Siêu bão Hải Yến - Người miền Trung chịu nhiều cực khổ

10/11/2013 14:43
Đỗ Tuyết (tổng hợp)
(GDVN) - Siêu bão Hải Yến đang đi dọc biển miền Trung từ tối qua đến sáng nay 10.11, chưa biết khi nào "cô nàng" chịu vào bờ, vào đâu và với ''thái độ nào''? Nhưng với những gì xảy ra, một lần nữa người miền Trung lại căng mình chống chọi với thiên tai như bao đời nay.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 14, hiện tại các tỉnh Miền Trung đang phải chịu thiệt hại rất nặng nề. Dẫn lời trên tờ Thanh Niên cho biết chỉ 2 tháng, miền Trung đã lọt vào “tầm ngắm” của 4 cơn bão lớn nhỏ: bão số 8, số 10, số 11 và bây giờ là 14 (bão Hải Yến). Có cơn nhắm thẳng, có cơn chếch đi chút ít nhưng chúng đã thực sự đe dọa đến thần kinh của con người nơi đây.

Tại những xã miền biển của 2 huyện Hải Lăng và Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) mà phóng viên đi qua trong ngày 9.11, chỉ toàn những gương mặt buồn bã lo lắng. Dù thế, cuối cùng họ cũng phải gồng mình để chống bão, chạy bão, hay ngồi đan tay vào nhau chờ đợi đương đầu với… Hải Yến. 

Trước siêu bão, trước hiểm nguy, người ta thường kiếm tìm người thân, để đồng hành để vững tin. Dù là ai đi nữa chắc cũng sẽ vững tâm khi luôn có máu mủ kề cận bên mình. Vậy mới hiểu cái xót xa, cô đơn của những người mệ, người o miền Trung lẻ loi trước bão.

Trước bão, những nụ cười đã tắt và thay vào đó là muôn nỗi lo âu. Ảnh Thanh Niên
Trước bão, những nụ cười đã tắt và thay vào đó là muôn nỗi lo âu. Ảnh Thanh Niên
Bà Nguyễn Thị Lài (thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, H.Hải Lăng) là một trong số đó. Chiều 9.11, bà Lài đến trú bão tại Đồn biên phòng Mỹ Thủy khá muộn, 2 tay nắm chặt 2 cháu nhỏ vừa đi vừa khóc. Gặng hỏi mãi, bà mới vỡ òa: “Mấy đứa con đi hái cà phê trên Hướng Hóa không về kịp, chỉ có mình tôi ở nhà với 2 cháu. Vừa sợ vừa lo. Đưa các cháu lên đây nhưng không biết ba mạ hắn trên tê ra răng”.
Có đến những nơi tránh trú bão của người dân xã Hải Khê, Hải An (H.Hải Lăng) và Triệu Lăng (H.Triệu Phong) hay bất kể nơi nào trên dải đất cong uốn lượn này mới thấm điều đó.
Để đến được nơi an toàn, có những cụ già yếu đến nỗi phải nhờ con cháu đưa đi bằng xe công nông, khiêng cáng đủ kiểu. Ở đó có không hiếm những cụ già tóc trắng, da mồi nhưng cũng không ít cháu nhỏ chỉ vài tháng tuổi.
Nhưng, có điều rằng, trong những lúc khốn đốn như buổi chiều trước siêu bão Hải Yến, hay hàng chục cơn bão đã đổ lên mảnh đất này mới thấy tình người ấm lại.Những tính toán chi li, những bon chen thường nhật nhường chỗ cho tấm lòng quảng đại, yêu thương. Ví như nhà chị Đoàn Thị Thương (55 tuổi, thôn 2, xã Triệu Lăng), dù chỉ rộng vài chục m2 nhưng cứ mỗi trận bão đến, gia đình lại đón chừng 20 người dân quanh xóm về trú ngụ. Trong số này có cả 2 em nhỏ bị tàn tật nặng, chỉ có thể nằm một chỗ tiểu tiện, đại tiện.
“Nhà chật nhưng tính tôi không chật. Hàng xóm họ chỉ đến ở nhiều nhất là một ngày một đêm thôi chứ có ở đời ở kiếp đâu mà khó khăn. Trước đây khi nhà chưa xây kiên cố, gia đình tôi cũng phải đi chạy bão đó thôi”, chị Thương nói.

