Quan hệ Trung-Nhật rơi xuống vực thẳm sâu nhất trong hơn 40 năm qua

13/09/2013 08:55
Đông Bình
(GDVN) - Ngô Hoài Trung tự tin cho rằng, trong quan hệ Trung-Nhật đã có sự thay đổi về "thế". Xu thế "Trung Quốc mạnh lên, Nhật Bản yếu đi" đã không thể đảo ngược. Ông chê Nhật Bản "bẩm sinh" đã có điểm yếu về năng lực chiến lược, có thể gây tranh chấp trong một số vấn đề, nhưng năng lực đối đầu chiến lược không đủ, khó làm được "đến cùng".
Trung Quốc điều tàu cảnh sát biển đến vùng biển đảo Senkaku
Trung Quốc điều tàu cảnh sát biển đến vùng biển đảo Senkaku


Sau 1 năm đối đầu, Trung Quốc được lớn hơn mất?

Do vấn đề đảo Senkaku, trong năm qua, quan hệ chính trị và kinh tế Trung-Nhật đã bị thụt lùi, đình trệ, đối đầu giữa hai nước ở đảo Senkaku đã trở nên thường xuyên. Về được-mất trong năm qua, Trung Quốc và Nhật Bản cơ bản đều "thua", nhưng đánh giá như vậy là quá đơn giản.

Theo bài báo, Nhật Bản đã không thực hiện được mục đích tăng cường củng cố sự kiểm soát đối với đảo Senkaku, vì "đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền" (đảo Senkaku), "đánh giá sai phản ứng" của Trung Quốc, vì vậy một số tình hình phát triển sau đó đã "trở tay không kịp".

Quan hệ Trung-Nhật rơi xuống vực thẳm trong hơn 40 năm qua, đây là sự tổn thất cho cả hai bên, nhưng sự lệ thuộc của kinh tế Nhật Bản vào Trung Quốc có xu thế tăng lên, đã vượt qua điểm cân bằng phụ thuộc lẫn nhau Trung-Nhật. Đối với đối đầu Trung-Nhật, sự nhẫn nại chiến lược của Nhật Bản thấp hơn Trung Quốc, lo ngại lớn hơn Trung Quốc.

Cánh hữu Nhật Bản là người được lợi lớn nhất từ mâu thuẫn Trung-Nhật. Cứng rắn với Trung Quốc đã làm gia tăng tỷ lệ ủng hộ đối với chính quyền Shinzo Abe. Trong khi đó, cái lợi Trung Quốc có được trước hết là giành được vị trí có lợi hơn trong tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku, việc "kiểm soát có hiệu quả" của Nhật Bản bắt đầu lung lay. Trung Quốc thông qua các hành động thực tế "khẳng định ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển, quyết tâm của Trung Quốc có sức răn đe hơn".

Biên đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc - hình ảnh do Nhật Bản công bố.
Biên đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc - hình ảnh do Nhật Bản công bố.

Theo bài báo, đảo Senkaku đã trở thành khâu bùng nổ thái độ bất mãn, thậm chí thù địch của bên ngoài, trong đó có Nhật Bản đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng bài báo cho rằng, Trung Quốc đã kiểm soát thành công vấn đề này. Trung Quốc hiện nay có khả năng "cứng" lâu dài với Nhật Bản.

Xu thế xuất khẩu chung trong ngắn hạn của Trung Quốc tốt đẹp, sự tổn thất của thị trường Nhật Bản hoàn toàn không ảnh hưởng tới diện kinh tế lớn của Trung Quốc. Ngoài ra, mức độ ủng hộ của người dân đối với chính sách Nhật Bản của Trung Quốc cao.

Trung-Nhật đối đầu sẽ làm cho Nhật Bản tiếp tục nghiêng về Mỹ, nhưng Mỹ-Nhật luôn là đồng minh, Mỹ đóng quân ở Nhật Bản, không gian và giá trị tiếp tục gần gũi của Mỹ-Nhật thực chất đều "có hạn", việc tăng cường gây sức ép với Trung Quốc cũng "có hạn". Trung-Nhật lạnh nhạt thậm chí "đối đầu lạnh" sẽ tiếp tục.

