Phát tài nhờ "rồng nổi" ở Campuchia

10/01/2012 12:54
Gia Bảo/Hôn nhân & Pháp luật
Ở khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia thời gian gần đây, liên tiếp có tin đồn thổi xuất hiện "rồng nổi". "Rồng nổi" trên mặt ruộng, "rồng" nhập xác bắt hồn...?
Sở dĩ người ta gọi là “rồng nổi” vì ngay trên nền đất vườn, nhà của người dân bỗng dưng… xuất hiện những dãy đất u nần, uốn lượn, kéo dài có hình dáng như rồng. Đầu tiên, “rồng nổi” ở địa phận Campuchia, khu vực gần biên giới tỉnh An Giang, Việt Nam. Và xung quanh những chuyện kỳ bí này có nhiều điều thêu dệt, truyền miệng. Người viết đã có chuyến đi thực tế tìm hiểu thực hư xung quanh chuyện này.



“Rồng nổi” trên mặt ruộng, “rồng” nhập xác bắt hồn?

“Rồng” là linh vật thứ 5 trong 12 con giáp. Thế nhưng, trên thực tế, chẳng có ai biết và thấy được hình thù của rồng như thế nào. Có chăng, con người chỉ được biết đến hình tượng của linh vật này qua tranh ảnh, hình vẽ hoặc các tạo hình trong phim ảnh. Theo truyền thuyết, rồng là con vật có thân hình dài, mình có nhiều vẩy, có 4 chân, đầu to có sừng, đôi mắt lớn và miệng rất to có thể phun ra lửa hoặc làm mưa. Rồng có sức mạnh vô biên, là vua cai trị ở một vùng, một không gian nào đó. Ví dụ như dưới biển thì có “Hải Long Vương” – Vua rồng trị vì biển cả.

Tuy vậy, trong số 12 linh vật theo tín ngưỡng dân gian thì chỉ có “rồng” (Thìn) là con vật kỳ bí nhất và không có trong đời sống thực tế con người. Còn lại các con giáp khác như: Chuột (Tý), Trâu (Sửu), Hổ (Dần), Mèo (Mẹo - ở Trung Quốc là Thỏ), Rắn (Tỵ), Ngựa (Ngọ), Dê (Mùi), Khỉ (Thân), Gà (Dậu), Chó (Tuất) và Heo (Hợi) đều là những con vật có thật trong cuộc sống và khá gần gũi với con người. Theo truyền thuyết thì rồng thường là do các loài vật khác tu luyện ngàn năm hóa thành như: “Cá hóa Long” (cá Chép tu luyện ngàn năm, được hóa kiếp thành rồng và được bay về trời). Hay gần với rồng nhất là loài rắn. Rắn có thân hình dài, có vẩy giống như rồng nhưng lại không có chân, đầu không có sừng.

Theo các truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian, rắn là con cháu, họ hàng gần của rồng, chỉ cần loài rắn tu luyện ngàn năm cũng có thể thành rồng, ấy gọi là đắc đạo, tu thành chánh quả. Còn theo quan niệm Trung Hoa và cả Việt Nam, rồng là biểu tượng của vua một nước, đại diện cho quyền uy, sự giàu sang tột độ. Tượng hình rồng thường được đặt ở một nơi trang trọng, tôn nghiêm.

Và như đã nói ở trên, thực tế không ai tận mắt nhìn thấy hay được biết rồng như thế nào, nhưng chỉ cần nhìn thấy một vạt mây tạo hình khác lạ trên bầu trời hoặc những vạt đất lô nhô, u nần, uốn lượn trên mặt đất, người ta lại cho đó là “rồng” hiện thân. Tình trạng này từng có dư luận đồn thổi diễn ra nhiều lần, nhiều nơi tại khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia.

Sự kiện “rồng nổi” lần đầu tiên xuất hiện cách đây 5 năm, tại cánh đồng xã Thđưng, huyện Skirivong, tỉnh Takeo (Campuchia). Một ngày giữa năm 2006, ông Đô-na, một nông dân người Campuchia, khi đi thăm ruộng đã hết sức ngỡ ngàng khi nhìn thấy ngay trên mặt đất ruộng gần dưới chân núi bỗng xuất hiện một giồng đất cao. Theo lời chủ đất này cho biết, mới ngày hôm trước đó, khi đi thăm ruộng, ông vẫn không phát hiện có điều gì khác lạ. Vậy mà chỉ qua một đêm, dãy đất này bỗng dưng nhô cao lên mấy tấc (khoảng 20-30cm). Điều đặc biệt là giồng đất nhô cao lại có hình dáng rất kỳ lạ, uốn lượn chạy dài từ mép ruộng vào chân núi?

