Sống với... tử thi

16/05/2011 01:38
Họ là những nhân viên nhà đại thể (nhà xác). Đằng sau vẻ u ám của nghề đặc biệt mà họ đang làm là những câu chuyện cảm động về tình người, về cuộc sống.
Họ là những nhân viên nhà đại thể (nhà xác). Đằng sau vẻ u ám của nghề đặc biệt mà họ đang làm là những câu chuyện cảm động về tình người, về cuộc sống.
{iarelatednews articleid='1799,1617,1597,1415,945,671,2194'}
Khi tôi đề nghị vào thăm nơi làm việc, anh Khương Văn Phúc, nhân viên nhà đại thể của Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, nghĩ ngợi một lúc rồi hỏi: “Không sợ à?”. “Thế anh ở đó suốt ngày đêm có sợ không?”. Người đàn ông trạc tứ tuần có khuôn mặt phúc hậu bật cười: “Không, vì mình giúp người ta nên người ta “lành” với mình lắm”.
Theo bác sĩ Nguyễn Đát Lý, Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh, đơn vị quản lý nhà đại thể của BV Cấp cứu Trưng Vương, công việc của nhân viên nhà đại thể là chăm sóc chu đáo, vẹn toàn cho các thi thể. Hai chữ “đại thể” chỉ toàn bộ cơ thể, vốn được dùng để phân biệt với “vi thể”, tức các bộ phận nhỏ, lẻ trong “đại thể”.
Ngôi nhà buồn
Anh Phúc dẫn tôi đi qua nhiều dãy hành lang, các hẻm nhỏ và một khoảng sân mới tới cánh cổng sắt của khu nhà đại thể. Cũng như tại nhiều BV khác, nhà đại thể ở đây nằm biệt lập so với các khu vực khác, ít ai lui tới.
Sau khi thay trang phục bảo hộ, anh mở cánh cửa sắt dẫn vào những gian phòng nơi thi hài được lưu giữ, xử lý. Sàn nhà và các vật dụng sạch bóng nhưng mùi tử khí vẫn váng vất, pha trộn với mùi thuốc sát trùng. Do yêu cầu lưu giữ thi hài, “ngôi nhà buồn” luôn chìm trong không khí lành lạnh, âm u với những vật dụng toàn bằng kim loại, người bên ngoài bước vào khó tránh cảm giác rờn rợn. Vậy mà anh Phúc đã làm việc ở đây gần tròn 20 năm.
Chỉ vào 2 dãy tủ inox đang phả ra hơi lạnh ở căn phòng phía phải, anh Phúc cho biết: “Đây là những hộc lưu giữ thi thể, hiện có vài thi thể bên trong. Công việc của chúng tôi là nhận họ về từ các khoa, xử lý theo quy trình, hỗ trợ mổ pháp y…”. Ngay lối vào là một chiếc xe có hình dạng như quan tài dùng để chuyển xác. Tại căn phòng phía trái, nơi nặng mùi tử khí nhất, được dành cho pháp y, có đặt một chiếc giường inox dùng để giải phẫu tử thi.
Anh Nguyễn Văn Vũ Liên, nhân viên nhà đại thể của BV Cấp cứu Trưng Vương, cho biết: “Chúng tôi còn có nhiệm vụ canh giữ các thi thể không bị đưa ra ngoài trái phép, bảo đảm các quy tắc về an toàn, vệ sinh môi trường khi người nhà đưa về mai táng”. Lúc mới vào nghề, anh Liên và các đồng nghiệp cũng từng sợ run. “Đêm đầu trực một mình, cứ như có tiếng bước chân người quanh đây, tôi sợ quá chạy ra ngoài ngồi gần hết đêm” - anh Liên kể.
Để người ra đi ấm lòng
Ở một BV đa khoa như BV Nhân dân Gia Định, rất dễ gặp những bệnh nhân bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động… quá nặng không thể cứu chữa. Thi thể họ được chuyển vào nhà đại thể có khi không còn toàn vẹn, nhiều khi người nhà cũng không dám nhìn, phải quay mặt đi. Vậy mà những nhân viên ở đây đã bao lần tự tay ráp nối, tạo hình những phần thân thể đã mất cho người xấu số.
Anh Nguyễn Văn Vũ Liên (Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương) dùng băng ca  inox chuẩn bị chuyển xác vào ngăn lạnh
Anh Nguyễn Văn Vũ Liên (Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương) dùng băng
ca inox chuẩn bị chuyển xác vào ngăn lạnh
“Người Á Đông có quan niệm khi chết đi, cơ thể cần phải toàn vẹn. Đó cũng là điều tôi luôn cố gắng làm, nhất là khi nhận vào những thi thể bị biến dạng do tai nạn” - anh Khương Văn Phúc tâm sự. Tấm lòng và đường kim mũi chỉ của anh đã nhiều lần giúp những người vợ góa, con côi vơi bớt phần nào nỗi đau mất chồng, mất cha.
Cách đây không lâu, anh Phúc nhận một người đã chết, hộp sọ bị biến dạng sau một vụ tai nạn giao thông. Anh nhờ người nhà nạn nhân mua ít bông gòn, vài cuộn băng thun… rồi tỉ mẩn độn, khâu, băng bó, tạo hình lại hộp sọ, sau đó đội cho người thiệt mạng chiếc mũ vải. Thế là mẹ và vợ của người đàn ông ấy đã có thể đưa con, chồng mình ra đi vẹn nguyên. Đôi lần, anh cùng các đồng nghiệp khâu lại đôi chân bị đứt lìa vì tai nạn đường sắt cho một người đàn ông đã chết…
Anh Phúc nói: “Có khi vết mổ pháp y chưa được đẹp, tôi phải chỉnh lại. Mấy tiểu tiết đó, mình không làm cũng không ai biết, không ai trách nhưng đã theo nghề thì phải hết lòng. Tôi chỉ mong cha mẹ, vợ chồng, con cái họ nhìn thấy người thân của mình ra đi nhẹ nhàng như đang ngủ”.
Anh Đào Quốc Bảo, nhân viên nhà đại thể của BV Phạm Ngọc Thạch, cho biết: “Trước khi liệm, bao giờ chúng tôi cũng vệ sinh kỹ càng cho người đã khuất, thay bộ quần áo sạch sẽ mà người nhà mang tới. Dù ở đây đa phần là người qua đời vì lao, AIDS, các bệnh lây nhiễm… nhưng tôi biết chỉ cần mình làm đúng quy trình là sẽ an toàn. Nếu mình ngại mà làm sơ sài thì thật có lỗi với người đã khuất…”.
Theo Anh Thư/NLĐ