Báo Trung Quốc tự tin cho rằng, Trung Quốc là bên "chủ động chiến lược", thực lực của Trung Quốc tăng nhanh hơn, từng bước có sức thu hút hơn. "Bao vây giá trị quan" ở khắp nơi (nhằm bao vây, kiềm chế Trung Quốc) của Nhật Bản là "trống rỗng", xã hội Trung Quốc "đoàn kết và tự tin chưa từng có" trong quan hệ với Nhật Bản.

Tàu cá Nhật Bản không còn dám đến vùng biển đảo Senkaku?

Ngày 11 tháng 9, tờ "Yomiuri Shimbun" Nhật Bản cho biết, do vùng biển xung quanh đảo Senkaku là một ngư trường tốt đánh bắt cá ngừ, vùng biển này trở thành tiêu điểm đối đầu giữa hai nước Trung-Nhật. Nhưng, do hoạt động xâm phạm thường xuyên của tàu công vụ Trung Quốc, hầu như không nhìn thấy tàu cá của Nhật Bản tại vùng biển này, ngư dân Nhật Bản cũng không dám tiếp tục ra khơi đánh cá.

Trung Quốc điều tàu cảnh sát biển đến vùng biển đảo Senkaku. Hình ảnh do đài truyền hình Nhật Bản công bố.
Trung Quốc điều tàu cảnh sát biển đến vùng biển đảo Senkaku. Hình ảnh do đài truyền hình Nhật Bản công bố.

Theo bài báo, ngay từ năm 1970, tỉnh Okinawa, Nhật Bản mỗi ngày có khoảng 160 tàu ra khơi đánh cá, nhưng hiện nay cả đảo Irabu và đảo Yonaguni chỉ có vài tàu ra khơi. Phí nhiên liệu tăng cao cũng là một trong những lý do lớn nhất.

Nhưng, gần đây, tàu công vụ Trung Quốc thường xuyên đe dọa đã trở thành một nguyên nhân quan trọng. Theo một ngư dân thì "mọi người không muốn bị kéo vào chuyện thị phi, cũng có người cố gắng tránh tàu Trung Quốc, chúng tôi cũng rất lo ngại".

Theo tờ "Yomiuri Shimbun", tháng 2 năm 2013, một tàu cá của tỉnh Kagoshima Nhật Bản từng bị tàu hải giám Trung Quốc áp sát cảnh cáo. Hiệp hội nghề cá của thành phố Ibusuki, tỉnh Kagoshima tiết lộ, khi đó 2 tàu hải giám Trung Quốc đã áp sát 2 tàu cá của Nhật Bản, ngư dân lập tức ngừng hoạt động, khởi động tàu cá sẵn sàng rời đi, nhưng tàu hải giám Trung Quốc vào 5 giờ chiều đã đuổi theo tàu cá.

Ngoài ra, tháng 5 năm 2013, nghị sĩ thành phố Ishigaki đã cùng ngư dân ra khơi, từng bị 3 tàu hải giám Trung Quốc bao vây ở vùng biển lân cận đảo Senkaku. Tàu hải giám Trung Quốc ra sức hăm dọa, nhưng đã bị tàu tuần tra Nhật Bản ngăn cản, cuộc đối đầu kéo dài tới 7 giờ đồng hồ.

Nghị sĩ này cho biết: "Tàu công vụ Trung Quốc áp sát gây cảm giác sợ hãi, như vậy ngư dân không thể ra khơi đánh cá. Trung Quốc rất có thể sẽ tiến hành kiểm soát gây mất hiệu lực ở vùng biển này. Hy vọng Chính phủ Nhật Bản có thể (áp dụng các biện pháp) để ngư dân yên tâm đánh cá".