Quá ngạc nhiên trước hiện tượng lạ này, ông đã về nhà kể lại với vợ con và hàng xóm. Nhiều người hiếu kỳ đã kéo nhau đến nơi giồng đất nhô cao để xem cho tường tận. Trong số hàng trăm người lũ lượt kéo đến xem, bỗng có người “phán” chắc rằng: “Trời ơi, rồng nổi đó! Phen này ông phát tài rồi, “rồng nổi” hiển linh ngay trên đất của ông là cho ông cả đời ăn sung mặc sướng, tiền xài không hết, chẳng khác gì một ông vua”.

Nghe vậy, bỗng dưng hàng trăm người sụp xuống, quỳ mọp khấn vái, lại lục nơi giồng đất nhô cao. Thấy mọi người tin tưởng, người đàn ông lúc này đĩnh đạc tách ra khỏi đám đông tiến tới bên giồng đất. Ông này không giới thiệu mình là ai, vì sao lại “am tường” chuyện huyền bí như thế nhưng ông vẫn thao thao bất tuyệt về những chuyện… trên trời.

Đi từ cuối giồng đất nơi mép ruộng đến điểm đầu gần chân núi, người đàn ông này giải thích: “Từ mép bờ ruộng lúa là đuôi rồng, còn đầu rồng hướng chạy vào chân núi. Vậy là “ổng” (rồng) sắp nhập sơn rồi”. Lời nói của người đàn ông càng làm cho sự việc càng trở nên thần bí. Vì thế, những người có mặt tại đây đã không chút nghi ngờ gì, liền khấn lạy, móc tiền ra cúng để mong được phúc.

Cả khu đất ruộng với đám lúa sắp thu hoạch của ông Đô-na bị dẫm đạp tả tơi vì trở thành sân lễ của đám đông người cúi lạy. Khói hương, nhanh đèn cũng được cắm khắp nơi, chạy dọc theo giồng đất, tiền bạc vung vãi khắp nơi. Và hiển nhiên, tiền cúng cho “thần rồng” không ai dám bén mảng tới lấy, hay chôm chỉa, mà đó là “lộc” của chủ đất. Từ hôm đó, ngày nào cũng có hàng trăm, thậm chí cả ngàn người từ khắp nơi trên đất nước chùa tháp và cả Việt Nam tìm tới nơi được cho là “rồng nổi” để cúng lạy, cầu phước.

Thấy vậy, ông Đô-na liền thuê mướn nhiều người mau mau thu hoạch lúa, để cả cánh đồng trống cho mọi người hành lễ với “thần rồng”? Vậy là khi thu hoạch xong, đốt đồng xong, giồng đất ấy lại càng trở nên nổi bật. Bất cứ lúc nào khi đi ngang qua khu vực này cũng thấy có rất nhiều người quỳ mọp, cúng lạy với vẻ rất thành kính. Không biết những người đến đây vái lạy, cầu phước có được như ý hay không nhưng chỉ khoảng một tháng sau khi tin đồn “rồng nổi” xuất lộ tại đây thì giống đất “lạ” ấy đã không còn thu hút được người đến viếng.

Sau đó, một câu chuyện ly kỳ mang tính chất tương tự cũng đã xảy ra. Đó là hơn 2 năm sau, tức vào đầu tháng 8/2008, cũng ở xã Thđưng, huyện Skirivong, tỉnh Takeo (Campuchia) lại có đến hai con rồng “nổi” ở hai ngôi nhà nằm cách nhau chừng 3km và được phân biệt rõ là “rồng đen” và “rồng trắng”. Người viết lúc đó cũng lại thân chinh xuất ngoại tìm đến tận nơi để xem hư thực thế nào. Đầu tiên, chúng tôi tìm đến căn nhà có “rồng đen” vừa mới nổi.

Cửa khẩu biên giới Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang buổi trưa hôm ấy có đến cả ngàn người nối đuôi nhau làm thủ tục xuất ngoại sang nước bạn Campuchia. Lẫn vào những người này, chúng tôi được biết từ hai, ba hôm trước, mỗi ngày có đến vài ngàn người Việt Nam và Thái Lan không quản đường xá xa xôi tấp nập đổ về đây để xem “rồng nổi”?

