Nhìn nhận về văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện nay

PGS.TS Phạm Quốc Sử: "Bún mắng, cháo chửi"? Xin đừng buồn và thất vọng

17/07/2012 11:05
Viết Cường (thực hiện)
(GDVN) - Nói về văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện nay, PGS.TS Phạm Quốc Sử cho rằng: “Tôi không buồn, không thất vọng nhưng rõ ràng là thấy không ổn, không hài lòng”.

Xin đừng buồn và thất vọng…

Xung quanh câu chuyện ứng xử kiểu "bún mắng, cháo chửi...", chặt chém của nhiều chủ cửa hàng buôn bán, kinh doanh hiện nay tại Hà Nội đang được dư luận quan tâm, PGS.TS Phạm Quốc Sử - người có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa Việt Nam trên giảng đường đại học -  bộc bạch: “Tôi không buồn, không thất vọng nhưng rõ ràng là thấy không ổn, không hài lòng.

Không buồn, không thất vọng vì làm sao ta cứ buồn mãi được. Mình đã quá hiểu nó rồi, nó chỉ được có thế thôi và vốn mấy chục năm qua nó đã thế rồi, và nó sẽ còn như thế lâu dài. Chỉ có điều trong mấy chục năm trước, giữa cái đống đổ nát của văn hóa truyền thống, giữa cái lối sống cào bằng, kỳ thị vẻ đẹp cá tính và sự vượt trội, ta vẫn thấy có bóng dáng thanh lịch của người Hà Nội xưa còn phảng phất mơ hồ, trong khi cái xấu còn được nguỵ biện, nhưng giờ đây thì cái đẹp chưa có cơ hội bừng nở trong không khí hướng tới dân chủ thì cái xấu lại được công khai phô phang, sống sít, lấn át trong cuộc sống.
PGS.TS Phạm Quốc Sử cho rằng: "Bây giờ văn hóa ứng xử của người Hà Nội có những điều khiến cho chúng ta thấy không ổn, không hài lòng. Đó là bởi văn hóa truyền thống của chúng ta bị đổ vỡ".
PGS.TS Phạm Quốc Sử cho rằng: "Bây giờ văn hóa ứng xử của người Hà Nội có những điều khiến cho chúng ta thấy không ổn, không hài lòng. Đó là bởi văn hóa truyền thống của chúng ta bị đổ vỡ".

Nhưng nếu vì thế mà anh buồn, anh thất vọng thì anh đi đâu, anh từ chối thế giới này à, anh quay lưng lại với nó sao? Không được chứ, anh vẫn phải sống. Trước hết là phải chịu đựng đã và cố gắng đừng góp cho xã hội xấu thêm bởi chính bàn tay anh. Rồi nếu anh có tâm huyết, anh hãy làm cái gì đi, sao cho có đóng góp tích cực để cuộc sống xã hội tốt lên thì mới hay”.

PGS.TS Phạm Quốc Sử cũng đang có nhiều trăn trở về văn hóa Việt Nam hiện đại. Tham vọng của ông sẽ là cho ra đời một cuốn sách nói về văn hóa Việt Nam thời kỳ đương đại, trong đó có nhiều nội dung phê phán.

Ông nhận định: “Tâm lí chung của người Việt Nam nghe phê phán là không thích, nhưng vấn đề không phải là nêu ra hiện tượng để quy kết, mà là truy tìm đến nơi đến chốn cái nguyên nhân sâu xa dẫn tới cái xấu, giải mã, cắt nghĩa nó, nghĩa là viết làm sao vẫn nói được cái ý của mình, điều mình muốn nói mà người ta chấp nhận được.

Từ trước đến giờ khi nói về văn hóa người Hà Nội thì nhiều người nói hay quá lên và phần nhiều chưa đúng. Chúng ta thường có kiểu nói để động viên mình, động viên nhau nên nhiều khi có những cái không có chúng ta vẫn nói là có, hay vừa vừa thôi thì ca ngợi tuyệt hay, thái quá thành ra là tự mình ru ngủ mình. Cái dở thì ít nói đến, ngại nói đến và dễ tự ái khi người khác vạch ra cái xấu của mình”.

Nói về người Hà Nội hiện nay, ông cho rằng: “Hiện nay ở nội đô người Hà Nội gốc ít lắm, tìm được gia đình nào truyền thống có dăm bảy đời thì khó. Có khi cha mẹ ở Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An đến đây lập nghiệp sinh ra mình ở Hà Nội thì nói là quê em ở Hà Nội. Như vậy thì chưa đủ chiều dày thời gian để mang chở những giá trị văn hóa người Hà Nội”.

Còn không văn hóa Tràng An?

“Chẳng thơm cũng thể hoa Nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, nói về câu ca dao đã gắn liền với người Hà Nội lâu nay, PGS.TS Phạm Quốc Sử cho rằng: “Câu ca dao đó là niềm tự hào của người Hà Nội, đó là lời giới thiệu hay nhất, ngắn nhất về Hà Nội.

Hoa Nhài là một thứ hoa thơm nhưng thơm một cách dung dị và gần gũi. Nó là một thứ hoa của đời thường, bình dân chứ không phải là thứ hoa đài các mà chúng ta khó với tới. Tại sao người ta không ví với hoa khác mà lại ví với hoa Nhài – vì nó bình dân. 