Nhật Bản: Kiên quyết bảo vệ lãnh thổ

Tờ "Asahi Shimbun" Nhật Bản vừa có bài viết cho rằng, từ ngày 11 tháng 9 năm 2012 đến nay, quan hệ Nhật-Trung đóng băng được cho là "chỉ còn lại sự chỉ trích và phản đối lẫn nhau".

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật Bản đối đầu quyết liệt ở vùng biển đảo Senkaku. Hình ảnh do đài truyền hình Nhật Bản công bố.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật Bản đối đầu quyết liệt ở vùng biển đảo Senkaku. Hình ảnh do đài truyền hình Nhật Bản công bố.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, phản đối 7 tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm nhập vùng biển 12 hải lý đảo Senkaku (thời gian xâm nhập dài nhất, lên tới 28 giờ 36 phút, cự ly cách đảo Senkaku gần nhất là 0,28 hải lý). Đây là lần thứ 59 tàu công vụ Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku trong 1 năm qua, gây thách thức không nhỏ cho sự quản lý, kiểm soát thực tế của Nhật Bản.

Theo tờ "Hoàn Cầu", từ "mối đe dọa" Trung Quốc, Chính phủ Nhật Bản đã  tăng ngân sách quốc phòng, mở rộng chức năng của Lực lượng Phòng vệ, giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện vừa qua...

Ngày 10 tháng 9, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản tuyên bố cứng rắn cho rằng: Kiên quyết bảo vệ, kiên quyết ứng phó, tuyệt đối không nhượng bộ. Quan chức Nhật Bản đưa ra phát biểu trên trong thời điểm tròn 1 năm Chính phủ Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa đảo Senkaku rất có thể là phương châm trong xử lý vấn đề đảo Senkaku của Chính phủ Nhật Bản trong 1 năm tới.

Nhật Bản tăng cường cảnh giới ứng phó Trung Quốc

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 12 tháng 9 cho biết, ngày 11 tháng 9, tàu công vụ của Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục triển khai đối đầu ở vùng biển lân cận đảo Senkaku.

Tàu tuần tra Nhật Bản theo sát tàu cảnh sát biển Trung Quốc tại vùng biển đảo Senkaku. Hình ảnh do Nhật Bản công bố.
Tàu tuần tra Nhật Bản theo sát tàu cảnh sát biển Trung Quốc tại vùng biển đảo Senkaku. Hình ảnh do Nhật Bản công bố.

Theo bài báo, trong ngày tròn 1 năm Chính phủ Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa đảo Senkaku, 4 tàu cảnh sát biển Trung Quốc (gồm tàu Hải cảnh 2350, Hải cảnh 1115, Hải cảnh 2112, Hải cảnh 2506) tiếp tục đến khu vực tiếp giáp của đảo Senkaku, trong khi đó Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng điều 4 tàu tuần tra chạy song đôi, đọ sức "một chọi một" với tàu Trung Quốc với khoảng cách vài trăm mét.

Hãng AFP bình luận, trong thời điểm tròn 1 năm Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa đảo Senkaku, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã gia tăng cảnh giới. Trong 1 năm qua, quan hệ hai nước Trung-Nhật đã xấu đi nghiêm trọng, tàu công vụ hai nước liên tiếp đối đầu. Quan chức Nhật Bản cho biết, vào thứ Ba vừa qua, 8 tàu Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải đảo Senkaku đến vài giờ, đến thứ Tư vẫn có 4 tàu Trung Quốc hoạt động ở vùng biển lân cận.

Còn đài truyền hình NHK Nhật Bản cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera yêu cầu Lực lượng Phòng vệ tăng cường cảnh giới, thiết thực ứng phó với các hành động trên biển-trên không nhằm vào Nhật Bản của Trung Quốc trong thời điểm tròn 1 năm Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa đảo Senkaku. Ông còn cho biết: "Trung Quốc muốn tạo ấn tượng có tồn tại tranh chấp vấn đề lãnh thổ, nhưng nhóm đảo Senkaku không tồn tại bất cứ vấn đề lãnh thổ nào".