Vì phải vượt quãnh đường xa gần 200km, bụng chúng tôi đói cồn cào. Đến khu vực chờ Tà-Lập thuộc xã Thđưng, ghé vào một hàng quán tìm đĩa cơm lót dạ, chị bán hàng là Việt kiều, nói tiếng Việt rành như ở xứ mình, nhận ra ngay chúng tôi là đồng hương, liền bắt chuyện. Chị hỏi: “Mấy chú cũng qua đây coi “rồng nổi” hả? Mấy ngày nay, người ở đâu từ khắp nơi kéo về đây đông như kiến. Họ đều ghé đây ăn uống rồi hỏi đường đến chỗ “rồng nổi”.

Nghe nói “mấy ổng” (rồng nổi) linh lắm nghe. Từ ngày “rồng nổi” là chủ nhà câm như hến, ú ớ không nói năng gì được, còn mình mẩy cứng đơ. Con rồng ở nhà ông Chau Nhum là “rồng đen”, hung tợn lắm”. Nghe vậy, những người khách ngồi gần chúng tôi liền tức tốc lên đường vì nóng ruột muốn đến nơi xem cho biết. Chúng tôi cũng theo sau những đoàn người này.

Men theo con đường đất nhỏ, chúng tôi tìm đến căn nhà cuối cùng của phum Tơ-Tưng, xã Thđưng, nơi có cả ngàn người đang khấn lạy, khói nhang nghi ngút đến nghẹt thở. Đây chính là nơi “rồng đen” vừa mới nổi, chủ nhà là ông Chau Nhum. Ngay bên ngoài căn nhà này, có đến hàng chục hàng quán dã chiến bán nước giải khát, nhang đèn, giấy tiền vàng bạc và hình ảnh chụp lại cảnh “rồng nổi” trên mặt đất. Cảnh mua bán diễn ra nườm nượp. Giá bán hàng cũng thuộc dạng trên trời, dưới đất, chặt chém vô tội vạ. Một ốp nhang loại nhỏ xíu có giá chỉ 2.000 đồng thì ở đây được đẩy lên đến 10.000 đồng. Một tấm ảnh chụp hình “rồng nổi” có giá từ 20.000 – 50.000 đồng.

Sau khi bấm bụng mua ốp nhang, chúng tôi liền tiến vào sân để tiếp cận với khu vực “rồng nổi”. Thế nhưng, trong sân ken đặc người, chen chân không lọt. Ngay giữa sân có một cái bàn to đặt 2 lư hương cho mọi người đốt nhang, khấn vái và 2 cái thùng tôn (loại đựng nước sơn) to tướng để đựng tiền của khách cúng. Tiền cúng đầy cả hai chiếc thùng, có đủ loại từ ngoại tệ, tiền Riel (tiền Campuchia), tiền Bath (tiền Thái Lan) đến VNĐ (tiền Việt). Do có quá nhiều người đến cúng tiền nên thùng tiền cứ nhanh chóng vun đầy lên cao, tràn ra khỏi miệng thùng, vung vãi trên bàn.

Khi đó, người nhà sẽ mang thùng đầy ắp tiền vào trong cất giữ rồi mang cái thùng rỗng trở ra, đặt vào vị trí cũ. Số lượng tiền kiếm được không còn điếm xuể vì cứ độ 30 phút là đầy ắp một thùng. Ngay tại bàn đựng tiền luôn luôn có hai người đàn ông là người trong nhà đứng “giữ” trật tự và giữ thùng tiền. Mỗi người khách sau khi cúng lạy, cúng tiền xong được hai người này hướng dẫn sang bên trái để đến nơi “rồng nổi” cúng lạy tiếp.

Quan sát kỹ cái được gọi là “rồng nổi”, chúng tôi nhận thấy “kỹ thuật tạo tác” của tác phẩm này khá ấn tượng. Những dãy đất u nần, lô nhô có hình dáng uốn lượn chạy dài từ ngoài cửa chính ngôi nhà vào tận trong buồng ngủ, ước dài khoảng 6m. Theo người nhà cho biết, con rồng này là “rồng đen” vì toàn bộ dãy đất được cho là “rồng nổi” chỉ toàn một màu đen. “Rồng đen” rất hung dữ, nó chạy từ ngoài cửa (phần đuôi) vào trong buồng mới ló đầu ra, há miệng vô cùng hung tợn. “Từ khi “rồng đen” nổi tại nhà, thì chồng tôi (ông Chau Nhum) bị nhập xác, bắt hồn, bây giờ nằm cứng đơ như cái xác, miệng ú ớ không nói được gì nhưng ông vẫn không chết. Bây giờ, cả nhà tôi không ai dám nói gì bậy bạ vì xúc phạm đến “thần rồng” thì rồng sẽ bắt hồn chồng tôi chết luôn và trừng phạt cả nhà.