Đâu có người dân phải “tự bơi” trước bão. Vạt áo xanh của bộ đội tràn ngập trên những miền biển miền Trung như nói lên tất cả. Giữa những cơn bão mạnh khủng khiếp đến đâu đi nữa thì vẫn còn đó là đất nước, đồng bào.
Trước, trong và sau bão, người dân cần bàn tay của người lính xiết bao. Ảnh: Thanh Niên
Trước, trong và sau bão, người dân cần bàn tay của người lính xiết bao. Ảnh: Thanh Niên
Cái cực khổ, nghèo khó của người dân miền Trung với thiên tai, với bão lũ e sẽ còn dài như lịch sử. Lẽ đời “trời kêu ai nấy dạ”, có muốn ta cũng chẳng thể “vặn” hướng những cơn bão đi chỗ khác. Nhưng cứ mỗi khi sinh tử, nguy nan nhất, cũng là lúc hàng triệu triệu tấm lòng hướng về đấy, về miền Trung khúc ruột, cho yêu thương, san sẻ để nguôi ngoai bội phần cực khổ và niềm tin trường tồn!
Đứng trước tình trạng này, dẫn lời trên tờ tuổi trẻ sáng 10-11, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã họp ban chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó với bão Haiyan cũng như đề phòng lũ lụt do ảnh hưởng hoàn lưu bão.
Ông Phúc cho biết do bão không đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào nên từ 12g hôm nay 10-11, các địa phương chủ động cho người dân đi tránh bão trở về nhà, mọi hoạt động trở lại bình thường.
Riêng ở hai đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Lý Sơn (Quảng Ngãi), chính quyền phải buộc người người dân tạm thời trú ẩn tại chỗ cho đến khi gió giảm mới được về nhà.
Theo ông Phúc, do số lượng dân di dời đi tránh bão hơn nửa triệu người nên khi di chuyển dân trở về phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Các lực lượng vũ trang, thanh niên… phải giúp đưa trẻ em, người già yếu, neo đơn về nơi an toàn tránh xảy ra thiệt hại về người.

Dân Hội An đi tránh bão khăn gói trở về nhà

Theo tờ báo này 7g30 sáng  ngày 10-11, ông Nguyễn Văn Dũng, phó chủ tịch UBND TP Hội An, Trưởng Ban chỉ huy PCLB thành phố, cho biết vừa ra thông báo cho các xã, phường trên toàn địa bàn thành phố triển khai công tác đưa người dân ở các điểm tránh bão trở về nhà.Theo đó, 5.426 hộ với hơn 22.000 người dân sẽ rời các khu lánh nạn quay trở về nhà sau một đêm bỏ nhà đi tránh bão.
Trước đó, khi nghe báo đài dự báo bão sẽ di chuyển chệch ra phía Bắc, nhiều bà con từ tờ mờ sáng đã khăn gói cuốc bộ hoặc thuê xe trở về nhà.

Quảng Nam: Hơn 6.000 người dân đã về nhà

Sáng 10-11, ông Nguyễn Trường Sơn, Chánh văn phòng UBND TP Tam Kỳ, Quảng Nam, cho biết hơn 6.000 người dân của TP Tam Kỳ được đưa đến các điểm tránh bão tập trung đã về nhà an toàn.

Người dân TP Tam Kỳ đợi xe đến chở về nhà - Ảnh: Tuổi Trẻ
Người dân TP Tam Kỳ đợi xe đến chở về nhà - Ảnh: Tuổi Trẻ
Đúng 9g sáng nay, UBND TP đã đưa 6 xe buýt đến 8 địa điểm như Trường ĐH Quảng Nam, Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam, Đồn biên phòng tỉnh Quảng Nam, Cao đẳng Phương Đông… để đưa người dân về lại nhà.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, hiện tại hơn 21.000 người dân của TP Tam Kỳ ở các điểm tập trung và các điểm ở UBND các xã, trạm y tế, trường học đã được đưa về nhà. Sáng nay, UBND TP cũng đã hỗ trợ hơn 6.000 gói mì tôm, nước uống để cho bà con ăn sáng.

13/44 hồ chứa hồ đã đầy và qua tràn

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Trung tâm phòng chống lụt bão trung ương hiện các hồ chứa trong khu vực đang vận hành bình thường, dung tích hồ các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam phổ biến đạt khoảng 85% so với thiết kế; các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận đang tích nước từ 50-60% so với thiết kế.
Hiện có 13/44 hồ chứa hồ đã đầy và qua tràn như: Tiên Lang, Vực Nồi, Minh Cầm (Quảng Bình); Nghĩa Hy (Quảng Trị); Hòa Mỹ (TT.Huế); Hòa Trung (Đà Nẵng); Khe Tân, Thạch Bàn, Phước Hà, Hố Giang (Q.Nam), Suối Trầu (Khánh Hòa), hồ Tân Giang (Ninh Thuận).
Hồ chứa vừa và lớn các tỉnh Tây Nguyên (từ Kon Tum đến Đắk Nông): các hồ đang vận hành bình thường. Dung tích hồ đang ở mức cao, nhiều hồ đã đầy nước. Hiện có 06/15 hồ lớn đã đầy và qua tràn như: Đăk Uy (Kon Tum); Biển Hồ, Ayun Hạ, Ia Ring (Gia Lai); Buôn Yong, Ea Kao (Đăk Lăk); Đăk Săk (Đăk Nông).
Riêng hồ thủy điện, các hồ thủy điện lớn trong khu vực đang hoạt động bình thường. Tính đến 6g sáng 10-11 đã có 17 hồ thủy điện xả tràn, trong đó có 6 hồ xả tràn với lưu lượng lớn hơn 300m3/s; cụ thể: Thủy điện Bình Điền: 453m3/s; PleiKrông: 307m3/s,; Yaly: 402m3/s, Sê San 3: 603m3/s; Sê San 4: 448m3/s; Sê San 4A: 547m3/s.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công thủy phải chỉ đạo quyết liệt việc xả lũ chặt chẽ và đúng qui trình của các hồ thủy điện. Việc vận hành xả lũ phải báo cáo chi tiết với chính quyền địa phương để người dân kịp thời chủ động phòng tránh khi mưa lớn gây ngập cộng với xả lũ của thủy điện./.
Đỗ Tuyết (tổng hợp)