Shangri-La, kịch bản “đánh” và “đàm” của Trung Quốc trên biển Đông

30/05/2012 19:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông, giới “học giả, quân sư” Trung Quốc đưa ra hai kịch bản: Đánh và đàm, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ kết hợp và phát huy tối đa 2 kịch bản này, như 2 gọng kìm nhằm kẹp chặt biển Đông.
Một số tướng lĩnh của Trung Quốc có các bài viết, tuyên bố về tình hình Biển Đông và cách đối phó của quân đội Trung Quốc (minh hoạ)
Một số tướng lĩnh của Trung Quốc có các bài viết, tuyên bố về tình hình Biển Đông và cách đối phó của quân đội Trung Quốc (minh hoạ)

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn trên biển Đông, làm thế nào để ngăn chặn hiệu quả âm mưu độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh là một bài toán đau đầu đặt ra cho các bên liên quan có tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này.

Điều mà Trung Quốc sợ nhất, ngán nhất trong tiến trình hiện thực hóa âm mưu ấy đôi khi chính là chìa khóa tháo gỡ thế bí cho các bên tranh chấp, đó là đưa vấn đề biển Đông ra công luận, trọng tài quốc tế.

Mỹ quay trở lại biển Đông

Theo Ngoại trưởng Hillary Clinton, tham gia Công ước biển Liên Hợp Quốc sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi hàng hải của 1 quốc gia hàng đầu về biển như Mỹ nhằm “đối phó với những thách thức của các nước khác trên cơ sở pháp lý và mang tính thuyết phục nhất, trong đó bao gồm cả các khu vực quan trọng như biển Đông”, tờ Manila Bulletin trích dẫn.

Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta (bên phải), Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Martin Dempsey đồng thanh lên tiếng hối thúc các nhà lập pháp Mỹ sớm thông qua Công ước biển Liên Hợp Quốc
Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta (bên phải), Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Martin Dempsey đồng thanh lên tiếng hối thúc các nhà lập pháp Mỹ sớm thông qua Công ước biển Liên Hợp Quốc

“Chỉ khi nào với vai trò là một thành viên phê chuẩn Công ước biển Liên Hợp Quốc, Mỹ mới có thể bảo vệ tốt nhất quyền tự do điều hướng được ghi nhận trong Công ước và phát huy tối đa mức độ ảnh hưởng, cũng như phản ánh rõ một điều rằng Mỹ giữ vai trò ảnh hưởng số 1 trên thế giới về hàng hải”, bà Clinton nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nói rằng Hoa Kỳ hỗ trợ các quốc gia “bị đe dọa” bởi các tuyên bố của Trung Quốc. Khi chưa tham gia phê chuẩn Công ước biển Liên Hợp Quốc, Mỹ đã để vị thế cao hơn về cơ sở pháp lý thuộc về Trung Quốc và tự đặt mình vào thế phòng thủ, đúng như một bài xã luận gần đây của Tân Hoa Xã cao giọng nhắc Washington: Mỹ có phải nước phê chuẩn Công ước biển Liên Hợp Quốc đâu mà có quyền đòi nước khác (Trung Quốc) phải tuân thủ nó như thế này hay như thế nọ!

Tàu sân bay USS George Washington thuộc hạm đội 7 Thái Bình Dương, biểu tượng sức mạnh Hải quân Mỹ
Tàu sân bay USS George Washington thuộc hạm đội 7 Thái Bình Dương, biểu tượng sức mạnh Hải quân Mỹ

Bà Clinton cũng thừa nhận một thực trạng, chính rào cản pháp lý (việc Mỹ chưa phê chuẩn Công ước biển Liên Hợp Quốc – PV) khiến cho Washington không thể ủng hộ mạnh mẽ hơn cho các đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực biển Đông như Mỹ mong muốn.

Chưa bao giờ giới chức cấp cao Nhà Trắng lại tỏ ra sốt sắng và đồng thuận cao độ về việc phê chuẩn Công ước biển Liên Hợp Quốc như lần này. Buổi điều trần có sự hiện diện của Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Chủ tich Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey, những nhân vật cao cấp nhất về ngoại giao và quân sự Hoa Kỳ đều cùng chung quan điểm.

