Nữ tiến sĩ tương lai mơ ước được nghiên cứu, giảng dạy trên quê hương Việt Nam

25/06/2021 06:29
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Là nữ sinh nhưng lại rất thích nghề kỹ thuật cơ khí, vì thế Hồng Mai đã chọn cho mình một con đường riêng không giống như các bạn cùng trang lứa.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chị Phan Thị Hồng Mai - Cựu sinh viên Chương trình tiên tiến ngành Kỹ thuật cơ khí, Khoa Quốc tế của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), hiện đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Gyeongsang, Korea (Hàn Quốc).

Nữ giới nhưng thích sự khác biệt

Hồng Mai cho biết: “Là học sinh chuyên Toán, sinh ra và lớn lên tại Thành Phố Hòa Bình, vào năm cuối trung học phổ thông thì hầu hết các bạn nữ trong lớp đăng ký vào Đại học Kinh tế Quốc Dân, Học viện Ngân Hàng, Đại học Ngoại thương… nhưng bản thân tôi lại khá thích nghề kỹ thuật cơ khí, tìm hiểu mọi thông tin và nhận thấy nghề này là xu hướng mới trong tương lai, có cơ hội việc làm rộng mở. Chính vì thế tôi tự chọn cho mình một “con đường” riêng không giống như các bạn cùng trang lứa.

Năm lớp 12 và cũng thật tình cờ, trong một lần được tham dự ngày hội “Open day” của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), tôi thật sự bị thuyết phục sau khi tìm hiểu về Chương trình Tiên tiến của Khoa Quốc tế, được xem các anh, chị làm các thí nghiệm tay robot, xe cân bằng… đặc biệt là được nghe nhiều giáo sư người nước ngoài nói chuyện và giảng dạy tại Khoa Quốc tế của trường.

Tại kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển đại học, tôi thi khối A được 24,5 điểm, đồng thời quyết định theo học tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp. Cả khóa khi đó chỉ có mình tôi lên Thái Nguyên theo học ngành này”.

Phan Thị Hồng Mai (sinh năm 1996) - Cựu sinh viên Chương trình tiên tiến ngành Kỹ thuật cơ khí, Khoa Quốc tế của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), hiện đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Gyeongsang (Hàn Quốc). Ảnh: NVCC.
Phan Thị Hồng Mai (sinh năm 1996) - Cựu sinh viên Chương trình tiên tiến ngành Kỹ thuật cơ khí, Khoa Quốc tế của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), hiện đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Gyeongsang (Hàn Quốc). Ảnh: NVCC.

Kỹ thuật cơ khí luôn là một trong những ngành then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu. Ngày nay, tất cả các máy móc vận hành trong các dây chuyền sản xuất, hoạt động ở mọi nơi trên và dưới mặt đất, trên bề mặt biển, dưới đáy biển, trên không gian và cả ngoài vũ trụ… đều có sự đóng góp to lớn của các nhà khoa học, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật cơ khí. Chính vì vậy, ngành Kỹ thuật cơ khí luôn là ngành học thu hút rất nhiều bạn trẻ theo đuổi.

Hồng Mai chia sẻ: “Có thể hiểu ngành Kỹ thuật cơ khí là ứng dụng các nguyên lý vật lý để tạo ra các loại máy móc và thiết bị hoặc các vật dụng hữu ích. Cơ khí áp dụng các nguyên lý nhiệt động lực học, định luật bảo toàn khối lượng và năng lượng để phân tích các hệ vật lý tĩnh và động, phục vụ cho công tác thiết kế trong các lĩnh vực như ô tô, máy bay và các phương tiện giao thông khác, các hệ thống gia nhiệt và làm lạnh, đồ dùng gia đình, máy móc và thiết bị sản xuất, vũ khí…

Học ngành Kỹ thuật cơ khí, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng gia công, thiết kế, chế tạo và cải tiến các sản phẩm cơ khí như người máy; khả năng vận hành, lắp ráp, bảo trì các thiết bị cơ khí, hệ thống cơ khí cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến máy móc, thiết bị trong quy trình sản xuất”.

Hồng Mai và các bạn sinh viên cùng khoá trong chuyến đi Nhật Bản. Ảnh: NVCC.
Hồng Mai và các bạn sinh viên cùng khoá trong chuyến đi Nhật Bản. Ảnh: NVCC.

Hồng Mai nói: “Khi học theo chương trình tiên tiến, được giảng dạy 100% bằng tiếng Anh với các giảng viên là giáo sư, tiến sĩ… đến từ Mỹ, Anh, Úc và khắp nơi trên thế giới, lúc này tôi cảm thấy mình giống như được “du học” trong nước. Những sinh viên học chương trình này bắt buộc phải ăn, ở ký túc xá theo quy định của nhà trường.

Chương trình tôi được học cùng với toàn bộ tài liệu đều áp dụng theo trường đại học của Mỹ bao gồm cả kiến thức chuyên ngành. Các môn trong ngành cơ khí, cơ khí chế tạo, động lực, nhiệt… tôi đều được tiếp xúc.

Ở các khoa bình thường, sinh viên chỉ chuyên về một ngành, nhưng với chương trình tiên tiến tôi theo học, mọi sinh viên đều nắm được kiến thức chung nên khi ra trường đi làm, dựa trên những kiến thức đã được học để đào sâu nghiên cứu thêm sẽ có khả năng làm đa dạng công việc. Tôi thấy đây cũng là một lợi thế.