Bất cứ ai dám có lời lẽ xúc phạm đến “thần rồng” đều bị trừng phạt, bệnh hoạn đau ốm mà chết” – vợ gia chủ nói như để răn đe khách. Sau một lúc làm vẻ mặt như vô cùng hoàng sợ khi kể những câu chuyện huyền bí với khách, bà chủ nhà còn tiết lộ nhiều chuyện “trên trời”, chuyện thiên cơ. Bà nói rằng, sau khi “thần rồng” nhập vào xác chồng bà thì “thần rồng” chỉ cho bà gặp mặt ông một lần duy nhất để nói những điều cần nói. “Thần rồng” nói với tôi là ngài được thiên đình giao nhiệm vụ xuống trần gian để giúp đỡ người đời, tạo phước cho trần gian. Vì vậy, những người biết tôn kính “thần rồng”, biết làm chuyện phước đức, biết cúng vái, biết hậu lễ cho ngài thì ngài sẽ ủng hộ, ban phước lành, muốn gì được đó. Còn người không biết điều, bất kính với ngài sẽ bị trừng phạt thích đáng” – bà chủ nhà tiếp tục dọa.

Sau khi thấy chúng tôi chụp liên tục mấy kiểu hình ảnh đám đông cúng lạy và nơi “rồng nổi”, một thanh niên tự xưng là con của chủ nhà đến ngăn cản, không cho chụp nữa. Họ còn bắt chúng tôi phải lùi ra xa khỏi nơi “rồng nổi” ít nhất là 1m, cấm không cho chạm vào mình rồng vì đó là chỗ “linh thiêng”. Chúng tôi giãi bày, vì trong người đang bị bệnh nặng, rất mong được diện kiến “thần rồng” (tức gặp mặt ông Chau Nhum) nhưng người nhà nhất quyết không cho. Họ nói bất cứ ai cũng không được gặp. Nếu để người khác gặp mặt là thân thể gia chủ bị đau nhức dữ dội vì bị “thần rồng” trừng phạt. Nài nỉ mãi vẫn không được, trái lại, chúng tôi còn được người nhà của gia chủ “chăm sóc đặc biệt”. Họ luôn đi kè kè theo sau chúng tôi và sẵn sàng ra tay ngăn cản khi chúng tôi giơ máy ảnh lên chụp. Thấy tình hình trở nên gay gắt, chúng tôi liền bước ra khỏi đám đông vào một quán giải khát để tránh sự chú ý của họ.

Những chuyện “rồng” giúp gia chủ… phát tài

Không được diện kiến “thần rồng” tức “rồng đen” nhà ông Chau Nhum, chúng tôi men theo con đường đất đi bộ gần 3km tìm đến một căn nhà nơi có con rồng thứ hai nổi cùng thời điểm với “rồng đen”. Đó cũng là một căn nhà vách lá nghèo xác xơ ở phum Cà- Na thuộc xã Thđưng. Không biết do đường khó đi, nhà khó tìm hay do cách “quảng bá” về “rồng nổi” không sốc như ở nhà ông Chau Nhum mà nơi đây có ít người cúng viếng hơn. Vì thế, khi chúng tôi đến nơi thì được gia chủ đón tiếp niềm nở, ân cần.

Bà chủ nhà và các cô con gái còn mời chúng tôi vào nhà ngồi uống nước rồi xởi lởi kể chuyện “rồng nổi” xuất lộ tại nhà bằng tiếng Việt, kiểu tiếng được tiếng mất nhưng rất nhiệt tình với khách. Bà chủ nhà kể, một buổi sáng thức dậy, vừa ra đến cửa thì chồng bà bỗng dưng… té xỉu rồi nằm bất động. Một lúc sau, các con bà mới phát hiện ra cha mình nằm đó. Lúc mọi người đến đỡ ông ngồi dậy mới phát hiện nền đất bên dưới chỗ ông nằm có hình thù kỳ lạ. Dãy đất không ngừng nhô cao như đang bị thổi phồng bằng khí hơi, những cục u nần có hình dáng như vẩy cá nhưng rất to.