Động thái này dường như là dấu hiệu chấm dứt cho thời kỳ “nghe ngóng” của Mỹ về biển Đông, đã đến lúc Washington cần có hành động cụ thể. Lần đầu tiên Mỹ lên tiếng khẳng định Washington có “lợi ích cốt lõi” ở biển Đông được chính Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu tại Hà Nội ngày 23/7/2010, tuy nhiên từ đó đến nay công luận chưa ghi nhận hành động cụ thể nào của Mỹ khẳng định vai trò, vị thế của mình trên biển Đông.

Hải quân Trung Quốc ngày càng gia tăng hoạt động trên biển Đông, đặc biệt là những hành động leo thang, lấn lướt tại các vùng biển tranh chấp không chỉ đe dọa an ninh các nước khác mà còn uy hiếp đến hoạt động tự do hàng hải trên tuyến giao thông đặc biệt quan trọng này (hình ảnh hạm đội Nam Hải tập trận đối kháng trên biển Đông)
Hải quân Trung Quốc ngày càng gia tăng hoạt động trên biển Đông, đặc biệt là những hành động leo thang, lấn lướt tại các vùng biển tranh chấp không chỉ đe dọa an ninh các nước khác mà còn uy hiếp đến hoạt động tự do hàng hải trên tuyến giao thông đặc biệt quan trọng này (hình ảnh hạm đội Nam Hải tập trận đối kháng trên biển Đông)

Nhưng những nước cờ lấn lướt, leo thang, bất chấp công luận và pháp lý quốc tế của Trung Quốc trong thời gian vừa qua trên biển Đông đã khiến Mỹ không thể làm ngơ.

Việc tàu ngầm tấn công USS North Carolina bất ngờ xuất hiện trên cảng Subic gần bãi cạn Scarborough đúng lúc căng thẳng Trung Quốc – Philippines gia tăng và hạm đội Nam Hải, Trung Quốc đưa 5 chiến hạm kéo theo 48 quả tên lửa diễn tập sát vùng biển Philippines không phải một sự ngẫu nhiên, Bắc Kinh hiểu điều đó.

Điều gì đến rồi cũng sẽ đến, cái Trung Quốc sợ nhất là Mỹ can thiệp vào việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và đưa vấn đề này ra trọng tài quốc tế phân xử dường như đang ngày càng hiện hữu. Phiên điều trần ngày 23/5 của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ chính là phát pháo khởi đầu cho chiến dịch quay trở lại biển Đông, có thể thấy người Mỹ không nói chơi.

Trung Quốc đang lo lắng thực sự khi Mỹ quay trở lại?

Động thái này thể hiện rất rõ trong những phản ứng của bộ Ngoại giao Trung Quốc đối với động thái Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong buổi điều trần hôm 23/5 vừa qua trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thúc giục các nhà lập pháp Mỹ tham gia phê chuẩn Công ước biển Liên Hợp Quốc trước cuối năm nay.

Trung Quốc bất ngờ, lo ngại trước động thái chủ động hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua việc phê chuẩn Công ước biển Liên Hợp Quốc của Nhà Trắng (hình ảnh: Hồng Lỗi - người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc)
Trung Quốc bất ngờ, lo ngại trước động thái chủ động hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua việc phê chuẩn Công ước biển Liên Hợp Quốc của Nhà Trắng (hình ảnh: Hồng Lỗi - người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Bắc Kinh tỏ ra khá bối rối và đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với thay đổi này từ phía Washington. Trong e-mail của Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines gửi phóng viên báo chí nhắc đến phát biểu của Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

“Chúng tôi đã nhận được các báo cáo liên quan và chúng tôi bày tỏ sự lo ngại về điều này”, Hồng Lỗi cho biết, “Theo hiểu biết của chúng tôi, vấn đề biển Nam Trung Hoa (biển Đông), (Trung Quốc) không chấp nhận sự tham gia của ASEAN cũng như các nước không có tranh chấp trên vùng biển này”.

“Trên nền tảng và điều kiện quan trọng tiên quyết đó, phía Trung Quốc đã liên tục cam kết bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực biển Nam Trung Hoa (biển Đông) bằng các phương tiện như đàm phán và ký kết Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) song song với những nỗ lực của chúng tôi theo đuổi giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán trực tiếp (tay đôi) giữa Trung Quốc với các nước liên quan”.

