"Quốc hội không đề cập đến 2 khoản phí như bộ trưởng Thăng dẫn dụ"

08/04/2012 06:00
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - "Quốc hội không đề cập đến 2 khoản phí như bộ trưởng Thăng dẫn dụ". Nên cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông trước khi muốn thu phí?... là những tin bài nóng về đề xuất thu phí giao thông của Bộ GTVT.
Nói "NQ 21 thông qua chuyện thu phí" là sáng kiến của Bộ trưởng Thăng?
Nguồn tin trên Infonet cho hay, sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc thu phí đã được nêu tại Nghị quyết 21 của Quốc hội, GS Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên ĐBQH lên tiếng khẳng định, Nghị quyết 21 Quốc hội là Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó chỉ nói một cách rất chung chung là tán thành các biện pháp của Chính phủ và Bộ GTVT.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Nghị quyết 21 của Quốc hội không đề cập đến hai loại phí mà Bộ GTVT đưa ra. Ảnh L.D
GS Nguyễn Minh Thuyết: Nghị quyết 21 của Quốc hội không đề cập đến hai loại phí mà Bộ GTVT đưa ra. Ảnh L.D

“Quốc hội thông qua cả gói giải pháp trong cuộc chất vấn về nhiều vấn đề diễn ra chỉ trong một buổi, mặc dù các đại biểu chưa có thời gian nghiên cứu kỹ, Ủy ban của Quốc hội phụ trách vấn đề này cũng chưa có báo cáo thẩm tra là một điều đáng tiếc” – GS Nguyễn Minh Thuyết nhớ lại.

Cụ thể, Nghị quyết 21 của Quốc hội đề cập đến lĩnh vực giao thông vận tải có nêu:
Tán thành các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Bộ GTVT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn giao thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông; tạo chuyển biến rõ nét trong việc quản lý người và phương tiện tham gia giao thông, công tác đăng kiểm phương tiện giao thông; tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật về ATGT, xóa các “điểm đen” TNGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Nghị quyết 21 chỉ nói chung chung chứ không đề cập cụ thể đến vấn đề phí.
Nghị quyết 21 chỉ nói chung chung chứ không đề cập cụ thể đến vấn đề phí.

Nghị quyết 21 cũng giao HĐND, UBND TP Hà Nội, TP HCM, Bộ GTVT, Bộ Công an… trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo chống ùn tắc giao thông đã báo cáo Quốc hội.
“Cả nghị quyết 21 của Quốc hội và Nghị quyết 13 của TW Đảng đều không đề cập đến hai khoản phí như Bộ trưởng Đinh La Thăng dẫn dụ. Như vậy theo tôi có thể hiểu đó vẫn là sáng kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT. Tôi hi vọng sắp tới Quốc hội sẽ có dịp bàn kĩ hơn vấn đề này” – GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Hãy cắn răng rút ví để được tự hào?

Thông tin trên báo Pháp luật và Xã hội, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3 ngày 3/4 của Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu: "Tôi nghĩ rằng 600.000 người đang sử dụng ô tô sẽ ủng hộ và tự hào vì được đóng góp…". 
Trong các cuộc kháng chiến giữ nước thần thánh của dân tộc, hàng triệu người Việt Nam đã tự nguyện hiến nhà, hiến xe, hiến tiền vàng, tính mạng cho cách mạng và tất cả họ đều tự hào về điều đó. Tuy nhiên, việc Bộ trưởng Thăng cho rằng "600.000 người đang sử dụng ô tô sẽ ủng hộ và tự hào" vì được đóng các khoản phí mà Bộ GTVT vừa đề xuất thì đã có sự nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn thể hiện ở các vấn đề sau: 
Thứ nhất, đã có hàng ngàn ý kiến của những người sử dụng ô tô phản đối đề xuất thu hai khoản phí mới của Bộ GTVT trong thời gian qua. 
Thứ hai, người dân chỉ tự hào vì được đóng các khoản thuế và phí hợp lý chứ không tự hào về những khoản phí bất hợp lý. 

Người sở hữu ôtô đang chịu quá nhiều khoản phí. Ảnh: TL
Người sở hữu ôtô đang chịu quá nhiều khoản phí. Ảnh: TL

Nói về "thì tương lai" của phí hạn chế phương tiện vận tải cá nhân, ông Lâm Tăng Bình, Giám đốc Công ty Nguyên Việt, một Công ty chuyên về sửa chữa, mua bán ô tô trên đường Lê Văn Lương kéo dài nhận định: Nếu Bộ GTVT không điều chỉnh mức phí xuống thấp thì rất khó nhận được sự đồng tình của người dân. Thời gian qua, thị trường ô tô điêu đứng vì thông tin phải nộp phí "khủng". 
Hầu hết người sử dụng ô tô mà người viết bài này biết đều khẳng định, nếu được hỏi ý kiến sẽ phản đối mức phí do Bộ GTVT vừa đề xuất. Nhiều người cho rằng, chỉ khi Bộ trưởng Thăng cơ bản giải quyết được tình trạng nhà lấn đường, thiếu ý thức khi tham gia giao thông, cải thiện giao thông công cộng… thì mới nên đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Lúc đó, lòng dân đã thuận thì “việc gì cũng xong".
Nên mở rộng đường xá trước khi muốn thu phí

Độc giả của báo Tiền Phong tiếp tục gửi phản hồi đưa ra những hạn chế của đề án phí lưu hành xe cá nhân. Tiêu biểu là ý kiến của độc giả Lê Mạnh Hùng. Độc giả này cho rằng:

Việc thu phí qua đầu xe thông qua dung tích động cơ là không công bằng, “khuyến khích” người dùng mua xe mới (ví dụ, xe mới hiệu Mercedes 1,8 đóng phí thấp hơn xe cũ hiệu Mekong 3.0).

