Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Ông Vũ Mão: “Chuyện GS. Đặng Hùng Võ rất... không bình thường”

20/11/2012 06:18
Hồng Chính Quang
(GDVN) - "Nhiều người ở vào vị trí như anh Võ sẽ phủi, né tránh khi bị quy trách nhiệm coi như không liên quan. Chính vì thế chuyện này trở nên không bình thường nữa. Cũng có thể có những trường hợp khác, việc khác nhưng theo tôi những người dũng cảm và chân thành như thế thì có thể đếm trên đầu ngón tay ở đất nước này”, ông Vũ Mão nói.
Dù đã cùng ở những vị trí lãnh đạo cấp cao nhưng phải cho đến khi vụ Tiên Lãng xảy ra, ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và GS. Đặng Hùng Võ mới có dịp gặp nhau, trong cuộc Giao lưu trực tuyến được tổ chức tại trụ sở Báo Giáo dục Việt Nam. 

Nhưng những câu chuyện giữa hai người trong thời điểm ấy đã khiến chúng tôi ấn tượng bởi sự chân thành mà họ dành cho nhau. 

Vậy nên không quá khó hiểu tại sao việc GS. Võ gặp người dân Văn Giang lại được ông Vũ Mão quan tâm, chú ý đến vậy. Với mong muốn lắng nghe những chia sẻ về GS. Đặng Hùng Võ của ông Vũ Mão, chúng tôi đã tìm đến ông trong một ngày gió lạnh đầu đông.

Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Về việc anh Võ tự ứng cử Quốc hội...

Ông Vũ Mão nói: “Tôi biết anh Võ là một cán bộ được học hành bài bản, đào tạo căn cơ. Anh ấy cũng là người tự rèn luyện mình trong cuộc sống, trong thực tiễn, trong công việc và được tín nhiệm, đạt tới một cương vị đỉnh cao trong công tác (Chức vụ Thứ trưởng). Dù có nhiều Thứ trưởng nhưng điều làm tôi ấn tượng ở anh Võ là sự chân thành và luôn luôn suy nghĩ, phân tích, lật đi lật lại vấn đề đúng sai như thế nào. 

Cũng bởi anh Võ là người có trình độ, có uy tín, các cơ quan báo chí thường tìm đến anh ấy. Đó là điều rất tốt vì những phát biểu của anh có chất lượng về chuyên môn rất cao mà trung thực và cũng rất được lắng nghe, chú ý. Cho nên việc anh tham gia bằng cách này cách khác, ở nơi này, nơi khác trước là Tiên Lãng và bây giờ là của Văn Giang vì phù hợp với công tác của anh ấy trước đây”.

Ông Mão chia sẻ tiếp: “Điểm thứ hai ở anh Võ làm tôi nhớ nhiều đó là sự tâm huyết. Việc anh ấy xin ứng cử vào Quốc hội phần nào đã nói lên điều đó. Ngày đó, anh Võ không đạt được yêu cầu tự ứng cử do nhiều lý do. Nếu anh ấy được bầu làm đại biểu Quốc hội thì đó là điều rất tốt cho công việc của Quốc hội bởi anh ấy có trình độ hiểu biết về nhiều vấn đề, nhất là về đất đai – một trong những lĩnh vực được mọi người quan tâm đặc biệt và đụng chạm tới nhiều tham nhũng, đụng chạm tới lợi ích của nhiều người dân. Qua những gì tiếp xúc với anh, tôi có thể cảm nhận sự tâm huyết muốn dâng hiến những gì còn lại của cuộc đời mình cho đất nước. Tôi rất trân trọng và rất hoan nghênh.

Nói về buổi gặp gỡ với người dân Văn Giang của GS. Võ, ông Vũ Mão cho rằng: “Việc anh ấy chủ động gặp dân, lắng nghe trao đổi ý kiến của người dân và tại đây anh đã nhận lỗi trước dân về những thiếu sót thời anh còn làm việc là điều đáng quý lắm.

