Vụ phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) xin trả lại di tích cho nhà nước:

Sẽ còn bao nhiêu di tích cổ bị “xin trả” lại cho nhà nước?

15/07/2013 07:28
Ngọc Quang
(GDVN) - Mấy ngày nay đang rộ lên thông tin hơn chục hộ dân ở phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) xin trả lại di tích cho nhà nước.

Và điều đáng nói là nguyên nhân không hề mới, nó cũng giống hệt chuyện ở làng cổ Đường Lâm cách đây ít ngày, đó là người dân không muốn sống trong những căn nhà cũ kỹ đang ngày càng xuống cấp trầm trọng. Sẽ còn bao nhiêu di tích bị “xin trả” cho nhà nước như Đường Lâm, Đồng Văn…?

Phố cổ Đồng Văn nằm ở trung tâm huyện Đồng Văn (Hà Giang) là điểm du lịch văn hóa nổi tiếng, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX, là nơi cư trú và giao thương, sinh hoạt văn hóa của các dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Kinh… Cả khu phố cổ Đồng Văn hiện nay còn khoảng 40 ngôi nhà cổ, trong đó có hai ngôi nhà niên đại trên 300 năm, còn lại vào khoảng 100 năm.

Thời gian cộng với thời tiết khắc nghiệt ở đất Hà Giang đã khiến cho các ngôi nhà cổ xuống cấp nhanh chóng. Và cái sự xuống cấp của một ngôi nhà, một dãy phố không phải diễn ra trong ngày một ngày hai, mà phải diễn ra trong một quá trình dài. Ấy thế mà chỉ đến khi người dân quá bức xúc, không còn chịu nổi và lên tiếng đòi trả di tích thì các cơ quan có trách nhiệm ở Hà Giang mới cuống cuồng vào cuộc.

Câu chuyện ở phố Đồng Văn cũng có một điểm giống hệt như những gì xảy ra ở làng cổ Đường Lâm cách đây khâu lâu. Người dân ở Đường Lâm cũng xin trả lại di tích cho nhà nước, chỉ vì đời sống của họ quá bí bách. Con cái dần lớn lên, phải dựng vợ, gả chồng, nhưng lại không được phép xây sửa, không có nổi một chỗ ở tử tế nên họ bức xúc.

Một trong những ngôi nhà cổ bị xuống cấp ở Đồng Văn.
Một trong những ngôi nhà cổ bị xuống cấp ở Đồng Văn.

Bà Phạm Thị Toán – Phó GĐ Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang một mực khẳng định: “Sở chúng tôi rất quyết tâm và muốn nhanh chóng tu bổ, tôn tạo, sửa chữa những ngôi nhà cổ xuống cấp nghiêm trọng. Những ngôi nhà cổ ở Đồng Văn đã bị xuống cấp trước khi nó được xếp hạng nên Sở đã lập dự án từ năm 2010. Năm 2012, chúng tôi đã trình lên UBND tỉnh Hà Giang và năm 2013 sẽ cố hoàn thiện nốt một số văn bản trong hồ sơ”.

Như vậy là kể từ khi Bộ VHTTDL đã xếp hạng phố cổ Đồng Văn là di tích kiến trúc nghệ thuật từ năm 2008 và bản thân cơ quan chức năng ở Hà Giang cũng đã nhìn thấy sự xuống cấp của các ngôi nhà cổ ngay tại thời điểm ấy, nhưng đã 5 năm rồi kế hoạch bảo vệ khu phố cổ vẫn cứ nằm trên… giấy.

Thông thường, khi Bộ Văn hóa ra quyết định công nhận đây là di tích cần gìn giữ và phát huy thì sẽ kéo theo đó là cả một kế hoạch bảo tồn, có định mức kinh phí, thời gian thực hiện. Sẽ có hai vấn đề cần phải làm rõ, một là nếu 5 năm qua mà chưa có nguồn kinh phí bảo vệ khu phố cổ, thì rõ ràng các cơ quan chức năng đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm với những người chủ của các căn nhà cổ này.

Hai là, nếu đã có nguồn kinh phí mà cho tới nay vẫn chưa triển khai thì ai là người chịu trách nhiệm? Chẳng lẽ chuyện xảy ra đến đây rồi lại… “hòa cả làng”.

Nói như GS Trần Lâm Biền thì chuyện cũng chẳng khác gì người ta sinh ra một đứa con nhưng không có trách nhiệm với nó. Đẻ nó ra rồi thì mặc kệ, không có trách nhiệm đến nơi đến trốn, thế nên người dân họ không chịu đựng nổi nữa và muốn trả lại di tích cũng là dễ hiểu.

Sự việc đáng buồn này một lần nữa lại cho chúng ta thêm một bằng chứng chính xác về sự ì ạch trong các thủ tục hành chính của Việt Nam. Những thủ tục đã một thời khiến cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài rất ngại khi muốn tìm kiếm cơ hội làm ăn ở nước ta.

Và thậm chí, trong cuộc giao ban mới đây với các tỉnh trên cả nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phải lên tiếng về việc chậm triển khai các chủ trương, chính sách và yêu cầu các bộ, ngành phải tích cực hơn nữa để cải thiện tình trạng này.

Trở lại với câu chuyện bảo tồn di tích, chắc chắn Bộ Văn hóa sẽ không để phố cổ Đồng Văn bị phá hủy. Có lẽ, tỉnh Hà Giang cũng vậy. Phố cổ Đồng Văn không chỉ đơn thuần là nơi thu hút du lịch, mà nó còn gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của một miền đất nơi địa đầu tổ quốc. Là niềm tự hào của người Hà Giang, của người Việt Nam.

Rồi đây, các ngôi nhà cổ sẽ được trùng tu, để đảm bảo đời sống tạm thời cho người dân. Nhưng nhà cổ thì vẫn sẽ xuống cấp, nếu tỉnh Hà Giang và Bộ VHTTDL không có một kế hoạch dài hơi hơn (nhanh hơn) thì chẳng bao lâu nữa, người dân sẽ lại… xin trả di tích; thậm chí có thể dẫn tới nhiều hệ lụy đáng buồn hơn.

Và cũng đã đến lúc chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Sẽ còn bao nhiêu di tích lịch sử sẽ bị người dân đòi trả cho nhà nước với tình trạng tương tự? Câu trả lời này xin dành cho lãnh đạo Bộ VHTTDL.

Ngọc Quang