"Đường 9 đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ ra để đòi hỏi cái gọi là chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, một đòi hỏi phi pháp, vô giá trị
"Đường 9 đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ ra để đòi hỏi cái gọi là chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, một đòi hỏi phi pháp, vô giá trị

Từ những động thái trên có thể nhìn thấy rất rõ khía cạnh của một vấn đề. Thứ nhất, Trung Quốc không từ bỏ tham vọng độc chiếm biển Đông và sống chết theo đuổi chiến lược “bẻ từng chiếc đũa”, tìm mọi cách ngăn cản việc đưa tranh chấp ra trọng tài quốc tế.

Thứ 2, Mỹ đang xúc tiến các thủ tục pháp lý (phê chuẩn Công ước biển Liên Hợp Quốc – PV) để đủ cơ sở can thiệp sâu hơn, đủ lý lẽ “nói chuyện phải quấy” với Trung Quốc về biển Đông. Ngoại trưởng Hillary Clinton không phải người thích đùa khi đưa chuyện này ra Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ.

Khía cạnh thứ nhất đã được thể hiện rất rõ trong tất cả các phát ngôn, tuyên bố từ giới quan chức ngoại giao và quốc phòng Trung Quốc, đặc biệt là phát biểu của 2 tướng lĩnh nước này, ông Lương Quang Liệt và ông Mã Hiểu Thiên hôm 28/5 vừa qua.

Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tỏ ra cứng rắn và là người đầu tiên đưa ra một thông tin ỡm ờ về “khả năng sử dụng vũ lực trên biển Đông” thì Phó tổng tham mưu trưởng Mã Hiểu Thiên lại khẳng định giờ chưa phải lúc dùng vũ lực.

Ông Lương Quang Liệt lần đầu tiên lên tiếng "ỡm ờ" về khả năng Trung Quốc dùng vũ lực trên biển Đông, bật đèn xanh cho một loạt các viên tướng dưới quyền ông đánh tiếng về giải pháp quân sự đối với các bên tranh chấp
Ông Lương Quang Liệt lần đầu tiên lên tiếng "ỡm ờ" về khả năng Trung Quốc dùng vũ lực trên biển Đông, bật đèn xanh cho một loạt các viên tướng dưới quyền ông đánh tiếng về giải pháp quân sự đối với các bên tranh chấp

Tuy nhiên cả hai quan chức này đều khăng khăng khẳng định chủ trương giải quyết tranh chấp biển Đông thông qua đàm phán tay đôi và phản đối bất cứ sự can thiệp nào của bên thứ 3, kể cả trọng tài quốc tế.

Cộng với những phát ngôn của bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy, Bắc Kinh thực sự sợ vấn đề biển Đông bị đưa ra công luận và trọng tài quốc tế, Trung Quốc rất sợ sự can thiệp của Mỹ mà chưa có cách nào đối phó ngoài những phát ngôn phản ứng ngoại giao và mặt trận truyền thông cứ “tua đi tua lại” tuồng cũ.

Khía cạnh thứ 2, sự can thiệp của Mỹ đối với vấn đề biển Đông sẽ không chỉ dừng lại ở quan sát và phát đi những thông điệp mang tính cảnh báo đối với Bắc Kinh như những gì đã và đang diễn ra trong thời gian qua.

Thông điệp trong phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton đã khá rõ, điều này như được khẳng định thêm khi liên hệ với với quan điểm “không để Trung Quốc thích làm gì thì làm trên biển Đông” của Thượng nghị sĩ John McCain phát biểu gần đây.

Tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ bất thình lình nổi lên mặt nước cảng Subic gần Scarborough trong những ngày căng thẳng khiến Bắc Kinh nhấp nhổm không yên khi thấy rằng người Mỹ không nói chơi
Tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ bất thình lình nổi lên mặt nước cảng Subic gần Scarborough trong những ngày căng thẳng khiến Bắc Kinh nhấp nhổm không yên khi thấy rằng người Mỹ không nói chơi

Thậm chí ngay cả Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ trong cùng một buổi điều trần đã nói thẳng, Trung Quốc và các nước khác đang nỗ lực khoanh vùng những vùng biển tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp bao gồm biển Đông và các khu vực khác. Như vậy, có thể thấy rằng việc Mỹ quay trở lại biển Đông không phải chuyện “nói cho vui”.

Kịch bản “đánh” và “đàm” của Trung Quốc trên biển Đông, Shangri-la chìa khóa giải nan đề 

Để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông, giới “học giả, quân sư” Trung Quốc đưa ra hai kịch bản: Đánh và đàm, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ kết hợp và phát huy tối đa 2 kịch bản này, như 2 gọng kìm nhằm kẹp chặt biển Đông.

