"Nữ sinh vườn bưởi" kiện đòi bồi thường vì hình ảnh bị "xài chùa"

11/07/2011 09:13
Một nữ sinh được chọn chụp ảnh cho trang bìa đặc san xuân năm 2004 của huyện Bình Minh (Vĩnh Long), nay kiện đòi bồi thường vì xài ảnh bà vô tội vạ.

Một nữ sinh được chọn chụp ảnh cho trang bìa đặc san xuân năm 2004 của huyện Bình Minh (Vĩnh Long), nay kiện đòi bồi thường vì xài ảnh bà vô tội vạ.
 

Ảnh của bà Trang (chụp năm 2003) do tác giả (Vinh Hiển) cung cấp.
Ảnh của bà Trang (chụp năm 2003) do tác giả (Vinh Hiển) cung cấp.



Sau đặc san xuân, những tấm ảnh tiếp tục được sử dụng cho việc quảng bá hình ảnh đặc sản bưởi Năm Roi của huyện. Đầu năm 2011, nhân vật trong ảnh – bà Huỳnh Thị Thu Trang, phát đơn kiện tác giả đã sử dụng hình ảnh của mình trên các bìa tập học sinh, sổ tay quảng cáo, nhiều tờ báo, thậm chí cả trên chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, taxi ở London… mà không được sự đồng ý của bà.

Ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm…

Bà Huỳnh Thị Thu Trang (sinh 1985), ngụ thị trấn Cái Vồn (Bình Minh, Vĩnh Long) đã gởi hai đơn kiện đến toà án thành phố Vĩnh Long kiện ông Nguyễn Vinh Hiển, hội viên hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, hội viên hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (người chụp ảnh bà) đã bán hình ảnh của bà cho nhiều tổ chức và cá nhân để phục vụ việc quảng bá thương hiệu. Trong đơn, bà Trang cho rằng nhiếp ảnh gia Vinh Hiển phải có nghĩa vụ thông báo cho các tổ chức, cá nhân muốn sử dụng hình ảnh phải được sự đồng ý của nhân vật trong ảnh. Vì ông Hiển không làm những việc trên, nên đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của bà. Do vậy, bà yêu cầu ông Hiển phải bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín cho mình với số tiền 200 triệu đồng.

Theo bà Trang, cũng trong thời gian năm 2004, còn nhiều tấm ảnh chụp bà một mình, mặc áo dài trắng, đội nón lá, tay cầm trái bưởi có dán logo bưởi Hoàng Gia; trên bìa lịch của huyện uỷ, UBND, HĐND, uỷ ban MTTQ, báo xuân Bình Minh, báo Vĩnh Long… Với những tấm ảnh được đăng ở các loại báo trên, bà thấy vinh dự vì đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh cho tỉnh nhà. “Nhưng từ năm 2005 đến nay, nhiều tờ báo sử dụng ảnh của tôi, trong đó có đoạn video clip 9 phút để quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình BBC phát trên 170 quốc gia. Đối với những trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân với mục đích kinh doanh nêu trên đều không ai hỏi ý kiến của tôi”, bà Trang nói.

Người chụp: làm ơn mắc oán?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Vinh Hiển (thành phố Vĩnh Long) kể lại, cuối năm 2003 huyện uỷ Bình Minh tổ chức buổi họp mặt giới thiệu một số thành tựu của địa phương nhằm quảng bá về quê hương, con người Bình Minh với bè bạn trong nước và quốc tế. Ông Hiển được ông Lưu Quang Sang, phó chủ tịch UBND huyện Bình Minh lúc bấy giờ, chỉ định việc chụp thêm một số hình ảnh phục vụ công tác tuyên truyền. Sau đó, phòng văn hoá thông tin huyện mượn hai em học sinh trường trung học phổ thông Bình Minh trong đó có Huỳnh Thị Thu Trang làm người mẫu. Chụp xong ông Hiển chọn ảnh đạt và chép vào hai đĩa CD. Ông Sang tới tận nhà ông Hiển nhận đĩa, đem đi TP.HCM in ấn phục vụ cho triển lãm tại huyện và tại hội chợ của tỉnh tại khu du lịch Trường An, in bìa lịch, tạp chí của huyện... Cá nhân ông Hiển cũng dùng những hình ảnh đó giới thiệu trên báo xuân tỉnh Vĩnh Long, báo Công an TP.HCM, báo Mực tím và triển lãm của hội Văn hoá nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. “Sau khi hình ảnh của cô Trang xuất hiện trên báo, tôi mang đến trường nơi cô học và tặng những ấn phẩm đó, cô Trang vui vẻ nhận và cảm ơn tôi”, ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức khác đã tự khai thác hình ảnh bằng cách riêng của họ nhưng không hề ghi tên tác giả mà chỉ dẫn nguồn internet, hình minh hoạ... Chính ông Hiển cũng cho rằng, đã có những vi phạm quyền tác giả. Song, ông không có ý kiến gì về việc họ dùng hình ảnh thuộc tác quyền của mình vào việc tuyên truyền, giới thiệu về hình ảnh đẹp của con người Việt Nam.

Theo đánh giá của nhiếp ảnh gia Duy Anh, uỷ viên hội đồng nghệ thuật hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, việc bà Trang kiện đòi ông Vinh Hiển bồi thường vật chất là thiếu cơ sở, khi bà Trang chưa có những chứng cứ thực tế trong việc mua bán hình ảnh giữa ông Hiển với các tổ chức, cá nhân khác. Còn các tờ báo, phương tiện quảng bá khai thác hình ảnh bà Trang phải có trách nhiệm thông qua ý kiến của Vinh Hiển và phải thương lượng với bà Trang.
 

Khó đòi bồi thường

– Thời điểm nhiếp ảnh gia chụp bức ảnh là năm 2004, tức là trước ngày 1.1.2005, khi bộ luật Dân sự mới có hiệu lực. Chiếu theo bộ luật Dân sự cũ năm 1995, rất khó đòi bồi thường dù có quy định quyền nhân thân về hình ảnh vì khó chứng minh thiệt hại khi hình ảnh bị sử dụng. Do vậy, cô gái này chỉ có quyền yêu cầu chấm dứt việc sử dụng ảnh không xin phép. Muốn đòi bồi thường, người mẫu phải chứng minh bằng văn bản thoả thuận với người chụp, cho sử dụng ở đâu... Hơn nữa, cô gái đã đồng ý cho chụp, sử dụng ảnh theo lời đề nghị của UBND huyện, kiện để đòi bồi thường 200 triệu đồng là không có cơ sở.

(Luật sư Nguyễn Thành Công, đoàn Luật sư TP.HCM)

– Cô gái đã kiện ra toà, tức là nhờ pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, vụ kiện đòi bồi thường này sẽ khó khăn. Bởi lẽ, cô gái đã đồng ý làm mẫu và người chụp ảnh cũng không biết hình ảnh ấy bị các tổ chức, cá nhân sử dụng không xin phép: sự việc nằm ngoài ý muốn của nhiếp ảnh gia. Theo điều 31 bộ luật Dân sự năm 2005, cá nhân có quyền với hình ảnh của mình. Cô gái này chụp ảnh từ năm 2004, nhưng hình ảnh của cô bị sử dụng mà không được đồng ý từ thời điểm đó đến nay nên vẫn chịu sự chi phối của bộ luật Dân sự.

(Luật sư Đoàn Ngọc Quý, đoàn Luật sư TP.HCM)


{iarelatednews articleid='7068,1882,936'}
Theo Ngọc Tùng - Thanh Nhã/SGTT