Về vấn đề đảo Senkaku, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 11 tháng 9 cho biết, đảo Senkaku rõ ràng là lãnh thổ của Nhật Bản, sẽ hoàn toàn không thay đổi lập trường "không tồn tại vấn đề lãnh thổ". Bất kể về lịch sử hay về luật pháp quốc tế, đều "chắc chắn là lãnh thổ của nước tôi, chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ".

Yoshihide Suga đồng thời cho biết: "Trung Quốc và Nhật Bản là nước lớn kinh tế thứ hai, thứ ba thế giới. Cho dù tồn tại vấn đề cá biệt, cánh cửa đối thoại chiến lược cũng luôn được mở". Ngày 11 tháng 9, tờ "Thời báo New York" còn cho biết, ông Yoshihide Suga vào thứ Ba thậm chí tuyên bố, điều nhân viên công vụ đến đảo Senkaku là một sự lựa chọn. Tuyên bố này đã gây tức giận cho dư luận Trung Quốc.

Nhật Bản theo sát diễn biến ở vùng biển đảo Senkaku
Nhật Bản theo sát diễn biến ở vùng biển đảo Senkaku

Tuy nhiên, trong vấn đề này, ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch đảng New Komeito (đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe) cho biết, đảng của ông phản đối điều nhân viên công vụ đến đảo Senkaku.

Nhiều tờ báo lớn Nhật Bản ngày 11 tháng 9 cũng đã ra sức chỉ trích Trung Quốc. Tờ "Yomiuri Shimbun" bình luận, đối mặt với sự đe dọa và đe nẹt của Trung Quốc, Nhật Bản không được lùi bước, phải ứng phó bằng thái độ kiên quyết.

Quan hệ Nhật-Trung cần được cải thiện, nhưng Nhật Bản không nên nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền, Chính phủ cần thông qua các cơ quan như Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, tăng cường thể chế cảnh giới ở vùng biển xung quanh.

Ngày 11 tháng 9, tờ "Mainichi Shimbun" Nhật Bản cho rằng, 1 năm qua, tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải đảo Senkaku tới 63 ngày, 216 lượt tàu; xâm nhập vùng tiếp giáp đảo Senkaku 259 ngày, 1.051 lượt tàu. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang áp dụng các biện pháp ứng phó như chế tạo tàu tuần tra, tăng cường nhân viên.

Tờ "Sankei Shimbun" Nhật Bản cho rằng, những hành vi khiêu khích của Trung Quốc tại đảo Senkaku ngày càng hung hăng và Trung Quốc không có dấu hiệu dừng lại, Nhật Bản cần làm tốt sự chuẩn bị chu đáo.

Biên đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc - hình ảnh do Nhật Bản công bố.
Biên đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc - hình ảnh do Nhật Bản công bố.

Để tăng cường theo dõi hoạt động của tàu, máy bay Trung Quốc ở khu vực xung quanh đảo Senkaku, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ nhập khẩu máy bay do thám không người lái vào năm 2015, đồng thời xây dựng "liên minh chống Trung Quốc" với các nước Đông Nam Á có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng: "Nếu bàng quan sẽ làm cho phạm vi hoạt động kiểu ‘sự thực đã rồi’ mở rộng, cho nên phải hạn chế khiêu khích ở giai đoạn mới nảy sinh".

Tờ "Sankei Shimbun" còn cho rằng, Trung Quốc đã gây sức ép với Nhật Bản khi Tokyo xin tổ chức Olympic. Nhật Bản không thể quên vào năm 1964, khi Tokyo lần đầu tiên tổ chức Olympic, Trung Quốc đã thừa cơ tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên. Hiện nay, Trung Quốc đưa vào sử dụng máy bay không người lái là một loại thủ đoạn hăm dọa mới.

