Sếp của điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ kể chuyện

01/05/2011 09:47
Trong tay ông là những điệp viên sáng giá như ông Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ... Từ họ nhiều tin tức tình báo quan trọng của kẻ địch đã được đưa về trung ương...
Trong tay ông là những điệp viên sáng giá như ông Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ... Từ họ nhiều tin tức tình báo quan trọng của kẻ địch đã được đưa về trung ương, phân tích, xử lý... góp phần đánh thắng kẻ thù. Một ngày cuối tháng 4, bác sĩ Đỗ Anh Nhạ dẫn chúng tôi đến nhà thăm ông Trần Quốc Hương, còn gọi là Mười Hương, nhà chỉ huy tình báo nổi tiếng. Nhà ông nằm lặng lẽ trong một con đường ở quận 2, TPHCM. 
Vì sao ông Phạm Xuân Ẩn qua Mỹ?
Ông Mười Hương
Ông Mười Hương
Sau phần thăm hỏi, câu chuyện của chúng tôi cùng ông lại đi vào những kỷ niệm về hoạt động tình báo, về các điệp viên trong mạng lưới do ông dẫn dắt như cố thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn... 
Ông nói: “Khá nhiều sách báo viết về tôi và ông Phạm Xuân Ẩn, nhưng vẫn chưa ai nói, hỏi tôi lý do vì sao lại đưa ông Ẩn qua Mỹ học”. Nguyên nhân là từ tiên đoán sáng suốt của Bác Hồ về sự can thiệp, tham chiến của Mỹ tại Việt Nam sau này. Do vậy, việc đưa ông Phạm Xuân Ẩn đi như là một sự chuẩn bị, “đón đầu” cho cuộc chiến với Mỹ. 
Ông Mười Hương kể lại: “Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ với ta. Bác nói với chúng tôi: “Hội nghị ký Hiệp định Giơ-ne-vơ sẽ thành công, nhưng chắc chắn sẽ làm cho người Việt Nam chưa hài lòng. Mỹ đang âm mưu chi viện cho Pháp tại Việt Nam. Người Pháp có câu: “Ai trả tiền, kẻ đó là chủ”. Mỹ sẽ thay thế Pháp tham chiến tại Việt Nam, chúng ta phải có sự chuẩn bị để đối phó với Mỹ””.
Thực tế đã diễn ra theo đúng những gì Bác nhận định. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, nhưng chúng ta phải tạm thời chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 17, ngay sông Hiền Lương của tỉnh Quảng Trị. Mỹ đã nhảy vào cuộc chiến ở Việt Nam. Khi được điều vào miền Nam hoạt động, ông Mười Hương gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nhờ tìm cho một số thanh niên nhiệt tình và có khả năng hoạt động cách mạng. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã giới thiệu ông Phạm Xuân Ẩn cho ông Mười Hương. Và kế hoạch đưa ông Ẩn qua Mỹ để khi học xong sẽ về lại Việt Nam hoạt động được ông Mười Hương vạch ra, trình lên cấp trên và được đồng ý. 
Lúc đó gia đình Phạm Xuân Ẩn gặp hoàn cảnh khó khăn, cha đang bị bệnh lao, nhà lại đông anh em. Ông Mười Hương đã động viên ông Ẩn hãy đi học, chuyện kinh phí để ông lo. Ông Ẩn nghe lời, nhưng vì lý do ông Ẩn chưa có bằng trung học nên không có trường đại học nào chịu cho ông Ẩn theo học. Ông Mười Hương nói với ông Ẩn tìm hiểu thêm có ngành học nào mà không cần bằng trung học không. Vài ngày sau, ông Ẩn gặp ông Hương. Ông Ẩn nói là chỉ có ngành báo chí là không cần bằng trung học.
Nghe vậy, ông Hương mừng rỡ, nói: “Cậu theo học ngành báo chí đi. Không có nghề nào mà có thể tiếp xúc rộng rãi như báo cả, anh có thể tiếp xúc với tổng thống lại có thể nói chuyện với ông xích lô... Nghề này rất thích hợp cho công tác của chúng ta”. Ẩn nghe lời ông Hương qua Mỹ học báo chí. 
Sau này, ông Phạm Xuân Ẩn về nước hoạt động tình báo, dưới vỏ bọc là phóng viên của thời báo Times, ông đã có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, như chúng ta đã biết.
Những bài học từ Bác Hồ
Ông Mười Hương kể rằng, mình may mắn được làm việc với Bác Hồ một thời gian khá dài, nhờ đó mà ông học được nhiều điều từ Bác. Ông Mười Hương cho rằng, Hồ Chủ tịch là người luôn yêu chuộng hòa bình. Ông kể: “Hồ Chủ tịch từng nói với chúng tôi: “Chúng ta đã nhân nhượng hết mức mà không được thì chỉ có hai con đường. Một là đầu hàng, hai là đánh lại. Đầu hàng thì chúng ta không đầu hàng rồi, vậy chỉ có cách đánh lại thôi, chứ chúng ta không muốn chiến tranh xảy ra”. Khi ông Xuân Thủy - Bộ trưởng Ngoại giao dẫn đầu phái đoàn đàm phán qua Pháp ký Hiệp định Paris, Hồ Chủ tịch dặn: “Chú qua đó nên nhớ không phải chú chỉ nói cho Hariman - Trưởng phái đoàn đàm phán của Mỹ nghe thôi đâu mà còn phải nói cho cả nhân dân Mỹ hiểu nữa. Cho nên chú đừng kiêu ngạo...””.
Một bài học khác ông Mười Hương học được từ Bác là lòng nhân ái, thương yêu đồng bào. Ông Mười Hương kể: “Có lần được trò chuyện cùng Bác, tôi nói ra câu “nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Bác nghe xong, chỉnh tôi ngay: “Chú nói vậy là sai! Cốt khô là ai? Có phải là người thân của ông tướng không, hay là nhân dân? Tướng giỏi là không cần đánh mà vẫn thắng. Làm tướng không thể coi thường tính mạng của nhân dân được””.
Theo Nguyễn Văn Thịnh/Công an TPHCM