Nóng sáng 6/5: Bộ Công thương muốn bổ sung "phí điều tiết điện lực"

06/05/2012 10:06
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Bộ Công thương muốn bổ sung "phí điều tiết điện lực". Ninh Thuận: Gần 20 ha rừng phòng hộ bị triệt hạ... là những thông tin đáng chú ý sáng 6/5.
Bộ Công thương muốn bổ sung "phí điều tiết điện lực"

Tuổi Trẻ Online đưa tin, tại phiên họp Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Quốc hội chiều 5/5 tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã giải trình về những dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Trong đó đáng chú ý là theo dự thảo luật lần này sẽ đưa thêm một loại phí – phí điều tiết điện lực (thu của tổ chức, cá nhân).

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Báo Công thương.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Báo Công thương.

Với 5 loại phí đã qui định trong luật hiện hành thì có 3 loại (phí truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ) đã chuyển thành giá tương ứng và chỉ giữ lại hai loại phí (phí điều độ hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực).

Bộ trưởng Hoàng cho biết phí điều tiết điện lực được đề xuất nhằm đảm bảo kinh phí cho điều tiết điện lực, còn với kinh phí có được như hiện nay sẽ không đảm bảo chất lượng hoạt động này.

Ninh Thuận: Gần 20 ha rừng phòng hộ bị triệt hạ
Nguồn tin trên Thanh Niên cho hay, ngày 5/5, ông Nguyễn Hữu Hoán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận, cho biết các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Thuận đang phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng điều tra, làm rõ vụ triệt phá gần 20 ha rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Pha (thôn Gòn, xã Lâm Sơn, H.Ninh Sơn, Ninh Thuận). Qua xác minh ban đầu, có khoảng 60 hộ dân tham gia phá rừng, trong đó phần lớn là người thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Ninh Thuận: Gần 20 ha rừng phòng hộ bị triệt hạ
Ninh Thuận: Gần 20 ha rừng phòng hộ bị triệt hạ

Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng, có quy mô lớn, với số lượng người tham gia đông. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Pha, những người phá rừng chủ yếu để trồng cà phê, cây ăn trái..., hiện trường khu vực rừng bị phá còn sót lại rất nhiều cây gỗ lớn. Địa điểm rừng bị phá tiếp giáp giữa Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) và Bi Đúp - Núi Bà (Lâm Đồng). Cũng theo ông Hoán, hiện các lực lượng chức năng đã phong tỏa, bảo vệ nghiêm ngặt khu vực rừng bị phá. 

Đại lễ Phật đản tại Trường Sa
Thông tin trên báo Tiền Phong, sáng 5/5, đại lễ Phật đản Phật lịch 2556 được tổ chức trang trọng tại chùa Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa).

Đại lễ Phật đản tại chùa Trường Sa Lớn.
Đại lễ Phật đản tại chùa Trường Sa Lớn.

Trụ trì chùa Trường Sa Lớn, Đại đức Thích Giác Nghĩa nói rằng, ông rất xúc động khi lần đầu tiên tổ chức đại lễ Phật đản trên quần đảo Trường Sa.

Đông đảo đồng bào đang sinh sống và công tác trên đảo Trường Sa đã tham dự đại lễ Phật đản tại chùa Trường Sa Lớn, cùng cầu nguyện cho quốc thái dân an, Trường Sa trường tồn cùng đất nước.
Cây sưa thứ 6 tại Buôn Ma Thuột bị cưa trộm

Báo Người Lao Động đưa tin, rạng sáng 5/5, người dân phát hiện một cây sưa 12 năm tuổi, đường kính khoảng 30 cm, cao hơn 5 m bị đốn hạ trên đường Lê Hồng Phong (TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) nên đã báo cơ quan chức năng.
Cây sưa trên mang mã số 002B, đã bị kẻ gian lấy mất phần thân dài gần 3 m, còn lại 2 nhánh cây đổ choán ra đường. Ông Nguyễn Cảnh Tuấn, cán bộ Công ty TNHH một thành viên Quản lý đô thị và Vệ sinh môi trường Đắk Lắk, cho biết cây sưa này được trồng từ năm 2000, có đường kính gốc lớn nhất trên trục đường này. Trên gốc cây sưa này có 2 vết cưa, một vết cưa cách đây khoảng 1 tháng và một vết mới cưa. Đây là cây sưa thứ 2 bị đốn hạ trên đường Lê Hồng Phong và là cây thứ 6 bị đốn hạ ở TP Buôn Ma Thuột.

Campuchia phủ nhận việc gài mìn ở biên giới với Thái Lan

VOV Online dẫn lại tin trích nguồn China news cho biết, ngày 5/5, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia ra tuyên bố phủ nhận cáo buộc của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan cho rằng, Campuchia gài mìn ở khu vực biên giới. Tuyên bố nhấn mạnh, cáo buộc của phía Thái Lan là không có căn cứ và ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.

Đền Prech Vihear. Ảnh: Internet.
Đền Prech Vihear. Ảnh: Internet.

Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia cho biết, hiện nay tại Campuchia, đặc biệt là ở khu vực biên giới, còn sót lại nhiều mìn và chất nổ từ cuộc chiến tranh ở nước này cách đây gần 30 năm. Đây là điều ai cũng biết. Việc các binh sỹ Thái Lan vướng phải mìn ở khu vực đền Prech Vihear ở biên giới hai nước là do mìn còn sót lại từ thời chiến tranh. Bên cạnh đó, ngay người dân Campchia cũng phải gánh chịu những hậu quả từ cuộc chiến tranh trước đây khi có nhiều người bị thương và chết do bom mìn còn sót lại. Theo thống kê, kể từ năm 1979 đến 2011, có gần 20.000 người Campchia chết do bom mìn từ thời chiến tranh.
Syria: Một nhóm Hồi giáo nhận đã đánh bom Hama
Vietnam+ đưa tin, theo AFP, Tổ chức giám sát SITE của Mỹ ngày 5/5 cho biết một nhóm Hồi giáo tự xưng là Mặt trận Al-Nusra đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom liều chết đẫm máu gần thành phố Hama của Syria vào tháng trước. 
SITE, cơ quan theo dõi các trang web Thánh chiến hồi giáo, nói rằng nhóm trên đăng tuyên bố nhận trách nhiệm trên mạng vào ngày 4/5. 
Hiện trường một vụ đánh bom ở Syria hôm 19/3. Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN.
Hiện trường một vụ đánh bom ở Syria hôm 19/3. Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN.

Al - Nusra cho biết kẻ đánh bom, Abu Bakr al - Hamawi, đã cho nổ xe gài bom tại một nhà hàng nơi các thành viên lực lượng an ninh Syria đang dùng bữa vào ngày 20/4, nhằm vào mục tiêu là các sĩ quan quân đội tham gia vào vụ thảm sát người biểu tình tại thị trấn Latamnah. 
Nhóm này cho biết khoảng 350 có mặt tại hiện trường vụ tấn công, nhưng không công bố số thương vong.
Hải Phong (Tổng hợp)