Nóng tối 5/5: Khởi tố vụ đổ cột điện 110KV tại Lễ hội du lịch Hạ Long

05/05/2012 19:37
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Khởi tố vụ đổ cột điện 110KV phục vụ Lễ hội du lịch Hạ Long. Bình Phước quyết định thu hồi 613ha đất rừng... là những thông tin đáng chú ý tối 5/5.
Khởi tố vụ đổ cột điện 110KV phục vụ Lễ hội du lịch Hạ Long

Nguồn tin trên Dân Việt cho hay, công an tỉnh Quảng Ninh vừa ra quyết định khởi tố hình sự vụ án đổ cột điện 110KV phục vụ Lễ hội du lịch Hạ Long trong đêm 29/4 vừa qua.
Cơ quan an ninh điều tra cho biết, theo quy định tại điều 231 - Bộ Luật hình sự nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đây là hành vi “phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia”.

Hiện trường vụ cột điện đổ.
Hiện trường vụ cột điện đổ.

Kết quả điều tra cho biết: Vào đêm 29 rạng sáng 30/4, tại khu vực đồi môi trường (thuộc tổ 21, khu 3, phường Hà Khánh, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), một số đối tượng khai thác than trái phép trong quá trình bốc xúc đất đá bằng máy xúc đã cuốc phải dây néo và làm đổ gãy đôi cột điện cao thế 110KV (số 44) thuộc tuyến Giáp Khẩu, gây mất điện tại một số khu vực thuộc TP.Hạ Long.
Bình Phước quyết định thu hồi 613ha đất rừng
Nguồn tin trên TTXVN cho hay, ngày 4/5, ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đã công bố quyết định thu hồi đất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất -thương mại - dịch vụ B58, Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Minh Phương (thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Vân Sơn (thị xã Đồng Xoài, Bình Phước).
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước quyết định thu hồi 40ha của Công ty Vân Sơn do đầu tư trên diện tích đất nhận chuyển nhượng bất hợp pháp từ dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Lào (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Lào có dấu hiệu lừa đảo, hiện Giám đốc công ty đã bị bắt).
Ảnh minh họa: Internet.
Ảnh minh họa: Internet.

Thu hồi 512,82 ha thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại-dịch vụ B58 quản lý do hết hạn hợp đồng bảo vệ, khoanh nuôi 512,82 ha đất rừng giữa Nông lâm trường Mã Đà (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV cao su Bình Phước) ký hợp đồng giao khoán với Khối Tình báo B58.
Công ty Minh Phương bị thu hồi 60ha đất trong dự án bị thu hồi theo quyết định số 1985/QĐ-Ủy ban Nhân dân ngày 29/8/2011.

Bắt quả tang một điểm giết mổ lậu

Thông tin trên Thanh Niên Online, sáng ngày 5/5, Đoàn kiểm tra liên ngành H.Bình Chánh (TP.HCM) đã tiến hành kiểm tra và bắt quả tang một điểm tổ chức giết mổ heo lậu tại địa chỉ D20/44B1 ấp 4A, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM.

Hiện trường vụ giết mổ lậu bị Đoàn kiểm tra liên ngành H.Bình Chánh bắt quả tang. Ảnh do Trạm thú y H.Bình Chánh cung cấp.
Hiện trường vụ giết mổ lậu bị Đoàn kiểm tra liên ngành H.Bình Chánh bắt quả tang. Ảnh do Trạm thú y H.Bình Chánh cung cấp.

Khi bị phát hiện, ông Lê Phước - người đứng ra tổ chức giết mổ trái phép - đã có hành vi chống đối lực lượng kiểm tra để tẩu táng tang vật. Tổ kiểm tra thu giữ tại hiện trường gồm 42 kg thịt heo và 5 con heo sống không rõ nguồn gốc đang chờ giết mổ.
Cháy lớn thiêu rụi 2.000m2 nhà xưởng

Báo Tin tức đưa tin, sáng 5/5, Công ty TNHH Tong - Ly chuyên sản xuất mút xốp (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương) đã xảy ra cháy lớn. 
Theo các nhân chứng cho biết, vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, khoảng 100 công nhân vào ca được chừng 15 phút thì ngọn lửa bùng phát tại khu nấu hóa chất. Các công nhân đã nỗ lực dùng bình chữa cháy dập lửa nhưng ngọn lửa nhanh chóng bùng phát cháy lan ra khu sản xuất. Hàng chục công nhân đã chạy thoát thân ra khỏi khu vực cháy.