Việc thu phí trên đầu xe thông qua cơ quan đăng kiểm là bất hợp lý, không xét đến việc xe đi nhiều hay đi ít. Đi nơi thường xuyên có ùn tắc hay nơi thông thoáng. Chưa thấy động tác giảm trừ cho chủ xe có thời gian dài không sử dụng giữa 2 kỳ đăng kiểm: xe hỏng, chủ xe điều trị trong bệnh viện, đi công tác nước ngoài dài ngày...

Đóng phí tại cơ quan đăng kiểm không giảm lượng xe lưu thông theo số học. Với số xe đã có và sẽ có, đã nộp phí rồi thì chủ xe đương nhiên sử dụng bất kể thời gian mà không đắn đo việc cho xe ra đường, dù công việc và quãng đường không thật sự cần xe.

Vì vậy, nên dùng thẻ lưu hành là thẻ có giá trị sử dụng theo thời gian tuần, tháng, quý và cả năm; chỉ phân biệt xe 5 chỗ hay hơn (in theo màu và ký hiệu để phân biệt) bán thẻ lưu hành tại các điểm bán xăng, cơ quan đăng kiểm...; phạt thật nặng nếu vi phạm; xe ở thành phố đi về vùng không có áp lực giao thông sẽ không bị kiểm tra.

Một ý kiến đáng chú ý của độc giả Nguyễn Văn Huynh: “Chúng tôi ở tỉnh lẻ bỏ tiền ra mua 1 chiếc xe ô tô ít tiền hoặc ô tô thanh lý mấy chục triệu đồng về sửa sang để những ngày thứ bảy, chủ nhật nghỉ làm việc mới lấy ra đi về thăm quê.

Còn những ngày làm việc thì chẳng có việc gì mà đi, có đi cũng không đủ tiền mua xăng vì thu nhập thấp (lương thấp). Mặt khác, ở các tỉnh lẻ (nhỏ), phương tiện ít, không bao giờ ùn tắc giao thông.

Theo chúng tôi, nên mở rộng đường sá, nhất là đường cao tốc. Xe muốn đi đường tốt phải mua vé đường bộ (vé lượt) cao hơn là thỏa đáng, mà chúng tôi cũng đồng tình ủng hộ”.

Thu phí giao thông: Khi vẫn còn đó những nghịch lý
Nguồn tin trên báo Dân trí cho hay, tranh luận về phí có vẻ đã “nát nước”, nhưng tình thế xem ra vô vọng khi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ đã cận kề. Song liệu mấy ai có thể an tâm khi lại vừa có thêm những minh chứng về chuyện thất thoát “tiền tấn” ở nơi này, nơi kia.
Lý do đầu tiên và được bạn đọc viện dẫn nhiều nhất không phải như đánh giá của một số người (bao gồm cả chuyên gia trong ngành GTVT và bạn đọc) rằng: dân ta đã quen xài miễn phí các loại dịch vụ công, giờ cứ thấy phải đóng tiền là kêu ca. Mà đó là bởi vẫn còn đó những nghịch lý ai cũng biết, chỉ có một số vị giới chức hình như không biết bởi họ nói đến những con số tiền triệu, tiền trăm mà cứ nhẹ như không. Trong khi đa số người dân ta còn nghèo, còn phải chắt chiu từng ngàn lẻ mỗi ngày để thêm thắt lo cho bữa cơm, cho con cái ăn học, để phòng thân khi ốm khi đau… Và thực tế là ai có chiếc xe để thuận tiện hơn khi đi lại, cũng đã phải cõng trên lưng bao loại tiền thuế và phí rồi.

Sao xe phải gánh nhiều phí thế? Minh họa: Ngọc Diệp
Sao xe phải gánh nhiều phí thế? Minh họa: Ngọc Diệp
 
Trước hết đó vẫn là nghịch lý giữa mức thu nhập với đủ các loại chi phí, bao gồm cả thuế và phí áp với các phương tiện giao thông cá nhân mà người dân đã phải gánh:
“Ở nước ta thu nhập bình quân đầu người còn quá thấp nhưng chi phí dịch vụ và nộp thuế thì quá cao. Tôi chỉ tính đơn giản lương bình quân của tôi một tháng 4 triệu, trong khi đó phải chi đủ thứ tiền. Các ông thử tính hộ tôi xem có đủ để nộp các loại thuế mà các bộ hữu quan đang đề xuất hay không.

Các sếp lương tháng mấy trục triệu, còn người nông dân một tháng tính bình quân chưa chắc đã được 1 triệu nhưng họ vẫn phải cố gắng để có xe máy đi lại cho thuận tiện công việc. Song với mức thu nhập thấp như họ thì tiền đâu mà nộp thuế với phí?”, độc giả có địa chỉ email: nguyenvantruong@gmail.com chia sẻ.

Tiếp đó là băn khoăn về việc sinh thêm biện pháp thu phí, ắt lại sinh thêm người, thêm nguồn phải trả lương... Mà tất cả lại vẫn phải lấy ra từ ngân sách, cũng là từ tiền đóng thuế của dân mà thôi.
Hải Phong (Tổng hợp)