đức tốt là tấm gương chuẩn mực để các thể hệ noi gương. Ngược lại, sinh viên cũng phải có thái độ chuẩn mực kính trọng thầy cô giáo của mình. Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”.

Hà Giang