Philippines mua 2 máy bay vận tải C-130T, mua vũ khí cho 2 tàu hộ vệ

21/08/2014 10:04
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ có thể đã phê chuẩn bán 2 máy bay vận tải chiến thuật C-130T cho Philippines; chuyên gia TQ nói xấu lãnh đạo và chê phát triển vũ khí của Philippines.
Máy bay vận tải C-130 do Mỹ chế tạo
Máy bay vận tải C-130 do Mỹ chế tạo

Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 21 tháng 8 đưa tin, theo trang mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc, Mỹ có thể đã phê chuẩn bán 2 máy bay vận tải chiến thuật C-130T của hãng Lockheed Martin cho Philippines.

Trong một tuyên bố vào tháng 7 năm 2014, Cơ quan hợp tác quốc phòng-an ninh Mỹ (DSCA) đã thông báo với Quốc hội thỏa thuận bán vũ khí này, thỏa thuận còn bao gồm 10 động cơ T56-16 của Công ty Rolls-Royce (trong đó có 2 cái dự phòng) và cung cấp hỗ trợ bảo đảm dịch vụ trong 3 năm.

Khoản giao dịch này trị giá 61 triệu USD, nhưng Cơ quan hợp tác quốc phòng-an ninh Mỹ cho biết, khoản giao dịch này còn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu giao dịch thành công, điều này sẽ nâng cao rất lớn khả năng vận tải chiến thuật của Philippines, nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai.

Tàu chiến mạnh nhất Philippines tham gia tập trận với Mỹ ở Biển Đông (ảnh tư liệu)
Tàu chiến mạnh nhất Philippines tham gia tập trận với Mỹ ở Biển Đông (ảnh tư liệu)

“Philippines không có quy hoạch phát triển quân bị”

Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 20 tháng 8 cũng cho biết, Bộ Quốc phòng Philippines đã cấp 2,5 tỷ peso (khoảng 57 triệu USD) mua trang bị quân sự cho 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ mới.

Đối với vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác bình phẩm cho rằng, Bộ Quốc phòng Philippines cấp phát kinh phí để mua sắm vũ khí, phản ánh Tổng thống Philippines Aquino “lôi kéo” Quân đội Philippines và cho thấy Philippines “không có quy hoạch” trong phát triển quân bị.

Theo tờ “Jane's Defense Weekly” Anh ngày 13 tháng 8, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines phụ trách mua sắm, trang thiết bị và hậu cần, ông Patrick Velez cho biết, Bộ Quốc phòng Philippines đã cấp 2,5 tỷ peso mua sắm hệ thống vũ khí và trang bị quân sự cho 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ mới.

Theo bài báo, một quan chức thông tin Hải quân Philippines cho biết, Hải quân và Bộ Quốc phòng Philippines còn chưa xác định loại vũ khí, trang bị và thiết bị phụ trợ sẽ mua, đồng thời sẽ tiếp tục đưa ra quyết định sau khi xét duyệt xong thư kiến nghị của nhà thầu.

Ngày 28 tháng 6 năm 2014, Mỹ và Philippines tiến hành tập trận chung trên Biển Đông (ảnh tư liệu minh họa)
Ngày 28 tháng 6 năm 2014, Mỹ và Philippines tiến hành tập trận chung trên Biển Đông (ảnh tư liệu minh họa)

Doãn Trác cho rằng, trước hết, nhìn vào môi trường chính trị trong nước của Philippines, Tổng thống Aquino muốn dùng mua sắm vũ khí để lôi kéo quân đội, bởi vì gia tộc ông luôn không có quan hệ tốt với quân đội, quân đội từng 2 lần muốn phát động chính biến. Ông Aquino muốn thành công trong tranh cử lần sau thì phải giành được sự ủng hộ của quân đội, cho nên ông rõ ràng đang “lấy lòng” quân đội.

Thứ hai, điều này phản ánh Philippines không có quy hoạch trong phát triển quân bị. 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ này của Philippines khi mua từ nước ngoài về hoàn toàn không được trang bị đồng bộ, không mua vũ khí, trong khi đó, Philippines cũng không có tên lửa.

Nhìn vào tình hình hiện nay, 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ này phải chăng sẽ lắp tên lửa còn không thể dự đoán. Trong khi đó, tàu hộ vệ hạng nhẹ của nước ngoài về cơ bản đã được lắp tên lửa.

Doãn Trác nói: “Dùng 57 triệu USD trang bị hệ thống vũ khí cho 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ, nếu có các thiết bị như radar, thông tin, thì chỉ có thể lựa chọn hàng rẻ hoặc đã qua sử dụng. Nhưng, bất kể nói thế nào, vụ mua bán này chắc chắn không mang tính quy hoạch”.

Đông Bình