Obama muốn đàm phán với Kim Jong-un trong năm 2013?

02/01/2013 07:23
Hồng Thủy (Nguồn: Chosun)
(GDVN) - "Ông chủ Nhà Trắng sẽ tìm kiếm các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên vào cuối năm nay".
Năm 2013 đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và việc Mỹ - Hàn ký kết hiệp định bảo đảm an ninh. 2013 cũng là năm đầu tiên cầm quyền của nội các mới tân Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản và Chủ tịch Trung Quốc trong khi ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 của mình, những yếu tố này, theo Chosun Ilbo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Bắc Triều Tiên.
Nhiều chuyên gia tin rằng Tổng thống Obama sẽ tìm kiếm các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên để "đem lại sức sống" cho chính sách đối ngoại nghèo nàn của mình. John Kerry, ứng cử viên cho ghế Ngoại trưởng Mỹ đã đượcxem như người ủng hộ việc đối thoại với Bình Nhưỡng.

Ông Kim Jong-un tỏ rõ mong muốn cải thiện quan hệ hai miền Triều Tiên trong thông điệp năm mới 2013, một động thái hiếm gặp tại Bình Nhưỡng
Ông Kim Jong-un tỏ rõ mong muốn cải thiện quan hệ hai miền Triều Tiên trong thông điệp năm mới 2013, một động thái hiếm gặp tại Bình Nhưỡng

"Obama cần có một số kết quả cụ thể trong chính sách đối ngoại", Lee Soo-seok chuyên gia Viện Chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc cho biết, "ông chủ Nhà Trắng sẽ tìm kiếm các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên vào cuối năm nay".

Một chuyên gia khác, Cho Bong-hyun đến từ Viện Nghiên cứu kinh tế IBK cho biết, John Kerry sẽ dành phần đầu trong nhiệm kỳ của ông để xem xét vấn đề Bắc Triều Tiên và sau đó sẽ trở nên tích cực hơn trong việc tìm kiếm đối thoại.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng đã kêu gọi nối lại các cuộc đối thoại với Bắc Triều Tiên, trong khi đó nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un trong thông điệp năm mới, một động thái hiếm hoi tại Bình Nhưỡng hôm 1/1/2013 cũng kêu gọi hai miền thay vì đối đầu, hãy nên đối thoại.

Tuy nhiên cũng có chuyên gia lo ngại về khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng nếu họ tiếp tục đẩy nhanh vụ thử hạt nhân lần thứ 3. Nếu điều này xảy ra, Mỹ sẽ tạo áp lực rất lớn đối với Bình Nhưỡng vì đã có khả năng quân sự nhiều hơn sau khi rút khỏi Afghanistan và Iraq.

Ngày 12/12 Bắc Triều Tiên phóng thành công tên lửa đẩy Unha-3 mang vệ tinh vào quỹ đạo, tuy nhiên Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản tin rằng đây là một vụ thử tên lửa tầm xa "trá hình" của Bình Nhưỡng
Ngày 12/12 Bắc Triều Tiên phóng thành công tên lửa đẩy Unha-3 mang vệ tinh vào quỹ đạo, tuy nhiên Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản tin rằng đây là một vụ thử tên lửa tầm xa "trá hình" của Bình Nhưỡng

Trung Quốc dự kiến sẽ cố gắng giữ nguyên hiện trạng bán đảo Triều Tiên, theo Chung Young-tae tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, Bắc Kinh sẽ hành động như một trung gian giữa Bình Nhưỡng và Washington, từ quan điểm của Trung Quốc, Bắc Triều Tiên là một vùng đệmchiến lược để giữ chân Mỹ. Hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với Bắc Triều Tiên sẽ được tăng cường.

Tuy nhiên cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang rất muốn cải cách kinh tế Bắc Triều Tiên. Nếu như năm 2012 được xem là năm ông củng cố quyền lực thì 2013 sẽ là thời điểm tập trung để cải cách nền kinh tế sau khi đã thành công trong việc phóng vệ tinh vào không gian.

Các chuyên gia cũng cho biết dự án đường sắt và đường ống dẫn nhiên liệu qua Bắc Triều Tiên có thể thúc đẩy cải cách ở xứ sở này. Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ rõ sự quan tâm đến việc phát triển vùng Viễn Đông của Nga và sẵn sàng theo đuổi dự án đường sắt, đường ống nhiên liệu. Nếu Seoul tích cực theo đuổi các dự án này sẽ tạo đà xây dựng và củng cố mối quan hệ 2 miền Triều Tiên.
Hồng Thủy (Nguồn: Chosun)