“Sau khi trời sáng hẳn, cả nhà tôi mới nhìn rõ, dãy đất có hình dáng kỳ lạ bắt đầu xuất lộ từ phía cửa chính chạy dài vào tận trong buồng ngủ. Tuy nhìn hình thù kỳ lạ của dãy đất rất giống hình dáng của con rồng nhưng gia đình tôi không dám khẳng định, cũng không dám nói với ai. Đến trưa hôm đó, mấy người trong phum này sang phum Tơ-Tưng rồi trở về nói là có “rồng nổi” bên đó. Họ mô tả hình dáng “rồng nổi” bên đó rất giống với hình thù kỳ lạ tại nhà tôi. Thấy vậy, tôi mời những người chứng kiến “rồng nổi” bên phum kia đến nhà tôi xem thì họ khẳng định đây cũng là “rồng nổi”. Hai con rồng này giống nhau như đúc, chỉ khác là rồng ở bên kia là “rồng đen”, còn rồng ở nhà tôi là “rồng trắng”” – bà chủ nhà nhớ lại.

Theo lời gia chủ căn nhà có “rồng trắng” xuất lộ dưới nền nhà thì “thần rồng” ở nhà hiền lành, không làm hại chồng bà mặc dù ông này cũng bị “thần rồng” nhập xác. Thế nhưng, kể cả bà và con cái trong nhà đều được gặp mặt ông thường xuyên để nghe lời “thần rồng” chỉ dạy. Chủ nhà giải thích thêm: “Không giống như “rồng đen” ở bên phum Tơ-Tưng, nghe nói “thần rồng” hung tợn lắm, hành ông chủ nhà không cho ăn uống, không cho gặp mặt ai. Còn “rồng trắng” thì cho chồng tôi ăn uống bình thường, vẫn nói chuyện được nhưng ngoài người nhà thì ngài không cho gặp khách lạ”.

Mặc dù chủ nhà nơi “rồng trắng” xuất lộ có thái độ rất thân thiện, ân cần, niềm nở với khách nhưng không hiểu vì sao nơi đây có ít người đến viếng. Ngoài sân cũng bày biện bàn thờ, lư hương và thùng đựng tiền khách cúng nhưng chỉ thưa thớt người đến cúng viếng, không tấp nập, ken đặc như chỗ “rồng đen”. Vì thế, cũng không có người bày bán nước giải khát, nhang đèn. Nhiệm vụ này được người nhà gia chủ “kiêm nhiệm”. Mỗi lần có khách đến muốn cúng viếng “thần rồng”, con gái của chủ nhà sẽ lấy một ốp nhang ra đốt rồi đưa cho khách. Khách không bị đòi trả tiền nhang, mà tùy vào lòng hảo tâm bỏ tiền vào thùng cúng trên bàn.

Tuy không đòi hỏi nhưng từng hành động của khách đều được người nhà giám sát chặt. Nếu khách “sộp” bỏ những tờ tiền mệnh giá lớn vào thùng thì gia chủ càng niềm nở ra mặt, hồ hởi mời mọc, kể thêm nhiều chuyện kỳ bí về gia đình mình cho khách nghe. Còn với khách “ki bo” thì họ cũng chẳng nói, nhưng rất phiền trong bụng và không “chăm sóc” những vị khách đó nữa. Sau khi quan sát kỹ và đoán biết tâm ý gia chủ, chúng tôi liền móc túi bỏ vào thùng những tờ giấy bạc loại mệnh giá 50.000 đồng. Thấy vậy, bà chủ nhà vui ra mặt. Bà còn cho phép chúng tôi thoải mái tham quan, chiêm ngưỡng “thần rồng” từ ngoài cửa vào tận trong buồng. Nhưng tuyệt nhiên, chúng tôi không thấy mặt của ông chủ nhà bị cho là rồng nhập xác đâu.

Thấy chúng tôi quan sát kỹ, lại dùng máy ảnh chụp hình, quay phim rồng lại, bà chủ nhà liền nói xen vào: “Mấy ngày đầu, “ổng” (rồng) cao lắm, nhô lên khỏi mặt đất nền nhà cỡ 3 tấc (30cm) lận. Nhưng hai hôm nay thì xẹp xuống lại”. Đợi lúc bà không để ý, chúng tôi dùng tay cạy một cái “vẩy rồng” lên khỏi nền nhà và quan sát.

