Nước nào có thể mua máy bay huấn luyện giá rẻ JL-10 của Trung Quốc?

08/07/2013 14:08
Việt Dũng
(GDVN) - Máy bay JL-10 TQ sẽ là đối thủ cạnh tranh của Yak-130 Nga, khách hàng tiềm năng được cho là châu Phi, Pakistan, Venezuela, Ai Cập, Bolivia, Myanmar...
Máy bay huấn luyện L-15 do Trung Quốc chế tạo
Máy bay huấn luyện L-15 do Trung Quốc chế tạo

Tờ "Hoàn Cầu" TQ ngày 5 tháng 7 có bài viết cho biết, máy bay huấn luyện chiến đấu JL-10 ngày 1 tháng 7 đã hoàn thành bay thử lần đầu tiên ở sân bay Nam Xương. Mạng quan sát quân sự Nga ngày 4 tháng 7 cho rằng, loại máy bay này của Trung Quốc có thể sẽ là "đối thủ cạnh tranh" của máy bay Yak-130 do Nga chế tạo.

Theo bài viết, máy bay JL-10 từng được gọi là L-15, sử dụng động cơ của Ukraine. Máy bay huấn luyện cao cấp mới đang đào tạo phi công cho các máy bay chiến đấu tiên tiến của Không quân Trung Quốc, gồm Su-30, J-10, J-11 và J-15.

Được biết, máy bay L-15 áp dụng hệ thống điều khiển fly-by-wire, đồng thời sử dụng khoang điều khiển thủy tinh, trong khoang có 6 màn hình hiển thị màu đa năng (mỗi phi công trang bị 3 chiếc). Ngoài ra, trong khoang điều khiển còn trang bị thiết bị lấy chuẩn, radar hiện đại trên đầu máy bay.

25% toàn bộ kết cấu của máy bay L-15 sử dụng vật liệu composite carbon, trong đó có phần cánh và đuôi máy bay. Tuổi thọ dự kiến của máy bay là 10.000 giờ hoặc sử dụng 30 năm. L-15 trang bị 2 động cơ phản lực AI-222-25F của Ukraine, động cơ đã trang bị buồng đốt nhiên liệu phụ trội.

Bài viết cho rằng, rất khó nói JL-10 hoàn toàn là do Trung Quốc chế tạo. Về bề ngoài, nó tương tự như máy bay Yak-130 của Nga, sự giống nhau này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Đồng thời, động cơ lắp ráp trên JL-10 do Công ty Motor Sich của Ukraine sản xuất, nhưng trên thực tế chính là động cơ AL-222-25 trang bị trên máy bay Yak-130.

Ngoài ra, động cơ Ukraine cung cấp cho máy bay huấn luyện cao cấp của Nga được sản xuất trên lãnh thổ Nga, còn dòng động cơ cung cấp cho Quân đội Trung Quốc có buồng đốt nhiên liệu phụ trội.

Máy bay huấn luyện JL-10 do Trung Quốc chế tạo
Máy bay huấn luyện JL-10 do Trung Quốc chế tạo

Bài viết tiếp tục cho rằng, giá bán cuối cùng và chức năng chính của JL-10 Trung Quốc – sự thoải mái trong đào tạo phi công, sẽ quyết định triển vọng của nó trên thị trường vũ khí quốc tế. Công ty máy bay Hồng Đô không chỉ coi các nước châu Phi là khách hàng tiềm năng chính, mà còn có Pakistan, Venezuela, Ai Cập, Bolivia, Myanmar và những nước sử dụng máy bay huấn luyện JL-8 Trung Quốc để đạo tạo phi công khác.

Năm 2012, nhà chế tạo máy bay Trung Quốc cho biết, họ đã chế tạo thành công máy bay rẻ nhất trong số các sản phẩm cùng loại - định giá ban đầu của nó khoảng 10 triệu USD. Vì vậy, so với máy bay Yak-130 của Nga (khoảng 15 triệu USD), máy bay JL-10 càng chiếm ưu thế về giá cả. Nhưng chỉ có sau khi bắt đầu cung ứng loại máy bay này hàng loạt thì mới có thể hoàn toàn tin tưởng giá cả đã nói.

Máy bay huấn luyện Yak-130 do Nga chế tạo
Máy bay huấn luyện Yak-130 do Nga chế tạo

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Việt Dũng