Còn Tràng An là muốn nói đến đất đế đô, chứ Hà Nội không có tên Tràng An bao giờ cả. Tràng An là tên kinh đô của Trung Hoa, kinh đô Trường An, chúng ta đọc là Tràng An. Lấy chữ Tràng An để chỉ đất đế đô cho nên gần như tên Tràng An đối với Hà Nội là tên mượn, tên dân dã.

Trước sự xô bồ, ồn ào của xã hội hiện đại, không ít người thấy nuối tiếc về một thời vàng son của văn hóa Tràng An
Trước sự xô bồ, ồn ào của xã hội hiện đại, không ít người thấy nuối tiếc về một thời vàng son của văn hóa Tràng An

Ông phân tích: “Dẫu không thanh lịch thì cũng là người thủ đô, nhưng cũng lưu ý là Tràng An ở đây là đối với hoa Nhài, nên thanh lịch cũng vừa phải thôi, lịch sự nó cũng vừa phải thôi chứ không phải là quá ư sành điệu, quá ư sang trọng. Kinh đô này là của đất nước nông nghiệp, dân tộc nông nghiệp với văn hóa xóm làng mới là nét ưu trội, văn minh đô thị rất nhòe, còn nhiều nét lộn xộn được mang đến từ nông thôn, chỉ vừa hội tụ, gom thành lịch sử được nghìn năm tuổi nhưng phải qua rất nhiều tao loạn, giặc dã, có lúc còn mất cả vị trí đế đô để rồi bị nông thôn hoá đến thê thảm.

Có khi chúng ta đang xây dựng, đang kiến thiết bài bản rồi lại bị chiến tranh đổ nát, rồi lại xây dựng lại. Cứ như thế nên không có cái gì tồn tại được quá lâu để trở thành một nề nếp, một truyền thống, ra tấm ra miếng, mà cứ phải lụn vụn, chấp vá, lặp đi lặp lại mà rất ít phát triển. Chiến tranh xảy ra, giặc xâm lăng tràn vào và chúng ta phải kháng chiến, thậm chí phải tự phá những cái mình đã xây dựng lên. Bởi thế, các giá trị đều chưa chín tới, cái vội vã, tạm bợ, linh hoạt thì có, nhưng cái bài bản, uyên bác, có chiều sâu thì chưa được bao nhiêu.

PGS.TS Phạm Quốc Sử tuy không sinh ra tại Hà Nội nhưng ông cũng đã có hơn 30 năm sinh sống và làm việc tại đây. Trước băn khoăn về văn hóa ứng xử của người Hà Nội xưa kia và bây giờ, ông nhận định: “Tôi cho rằng nó không có sự khác biệt lắm, người Hà Nội vài chục năm trở về trước vốn đã như thế này rồi, tức là cái hay cái dở của hôm nay đều có cả, chứ không phải chỉ có cái hay thôi đâu.
Thăng Long- Hà Nội là nơi chọn lọc, là tinh hoa. Và vì thế, tính cách của người Thăng Long- Hà Nội xưa phải thể hiện ra bằng văn hóa, trước hết là văn hóa ứng xử. Ảnh: 1280.com
Thăng Long- Hà Nội là nơi chọn lọc, là tinh hoa. Và vì thế, tính cách của người Thăng Long- Hà Nội xưa phải thể hiện ra bằng văn hóa, trước hết là văn hóa ứng xử. Ảnh: 1280.com

Chỉ có điều lúc đó cái tương thân tương ái còn nhiều, cái e dè còn nhiều, cái xấu còn được nguỵ biện, giải thích theo cách khác, hoặc chưa đến mức hoành hành như hôm nay. Bây giờ sự tục tĩu đã dần được phô phang và người ta không còn e dè, ngần ngại khi phát ngôn ra những câu nói đó nữa, bởi nó đã phổ biến, được nhiều người sử dụng”.

Nói thêm về văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện nay, ông đánh giá: “Bây giờ văn hóa ứng xử của người Hà Nội có những điều khiến cho chúng ta thấy không ổn, không hài lòng. Đó là bởi văn hóa truyền thống của chúng ta bị đổ vỡ.

Văn hóa ứng xử là thành tố nằm trong cơ cấu hệ thống văn hóa nói chung của xã hội. Một thành tố đổ vỡ nằm trong hệ thống đổ vỡ. Điều này đã xảy ra khi xã hội bước từ truyền thống sang hiện đại. Văn hóa truyền thống của ta trước năm 1945 cũng từng có sự thay đổi khi các yếu tố phương Tây xâm nhập, nhưng sự cấy ghép, xâm nhập lẫn nhau giữa cái cũ, cái mới còn tương đối hài hoà, và trải qua trên nửa thế kỷ nên mọi cái đã bắt đầu ổn định. Nhưng gần đây, khi mở cửa để hội nhập, chúng ta phải cởi bỏ nhiều quy định, và có cả buông xuôi thiếu kiểm soát, thì văn hóa chuyển sang một giai đoạn mới, có phần mất phương hướng, dẫn đến đổ vỡ”.

Điểm nóng
Tranh cãi về Clip mỳ Gấu đỏ Góc ảnh độc giả
Văn hóa ứng xử nơi công cộng  Hình ảnh cười chỉ có ở giao thông VN
Hà Nội - một thời để nhớ
Bấm xem ảnh đẹp
Điểm nóng: Hành trình tổ công tác đặc biệt 142
Bấm xem clip hot
Viết Cường (thực hiện)