Nữ đại gia thủy sản vẫn “bặt vô âm tín”

06/04/2012 07:07
Trúc Linh
(GDVN) - Tại buổi họp báo thường niên ở Cần Thơ ngày hôm qua (5/4), câu hỏi về khả năng về nước của bà Phạm Thị Diệu Hiền, Tổng Giám đốc Bianfishco vẫn bị bỏ ngỏ.
Ngày 5/4, hàng chục phóng viên khu vực miền Tây tập trung về UBND TP Cần Thơ để dự buổi họp báo thường niên do chính quyền thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long tổ chức. Lý do các báo có mặt đông đủ vì tổ trưởng kiểm tra xử lý nợ tại Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) sẽ thông báo chuyện nợ nần tại công ty do nữ đại gia Phạm Thị Diệu Hiền làm Tổng Giám đốc.
Ông Võ Thanh Hùng (Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP Cần Thơ) cho biết, tổng nợ của Bianfishco đến thời điểm báo cáo UBND TP Cần Thơ theo chỉ đạo của Thủ tướng là 1.541 tỷ đồng. Số tiền này không bao gồm nợ của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Diệu Hiền và cá nhân bà Hiền bởi hai doanh nghiệp không có liên quan gì với nhau.
Theo ông Hùng, trong các khoản nợ của Bianfishco có nợ các tổ chức tín dụng là 1.227 tỷ đồng, chưa trả bảo hiểm xã hội 3 tỷ đồng và nợ tiền mua cá của nông dân trên 261 tỷ đồng. Ngoài ra, Bianfishco còn nợ 10 tổ chức, cá nhân khác với số tiền hơn 27 tỷ đồng. Tuy nhiên, mấy ngày qua, công ty trả nợ nông dân được thêm trên 16 tỷ đồng và cấn trừ các khoản tiền mà Bianfishco đầu tư cho đối tác thì nợ giảm thêm trên 10 tỷ đồng.
Bà Diệu Hiền tự hào về thương hiệu Việt.
Bà Diệu Hiền tự hào về thương hiệu Việt.

Nói về nguyên nhân nợ “đầm đìa” của Bianfishco, ông Hùng cho biết khi được ưu đãi vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp thì doanh nghiệp lại đầu tư không đúng mục đích. Đó là lấy vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn, đầu tư ngoài ngành nên có lúc lãi suất cho vay lên cao thì Bianfishco mất cân đối tài chính dẫn đến chiếm dụng vốn của người nuôi cá.
Ông Hùng cũng nói rằng, trước đây giá cá tra đang ở mức 25.000 đồng/kg nhưng Bianfishco mua với giá 29.000 đồng/kg nên có nhiều người đổ xô bán cá cho Bianfishco. Vì vậy, Tổ trưởng kiểm tra nợ cho rằng, đây là chuyện mất bình thường nhưng chính quyền không can thiệp được vì công ty hoạt động hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
“Để cứu doanh nghiệp thì phải định ‘bệnh’. Muốn làm được việc này phải có bảng cân đối tài chính và kết quả kiểm toán để xem xét cân đối nợ rồi tính toán tái cấu trúc. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu công ty hoàn tất báo cáo tài chính năm 2011 với kết quả kiểm toán độc lập. Ngoài ra, công ty còn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về ủy quyền quản lý, điều hành công ty nếu như bà Hiền chưa thể về Việt Nam nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi”, ông Hùng thông tin đến báo chí.
Cũng theo ông Hùng, qua báo cáo kiểm toán độc lập đến cuối năm 2010, tổng tài sản của Bianfisco là 2.075 tỷ đồng. Trong đó tài sản ngắn hạn là 1.183 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 891 tỷ đồng. Đến giữa năm 2011, công ty gặp khó khăn về tài chánh do nguồn tín dụng bị hạn chế làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của Bianfishco.
Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” nhưng sau khi tổ chức đám cưới cho con trai được 3 ngày, bà Hiền xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất tối ngày 23/2 để qua Thái Lan. Sau đó nữ đại gia bay tiếp qua Singapore rồi đến California (Hoa Kỳ).
Một tháng rưỡi trôi qua ở Cần Thơ xôn xao về chuyện nợ nần của Bianfischo nhưng Tổng Giám đốc Diệu Hiền vẫn “bặt tăm”.
Ông Võ Thanh Hùng thông báo về nợ nần tại Bianfishco
Ông Võ Thanh Hùng thông báo về nợ nần tại Bianfishco

Trước tình hình này, đã có gần 30 câu hỏi của báo chí đưa ra về khả năng về nước của bà Hiền, hồ sơ bệnh án đã gửi về chưa, Bianfischo có phá sản hay không và bao giờ doanh nghiệp trả hết nợ… Cứ tưởng được trả lời thỏa mãn nhưng lãnh đạo UBND TP Cần Thơ và tổ công tác kiểm tra tình hình nợ của Bianfishco chỉ trả lời chung chung rồi hẹn sẽ tổ chức họp báo thêm một lần nữa với sự tham dự của đại diện Bianfischo.
Kết thúc buổi họp báo, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn nói rằng, trong thời điểm này, cần Bianfishco phải có sự hợp tác tốt với chính quyền mới cùng nhau tháo gỡ được khó khăn nhưng nhiều lần mời lãnh đạo doanh nghiệp lên làm việc nhưng không có người nào đến.
Ông Sơn cũng cho biết, hiện chưa đủ điều kiện để kê biên, niêm phong hoặc cho doanh nghiệp phá sản vì không thể làm theo cảm tính mà phải theo quy định của pháp luật.
“Chính quyền không thể buộc doanh nghiệp bán tài sản để trả tiền cho nông dân mà chỉ cố gắng động viên. Còn việc phá sản thì phải có đơn yêu cầu và tòa án ra quyết định chứ chính quyền không làm được”, ông Sơn khẳng định.
Trúc Linh