Đối với các hành động của Nhật Bản, ngày 11 tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tiếp tục đòi hỏi Nhật Bản phải "nghiêm túc thức tỉnh về các hành vi sai lầm", Trung Quốc "rất không hài lòng với việc có lời nói ra nói vào về hoạt động trên không-trên biển bình thường của Trung Quốc"; "Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp cần thiết kiên định bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư". Ông Hồng Lỗi còn yêu cầu Nhật Bản "sửa chữa sai lầm, chấm dứt các hành động gây thiệt hại cho chủ quyền của Trung Quốc".

Tàu tuần tra Nhật Bản bám sát tàu cảnh sát biển Trung Quốc
Tàu tuần tra Nhật Bản bám sát tàu cảnh sát biển Trung Quốc

Mỹ nghiêng về Nhật trong vấn đề đảo Senkaku

Ttrong vấn đề đảo Senkaku, chính phủ Mỹ từng nhiều lần công khai cho biết "sẽ không đứng về bên nào" và kêu gọi hai nước Trung-Nhật lấy phương thức đối thoại để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Nhưng, gần đây, khi hội đàm với Chủ tịch đảng New Komeito Natsuo Yamaguchi, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ Burns tuyên bố, "cơ bản ủng hộ lập trường của Nhật Bản" trong vấn đề đảo Senkaku. Ông Natsuo Yamaguchi đáp lời cho rằng "hy vọng có thể lấy sự ủng hộ của Mỹ làm bối cảnh, triển khai đối thoại với Trung Quốc".

Hai bên còn đạt được nhất trí về việc hợp tác di dời sân bay Futenma của quân Mỹ ở tỉnh Okinawa dựa theo thỏa thuận Nhật-Mỹ, đồng thời đã xác nhận tầm quan trọng của đồng minh Mỹ-Nhật.

Ông Burns bày tỏ hy vọng Nhật Bản tăng cường hiệp thương hơn nữa với Chủ tịch tỉnh Okinawa Hirokazu Nakaima, tích cực giải quyết theo thỏa thuận Mỹ-Nhật. Ông Natsuo Yamaguchi cho biết "giữa Chính phủ, đảng cầm quyền và chủ tịch tỉnh đang đạt được đồng thuận".

Ông Burns còn muốn tìm kiếm sự trợ giúp của Nhật Bản trong đàm phán Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho rằng "điều này có lợi cho lợi ích chung Nhật-Mỹ".

Trước đó, ngày 10 tháng 9, ông Natsuo Yamaguchi đã tiến hành hội đàm với nghị sĩ Kardin, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ. Kardin cho biết, Tổng thống Mỹ Obama ngày 10 ăn tiệc cùng ông cho biết, đã nhận được sự hiểu biết của Thủ tướng Shinzo Abe về việc can thiệp quân sự đối với Syria.

Đối đầu Trung-Nhật trên vùng biển đảo Senkaku.
Đối đầu Trung-Nhật trên vùng biển đảo Senkaku.

Đối với vấn đề đảo Senkaku, Chính phủ Mỹ nhiều lần cho biết họ không đứng về bên nào trong vấn đề quy thuộc cuối cùng chủ quyền đảo Senkaku, nhưng Mỹ lại liên tục nhấn mạnh đảo Senkaku thích hợp với phạm vi của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, phần lớn thừa nhận đảo Senkaku thuộc sự "kiểm soát thực tế, có hiệu quả" của Nhật Bản.

Trung Quốc phản ứng cho rằng, Hiệp ước  An ninh Mỹ-Nhật có tính chất song phương, không nên gây thiệt hại cho lợi ích bên thứ ba, trong đó có Trung Quốc.