Thì ra đó là những mảnh đất sét màu trắng được tạo hình rồi đắp lên trên một giồng đất cát pha ngay trên nền nhà. Gần đó có nhiều “vẩy rồng” khác cũng sắp bong lên vì trời nắng nóng, khô cằn. Thấy chúng tôi cầm “vẩy rồng” trên tay lật qua lật lại xem, cô con gái chủ nhà vội chạy tới la oai lái. Chị này bảo làm như vậy là xúc phạm “thần rồng”, “ngài” sẽ bị đau.

“Lúc mới phát hiện, trong nhà cũng có người cạy “vẩy rồng” lên, lập tức cả giồng đất nhô cao uốn éo, ghê lắm. Từ đó, cả nhà không ai dám động đến thân hình rồng và cũng không cho người khác động vào” – chị này cho biết. Thế nhưng, chúng tôi có dán mắt vào cái gọi là “mình rồng” để chờ xem rồng uốn éo, cựa quậy mà chẳng thấy đâu. Chị này vội chạy đi lấy một ca nước lạnh tạt lên mình rồng và giải thích, phải thường tạt nước lên mình cho “thần rồng” mát thì ổng mới không bị xẹp. Từ lúc này, người nhà mới bắt đầu cảnh giác với chúng tôi và những người khách đến tham quan, cúng viếng “thần rồng” hơn.

Trong chuyến trở lại Thđưng để tìm hiểu chuyện “rồng trắng” và “rồng đen” xuất lộ, chúng tôi cố tình quay lại địa điểm cũ, nơi từng được cho là “rồng nổi” trên mặt đất ruộng hơn 2 năm về trước ở cùng địa phương này. Người đàn ông hành nghề chạy xe ôm chở khách ở Thđưng là dân Việt kiều đưa chúng tôi trở lại chốn cũ. Người đàn ông này quả quyết, sau cái lần “rồng nổi” trên đất ruộng đó, ông Đô-na đã giàu lên nhanh chóng. “Giàu là phải thôi vì số tiền hàng ngàn người từ khắp nơi trong nước, ngoài nước tới cúng không biết bao nhiêu mà kể. Sau lần đó, đến mùa lúa năm sau, ông này không thèm sạ vì bận… xây nhà.

Căn nhà lá rách nát của ông này trước được thay bằng căn nhà tường sang trọng. Bây giờ, xe hơi, xe máy, thứ gì ông cũng có. Càng trúng mánh hơn là mảnh đất ruộng nơi được cho là “rồng nổi” của ông được một Việt kiều bên Mỹ về mua với giá cao ngất ngưởng, nghe đâu gần chục tỷ đồng tiền Việt, để xây cất “am thờ” Bây giờ, ông ta đâu còn làm ruộng cực khổ nữa, một bước là lên xe hơi, không khác gì đại gia” – người đàn ông này nói.

Còn căn nhà lá nghèo xác xơ của ông Chau Nhum nơi “rồng đen” nổi tại nhà cũng nhanh chóng nhường chỗ cho một căn nhà tường hoành tráng. Không biết “rồng đen” thoát khỏi xác và trả hồn cho ông Nhum lúc nào, mà bây giờ, ông trở thành một đại gia có tiếng ở Thđưng. Còn căn nhà có “rồng trắng” nổi tuy không giàu nhanh như những trường hợp khác nhưng thay vào đó là căn nhà cấp bốn được xây dựng cứng cáp, không còn cảnh vách lá nhà tre như trước nữa.

Những người biết chuyện đứng xa xa bên ngoài sự việc ngay từ thời điểm rộ tin đồn “rồng nổi” bây giờ lại có cách bình luận khác. Họ nói, chuyện “rồng nổi” thì thực hư chưa rõ, linh hiển thế nào không biết nhưng có một điều chắc chắn là hầu hết “thần rồng” đều giúp gia chủ phát tài lên vô cùng nhanh chóng. “Đó là “nhờ” sự mê tín dị đoan đến thiếu suy nghĩ của hàng ngàn người khắp nơi, sẵn sàng móc túi, vung tiền cúng viếng cho những chuyện trên trời, dưới đất” – một người dân nói với chúng tôi như thế.

Gia Bảo/Hôn nhân & Pháp luật