"Obama dập tắt kỳ vọng của Philippines, Manila chẳng được lợi lộc gì"

30/04/2014 06:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Thay vì cam kết bảo vệ Philippines nếu nổ ra xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông, Obama đã để lại con số 0 tròn chĩnh khi rời quốc gia này mang theo "món hời"
Tổng thống Mỹ Barack Obaam tới thăm Philippines.
Tổng thống Mỹ Barack Obaam tới thăm Philippines.
Rappler ngày 29/4 dẫn lời cựu Thượng nghị sĩ Philippines Joker Arroyo bình luận, thay vì cam kết bảo vệ Philippines nếu nổ ra xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông, Obama đã để lại con số 0 tròn chĩnh khi rời quốc gia này mang theo "món hời" hiệp định hợp tác quốc phòng nâng cao Mỹ - Philippines (EDCA) mà chính quyền Tổng thống Aquino đã vội vã ký kết.

Joker Arroyo cho rằng Philippines chẳng được lợi lộc gì từ thỏa thuận vội vàng này, đồng thời công khai chỉ trích sự thiếu minh bạch của EDCA, bản sao của nó chỉ được công bố sau khi hiệp định đã được ký 1 ngày với người Mỹ.

"Chúng tôi đã vội vã ký EDCA như một món quà cho Tổng thống Obama. Không một ai được hỏi về tính hợp hiến của EDCA. Tất cả do Phủ Tổng thống tự quyết", Joker Arroyo nói với báo chí hôm qua 29/4.

Philippines đã không nhận được bất cứ cam kết nào từ Obama rằng Mỹ sẽ bảo vệ Manila nếu tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông leo thang thành xung đột vũ trang. Arroyo nhấn mạnh.
Người ta đã hy vọng rằng ít nhất Obama cũng đưa ra một lời đảm bảo Mỹ sẽ cảnh báo mạnh mẽ Trung Quốc nếu ngư dân Philippines bị họ quấy rối hoặc hoạt động tiếp tế cho lực lượng đồn trú (ở một số điểm đảo ngoài Trường Sa mà Philippines đang chiếm giữ) bị Bắc Kinh ngăn cản, để Manila có thể tránh bị lôi vào một cuộc chiến tranh.
Dân Philippines tại Quezon dùng hình nộm Tập Cận Bình và Obama "giằng xé" Manila để phản đối cả Washington lẫn Bắc Kinh trong chuyến thăm của ông Obama.
Dân Philippines tại Quezon dùng hình nộm Tập Cận Bình và Obama "giằng xé" Manila để phản đối cả Washington lẫn Bắc Kinh trong chuyến thăm của ông Obama.

Tuy nhiên, ông Obama chỉ ca ngợi các đầu bếp của Phủ Tổng thống Philippines trong tiệc chiêu đãi mà không đưa ra bất cứ cam kết nào như vậy, Arroyo cho biết.

Được coi là thành công lớn của chuyến công du Philippines, EDCA cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều hơn tới các căn cứ quân sự của Philippines, lưu lại các thiết bị, vũ khí tại đây. Tuy nhiên các Thượng nghị sĩ Santiago, Alan Peter Cayetano và Ralph Recto cho rằng nội dung thỏa thuận này cần phải được thông qua Thượng viện.

Nhưng Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Thượng viện Antonio Trillanes IV lại cho rằng thỏa thuận này chỉ đơn thuần thực hiện điều ước quốc tế trước đây nên không cần thông qua Thượng viện.

Mong Palatino, người từng phục vụ 2 nhiệm kỳ tại Hạ viện Philippines với vai trò đại diện cho thanh niên ngày 29/4 bình luận trên The Diplomat, Obama đã dập tắt kỳ vọng lớn của nhiều người Philippines khi ông không đưa ra được một cam kết rõ ràng để giúp họ trong một cuộc xung đột hàng hải với Trung Quốc.

Các nhà báo Philippines đã đối chiếu động thái này với tuyên bố rõ ràng của Obama khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Senkaku, một khu vực tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

ABS CBN News dẫn phân tích của James Hardy, biên tập viên phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của tuần san quốc phòng IHS Jane cho rằng Philippines được hưởng lợi từ thỏa thuận EDCA với Mỹ, đặc biệt là bảo vệ yêu sách chủ quyền của nước này trên Biển Đông.
Jame Hardy, biên tập viên tuần san quốc phòng IHS Jane
Jame Hardy, biên tập viên tuần san quốc phòng IHS Jane
Hardy cho rằng, Manila phải thừa nhận họ không được trang bị đủ tốt để bảo vệ các điểm đảo nước này chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Vì vậy, EDCA có thể giúp Philippines nhận được sự chia sẻ thông tin tình báo từ Mỹ, giúp đỡ Philippines cho tới khi lực lượng vũ trang thực sự đủ khả năng đảm đương công việc sau chương trình hiện đại hóa quân đội.

Steven Rood, đại diện của Quỹ châu Á bình luận, mặc dù Barack Obama đã bị chỉ trích vì không đưa ra cam kết rõ ràng về việc bảo vệ Philippines ở Biển Đông như ông đã làm với Nhật Bản, nhưng so sánh các điều ước phòng thủ chung Mỹ - Nhật với Mỹ - Philippines sẽ thấy rằng cả hai cơ bản giống nhau.

Sự khác biệt thực sự nằm trong bản chất của bản thân các tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là "tư cách pháp nhân". Trong khi Nhật Bản đang quản lý Senkaku thì Biển Đông (khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) có rất nhiều bên yêu sách chủ quyền, "và không rõ rằng ai đang quản lý chúng, đó là lý do tại sao hiệp ước phòng thủ không tự động bao gồm khu vực này", Rood giải thích.

Với Mỹ, EDCA mang lại cho họ cơ hội được tiếp cận nguồn cung cấp, cơ sở hậu cần tiền tiêu mà không phải xây dựng căn cứ mới.
Còn với Trung Quốc, Steven Rood cho rằng Bắc Kinh khó có thể leo thang đối đầu hơn nữa với EDCA đã được ký kết, và tuyên bố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng khó có khả năng thay đổi.

Hồng Thủy