Gợi mở từ tranh chấp

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc cho biết, trong 1 năm qua, Trung Quốc đã làm nhiều việc để đòi hỏi chủ quyền đối với đảo Senkaku như công bố cái gọi là "đường cơ sở lãnh hải của đảo Senkaku và các hòn đảo lân cận", phát dự báo thời tiết đảo Senkaku, đệ trình lên Liên hợp quốc về phương án phân định thềm lục địa biển Hoa Đông, tiến hành "chấp pháp tuần tra liên hợp trên không-trên biển" ở vùng biển đảo Senkaku, ra sức tìm cách khẳng định "quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền và quyền lý hành chính đảo Điếu Ngư".

Theo bài báo, cuộc đối đầu giữa Trung-Nhật trong một năm qua gợi mở một số điểm dưới đây:

Trước hết, Nhật Bản tiến hành quốc hữa hóa đảo Senkaku làm phát sinh mới vấn đề ở đảo Senkaku. Nếu Nhật Bản không làm như vậy thì Trung Quốc "sẽ không có thái độ và phương pháp như hiện nay để thúc đẩy giải quyết vấn đề đảo Senkaku".

Trung Quốc muốn phá vỡ sự kiểm soát thực tế, có hiệu quả của Nhật Bản, tìm cách buộc Nhật Bản thừa nhận có tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku.
Trung Quốc muốn phá vỡ sự kiểm soát thực tế, có hiệu quả của Nhật Bản, tìm cách buộc Nhật Bản thừa nhận có tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku.

Thứ hai, đấu đá Trung-Nhật quanh đảo Senkaku đã được 1 năm, bị thiệt hại toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, nhưng hai bên đều không có dấu hiệu thỏa hiệp. Cuộc đấu này do một hòn đảo gây ra, nhưng tuyệt đối không chỉ là để tranh 1 hòn đảo, trong đó có sự trộn lẫn của ân oán lịch sử và mong muốn định vị cục diện khu vực tương lai của các bên. Bài báo giận Nhật Bản không cam chịu làm "anh hai" ở Đông Á. Những trở ngại sẽ còn kéo dài, quan hệ Trung-Nhật khó được cải thiện trong ngắn hạn.

Thứ ba, theo bài báo, ảnh hưởng của người ngoài cuộc đối với tình hình là có hạn. Nhật Bản muốn gửi gắm hy vọng vào đồng minh Mỹ để chống lưng, Mỹ cũng có phản ứng, một mặt đưa đảo Senkaku vào phạm vi của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, một mặt tăng cường diễn tập liên hợp đánh chiếm đảo, bảo vệ đảo với Nhật Bản. Nhưng bài báo cho là những hành động đó "không dọa được Trung Quốc", cũng không thể ngăn chặn tàu công vụ Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku. Đại cục quan hệ Trung-Mỹ cũng không ảnh hưởng nhiều bởi vấn đề này.

Thứ tư, sự xuất hiện tập trung của các vấn đề như đảo Senkaku và bãi cạn Scarborough rất có thể thúc đẩy tầng lớp quyết sách Trung Quốc tiến hành đánh giá và điều chỉnh lại đối với môi trường chiến lược, cách thức "bảo vệ" cái mà Bắc Kinh tuyên bố là "quyền lợi biển" và chính sách ngoại giao láng  giềng của họ.

Kết quả là: Trong tình hình tiếp tục kiên trì cái mà Trung Quốc luôn tuyên truyền - phương châm chung "con đường phát triển hòa bình", Trung Quốc cần mạnh dạn hơn trong phát triển sức mạnh quốc phòng, "kiên định hơn bảo vệ quyền lợi hợp pháp", chứ "không phải là phản ứng quá e dè bên ngoài".

Theo bài báo, sau Đại hội 18, để thực hiện "chiến lược xây dựng cường quốc biển", Trung Quốc đã tiến hành điều chỉnh, thay đổi một số cơ quan, tổ chức, lực lượng có liên quan đến biển đảo... Đối với các nước láng giềng, Trung Quốc sẽ "tranh thủ tối đa tình hữu nghị và hợp tác", nhưng bài báo hăm dọa Trung Quốc sẽ "dám tiến hành một số biện pháp trừng phạt đối với những kẻ ngoan cố".