Nguyên nhân của vụ việc xuất phát cũng một phần từ cơ chế, chính sách pháp luật của chúng ta không được rõ ràng và khi triển khai cũng không làm đến nơi đến chốn. Qua đây chúng ta càng thấy rõ điểm yếu của cơ quan quản lý chức năng nơi anh Võ công tác và cấp trên của anh Võ ký cho chủ trương đó. Nhưng theo tôi, cũng phải nói đến những hạn chế và yếu kém của cơ quan giám sát, mà ở đây là Thanh tra Chính phủ, cũng như Uỷ ban hữu quan của Quốc hội.

Trước đây ở Quốc hội, Ủy ban pháp luật phụ trách nhưng sau đó theo chức năng đã thuộc về Ủy ban Kinh tế. Và tôi thấy các cơ quan đó chưa đi sâu vào vấn đề này lắm. Trong vụ việc ở Văn Giang, tôi thấy có 2 thiếu sót về công tác giám sát. Một là, văn bản của Bộ, của Chính phủ có thiếu sót mà không xem xét. Hai là, khi vụ việc đã xảy ra thì cũng không vào cuộc để giám sát, xem đúng sai như thế nào? 

GS. Đặng Hùng Võ trong buổi gặp mặt người dân huyện Văn Giang (Hưng Yên)
GS. Đặng Hùng Võ trong buổi gặp mặt người dân huyện Văn Giang (Hưng Yên)

"Người như anh Võ... rất hiếm"

Ông Vũ Mão trầm tư nói: "Trở lại câu chuyện của anh Võ: Anh là người dũng cảm và có lương tâm để nhận cái thiếu sót có liên quan ở vụ việc Văn Giang, thì tôi cho đó là con người rất có đạo đức, rất đáng quý. Bây giờ có người nói cái đó là chức năng của anh, khi anh làm sai thì anh phải nhận lỗi công khai, chuyện đó là cần thiết, bình thường. Nhưng nói đạo lý thì như vậy chứ có mấy ai nhận đâu.

Nhiều người ở vào vị trí như anh Võ sẽ phủi, né tránh khi bị quy trách nhiệm coi như không liên quan. Chính vì thế chuyện này trở nên không bình thường nữa. Cũng có thể có những trường hợp khác, việc khác nhưng theo tôi những người dũng cảm và chân thành như thế thì có thể đếm trên đầu ngón tay ở đất nước này”.

Từ câu chuyện của GS.Võ, ông Mão nhấn mạnh: “Qua đây, chúng ta nên tổng kết lại những văn bản ký như thế thì có ai giám sát chưa. Trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật, chúng ta đều nói là phải giám sát văn bản, kiểm tra văn bản thì bây giờ bộc lộ ra lỗ hổng đó.

Đây là bài học cho các cơ quan của chính phủ, cơ quan của các cơ quan của Quốc hội có liên quan. Còn bài học thứ hai là khi việc xảy ra rồi chúng ta xem xét, xử lý một cách công bằng. Đây là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Lâu nay nhận thức của chúng ta chưa đầy đủ hay đổ lỗi cho dân là đòi hỏi quá đáng mà không thấy lỗi, nguyên nhân sâu xa từ công tác quản lý Nhà nước của chúng ta: cơ chế, chính sách và lỗi đó là của người thi hành công vụ.

Đã đến lúc chúng ta phải lắng lại, nghiêm túc hơn. Ông cha ta đã có câu: “không có lửa làm sao có khói” để thấy rằng việc gì cũng có nguyên nhân của nó. Chúng ta tuy được phân công là công tác quản lý nhưng thực chất là phục vụ nhân dân, là “công bộc của dân”. Nhưng tôi chứng kiến nhiều vụ việc thì lại không phải là đầy tớ của dân. 

Trong các vụ việc, nếu chúng ta giải thích cho dân, làm cho đúng công tác đền bù thì tôi tin người dân sẽ ủng hộ vì truyền thống của người dân ta là luôn hết mình cho đất nước, trong kháng chiến truyền thống đó càng rõ nét. Dân tốt lắm nhưng rõ ràng đang tồn tại thực trạng là có sự không công bằng, không công khai minh bạch”.

Theo ông Vũ Mão, trường hợp của GS. Đặng Hùng Võ là một tấm gương cho các Đảng viên khác. Đảng và nhà nước nên coi đây là một sự kiện đưa ra một bài học chung cho tất cả các đảng viên nhất là những người còn vô cảm và đây là một hiện tượng tốt nên tổng kết thêm để thành bài học.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang