Pháp-Philippines ra tuyên bố phản đối dùng vũ lực ở Biển Đông

01/03/2015 09:52
Đông Bình
(GDVN) - Pháp-Philippines ra tuyên bố chung ám chỉ Trung Quốc không được đe dọa và dùng vũ lực ở Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Pháp-Philippines ra tuyên bố phản đối dùng vũ lực ở Biển Đông

Central News Agency (CNA) ngày 27 tháng 2 đưa tin, nguyên thủ hai nước Philippines và Pháp ra thông cáo chung nhấn mạnh: "Phản đối bất kỳ nước nào dùng phương thức đe doạ hoặc vũ lực xâm chiếm lãnh thổ nước khác, ủng hộ dựa vào luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ khu vực".

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Philippines Benigno Aquino tại Philippines ngày 26 tháng 2 năm 2015
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Philippines Benigno Aquino tại Philippines ngày 26 tháng 2 năm 2015

Theo bài báo, Tổng thống Pháp Hollande ngày 26 tháng 2 đến Philippines tiến hành chuyến thăm chính thức 2 ngày, chiều cùng ngày ông hội đàm với Tổng thống Philippinese Benigno Aquino, tại Điện Malacanang, hai bên ra "Tuyên bố chung tăng cường quan hệ đối tác Philippines-Pháp". Trong các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, hai nhà lãnh đạo tuyên bố rõ lập trường, phản đối bất cứ nước nào dùng "đe dọa hoặc vũ lực" và hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, "đoạt lấy lãnh thổ nước khác". Bài báo cho rằng, tuyên bố ám chỉ Trung Quốc.

Thông qua phát ngôn viên ngoại giao, Chính phủ Trung Quốc cho rằng, họ luôn có "thái độ kiềm chế và có trách nhiệm", rằng "vấn đề Biển Đông là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển giữa các nước có liên quan, không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN, cũng không phải là vấn đề khu vực và quốc tế, phải do hai bên đương sự thông qua đàm phán hữu nghị, dùng phương thức hòa bình để giải quyết". Rằng "Trung Quốc phản đối quốc tế hóa, đa phương hóa, mở rộng hóa vấn đề Biển Đông, bởi vì điều này không chỉ không thể giải quyết vấn đề, mà còn làm phức tạp hóa vấn đề".

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 28 tháng 2 cũng có bài viết “Tổng thống Pháp làm chỗ dựa cho Philippines trong tranh chấp lãnh thổ Biển Đông” cho rằng, Tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo Pháp-Philippines tuy không chỉ đích danh, nhưng rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc.

Những năm gần đây, Manila và Bắc Kinh rơi vào bất hòa do tranh chấp chủ quyền Biển Đông, Manila đã đệ trình tranh chấp lên tòa án trọng tài quốc tế. Ông Hollande và Benigno Aquino nhấn mạnh, cần căn cứ vào luật pháp quốc tế để thúc đẩy an ninh hàng hải, tự do đi lại, giải quyết hòa bình tranh chấp, đồng thời kêu gọi các bên liên quan thực hiện Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) một cách "đầy đủ và có hiệu quả", kịp thời hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc để thúc đẩy hòa bình và ổn định.

Hình ảnh đá Chữ Thập thuộc quần dảo Trường Sa của Việt Nam ngày 12 tháng 12 năm 2014 trên mạng sina Trung Quốc
Hình ảnh đá Chữ Thập thuộc quần dảo Trường Sa của Việt Nam ngày 12 tháng 12 năm 2014 trên mạng sina Trung Quốc

Ngoài ra, tuyên bố chung cũng chỉ trích chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chống lại "thảm họa của loài người" này.

Ông Benigno Aquino và Hollande đồng ý mở rộng và tăng cường quan hệ song phương Pháp-Philippines, cùng đối phó với biến đổi khí hậu. Đối với vấn đề này, Pháp cam kết cung cấp 50 triệu Euro cho Philippines để làm quỹ ứng phó thảm họa.

Trung Quốc không nghe Mỹ, từ chối chấm dứt hoạt động phi pháp

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 28 tháng 2 dẫn hãng tin AP Mỹ ngày 27 tháng 2 cho rằng, Trung Quốc ngày 27 tháng 2 tiến hành "biện hộ" cho hoạt động (phi pháp) của họ ở Biển Đông, cho rằng những hoạt động (phi pháp) đó là "kiềm chế và có trách nhiệm". Trước đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) cho rằng, hoạt động xây dựng đảo đá của Trung Quốc ở khu vực này là một hành động "hung hăng, hăm dọa" để bảo vệ "chủ quyền" của họ.

Chính phủ Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao Hồng Lỗi nói rằng, hoạt động của họ là "hợp tình, hợp lý, hợp pháp", "kiềm chế và có trách nhiệm". Rằng, Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể "thận trọng" hơn trong các vấn đề liên quan. Rằng, không có nước nào có quyền tiến hành chỉ trích "thiếu căn cứ".

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) James cho rằng, "mặc dù Trung Quốc tìm kiếm duy trì quan hệ ổn định với Mỹ, nhưng họ sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận quan hệ căng thẳng song phương và khu vực, có ý đồ đòi hỏi lợi ích, nhất là vấn đề chủ quyền trên biển". Hành động đưa ra đòi hỏi lãnh thổ đối với trên 80% diện tích Biển Đông của Trung Quốc là “quá mức”.

Theo trang mạng "Nam Hoa buổi sáng" Hồng Kông ngày 27 tháng 2, Trung Quốc tuyên bố "có chủ quyền" đối với hầu hết Biển Đông. Cuối năm 2013, Trung Quốc đã lập ra Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông, dư luận quốc tế quan ngại Bắc Kinh có thể sẽ lập ra Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông.

Hình ảnh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 13 tháng 12 năm 2014 trên mạng sina Trung Quốc
Hình ảnh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 13 tháng 12 năm 2014 trên mạng sina Trung Quốc

Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, Mỹ từng cho biết sẽ không thiên vị bất kỳ bên nào, các nước chủ trương chủ quyền liên quan cần hành động theo các quy tắc quốc tế.

Tuy nhiên, theo bài báo, Tư lệnh Hạm đội 7 Quân đội Mỹ vào tháng trước lại cho biết, hoan nghênh Nhật Bản mở rộng phạm vi tuần tra trên không tới Biển Đông, vì vậy việc làm này có thể đối phó với ưu thế sức mạnh quân sự của Trung Quốc, thậm chí nói trong tương lai Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông là thiết thực, khả thi.

Bài báo cho rằng, Chính phủ Trung Quốc thông qua cơ quan ngoại giao từng bày tỏ chỉ trích đối với việc Mỹ "dung túng" chủ trương chủ quyền của các nước như Philippines và Việt Nam. Về vấn đề Nhật Bản mở rộng phạm vi tuần tra tới Biển Đông, Trung Quốc phê phán Mỹ muốn gây ra tình hình căng thẳng, nhưng không chỉ đích danh Mỹ.

Theo trang mạng freebeacon.com ngày 26 tháng 2, quan chức Mỹ cho biết, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu chấm dứt hoạt động làm phá hoại ổn định ở các đảo tranh chấp trên Biển Đông do chính quyền Obama đưa ra trước đây.

Khi đến thăm Bắc Kinh, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell từng thúc giục quan chức Trung Quốc chấm dứt hoạt động xây đảo nhanh chóng mở rộng trong những năm qua.

Theo bài báo, những quan chức hiểu tình hình hội đàm cho biết, trong hội đàm với Trung Quốc vào ngày 10 tháng 2, yêu cầu của ông Daniel Russell đã bị đối phương từ chối. Trung Quốc cho rằng, những hoạt động xây dựng này được tiến hành trong "phạm vi chủ quyền" (ăn cướp) của Trung Quốc.

Bắc Kinh thông qua Dương Vũ Quân - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng ngày 29 tháng 1 ngang nhiên cho rằng: "Hoạt động cải tạo hạ tầng cơ sở và xây dựng trên các đảo, đá ngầm ở Biển Đông được tiến hành theo pháp luật (Trung Quốc). Các nước khác không có quyền chỉ chỉ trỏ trỏ đối với những hoạt động xây dựng này".

Hình ảnh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 23 tháng 1 năm 2015 trên mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 26 tháng 1 năm 2015
Hình ảnh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 23 tháng 1 năm 2015 trên mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 26 tháng 1 năm 2015

Theo hãng tin Central News Agency (CNA) Đài Loan ngày 27 tháng 2, trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, Quân đội Trung Quốc đã tiến hành diễn tập hơn 10 khoa mục tác chiến "chống đổ bộ, chống hạ cánh" ở đá Châu Viên (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Điều này hầu như nhằm vào rất nhiều nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Mạng Hải quân Trung Quốc ngày 23 tháng 2 cũng dưa tin về hoạt động diễn tập tác chiến này, đồng thời hình dung đội quân Trung Quốc đóng (trái phép) ở đá Châu Viên là "trạm đầu tiên Biển Đông".

Theo bài báo, Trung Quốc gần đây đẩy nhanh lấn biển xây đảo ở 6 đá ngầm, xây dựng căn cứ quân sự trên đó. Những căn cứ này có thể triển khai máy bay ném bom H-6 lắp tên lửa hành trình. Điều này cho thấy, nhà cầm quyền Bắc Kinh đang tập trung vào "chủ quyền Biển Đông", một khi có sự, Quân đội Trung Quốc có thể "tấn công quân đồn trú Mỹ ở Australia, ngăn chặn sự can thiệp của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ".

Nhật Bản sẽ tăng cường diễn tập hải quân với Philippines

Liên quan đến sự can dự của các nước lớn ở Biển Đông, hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 24 tháng 2 dẫn lời quan chức cho biết, người đứng đầu Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ngày 23 tháng 2 đến Philippines bắt đầu chuyến thăm 4 ngày, hành trình của ông gồm có gặp gỡ các quan chức Bộ Quốc phòng và Quân đội Philippines, có kế hoạch tham quan một căn cứ quân sự gần Biển Đông.

Theo phía Quân đội Philippines, Đô đốc Takei Tomohisa trước hết tổ chức cuộc gặp với Phó tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, hai bên đã thảo luận mối quan tâm liên quan đến "nhận thức lãnh hải và thách thức" trên Biển Đông.

Hai bên đã bày tỏ mối quan tâm chung đối với việc triển khai diễn tập hải quân song phương và hoạt động ứng phó thảm họa trong tương lai.

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Đô đốc Takei Tomohisa còn hội kiến với Thứ trưởng Quốc phòng và tư lệnh Hải quân Philippines.

Tư lệnh Hải quân Philippines cho biết, chuyến thăm của Đô đốc Takei Tomohisa nhằm tìm cách tiến hành tương tác trên các phương diện giữa hải quân hai nước, trong khuôn khổ của Bản ghi nhớ hợp tác và giao lưu quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Philippines và Nhật Bản được ký kết vào cuối tháng 1 năm 2015.

Đông Bình