Những "học giả" Trung Quốc đeo hàm thiếu tướng liên tục viết bài tuyên truyền về biển Đông theo quan điểm "diều hâu" như La Viện bị gán và từng nhận (từ trái qua: Kiều Lương, La Viện, Kim Nhất Nam
Những "học giả" Trung Quốc đeo hàm thiếu tướng liên tục viết bài tuyên truyền về biển Đông theo quan điểm "diều hâu" như La Viện bị gán và từng nhận (từ trái qua: Kiều Lương, La Viện, Kim Nhất Nam

Về “đánh”, tức là một giải pháp sử dụng vũ lực trên biển Đông sẽ khó có thể thực hiện trong bối cảnh hiện nay khi công luận quốc tế đã có sự chú ý và quan tâm đặc biệt.

Quan trọng hơn, Mỹ, Nhật Bản đều khẳng định họ có lợi ích, thậm chí là lợi ích cốt lõi ở biển Đông và phải bảo vệ lợi ích đó. Washington và Tokyo với cấp độ khác nhau đã và đang khởi động chương trình bảo vệ lợi ích của họ trên biển Đông.

Ngoài ra, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, và thậm chí mới đây nhất là Nga cũng đã lên tiếng bày tỏ quan điểm đối với tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Trong khi những con mắt đang đổ dồn về đây, Trung Quốc không dễ dàng gì để động binh, đánh đấm.

Kịch bản “đánh” ở đây sẽ được thể hiện tương tự như những gì đã diễn ra trên bãi cạn Scarborough: Cho tàu cá Trung Quốc ra khai thác ở các vùng biển, bãi cạn đang tranh chấp để khai thác, nếu tàu công vụ (Cảnh sát biển, biên phòng…) một nước nào đó xua đuổi thì lập tức điều tàu Ngư chính, Hải giám ra tiếp ứng, xong lực lượng này cắm chốt luôn tại chỗ, chiếm quyền kiểm soát.

Tiếp sau đó sẽ là hàng loạt các động thái củng cố lãnh địa như đặt trạm khí tượng, thậm chí xây dựng các kết cấu quân sự trên đảo nổi, đảo chìm hoặc bãi đá không người ở vừa chiếm đóng.

Lực lượng tàu Hải giám, Ngư chính sẽ đóng vai trò quan trọng như một giải pháp "vũ lực mềm" trong âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc
Lực lượng tàu Hải giám, Ngư chính sẽ đóng vai trò quan trọng như một giải pháp "vũ lực mềm" trong âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc

Tất nhiên một kịch bản “đánh” như vậy diễn ra nhanh hay chậm, mạnh hay yếu phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của các bên liên quan, đồng thời Bắc Kinh cũng phải dò thái độ và phản ứng của Mỹ, Nhật Bản. Có thể coi đây là một thủ đoạn sử dụng “vũ lực mềm”, tức là không dùng quân đội chính quy, mà sử dụng lực lượng tàu công vụ “vũ trang phi quân sự” (Hải giám, Ngư chính) để lấn chiếm dần các đảo, bãi đá, bãi san hô trên biển Đông.

Cục diện tranh chấp biển Đông đang có những diễn biến hết sức mau lẹ, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và thậm chí có thể là cả Hàn Quốc, Australia không chỉ còn đơn giản khoanh tay ngồi nhìn như trước, ở những mức độ khác nhau các nước này đang tham gia ngày càng sâu hơn vào tiến trình giải quyết tranh chấp biển Đông.

Về mặt đàm, Trung Quốc sống chết theo đuổi chủ trương đàm phán tay đôi với từng nước, phản đối bằng mọi giá việc đưa tranh chấp lãnh hải ra trọng tài quốc tế và sự can dự của một bên thứ ba. Đối phó với âm mưu này, các bên tranh chấp đang phải dựa vào 3 kênh đàm phán ngoại giao chủ yếu để ngăn chặn ý đồ bá chiếm biển Đông của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã liên tục lên tiếng đưa vụ tranh chấp Scarborough ra công luận quốc tế
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã liên tục lên tiếng đưa vụ tranh chấp Scarborough ra công luận quốc tế

Một là đơn phương kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hoặc tòa án quốc tế về Luật công ước biển Liên Hợp Quốc. Philippines đang tập trung chuẩn bị cho phương án này, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Hai là thông qua diễn đàn nội khối ASEAN (hội nghị Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, thậm chí là hội nghị thượng đỉnh ASEAN), biến ASEAN thành một khối thống nhất đứng ra đàm phán với Trung Quốc. Tuy nhiên phương án này sẽ khó khả thi hơn, mặc dù về mặt đối ngoại luôn phải nỗ lực hết sức đoàn kết ASEAN thành một khối hợp tác về ý chí và hành động  theo đúng ý nghĩa của nó.

