Shangri-la: Diễn văn của Shinzo Abe không "nóng mặt" bằng Chuck Hagel

31/05/2014 11:20
Hồng Thủy
(GDVN) - Chuck Hagel đã gọi Biển Đông là "trái tim" khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là "ngã tư của nền kinh tế toàn cầu"
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.

Sam Roggeveen, chuyên gia phân tích tình báo Úc ngày 31/5 bình luận trên tờ The Interpreter, bài diễn văn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong buổi khai mạc Đối thoại Shangri-la năm nay diễn ra vào tối qua đã không hoàn toàn giống như những suy đoán trước đó rằng ông sẽ thể hiện Nhật Bản như một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.

Nhưng sức nóng đã tăng đáng kể tại Đối thoại Shangri-la trong phiên họp sáng nay với bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, trong đó ông chỉ trích thẳng thừng những hành vi khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông, sau đó là màn chất vấn của cánh đại biểu Trung Quốc.

Chuck Hagel đã gọi Biển Đông là "trái tim" khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là "ngã tư của nền kinh tế toàn cầu" trước khi khẳng định các hành vi của Trung Quốc là đơn phương và gây mất ổn định trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Washington sẽ tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và điều này sẽ không thay đổi. Mỹ giữ cam kết của mình, ông Hagel tuyên bố trước khi thông báo về những cách khác nhau của Washington đang thực hiện để tăng cường liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và phát triển quan hệ với Việt Nam.

Cắt giảm chi tiêu quốc phòng của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến kinh phí tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định.

Roggveen bình luận, bài phát biểu của Bộ trưởng Chuck Hagel đã khẳng định Thủ tướng Shinzo Abe đã đúng khi đặt câu hỏi về việc liệu hiến pháp Nhật Bản có còn phù hợp trước những mối đe dọa của ngày hôm nay.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Đối thoại Shangri-la năm nay.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Đối thoại Shangri-la năm nay.

Chuck Hagel cũng xem Ấn Độ như một quốc gia có ảnh hưởng lịch sử trên toàn châu Á trước khi ủng hộ New Delhi ngày càng tăng cường khả năng quân sự của mình và cho rằng Ấn Độ có nhiều khả năng duy trì hòa bình với các nước láng giềng của họ.

Về công thức Obama-Tập Cận Bình mà Bắc Kinh vẫn xem như mô hình quan hệ mới, Chuck Hagel lưu ý, Trung Quốc sử dụng cụm từ này thường giải thích là "mô hình mới của trục quyền lực lớn", đó là một thiếu sót đáng kể khi miễn cưỡng đặt Trung Quốc ở vị thế ngang hàng, bình đẳng với Mỹ.

Một nữ Thiếu tướng Trung Quốc đã truy vấn ông Chuck Hagel rằng Trung Quốc đã vi phạm điều luật nào khi tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông trong khi Mỹ và các nước khác cũng đã có ADIZ của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã trả lời thẳng vào vấn đề thay vì lan man, ông chỉ rõ ADIZ mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố mà đã không có bất kỳ tham vấn nào với các bên liên quan. Ông cũng nhắc lại lập trường của Mỹ rằng bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào cũng nên được giải quyết một cách hòa bình, và quần đảo Senkaku đã được Nhật Bản quản lý.

Trong tài liệu tóm tắt bài phát biểu của Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-la năm nay được cổng thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ đăng tải, Bộ trưởng Hagel nhắc lại, Mỹ không có yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng Washington chắc chắn phản đối bất kỳ quốc gia nào đe dọa, ép buộc, sử dụng vũ lực để khẳng định tuyên bố của mình.

Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ những nỗ lực của bất kỳ quốc gia nào để giảm căng thẳng và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hồng Thủy