Mọi người thường nghĩ kỹ thuật cơ khí là làm việc nặng nhọc, máy móc dầu mỡ suốt ngày… nhưng thực chất là sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm trưởng bộ phận quản lý chất lượng, kỹ sư ở các khu công nghệ cao, kỹ sư thiết kế, kỹ sư chế tạo, nghiên cứu… hoặc có thể học cao lên để giảng dạy và nghiên cứu như tôi hiện nay. Vậy nên có thể nói đây là ngành học khá phù hợp với các bạn nữ.

Đặc biệt, trong suốt thời gian học đại học, tôi liên tiếp đạt kết quả tổng kết các môn loại giỏi nên giành được học bổng xuất sắc, khuyến khích học tập của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, chính vì có học bổng nên tôi không phải đóng học phí, cũng coi như đã giúp đỡ được một phần nho nhỏ cho bố mẹ”.

Hồng Mai chụp ảnh với mẹ trước khi sang Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh. Ảnh: NVCC.
Hồng Mai chụp ảnh với mẹ trước khi sang Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh. Ảnh: NVCC.

Nghiên cứu sinh ngành Thiết kế thí nghiệm máy tính

Hồng Mai chia sẻ: “Khi gần tốt nghiệp đại học, tôi có tham dự một cuộc phỏng vấn của các Giáo sư người Hàn Quốc dành cho sinh viên tại trường, với nền tảng kiến thức của bản thân và định hướng rõ ràng trong nghiên cứu, tôi đã giành được học bổng toàn phần làm Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Hàn Quốc về Thiết kế thí nghiệm máy tính.

Công việc hiện nay của tôi tại Hàn Quốc là trợ lý, giúp việc cho giáo sư về Dự án nghiên cứu hỗ trợ, tối ưu hóa các thí nghiệm máy tính trong mô hình mô phỏng. Những mô phỏng này được dùng trong các hệ thống được con người tạo ra như hệ thống kỹ thuật, mô phỏng việc đưa vệ tinh lên không gian, cũng có thể mô phỏng tốc độ an toàn kỹ thuật của một chiếc xe ô tô khi xảy ra va chạm, từ đó rút ra những cải tiến kỹ thuật an toàn cho con người.

Để làm được những mô phỏng đó mất rất nhiều thời gian và chất xám, có những mô phỏng phải làm cả tháng mới tạm ổn, chính vì vậy tôi đang hướng nghiên cứu để làm sao rút ngắn được thời gian làm các mô phỏng đó trên máy tính.

Ngoài ra, hàng ngày tôi đọc các báo, tạp chí nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tài liệu chuyên ngành… ghi chép lại những ý tưởng nảy sinh trong đầu, nghiên cứu những lý thuyết phục vụ cho ý tưởng mới, đồng thời viết lập trình trên máy tính để tìm ra kết quả của ý tưởng đó”.

Hồng Mai và các sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Thái Nguyên) trong Đại hội Đoàn trường. Ảnh: NVCC.
Hồng Mai và các sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Thái Nguyên) trong Đại hội Đoàn trường. Ảnh: NVCC.

Còn khoảng gần 3 năm nữa là Hồng Mai sẽ bảo vệ luận án Tiến sĩ, hiện tại công việc nghiên cứu, lập trình, viết các bài báo khoa học… cũng như cường độ làm việc liên tục lên tới 16 tiếng mỗi ngày. Dù khá vất vả, nhưng Hồng Mai luôn kiên trì và quyết tâm hoàn thành thật tốt các nghiên cứu để đạt được kết quả cao nhất.

Hồng Mai chia sẻ thêm: “Bản thân tôi cũng như nhiều nghiên cứu sinh Tiến sĩ khác, khi bước vào công việc nghiên cứu thì giai đoạn đầu bao giờ cũng rất khó khăn, đứng trước một lượng kiến thức rất lớn giống như lạc vào một “khu rừng” không biết phải đi theo hướng nào, cảm giác hoang mang ban đầu sẽ có. Nhưng sau này “lần mò tìm đường” thì mọi việc cũng sẽ qua, đó là cảm giác của tôi.

Khi gặp phải khó khăn trong việc nghiên cứu, tôi có chia sẻ với Giáo sư người Hàn Quốc. Tuy nhiên, họ sẽ không nói phải làm thế này hay phải làm thế kia, mà chỉ động viên và thể hiện sự tin tưởng, truyền cảm hứng cho mình vượt qua.

Từ khi còn học phổ thông, tôi đã ước mơ được làm trong ngành Giáo dục và mong muốn sau khi học xong được về nước tiếp tục cống hiến, nghiên cứu và giảng dạy.

Nếu như tôi ở lại Hàn Quốc chắc chắn sẽ có ngay được một công việc tốt và sự đãi ngộ cao, nhưng bản thân tôi có suy nghĩ mình là người Việt Nam thì nên góp phần cống hiến cho đất nước nơi mình được sinh ra, được nghiên cứu và giảng dạy trên chính quê hương mình thì mọi việc sẽ có ý nghĩa hơn.

Theo quan điểm của tôi nếu vào đại học mà chỉ chọn các trường có tiếng, hay theo học những ngành có nhiều người đang quan tâm… thì mới chỉ là những yếu tố bên ngoài, không giúp quyết định sau này mình là ai. Quan trọng nhất là sự nghiêm túc của người học, chọn lựa đúng ngành nghề phù hợp năng lực của mình, có niềm đam mê, kiên trì, có môi trường với những thầy cô hướng dẫn tốt thì chắc chắn sẽ thành công”.

Tùng Dương