Trung Quốc sẽ mạnh bạo hơn trong tranh chấp lãnh thổ biển đảo với láng giềng?
Trung Quốc sẽ mạnh bạo hơn trong tranh chấp lãnh thổ biển đảo với láng giềng?

Bài báo đã nhắc đến thủ đoạn ngoại giao "không mời Tổng thống Philippines tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN năm nay". Bài báo cho rằng, Trung Quốc "không gây sự", cũng không ngại việc gì, không tránh né việc gì.

Ngoài ra, theo tờ "Nhân Dân" Trung Quốc, cùng với việc sức mạnh của Trung Quốc không ngừng tăng cường, cộng với hai bên không sẵn sàng thỏa hiệp, tranh chấp chủ quyền khó có thể "lặng sóng".

Giáo sư chính trị quốc tế Yamamoto Yoshinobu, Đại học Niigata, Nhật Bản cho rằng, chỉ cần Trung-Nhật kiên trì lập trường của mỗi bên, tranh chấp vĩnh viễn sẽ không được hóa giải. Cách làm sáng suốt và thiết thực là, hai bên gác tranh chấp lại, đặt trọng điểm vào các lĩnh vực như kinh tế và vấn đề khu vực.

“Nhật Bản cần xây dựng hải đăng ở đảo Senkaku để thử phản ứng của Trung Quốc”

Trong thời điểm tròn 1 năm Chính phủ Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa đảo Senkaku, Trung Quốc tiếp tục cho tàu tuần tra xâm nhập vùng biển đảo Senkaku, thách thức Nhật Bản.

Trong ngày này, quan chức Nhật Bản cũng nhấn mạnh cần duy trì cảnh giác cao, ứng phó với bất cứ hành động nào của Trung Quốc, truyền thông Nhật Bản tích cực chỉ trích các hành động mang tính đe dọa của Trung Quốc, kêu gọi Chính phủ nước này ứng phó kiên quyết.

Cựu Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara, Nhật Bản
Cựu Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara, Nhật Bản

Đứng trước tình hình mới, ngày 11 tháng 9, cựu Thị trưởng Tokyo, ông Shintaro Ishihara kêu gọi Nhật Bản xây dựng hải đăng trên đảo Senkaku để thử phản ứng của Trung Quốc. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục áp dụng sách lược "tác chiến hai mặt", vừa nhấn mạnh "lập trường hoàn toàn sẽ không thay đổi" vừa tuyên bố "cánh cửa đối thoại chiến lược (với Trung Quốc) luôn mở".

Ngô Hoài Trung, chuyên gia vấn đề Nhật Bản, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ngày 11 tháng 9 trả lời phỏng vấn cho rằng, giống như một bàn cờ, đi một nước cờ có thể "được" hoặc "mất". Trong tranh cử, ông Shinzo Abe có đề cập đến khả năng điều nhân viên đến đảo Senkaku, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện là do có tính toán đến cái "được" và "mất" này, vì Nhật Bản hiểu là Trung Quốc sẽ có những "đáp trả tương ứng".

Ngô Hoài Trung tự tin cho rằng, trong quan hệ Trung-Nhật đã có sự thay đổi về "thế". Xu thế "Trung Quốc mạnh lên, Nhật Bản yếu đi" đã không thể đảo ngược. Ông chê Nhật Bản "bẩm sinh" đã có điểm yếu về năng lực chiến lược, có thể gây tranh chấp trong một số vấn đề, nhưng năng lực đối đầu chiến lược không đủ, khó làm được "đến cùng".

Song, Ngô Hoài Trung lo ngại, về chiến thuật cụ thể, Nhật Bản giỏi mưu kế nên Trung Quốc buộc phảiphán đoán cho hết.

Nhật Bản sẽ mua máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ để đối phó Trung Quốc.
Nhật Bản sẽ mua máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ để đối phó Trung Quốc.
Đông Bình