Cảnh sát PCCC nỗ lực dập lửa. Ảnh: baobinhduong.org.vn.
Cảnh sát PCCC nỗ lực dập lửa. Ảnh: baobinhduong.org.vn.

Nhận được tin báo cháy, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Dương đã huy động 10 xe chữa cháy cùng hơn 50 chiến sĩ tham gia dập lửa. Đến 10 giờ, vụ hỏa hoạn cơ bản được khống chế dập tắt. Tuy nhiên, toàn bộ khu nhà xưởng rộng gần 2.000m2, văn phòng, máy móc, thiết bị và sản phẩm đã bị lửa thiêu rụi. Ước tính thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Hàng loạt các vụ nổ làm rung chuyển Xyri
Cũng thông tin trên báo Tin tức, ngày 5/5, hàng loạt vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Đamát và thành phố Aleppo - thành phố lớn thứ hai và là trung tâm kinh tế của miền Bắc Xyri, làm ít nhất 6 người thiệt mạng và hư hại nhiều tài sản.
 
Giao tranh vẫn tiếp diễn tại Xyri bất chấp lệnh ngừng bắn đạt được ở nước này. Trong ảnh: Khu phố al - Hamidiya, thuộc thành phố trung tâm Homs, cách thủ đô Đamát 160km về phía bắc ngày 3/5 sau nhiều ngày giao tranh. AFP/TTXVN.
Giao tranh vẫn tiếp diễn tại Xyri bất chấp lệnh ngừng bắn đạt được ở nước này. Trong ảnh: Khu phố al - Hamidiya, thuộc thành phố trung tâm Homs, cách thủ đô Đamát 160km về phía bắc ngày 3/5 sau nhiều ngày giao tranh. AFP/TTXVN.

Theo các nguồn tin địa phương, tại thủ đô Đamát, một quả bom đã phát nổ tại đường As-Saura, tuyến thương mại huyết mạch của thủ đô, trong khi vụ nổ thứ hai xảy ra ở khu vực ngoại ô Joubar. Trước đó, một xe quân sự của Xyri đã phát nổ tại một địa điểm gần khu chợ Al-Khuja. Các vụ nổ này khiến ít nhất 3 binh sỹ quân đội Xyri bị thương, nhiều toàn nhà và ôtô bị hư hại nặng.

Trong khi đó, vụ nổ xảy ra tại một trạm rửa xe ở khu Tal Zarazir, ngoại ô Aleppo, làm 6 người thiệt mạng, trong đó có 1 phụ nữ và 2 em nhỏ. Vụ nổ cũng làm hư hại trạm rửa xe và cháy 2 xe khác đang đỗ ở đó.
Iran nổi giận với Google Maps vì vịnh Persian
Cũng thông tin trên Thanh Niên Online, người Iran giận dữ trước việc tên của vùng biển được Iran gọi là vịnh Persian (vịnh Ba Tư), hay còn được các nước Ả Rập gọi là vịnh Ả Rập, mất tích trên Google Maps.

Đây là vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua giữa người Iran và người Ả Rập. Cả hai bên đều khăng khăng chỉ có cách gọi của họ là chính xác.

Hãng tin BBC dẫn lời một đại diện của Google nói rằng công ty không ghi tên mọi nơi chốn trên thế giới và họ không muốn thể hiện bất kỳ lập trường chính trị nào trong vấn đề này.

Tuy nhiên, ông này không thể cung cấp ví dụ về một trường hợp không có tên gọi tương tự khác trên Google Maps, theoBBC.

Tên của vùng biển biến mất trên Google Maps. Ảnh chụp màn hình.
Tên của vùng biển biến mất trên Google Maps. Ảnh chụp màn hình.

Iran tuyên bố không hề có căn cứ lịch sử để gọi vùng biển bằng tên gọi nào khác ngoài tên vịnh Persian.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều áp lực từ phía các nước Ả Rập về việc gọi nó là vịnh Ả Rập hoặc ít nhất gọi bằng cả hai tên.

Khi đánh cụm từ “Persian Gulf” (vịnh Persian), phần tìm kiếm trên Google Maps sẽ dẫn đến khu vực vịnh tranh chấp, trong khi cụm từ “Arabian Gulf” (vịnh Ả Rập) thì không, theo tờ International Business Times.
Hải Phong (Tổng hợp)