Nguyên do của sự khó khả thi đưa ASEAN làm đại diện đàm phán với Trung Quốc là vì, trong 10 nước thành viên ASEAN chỉ có 4 nước tuyên bố chủ quyền, có tranh chấp với Trung Quốc là Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam mà trọng điểm là Việt Nam và Philippines, các nước còn lại vừa không có quyền lợi trực tiếp tại biển Đông, vừa có quan hệ kinh tế,- thương mại, quốc phòng’– an ninh mật thiết với Trung Quốc.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 tại Camphuchia vừa diễn ra ngày 29/5/2012
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 tại Camphuchia vừa diễn ra ngày 29/5/2012

Nắm được “thóp” này, Bắc Kinh đang ra sức ngăn cản và dường như tác động được đến một số thành viên nội khối ASEAN. Nỗ lực đoàn kết ASEAN thành một khối để đại diện 4 nước đàm phán với Trung Quốc là cần thiết, nhưng khó hiệu quả.

Kết quả của hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 và Trung Quốc hôm 29/5 tại Camphuchia chưa đạt được bất cứ tiến triển thực tế nào về vấn đề biển Đông là một điều đáng quan tâm.

Trong bối cảnh đó, Shangri-la 2012, đối thoại an ninh quốc phòng khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Singapore tổ chức sẽ trở thành chìa khóa hóa giải nước cờ chia để trị của Trung Quốc trên biển Đông. Đơn giản là vì, nếu như trong ASEAN Bắc Kinh có thể can thiệp khiến cho nước chủ nhà như Camphuchia không đưa chương trình bàn bạc một quy tắc ứng xử trên biển Đông có tính ràng buộc hơn vào nội dung nghị sự, nhưng tại Shangri-la, Bắc Kinh không thể làm điều đó với Mỹ bởi Singapore và Australia - hai quốc gia đăng cai sự kiện đối thoại an ninh này không ủng hộ Trung Quốc.

Trong đối thoại Shangri-la 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, ông Robert Gates chủ động đề cập đến vấn đề biển Đông, lợi ích của Mỹ cũng như sự hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương
Trong đối thoại Shangri-la 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, ông Robert Gates chủ động đề cập đến vấn đề biển Đông, lợi ích của Mỹ cũng như sự hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương

Thậm chí, trong các nội dung đối thoại này, bản thân các nước thành viên chưa đặt vấn đề thì Mỹ đã đưa vấn đề biển Đông lên bàn hội nghị, không phải họ sốt sắng lo cho đồng minh, mà Mỹ, Nhật Bản và các bên liên quan (Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia…) có lợi ích của họ tại khu vực này, họ cần bảo vệ.

Những bên thứ 3 này có chung quan điểm giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đối thoại hòa bình, đàm phán đa phương và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước biển Liên Hợp Quốc.

Điều này cho thấy việc công khai hóa thông tin tranh chấp chủ quyền biển Đông, kêu gọi công luận cộng đồng quốc tế quan tâm và bày tỏ chính kiến về những diễn biến đang xảy ra hàng ngày ở khu vực này đang tỏ ra là một biện pháp lợi hại chống lại âm mưu độc chiếm biển Đông cũng như hạn chế tối đa khả năng Trung Quốc liều lĩnh lấn tới giống như những gì đã và đang xảy ra trên bãi Scarborough đối với Philippines.

Có thể coi đây là một cơ hội thuận lợi cho các bên có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến không cân sức với Trung Quốc cả trên mặt trận ngoại giao – truyền thông lẫn hoạt động trên thực địa. Trung Quốc chí ít sẽ không thể liều lĩnh, thích làm gì thì làm trên biển Đông cũng như trong ứng xử với các bên tranh chấp.

* Những ý kiến, tuyên bố, phân tích, nhìn nhận của các quan chức, chuyên gia, dư luận quốc tế trước, trong và sau khi diễn ra Diễn đàn đối thoại an ninh Sangri-La 2012 (từ 1 - 3/6/2012) sẽ được báo GDVN tiếp tục truyền tải đến bạn đọc.
Hồng Thủy